Gỡ khó cho người dân mua vườn chuối ở Lào

Sỹ Hoàng |

Trước việc hàng trăm hộ dân ở các xã Tân Long, Tân Thành, Thuận, Thanh và thị trấn Lao Bảo mua vườn chuối để chăm sóc, thu hoạch ở Lào lâm vào cảnh mất trắng số tiền đầu tư do COVID-19, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chủ động tìm nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho những người dân tại các địa phương nêu trên.

Mất vốn đầu tư

Anh Nguyễn Văn Năm ở thôn Yên Thuận, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa cho biết, từ năm 2016 - 2019, gia đình anh mua hơn 4.000 bụi chuối (bình quân mỗi bụi chuối có giá khoảng 150 nghìn đồng) với giá gần 600 triệu đồng tại huyện Sê Pôn (Lào) để chăm sóc, thu hoạch. Gia đình anh mua vườn chuối của các chủ đất ở huyện Sê Pôn với thỏa thuận 10 năm (khoảng năm 2026 mới hết thời gian thỏa thuận).

Tuy nhiên, 3 năm qua do COVID-19 bùng phát, biên giới đóng cửa để phòng, chống dịch, nên gia đình anh không thể sang Lào chăm sóc, thu hoạch chuối. Khi cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Densavanh (Lào) thông thương trở lại, anh sang huyện Sê Pôn để tiếp tục chăm sóc, thu hoạch chuối thì mới “té ngửa” vì 2.500 bụi chuối của gia đình anh đã không còn.

Hơn 4.000 bụi chuối ở huyện Sê Pôn (Lào) của anh Nguyễn Văn Năm ở thôn Yên Thuận giờ chỉ còn khoảng 1.500 bụi chuối đang bị hư hại - Ảnh: N.N
Hơn 4.000 bụi chuối ở huyện Sê Pôn (Lào) của anh Nguyễn Văn Năm ở thôn Yên Thuận giờ chỉ còn khoảng 1.500 bụi chuối đang bị hư hại - Ảnh: N.N

Nguyên nhân là bởi các chủ đất ở Lào do không thấy gia đình anh sang chăm sóc, thu hoạch chuối trong thời gian dài nên đã cày xới đất trồng chuối để trồng cây khác; còn lại khoảng 1.500 bụi chuối thì bị trâu, bò phá tan hoang hoặc ngã đổ do không được chăm sóc… “Gia đình tôi còn lại khoảng 1.500 bụi chuối trên đất Lào, nhưng hiện tại cũng không có nguồn vốn để tiếp tục tái đầu tư cải tạo vườn chuối để có thu hoạch trong thời gian tới. Khoản nợ vay ngân hàng khoảng 500 triệu đồng đến bây giờ gia đình tôi cũng phải xoay chạy đủ cách để trả dần”.

Chủ tịch UBND xã Tân Long Võ Văn Cương cho biết, xã có khoảng 241 hộ dân ở các thôn Long Thành, Long Hợp, Long An, Long Quy, Yên Thuận, Long Giang, Long Phụng, Xi Núc, Làng Vây sang Lào mua vườn chuối trên diện tích khoảng 1.257 ha để chăm sóc, thu hoạch. Từ năm 2020 đến nay, những hộ dân nêu trên mỗi năm bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng vì không thể sang Lào để chăm sóc, thu hoạch chuối do ảnh hưởng của COVID-19. Nhiều hộ dân đã vay vốn ngân hàng từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư mua vườn chuối.

Một số hộ dân đầu tư mua vườn chuối vài năm trước khi xảy ra COVID-19 thì còn vớt vát được chút vốn liếng. Còn những người mua từ năm 2019 trở đi thì xem như mất trắng, khó thu hồi được nguồn vốn đã đầu tư. Ngoài ra, có khoảng 150 lao động làm dịch vụ thu gom, bốc vác, buôn bán chuối tại khu vực chợ Tân Long cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới do ảnh hưởng COVID-19, việc đi lại làm ăn qua biên giới bị ngưng trệ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Hướng Hóa gồm các xã như Tân Long, Tân Thành, Thuận, Thanh, thị trấn Lao Bảo có hơn 1.030 hộ dân mua vườn chuối ở Lào để chăm sóc, thu hoạch hiện đang lâm vào cảnh mất vốn đầu tư do ảnh hưởng của COVID-19.

Tìm giải pháp gỡ khó

Đến thăm trang trại chăn nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Lê Trọng Dương ở thôn Xi Núc, xã Tân Long, chúng tôi được biết, gia đình anh Dương hiện đang xây dựng trang trại trên diện tích 10 ha đất trồng chuối. Anh Dương cũng là một trong số các hộ dân ở xã Tân Long mua vườn chuối ở Lào để chăm sóc, thu hoạch.

Anh Dương cho biết, từ khi COVID-19 bùng phát, chuối xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, giá chuối quả thu mua thấp, nên anh quyết định chuyển hướng xây dựng trang trại chăn nuôi bò vỗ béo với quy mô 1 ha để nuôi 200 con bò. Trên diện tích đất 9 ha còn lại, anh trồng cỏ, bắp và chuối cho bò ăn. Chăn nuôi bò vỗ béo hiệu quả kinh tế cao hơn trồng chuối. Theo tính toán của anh Dương, việc trồng cỏ nuôi bò cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm/ha…

Ông Võ Văn Cương cho biết thêm, để từng bước tháo gỡ khó khăn cho người trồng chuối nói chung và những người mua vườn chuối ở Lào nói riêng, chính quyền địa phương đã vận động người dân phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con để giảm thiểu tác động biến động thị trường; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trước thời điểm COVID-19 bùng phát, xã Tân Long có 28 trang trại và gia trại chăn nuôi thì đến nay, toàn xã có 392 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 128 trang trại, gia trại nuôi trâu, bò; 249 trang trại, gia trại nuôi lợn; 15 trại nuôi gia cầm. Riêng việc chăn nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, bình quân thời gian 3 tháng nuôi bò vỗ béo bán ra trừ chi phí lãi ròng 1 triệu đồng/con.

Trên địa bàn xã Tân Long hiện có 3 trang trại lớn quy mô đàn trên 100 con. Mỗi năm, một trang trại quy mô trên 100 con có thể lãi từ 300 - 400 triệu đồng từ nuôi bò vỗ béo; giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Với những hộ gia đình nuôi bò vỗ béo quy mô từ 10 - 20 con không phải thuê người làm thì lợi nhuận từ chăn nuôi bò vỗ béo còn cao hơn. Các trang trại, gia trại chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò vỗ béo trên địa bàn xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Định hướng trong thời gian tới, xã Tân Long sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho người dân về vốn, kỹ thuật để mở rộng quy mô trang trại, gia trại chăn nuôi hiệu quả; đồng thời duy trì diện tích trồng chuối trên địa bàn để tiếp tục sản xuất sau COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, vừa qua huyện đã làm việc và chỉ đạo các xã, thị trấn có người dân mua vườn chuối ở Lào để chăm sóc, thu hoạch tiến hành vận động, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng, phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao trên diện tích đất hiện có của địa phương để từng bước ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, huyện Hướng Hóa cũng đã thực hiện việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người dân. Thực tế thời gian gần đây, có nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con; xây dựng và phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chuối tiêu hồng bén đất A Ngo

Phan Việt Toàn |

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” tại xã A Ngo, huyện Đakrông. Đây là đề tài khoa học công nghệ (KHCN) cấp cơ sở được Sở KH&CN phê duyệt.

Chuối Tân Long cần được trồng thâm canh

Mai Lâm |

Dù giá chuối tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 trên thị trường rất cao nhưng người dân xã Tân Long - “thủ phủ” chuối mật mốc của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn thất thu vì sản lượng, chất lượng chuối phục vụ tết giảm sút nghiêm trọng. Cây chuối đã phát triển hàng chục năm và trở thành cây trồng chủ lực của địa phương nhưng đến nay loại cây trồng này vẫn sống dựa vào điều kiện tự nhiên, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Đakrông: Chuối lùn bản địa mang lại thu nhập đến 85 triệu đồng/ha/năm

Ngọc Trang |

Giống chuối lùn bản địa rất phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của các địa phương nói trên. Sau khoảng 12 – 14 tháng trồng, chăm sóc thì chuối cho thu hoạch và duy trì ổn định từ 3 – 4 năm. Với chi phí đầu tư khoảng 60 – 80 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lợi nhuận mang lại từ 80 – 85 triệu đồng/ha/năm.

Cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông

Kăn Sương |

Trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị) hiện có khoảng trên 50 ha chuối lùn bản địa, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho người dân địa phương. Loại chuối này khi chín thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng và có vị đặc trưng nên ngoài các thương lái thu mua về bán lại, một số cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thu mua để tạo ra các sản phẩm sạch như chuối sấy dẻo, sấy lạnh, kẹo chuối…Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, người dân chủ yếu bán cho thương lái ngoài địa phương đến thu mua nên đầu ra không ổn định, thường bị ép giá.