Dù chăm chỉ lao động nhưng thời gian qua, cuộc sống của nhiều người dân huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) vẫn quẩn quanh trong khó nghèo. Với quyết tâm vươn lên, cùng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, bà con đã mở lối cho chính mình bằng cách thay đổi thói quen, phương thức trồng trọt cũ và thử nghiệm những giống cây mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Gần đây, sâm Bố Chính là loài cây được nông dân xã Triệu Nguyên nhắc đến nhiều nhất trong những cuộc trò chuyện. Nhiều người tin tưởng loại cây dược liệu này có thể trở thành “lời giải” cho bài toán thoát nghèo. Theo trí nhớ của người dân xã Triệu Nguyên, năm 2019, từ nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã đầu tư trồng thử nghiệm 2 ha cây sâm Bố Chính.
Sau khoảng 6 tháng trồng, chăm sóc, cây đã cho thu hoạch với năng suất đạt 20 tạ/ha. Điều khiến cán bộ, người dân địa phương vui mừng nhất là sản phẩm từ sự miệt mài chăm trồng của bà con được thu mua tại chỗ với giá 150 - 200 ngàn đồng/kg. So với các loại cây truyền thống ở địa phương, sâm Bố Chính mang lại nguồn thu cao gấp 2,5 - 3 lần.
Cạnh xã Triệu Nguyên, bà con xã Mò Ó cũng đã tìm thấy một trong những “chìa khóa” thoát nghèo. Nằm gần sông Đakrông quanh năm phù sa bồi đắp, xã Mò Ó có đất đai màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn nên một thời, người dân chưa mạnh dạn đưa vào trồng những giống cây mới. Chính nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất hằng năm đã tiếp thêm sự tự tin cho bà con địa phương.
Khởi đầu với mô hình tập trung, nhận thấy tín hiệu khả quan, nhiều hộ dân xã Mò Ó bắt đầu trồng dưa hấu trong ruộng, vườn nhà. Theo ước tính, cây dưa hấu ở xã Mò Ó cho năng suất từ 33 - 35 tạ/ha. Mỗi héc ta mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Trước kết quả đáng mừng ấy, UBND xã Mò Ó đã phối hợp với các ngành liên quan quy hoạch vùng trồng; khảo sát xây dựng chứng nhận vùng trồng an toàn sinh học; đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây dưa hấu...
“Chúng tôi sẽ nỗ lực đưa dưa hấu trở thành sản phẩm OCOP của huyện trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND xã Mò Ó Hồ Văn Do khẳng định. So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Đakrông còn gặp nhiều khó khăn. Một thời, người dân địa phương chủ yếu chỉ chuyên tâm trồng rừng và những loại cây mang tính truyền thống như lúa, ngô, khoai, sắn…
Lý do khiến bà con không dám thử nghiệm các cây trồng mới vì điều kiện kinh tế không đảm bảo. Họ chưa đủ mạnh dạn vay vốn ngân hàng vì lo không “gánh” nổi tiền lãi. Mặt khác, một số người cho rằng các cây trồng mới khó phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của vùng. Vì thế, những cây trồng truyền thống chính là “giải pháp an toàn” đối với bà con. Tuy nhiên, giải pháp được cho là “an toàn” ấy lại không mang hiệu quả vì bà con vẫn áp dụng tập quán trồng trọt cũ, theo kiểu… nhờ trời.
Không muốn cuộc sống người dân mãi quẩn quanh trong khó nghèo, các cấp, ngành liên quan của huyện Đakrông đã tích cực vào cuộc. Các cán bộ tâm huyết tập trung tuyên truyền, vận động bà con thay đổi quan niệm, phương thức sản xuất cũ, lạc hậu. Nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ra đời.
Từ các bản làng, người dân Đakrông được tạo điều kiện đi tham quan, học tập ở nhiều nơi. Đặc biệt, việc tìm nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nhận được sự quan tâm lớn. Cán bộ huyện, xã, đơn vị liên quan nỗ lực giúp người dân tiếp cận những nguồn vốn vay có lãi suất thấp.
Cũng từ đây, những “nút thắt” trong suy nghĩ của người dân huyện Đakrông dần được gỡ. Qua các mô hình thí điểm tập trung ban đầu, ngày càng nhiều người dân làm quen với các loại cây trồng mới. Thấy tín hiệu khả quan, bà con nhanh chóng nhân rộng cho gia đình mình. Theo ghi nhận, hiện nay, nhiều loại cây mới đã được trồng, phát triển tốt trên mảnh đất Đakrông như: sâm Bố Chính, đậu đen xanh lòng, dưa hấu, ba kích, mây nước… Phần lớn các loại cây trồng này đều cho năng suất, chất lượng cao. Từ đây, thu nhập của người dân được cải thiện.
Sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân huyện Đakrông còn biểu hiện sinh động thông qua việc bà con mạnh dạn khôi phục, phát triển những giống cây bản địa có chất lượng. Tại xã Tà Rụt và A Ngo, hiện nay, mô hình trồng chuối lùn bản địa đã và đang được người dân triển khai có hiệu quả.
Trước đó, từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, người dân ở hai xã triển khai mô hình theo hướng thâm canh, áp dụng phương thức sản xuất mới, tiến bộ. Điều khiến ai cũng mừng là cây chuối phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Năng suất bình quân của mô hình đạt 20 tấn/ha, mang lại lợi nhuận 80 triệu đồng/vụ/ha.
Được biết, hiện nay, lãnh đạo xã Tà Rụt và A Ngo đang vận động người dân mở rộng diện tích trồng chuối lùn bản địa theo hướng thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mục tiêu mà địa phương đưa ra là phấn đấu đến năm 2025, sản phẩm chuối lùn bản địa trở thành sản phẩm OCOP của huyện.
Cũng như chuối bản địa, lúa nếp than là một cây trồng không mới đối với người dân huyện Đakrông. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có thời điểm, diện tích nếp than giảm mạnh. Trước tình hình ấy, năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, cán bộ, người dân xã Tà Long đã xây dựng mô hình trồng lúa nếp than trên chân ruộng cao thiếu nước vụ hè thu.
Ngay vụ đầu tiên, mô hình đã khẳng định được tính hiệu quả, sớm được người dân xã Tà Long và bà con vùng lân cận nhân rộng. Trong vụ hè thu năm 2021, bà con ở xã A Ngo đã học hỏi, triển khai thí điểm mô hình này, cho năng suất 40 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại cho người dân khoảng 100 - 120 triệu đồng/ ha. Hiện nay, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG, mô hình trồng lúa nếp than tiếp tục được đầu tư, nhân rộng ở các xã, thị trấn ở huyện Đakrông theo hướng thâm canh, tăng năng suất.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đakrông Trần Đình Bắc, bước đầu, việc thử nghiệm các loại cây trồng mới và “nâng tầm” giống cây bản địa đã mang lại nhiều tín hiệu đáng mừng. Được mở lối, bà con tin tưởng hơn vào con đường phía trước, thêm nêu cao quyết tâm lao động, sản xuất.
“Hiện nay, huyện Đakrông đã có 5 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Các sản phẩm này đều kết tinh từ những giọt mồ hôi gieo trồng của bà con nông dân. Thời gian tới, các cấp, ngành liên quan của huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thử nghiệm những cây trồng mới và “nâng tầm” giống cây bản địa để tạo ra thêm nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng”, ông Bắc cho biết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)