Hướng Hóa (Quảng Trị) là huyện miền núi biên giới có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu thuận lợi phát triển các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, sắn, chuối, cao su…
Thời gian qua, bằng nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các cây trồng chủ lực của huyện đã từng bước vươn ra cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa.
Nông nghiệp là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến thu nhập, đời sống và giảm nghèo bền vững của đại bộ phận Nhân dân các dân tộc huyện Hướng Hóa. Theo đó, để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, địa phương xác định phát triển các loại cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Trong giai đoạn từ năm 2016- 2022, từ nguồn vốn các chương trình, dự án, doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai hơn 20 mô hình nông - lâm nghiệp - thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân nhân rộng như: mô hình tái canh cây cà phê bằng phương pháp thâm canh trồng mới; mô hình thâm canh cây sắn, trồng xen các cây họ đậu với cây sắn để tăng thu nhập và cải tạo đất; mô hình trồng và chăm sóc cây chuối mật mốc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm…
Song song với việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng trên địa bàn, huyện triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh như: chính sách hỗ trợ phát triển cây cà phê theo hướng đặc sản, hữu cơ kết hợp trồng xen cây ăn quả; chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả; chính sách hỗ trợ nuôi bò chuyên thịt thâm canh, hỗ trợ trồng cỏ nuôi bò.
Từ chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh và các chương trình, dự án về cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Hướng Hóa đã đẩy mạnh sản xuất, duy trì ổn định diện tích các loại cây trồng chủ lực gồm: cây cà phê 3.938 ha; cây sắn 5.377 ha; cao su 1.090 ha; cây ăn quả 4.040 ha, trong đó cây chuối 3.152 ha; cây hồ tiêu 233 ha; lúa nước phục hồi sau thiên tai 1.539 ha.
Cây cà phê trên địa bàn huyện là loại cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, sau nhiều năm khai thác có gần một nửa diện tích đã già cỗi, năng suất thấp. Thực hiện đề án tái canh cây cà phê, từ năm 2017 đén nay toàn huyện đã tái canh được hơn 600 ha cây cà phê, đạt 75% kế hoạch; vườn cà phê tái canh cho năng suất cao hơn vườn cà phê cũ 1,2-1,5 lần, chất lượng cà phê cũng tăng lên. Hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đang liên kết với nông dân để phát triển cà phê theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản với diện tích 160 ha tại xã Hướng Phùng.
Bên cạnh đó, huyện Hướng Hóa triển khai thực hiện thí điểm các cây trồng mới như chanh leo, mắc ca, cà gai leo, sa nhân tím. Cây chanh leo đã phát triển hơn 100 ha được xác định là cây trồng chủ lực của một số địa phương như Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Hướng Lộc. Cây mắc ca đến nay đã trồng được hơn 530 ha, đang đánh giá hiệu quả kinh tế, sự phù hợp để triển khai nhân rộng làm cây che bóng cho cây cà phê và chắn gió…
Việc định hướng phát triển cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản đến năm 2022 đạt 2.270 tỉ đồng/1.269 tỉ đồng so với bình quân giai đoạn 2015-2020.
Nhằm khai thác thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của các cây trồng chủ lực trên địa bàn, huyện Hướng Hóa tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả thay thế những giống cây mới giá trị kinh tế cao hơn; tái canh diện tích cây cà phê già cỗi bằng phương pháp thâm canh cây trồng mới theo hướng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, công nghiệp chế biến nông - lâm - sản.
Duy trì 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm cà phê, chuối, sắn, hồ tiêu; phát triển một số mặt hàng nông sản như bơ, mắc ca, chanh leo, chú trọng phát triển sản phẩm OCOP. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nâng cao năng lực dự báo, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, chú trọng phát triển cây trồng chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đã làm thay đổi tư duy và nhận thức của người dân từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất quy mô lớn gắn với phát triển sản phẩm an toàn, chất lượng cao, loại bỏ cách làm nhỏ lẻ, manh mún và tư tưởng mạnh ai nấy làm của nông dân trước đây.
Ngoài ra, để sản phẩm nông nghiệp chủ lực vươn ra chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới, huyện Hướng Hóa chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ hộ cá thể, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, quảng bá nông sản hàng hóa có thế mạnh. Đến nay, toàn huyện có 18 sản phẩm OCOP, tăng 14 sản phẩm OCOP so với năm 2020.
Nhiều sản phẩm OCOP của huyện đưa vào hệ thống các siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử; điển hình như các sản phẩm OCOP từ nhãn hiệu cà phê Khe Sanh đã vươn ra thị trường thế giới, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Huyện Hướng Hóa triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từ năm 2019.
Qua 3 năm thực hiện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến tư vấn, hỗ trợ và quảng bá, các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng. Định hướng của huyện Hướng Hóa phấn đấu mỗi năm có thêm 3 sản phẩm mới được chứng nhận đạt OCOP cấp tỉnh, xây dựng thương hiệu nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Việc xây dựng và phát triển các thương hiệu từ cây trồng chủ lực gắn với chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để thực hiện chặt chẽ quy trình sản xuất tạo sản phẩm chất lượng, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mũi nhọn của huyện Hướng Hóa vươn xa, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập quốc tế.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)