Bài hưởng ứng Cuộc thi Viết "Ký ức Khe Sanh"

Sa Mù, bông trời bay trắng cả rừng cây

Hoàng Công Danh |

Một ngày mùa hạ, chúng tôi lên Sa Mù (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Cung đường đèo ngoằn ngoèo ấy tôi cũng đã từng qua mấy lần, và lần nào cũng có cảm giác mới mẻ. 

Có thể là vì cảnh vật cứ nhấp nhô thấp thoáng theo từng sườn đồi, và mờ ảo trong từng tàng cây bóng cỏ. Nói vậy, thế mà lần gần nhất tôi lên đây cũng đã... mười năm.

Bông trời bay trắng cả rừng cây

Cái khoảng thời gian ấy ngắn, nhưng so với một đời người cũng không hề ngắn chút nào. Mười năm trước còn là trai trẻ, "lên xanh" là cuộc phiêu lưu lãng mạn để tìm kiếm một cảm hứng gì đấy. Hồi cố, chợt vẳng lên trong tôi mấy câu thơ của Phạm Công Thiện: Mười năm qua gió thổi đồi tây/ tôi long đong theo bóng chim gầy/ một sớm em về ru giấc ngủ/ bông trời bay trắng cả rừng cây.

 
 Du khách thưởng ngoạn cảnh sắc đèo Sa Mù trong dịp Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hoá tổ chức cắm trại tại đây. Ảnh: Yên Mã Sơn

Cảnh vật trước mắt lúc này quả thật tuyền một màu trắng xóa. Từ Khe Sanh - thị trấn huyện lỵ Hướng Hóa, xe chạy hơn hai chục cây số thì không còn thấy rõ con đường phía trước. Lúc đấy là mười giờ sáng, hay nói mười giờ trưa cũng không sai vì đang giữa mùa hè, sao lại mù mịt màn trời trắng đục thế này?

Người lái xe chở chúng tôi hôm ấy là một nhà thơ. Nghe giới thiệu thế thì có chút hồ nghi lẫn phiêu lưu, mạo hiểm. Nhưng giữa ngày hè oi nực Quảng Trị, một tâm hồn mơ mộng cầm lái hẳn sẽ mang theo những câu chuyện có chút hư thực huyền ảo.

Chầm chậm qua mấy khúc cua đường đèo mờ mịt rồi xe dừng hẳn, cửa mở. Không khí se se, âm ẩm ập ngay khiến chúng tôi không biết là do sương hay mưa. Như đọc thấy nỗi băn khoăn, tài xế (lúc này đã đường đường là một nhà thơ) liền buông mấy câu trong bài Hiu hắt quê hương mà tôi vừa đọc dở: Gió thổi đồi tây hay đồi đông/ hiu hắt quê hương bến cỏ hồng/ trong mơ em vẫn còn bên cửa/ tôi đứng trên đồi mây trổ bông. Vậy đây là mây ư? Không phải là sương, không hẳn là mưa? Tôi tự hỏi rồi chợt hiểu ra rằng mây, hay sương, hay mưa cũng chỉ là những trạng thái vật lý khác nhau của nước mà thôi. Song ở đây không có sự rõ ràng của việc chuyển pha trạng thái, hóa lỏng hay bay hơi, ngưng tụ hay thậm chí thăng hoa.

Nơi chúng tôi đang đứng ở độ cao tầm 1.400 mét so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, sương giăng mịt mùng, thế nên thành tên gọi Sa Mù, theo nghĩa thuần Việt là sương sa mây mù. Một trong những người đầu tiên đến khai phá vùng đất này là chàng trai Vân Kiều từ xứ Cùa (Cam Lộ) băng rừng vượt đồi đi săn, đêm muộn chàng ngủ lại bên một con suối. Sáng hôm sau thức giấc chàng thấy hai tảng đá nằm cạnh nhau như một đôi dép. Tâm tính cho biết đây là vùng đất có thể dừng chân, thuận duyên để làm ăn lâu dài. Chàng quay về kêu gọi người thân họ hàng lên đây khai hoang sinh sống, đặt tên cho vùng đất này là Cợp (nghĩa là đôi dép bị bỏ quên).

Lan man gốc tích xa xưa thì ở đâu cũng có vẻ huyền thoại. Nhưng ở Sa Mù thời hiện đại vẫn có những chuyện khiến ta ngỡ ngàng. Một chàng trai ẩn hiện giữa màn sương dày đặc đón chúng tôi, đó không phải là chàng trai cổ tích bên bờ suối năm xưa, mà người thật việc thật. Ấy là anh Phạm Trường Học, việc của anh là coi sóc cây và nấm ở Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học & công nghệ Quảng Trị trên đèo Sa Mù. Anh cũng chính là một trong những người có mặt đầu tiên từ ngày trung tâm mới thành lập. Anh ăn ngủ với các thợ khi xây dựng trung tâm này, có lần mưa dữ khiến núi lở, sạt đường, thế là bị cô lập, phải tự túc xoay xở chuyện ăn uống dài ngày.

Mở cửa một khu nhà kính, lan hồ điệp nở tím trải đều trước mắt. Hàng ngàn chậu lan đều tăm tắp được đặt trên giàn đẩy trượt, phía trên cũng là hệ thống mái che tự động đóng mở theo cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... Sang một nhà kính khác là nơi trồng dâu tây, đã cuối vụ thu hoạch nhưng vẫn còn khá nhiều quả đỏ mọng còn sót lại. Chúng tôi được nhón thử vài trái để cảm nhận chút hoa quả miền ôn đới vốn thuộc hạng sang và khá xa xỉ ở miền quê này.

Anh Học dẫn chúng tôi sang một dãy phòng kiên cố khác, nơi nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Khí hậu ở đây mát mẻ nên việc chăm sóc hoa trái xứ lạnh, nuôi cấy các sản phẩm đông dược đều rất thích hợp, cho năng suất cao và tiết kiệm các khoản chi phí.

Tác giả (trái) và Kỹ sư Phạm Trường Học trong vườn lan trên đỉnh Sa Mù. Ảnh: Yện Mã Sơn
Tác giả (trái) và Kỹ sư Phạm Trường Học trong vườn lan trên đỉnh Sa Mù. Ảnh: Yên Mã Sơn

Một giờ đồng hồ dừng chân ở trung tâm, câu chuyện làm nông nghiệp công nghệ cao còn đang hấp dẫn nhưng chúng tôi phải chia tay nhau. Ngó quanh ngó quất sương hay mưa vẫn mờ xóa trắng trời, và xung quanh heo hút chẳng có bóng người nào nữa. Bất giác tôi nghĩ đến nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Anh chàng ấy cũng ở một mình trên đỉnh núi để đo mưa đo gió, có lần thèm người trò chuyện quá mà phải gác ngang thân cây chắn đường khiến xe khách dừng để han hỏi đôi câu. Thế mới biết ở những nơi heo hút, con người ta hiếu khách và nhiệt tình đến nhường nào. Chắc chắn nếu ai lên đỉnh Sa Mù, gặp anh chàng kỹ sư ấy cũng sẽ ấn tượng với những câu chuyện anh kể.

Ly cà phê tận... đáy lòng!

Dạo một vòng quanh các địa điểm trong vùng đèo Sa Mù, đâu đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự niềm nở, chu đáo. Đấy cũng là điều quan trọng hấp dẫn du khách. Bởi cảnh sắc đẹp, ẩm thực ngon nhưng nếu thiếu đi tình ý, thiếu những câu chuyện tâm tình gan ruột thì người ta sẽ chóng về, chóng quên.

Trên xe, chúng tôi nhận được tin nhắn mời mọc của anh Thông, chủ nhân của khu du lịch Năm Mùa Bungalows. Hôm ấy chủ nhân đi có việc xa không về được, nhưng chúng tôi vẫn ghé chơi và tham quan khu du lịch độc đáo. Những căn nhà gỗ được dựng bên sườn đồi, lối đi hai bên có các loài hoa lạ. Trên sườn đồi mà một căn hộ nghỉ dưỡng ở Năm Mùa Bungalows còn có cả bể bơi lộ thiên. Thế mới biết chủ nhân chịu chơi đến mức nào! Thử tưởng tượng nằm ngâm mình trong nước, giữa cheo leo sườn đồi, ngắm mây trời bay là đà, và có thể nhìn thấy trước mặt là đỉnh núi Voi Mẹp - nóc nhà Quảng Trị, thật thú vị biết bao.

Ở đây quanh năm khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình chỉ 22oC, hầu như đêm nào ngủ cũng phải đắp chăn, kể cả mùa nóng nhất, vì hơi lạnh toát ra từ đá núi. Một giấc ngủ giữa đêm se se, sáng ra sương quấn mờ mịt, chỉ có thể nhìn thấy chút hửng sáng ở hướng mặt trời lên, khi ấy nhấp một ngụm cà phê thì còn gì bằng.

Nhắc đến món thức uống đầu ngày ấy, thì đây chính là xứ sở của cây cà phê. Báo chí đã nhắc nhiều đến cà phê Sa Mù đạt chuẩn ngon và đoạt giải khắp nơi. Hôm nay chúng tôi lại được mục sở thị một loại cà phê khác, đặc biệt hơn, được xem là hàng hiếm trên thế giới: cà phê chồn.

Đấy là loại cà phê do con chồn ăn trái cà phê và thải hạt ra. Nói nghe có vẻ đơn giản nhưng để có được loại cà phê đó lại rất phức tạp. Chúng tôi vào nhà chị Trần Mai Hương, người đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Quảng Trị làm cà phê chồn. Chưa vội trò chuyện mà bằng sự hiếu khách, chị cho những hạt cà phê vào dụng cụ xay cầm tay, quay đều cho hạt thành bột mịn. Bỏ bột vào phễu giấy hình nón ngược rồi rót nước sôi rưới đều. Những giọt nước thẩm thấu qua giấy, ngưng lắng đáy cốc một ít nước nâu đen rồi cứ thế chiết ra mời khách.

 
Chị Trần Mai Hương giới thiệu sản phẩm cà phê Chồn cho tác giả. Ảnh: Yên Mã Sơn

Nhấm ngụm cà phê buổi chiều hóa ra lại rất thú vị. Người ta nói cà phê phải uống lúc sáng sớm mới ngon, nhưng chính không khí sương mờ suốt ngày ở Sa Mù nên chúng tôi có thể cảm nhận đây là tinh mơ! Thêm nữa, cà phê đen không cần dùng đường mà vẫn có vị ngọt hậu, ấy chính là sự đặc biệt của cà phê chồn. Các hạt cà phê được đi qua hệ tiêu hóa của loại chồn quý, ngấm các enzym vi sinh đường ruột, lại được lên men tự nhiên qua thời gian nên có vị ngọt glucozơ. Ấy là chúng tôi thử dùng những kiến thức được học để vận dụng mà lý giải, chứ chị Hương thì bảo: chị chẳng rõ lắm.

Thực ra chị khiêm tốn thôi, chứ nghe chuyện "có gì kể nấy" mới biết hẳn chị đã tìm hiểu rất kỹ mới dám làm món này. Chị cho biết những cá thể chồn ban đầu được mua từ tận miền Nam. Đây là loại chồn hương nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nên phải có giấy tờ rõ ràng mới được vận chuyển về Quảng Trị. Mua xong xuôi thì lại gặp phải dịch Covid-19 nên mãi hai năm sau, tức là năm ngoái 2022 những con chồn mới về tận tay chị.

Lợi thế vùng Sa Mù và bản thân chị có rẫy cà phê nên thức ăn cho chồn đã sẵn. Tuy nhiên, bọn chồn này rất khôn và khó tính. Chỉ những quả cà phê chín đều tươi rói chúng mới chịu ăn. Những quả chưa chín tới, hoặc bị dập mọng, hoặc hái xong để qua đêm thì chúng không ăn. Có thể vì sự kén chọn này nên "tiêu chuẩn đầu vào" của cà phê gốc đã rất cao rồi. Chồn chính là bộ phận kiểm duyệt chặt chẽ nhất để có được sản phẩm tốt ở đầu ra.

Cà phê vào bụng chồn thịt quả được tiêu hóa, chỉ còn lại những hạt cà phê cứng rắn còn kết dính lại thành những thỏi cỡ trái chuối tiêu. Chị Hương thu lượm những thứ chồn thải này đem phơi nắng, sau đó cất vào bao kín, ủ gió, lên men tự nhiên ít nhất ba tháng mới đem sấy rang cho ra cà phê thành phẩm. Như vậy để có được ly cà phê đặc biệt mà chúng tôi đang uống thì mất khoảng một trăm ngày kể từ khi cà phê chín. Quãng thời gian ấy là quá dài so với tốc độ sản xuất cà phê đại trà, cà phê công nghiệp hiện nay. Và đó cũng chính là điều khiến cà phê chồn được xếp vào loại hiếm, quý.

Câu chuyện "khởi nghiệp" cà phê chồn của chị Hương chắc sẽ còn dài, vì như chị chia sẻ để ra được với thị trường thì còn những khâu thủ tục pháp lý loằng ngoằng nữa. Nhưng chúng tôi tin rồi đây sản phẩm cà phê chồn sẽ là điểm nhấn quan trọng để làm du lịch trên vùng đèo Sa Mù, gắn liền với việc tham quan các công đoạn nuôi chồn, thu hái phân loại cà phê, chế biến.

Và tất nhiên là cả thưởng thức. Giữa không gian lãng đãng sương mây, bồng bềnh hư ảo ấy, nhấp ngụm cà phê tận... đáy lòng, theo cả nghĩa bóng hay nghĩa đen đều đúng, thì mới biết sự chân tình của con người, cả loài vật nơi đây.

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Trên chuyến hành trình hôm ấy còn có một người quan trọng, chu đáo là anh Phan Ngọc Long - Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng. Có được người dẫn đường "thổ địa" như thế thì hẳn sẽ có những thông tin sát thực nhất về đời sống của người dân quanh vùng đèo Sa Mù.

Từ trên đỉnh đèo đổ dốc xuống lưng chừng, chúng tôi dừng chân ở thôn Chênh Vênh ngay kế bên đường. Có phải vì nằm cheo leo bên một sườn đồi nên gọi tên Chênh Vênh? Tôi thắc mắc thì được một người có thời gian công tác khá lâu ở đây cho rằng cái tên ấy là nói chệch từ tên gốc Chân Vân. Thế Chân Vân là gì, chẳng lẽ Chân Mây, sao lại có kiểu phiên âm "nửa nạc nửa mỡ", lẫn lộn Hán Việt như thế? Thôi cứ tạm hiểu vậy đi, cũng như Sa Mù là sương sa mây mù vậy thôi.

Thôn Chênh Vênh với những nóc nhà sàn bình dị dựng trên một bãi cỏ xanh phẳng. Một cây mít già xụ vẫn lúc lỉu trái trông thật vui mắt. Và còn vui hơn vì từ trên đọt cây thả xuống hai sợi dây dù để làm một cái xích đu nhỏ nhắn, vừa đủ cho một người ngồi. Từ chỗ này nhìn ra đã thấy một dòng suối nhỏ chảy lau lách qua những ghềnh đá cuội to nhỏ khác nhau. Có tảng đá cuội to như một tấm bàn thiên thừa sức soạn đồ ra ngồi nhậu được. Đây chính là khu du lịch cộng đồng. Dù mới chỉ bước đầu thử nghiệm mô hình du lịch trải nghiệm nhưng nhờ các yếu tự nhiên, gần gũi đã tạo được sức hấp dẫn.

Qua những câu chuyện của anh Long chủ tịch xã, chúng tôi mới biết xã Hướng Phùng có những tiềm năng kinh tế đủ để tự tin phát triển trong nay mai. Hệ thực vật phong phú, trước hết là những loại cây trồng truyền thống trên đất đồi đã có mặt hằng trăm năm nay như cà phê, tre măng, bắp ngô... Rồi những giống cây mới đưa về như chanh dây, mắc ca, bước đầu đã thích nghi cao, cho năng suất chẳng thua kém nơi nào."Chúng tôi đang tính thử trồng hoa đào". Anh Long nói ngắn gọn, khiêm tốn, nhưng lại khiến những người đi cùng xe gật gù và tha hồ tưởng tượng.

 
Tác giả tại Khu du lịch Bungalow Năm mùa ở thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng Ảnh: Yên Mã Sơn

Quả thật với khí hậu mát mẻ quanh năm thế này thì trồng giống hoa ấy chắc chắn sẽ hợp. Thử xem, đến mùa xuân đào nở hồng làm tươi mới cảnh núi đồi, rồi sẽ khối người muốn lên đây ngắm và chụp hình. Mỗi một thử nghiệm ở đây đều gắn với chiến lược phát triển du lịch vùng phên dậu. Rồi dần dần sẽ hoàn thiện các hạng mục, điều kiện để đón khách phương xa. Cảnh quan thì sẵn có thiên nhiên ban tặng, thời tiết ưu đãi. Trải nghiệm đời sống thì có văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều, các mô hình trồng trọt trên đồi như giàn chanh leo, và hiện đại hơn là các khu nhà kính trồng hoa, dâu tây, nuôi nấm ở Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ. Ẩm thực có sẵn thức rừng lâm sản, thậm chí muốn ăn đồ biển cũng có luôn đồ tươi sống vì xe chạy từ biển Cửa Việt lên đây hằng ngày. Cơ sở lưu trú thì có Năm Mùa Bungalows tiện nghi sang chảnh đáng tự hào, hoặc ngủ lại ban đêm ở các nhà sàn homestay cũng thú vị lắm chứ.

Chúng tôi, những vị khách đang lạc quan tính toán chuyện du lịch thì bất ngờ anh Long thắc thỏm:

"Giá như ở đây có một ngôi chùa."

Lúc ấy đang ở trên đồi cao, nhưng tất cả chúng tôi chùng xuống. Mây vẫn bay là đà, sương vẫn giăng mịt mùng, giữa khung cảnh ấy lại có một mái chùa cổ kính hiện ra thì quả thật "trần mà như thế kém gì tiên".

Điều đó cũng là nguyện vọng chính đáng thiết thực. Bởi nơi rừng thiêng nước độc này qua ngàn năm lịch sử đã có những thương đau mất mát nhất định. Bộ đội, Nhân dân cũng đã phải trả giá rất nhiều để có được con đường xuyên qua núi rừng đầy trắc trở hiểm nguy. Biết bao lần mùa mưa núi đồi đổ sụp, đường đi sạt lở gây tang thương cho quân và dân. Một ngôi chùa trên đỉnh núi để gửi gắm đức tin, văng vẳng tiếng chuông sáng chiều thức tỉnh người sống, độ sanh người đã khuất... cũng là ước mong đại nghĩa, nhân văn.

Từ ngôi chùa trên đỉnh đồi Sa Mù ấy, giữa rừng hoa đào thơ mộng, du khách đến đây lắng nghe hồn thiêng núi rừng sông suối, ngắm mây trời bay trắng cả rừng cây để thấy cuộc vô thường, và nhận chân sự sống.

Ban Tổ chức Cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023.

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua những bài học lịch sử của quá khứ; soi chiếu hiện thực kinh tế xã hội sau hơn nửa thế kỷ hoà bình để hướng tới tương lại. Cuộc thi sẽ quảng bá hình ảnh, đất nước con người Khe Sanh, Hướng Hoá trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương; đặc biệt lan toả một Hướng Hoá năng động và giàu tiềm năng phát triển du lịch đến bạn bè trong nước.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 05/5/2023 đến hết ngày 05/7/2023. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, cuộc thi sẽ không tổng kết như thời gian dự kiến.

Ban Tổ chức cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023. Thời gian tổng kết, trao giải sẽ được thông báo sau. Các điều kiện khác vẫn thực hiện theo thể lệ cuộc thi đã công bố. 

Địa chỉ nhận bài: xanhewec@gmail.com; Điện thoại liên hệ: 0906.519.234.

Chi tiết cuộc thi: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html


TAGS

Hướng Hóa, giữa hai chiều thời gian

Hồ Nguyên Kha |

Buổi sáng ở thị trấn Khe Sanh thật trong lành. Bên ly cà phê sóng sánh, cô bạn Khánh Hoài như đắm chìm trong dư vị nồng nàn của cà phê, trong sắc nắng rải vàng trên từng phiến lá…Ngày mới của mảnh đất Hướng Hóa được phô bày “một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/một thị trấn yêu kiều qua ngõ làng Vây…” mà thi sĩ Ngô Kha hằng tiên tri là như thế!  

Những "từ mẫu" trên rẻo cao Khe Sanh: Kỳ cuối: Nâng cao chuyên môn gắn với kỹ thuật, công nghệ mới

Kô Kăn Sương |

Cùng với việc “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, những năm trở lại đây, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hướng Hóa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ nâng cao trình độ, chuyên môn, trung tâm y tế huyện. 

Những "từ mẫu" trên rẻo cao Khe Sanh: Kỳ 2: Không ngừng đổi mới, chăm lo cho bệnh nhân nghèo

Kô Kăn Sương |

Trước trách nhiệm lớn lao được giao phó, ngành y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không ngừng đổi mới, xóa bỏ dần những phương thức chữa bệnh lạc hậu, ứng dụng có hiệu quả các kĩ thuật khám, chữa bệnh hiện đại; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tạo môi trường làm việc hiện đại, thân thiện và chu đáo.

Những "từ mẫu" trên rẻo cao Khe Sanh: Kỳ 1: Nỗ lực chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Kô Kăn Sương |

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, sau ngày quê hương được giải phóng vào năm 1968 đến nay, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) không quản ngại gian khổ, khó khăn, sẵn sàng hi sinh bản thân bám trụ ở một vùng “rừng thiêng, nước độc” để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Hướng đi mới của du lịch miền Tây Quảng Trị

Yên Mã Sơn |

Với điều kiện tự nhiên lý tưởng, các địa phương ở miền Tây Quảng Trị đã tận dụng và “đánh thức” tiềm năng du lịch bằng những bước đi mới, có tính đột phá…

Kỳ vọng cà phê Khe Sanh

Bích Liên – Khánh Hưng |

Khe Sanh từng được cả thế giới biết đến là “Trận Điện Biên Phủ thứ hai”, hay là “chốn địa ngục trần gian” theo cách nói của lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tham chiến ở mặt trận Đường 9 - Quảng Trị năm 1968. Ngày nay, du khách về thăm chiến trường Khe Sanh năm xưa sẽ được thưởng thức ly cà phê đặc sản Arabica Khe Sanh tỏa ngát hương và kể câu chuyện hòa bình, về những nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa, trong đó có cả những câu chuyện về ước vọng đưa cà phê Khe Sanh vươn tầm thế giới…

Nắng mới Khe Sanh

Võ Văn Luyến |

Xa xôi một chút để thấy, Khe Sanh bây giờ như cánh chim bằng đang chạm tới đô thị vàng. Đảng bộ và chính quyền nơi đây đã nỗ lực không ngừng để sớm có một “little Dalat” giữa lòng Quảng Trị. 

Khe Sanh- Hướng Hóa: Vẫn là từ khóa hôm nay

Phạm Xuân Dũng |

Liên quan đến chiến tranh Việt Nam vừa qua thì có lẽ Khe Sanh là một trong những địa danh hàng đầu từng ám ảnh nước Mỹ, kể cả khi chiến cuộc Khe Sanh năm 1968 đã lùi vào quá khứ. Một ám ảnh từ "Hội chứng Việt Nam".