BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Hướng Hóa, giữa hai chiều thời gian

Hồ Nguyên Kha |

Buổi sáng ở thị trấn Khe Sanh thật trong lành. Bên ly cà phê sóng sánh, cô bạn Khánh Hoài như đắm chìm trong dư vị nồng nàn của cà phê, trong sắc nắng rải vàng trên từng phiến lá…Ngày mới của mảnh đất Hướng Hóa được phô bày “một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/một thị trấn yêu kiều qua ngõ làng Vây…” mà thi sĩ Ngô Kha hằng tiên tri là như thế!  

“… gánh theo tên xã, tên làng…”

Cảm nhận giản dị và đằm thắm của Khánh Hoài cũng giống như bao suy nghĩ của những ai đến với Khe Sanh vẫn khái lược đủ đầy về hành trình sau 55 năm xây dựng và phát triển của huyện Hướng Hóa. Bởi nếu không có những chứng tích máy bay, xe tăng, đại pháo... thì thật khó hình dung nơi đây xưa kia từng là một chiến trường ác liệt. Chiến tranh đã lùi xa, dưới bàn tay và sức lao động cần cù của những người dân trên khắp mọi miền quê Quảng Trị di dân lên Hướng Hóa, kiến tạo lại “vùng đất chết” trở nên trù phú như ngày hôm nay.

Bản Ka Tăng (TT Lao Bảo). Ảnh HNK
Bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo. Ảnh HNK

Cụ Võ Tam ở xã Tân Long nhớ lại, ngày 6/9/1975 chuyến xe chở 415 hộ dân với 1.846 nhân khẩu của các làng Bích La Khê, Tân Định, An Mô, Bích La Thượng, Đại Lợi, Đâu Kênh, Phương Ngạn…của xã Triệu Long, huyện Triệu Phong lên vùng đồi núi hoang vu ở miền Tây Quảng Trị, đặt tên xã Tân Long. Tạo dựng cuộc sống mới trên đất đai còn dày đặc đạn bom, sức lao động là đôi bàn tay và cuốc, xẻng thô sơ nhưng người dân quyết tâm biến đồi núi thành những nương khoai, rẫy sắn.

Chạy dọc theo Đường 9 với những tên xã, tên làng như Tân Thành, Tân Liên, Tân Lập hay thị trấn Lao Bảo… theo thời gian có thêm hàng ngàn hộ dân ở các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh cùng lên đây lập nghiệp hình thành nên các xã Hướng Tân, Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Lập… nằm về phía Bắc của huyện Hướng Hóa. Họ giã từ làng quê, bỏ lại ruộng vườn đi xây dựng cuộc sống mới nhưng bóng hình quê hương bản quán vẫn được neo giữ theo tên gọi làng xã thân thương. Với họ, đất đai đã “hóa tâm hồn”, đã trở thành sức mạnh và động lực lớn lao trên hành trình khai phá vùng đất Hướng Hóa nặng trĩu ân tình.

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Ảnh: Tra Thiet
Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Ảnh: Tra Thiet

Hôm chúng tôi ngồi trong căn nhà khang trang của anh Nguyễn Nam, nguyên Bí thư thị trấn Lao Bảo, là một trong số hàng chục hộ dân ở xã Triệu Phước (Triệu Phong) tự nguyện lên miền núi sau những ngày mới giải phóng. Dòng ký ức về những ngày đầu lên “khai sơn phá thạch” ở vùng đồi Lao Bảo lại tuôn trào, anh Nam bùi ngùi nhớ lại. “Hồi đó đất đai ở đây còn hoang vu, cây cối rậm rạp che khuất tầm nhìn. Mỗi hộ dân được phân một lô đất để khai hoang phục hóa, dựng nhà và tổ chức sản xuất. Đêm đêm chúng thường đốt lửa để xua đi cái giá lạnh của núi rừng, nhiều đêm trằn trọc nghĩ suy làm thế nào để cải thiện cuộc sống. Bây giờ so với hồi đó là khoảng cách một trời một vực mà bản thân tôi chưa bao giờ mơ tưởng đến”. Với họ, đất đai miền Tây không còn là nơi “rừng thiêng nước độc” mà chính là mảnh “đất lành” để họ xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp như ngày hôm nay.

Em bé tại di tích sân bay Tà Cơn. Ảnh Đường Hông Mai
Em bé tại di tích sân bay Tà Cơn. Ảnh Đường Hông Mai

“Miền đất quả vàng”

Hướng Hóa, sau 55 năm dựng xây đã trở thành một vùng đất trù phú, khác xa hơn những gì mà nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trưa nồng, gà gáy Khe Sanh/ Tà Cơn dứa mật, hoa chanh ngát đồi” khi quê hương vừa dứt ra khỏi bom đạn chiến tranh. Bây giờ, chạy dọc theo các xã Đường 9 như Tân Lập, Tân Liên, Tân Long, Tân Thành, thị trấn Lao Bảo mang dáng dấp của một đô thị vùng biên. Một vùng Lìa bạt ngàn màu xanh ngút ngàn của sắn, cà phê hay ngược vào Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Lập... đang hiện hữu những vùng quê trù phú.

Tôi gặp Hồ Văn Cường ở thôn Cổ Nhổi, xã Hướng Phùng, một chàng trai người dân tộc thiểu số thành công với cây cà phê nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và chế biến cà phê. Anh Cường chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi không trải qua chiến tranh nên trân trọng giá trị của hòa bình. Quyết tâm làm giàu và nỗ lực xây dựng quê hương là một cách để tri ân thế hệ đi trước.” Vậy nên, sau bao nhiêu năm tạo dựng cuộc sống, gia đình anh cũng như hàng trăm hộ dân khác nơi huyện miền núi Hướng Hóa đã trở nên giàu có. Ngoài cơ ngơi nhà cửa, phương tiện đi lại, vận dụng sinh hoạt trị giá hàng trăm triệu đồng, có không ít hộ nay đã có tài sản hàng chục héc-ta cà phê, hàng trăm mét đất mặt tiền để kinh doanh dịch vụ.

Những năm qua, huyện Hướng Hóa đã quy hoạch các vùng nguyên liệu sản xuất và phục vụ cho công nghiệp chế biến để tạo ra một số sản phẩm mang tính đặc thù, có thương hiệu và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu như cà phê, chanh leo, hồ tiêu, chuối… Trong đó, cây cà phê, chuối và sắn đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây. Nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về đất đai, huyện Hướng Hóa đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, duy trì ổn định diện tích các loại cây trồng chủ lực với tổng diện tích gieo trồng hàng năm hơn 18.639 ha.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 28.556 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 43,05 triệu đồng. Với định hướng trong những năm tới, huyện tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý, ổn định cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản hàng hóa.

*Lao Bảo, đường đến “đô thị vàng”

Địa danh Lao Bảo chính là Dinh Ai Lao được nhà Trần lập ra để quản lý biên giới từ thế kỷ XIV. Dưới thời nhà Nguyễn, nơi đây là một đồn trấn giữ bờ cõi phía Tây, là vùng rừng núi hiểm trở. Năm 1908 thực dân Pháp xây nhà tù Lao Bảo để giam cầm những nhà cách mạng như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Lê Chưởng, Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực... Cũng tại nhà tù này nhiều bài thơ chiến đấu của Tố Hữu ra đời như “Con cá chột nưa”: “Đường tranh đấu không một giờ thoái bộ/Sống đã vì cách mạng, anh em ta/Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà/Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng"...

Sau năm 1975, Lao Bảo còn là vùng rừng núi hoang vu với các bản làng người Vân Kiều, Pa Cô nhưng đến năm 1998, Khu KTTMĐB Lao Bảo được thành lập đã tạo bước “đột phá” cho vùng đất nằm ở khu vực biên giới giáp với nước bạn Lào.

Trước hết phải kể đến kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại để thu hút đầu tư và tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho thị trấn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển, tạo ra diện mạo mới cho một thị trấn “hạt nhân” ở vùng biên giới cũng như trên Hành lang kinh tế Đông-Tây. Điều này cho thấy chủ trương xây dựng Khu KTTMĐB Lao Bảo là một lựa chọn có tầm chiến lược về kinh tế của Chính phủ Việt Nam.

Người dân Bản Ka Tăng đã chủ động được nguồn lương thực. Ảnh: HNK
Người dân Bản Ka Tăng đã chủ động được nguồn lương thực. Ảnh: HNK

Từ lâu, thị trấn Lao Bảo là điểm giao thương quan trọng của Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước trong khu vực mà điểm thông ra biển là cảng Đà Nẵng. Và thực tế Đường 9 qua Lao Bảo đã trở thành tuyến vận tải quốc tế trong kế hoạch xây dựng xa lộ xuyên Á của Tiểu vùng sông Mê Kông; là con đường buôn bán huyết mạch của nước ta với Lào và nhiều nước Đông Nam Á. Hiện nay, Lao Bảo đã mang vóc dáng của một thị trấn sầm uất với nhiều khách sạn sang trọng, giao thông được mở mang thuận lợi, phố xá đông đúc. Hệ thống ngân hàng, bưu điện, dịch vụ đã hoàn thiện, là nguồn mạch của một trung tâm thương mại trên dặm dài xuyên Á.

Tiếp chúng tôi trong gian phòng làm việc có chưng mấy giò phong lan quý tỏa hương thơm nồng nàn, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Lê Bá Hùng cho biết, hiện nay diện mạo đô thị biên giới Lao Bảo phát triển khá đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, đang tiến tới xây dựng đô thị động lực cấp 1 khu vực biên giới. Hoạt động thương mại- dịch vụ khá năng động chiếm 69% tổng giá trị sản xuất. Thị trấn hiện có 74 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 2 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, 1.238 hộ kinh doanh cá thể, 245 hộ kinh doanh tại Lào. Giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ năm 2022 đạt 5.252 tỉ đồng. Người dân thị trấn Lao Bảo cũng đã khai thác tốt lợi thế của vùng kinh tế cửa khẩu để hợp tác phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp ở phía bên kia biên giới nước bạn Lào, góp phần thúc đẩy kinh tế hai bên biên giới phát triển.

Thị trấn Lao Bảo vừa tổ chức tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút hơn 20.000 lượt người tham gia, với 62 quầy quán phục vụ ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí, quảng bá sản phẩm OCOP, giao lưu văn hóa, văn nghệ với người dân trong vùng và nước bạn Lào. Việc hình thành tuyến phố đi bộ đầu tiên ở khu vực biên giới mang lại thành công là tiền đề quan trọng để thị trấn Lao Bảo xây dựng kế hoạch tổ chức tuyến phố đi bộ, mở ra không gian giao lưu, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực hai bên biên giới, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Lao Bảo nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông và điện chiếu sáng ở vùng Lìa( H.hoa). Ảnh:HNK
Hoàn thiện hạ tầng giao thông và điện chiếu sáng ở vùng Lìa( H.hoa). Ảnh:HNK

Thêm một tin vui đến với đô thị cửa khẩu Lao Bảo, ngày 18/12/2020 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn Khu KTTMĐB Lao Bảo là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Theo đó, BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã đề xuất danh mục các dự án đầu tư trung hạn 2021-2025 tại Khu KTTMĐB Lao Bảo để tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở thị trấn Lao Bảo.

Năm 2022, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Savanakhet của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất trình Chính phủ hai nước cho phép thí điểm thành lập Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh, có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm). Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung dự kiến vận hành theo mô hình 2 nước 2 khu kinh tế thương mại đối xứng nhau qua đường biên giới, mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác trên phạm vi lãnh thổ của mình, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và các thỏa thuận biên giới, các hiệp định Việt Nam, Lào đã ký kết.

Chủ trương phát triển Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh hứa hẹn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, tạo ra nguồn hàng xuất nhập khẩu, biến EWEC từ hành lang giao thông thành hành lang kinh tế, trở thành điểm sáng đô thị vùng biên để nhân rộng trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào.

Bỏ lại phía sau những gian lao vất vả của buổi đầu lập nghiệp, hàng ngàn hộ dân từ miền xuôi lên miền núi đang sát cánh cùng đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng cuộc sống mới.

Đứng giữa ngã tư trung tâm thị trấn Lao Bảo, hướng tầm mắt về phía Nhà tù Lao Bảo là di tích tạo nên chiều sâu lịch sử cho “đô thị vàng” Lao Bảo; dõi theo những chuyến xe nối đuôi nhau chạy dài lên cửa khẩu… là một không gian hòa quyện giữa hai chiều thời gian.

Đây là sự kết tinh đầy mồ hôi, sức lực và trí tuệ, máu và nước mắt của bao nhiêu người đã miệt mài lao động, sáng tạo để có vóc dáng của một “đô thị vàng” đang hiện hữu sầm uất nơi vùng biên. Không còn là đồi núi hoang vu, là lau lách, cỏ dại ngút ngàn, huyện miền núi Hướng Hóa đã khoác lên mình một diện mạo mới, một tư thế mới trên hành trình hội nhập và phát triển.

Ban Tổ chức Cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023.

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua những bài học lịch sử của quá khứ; soi chiếu hiện thực kinh tế xã hội sau hơn nửa thế kỷ hoà bình để hướng tới tương lại. Cuộc thi sẽ quảng bá hình ảnh, đất nước con người Khe Sanh, Hướng Hoá trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương; đặc biệt lan toả một Hướng Hoá năng động và giàu tiềm năng phát triển du lịch đến bạn bè trong nước.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 05/5/2023 đến hết ngày 05/7/2023. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, cuộc thi sẽ không tổng kết như thời gian dự kiến.

Ban Tổ chức cuộc thi Ký ức Khe Sanh quyết định gia hạn cuộc thi đến hết ngày 31/7/2023. Thời gian tổng kết, trao giải sẽ được thông báo sau. Các điều kiện khác vẫn thực hiện theo thể lệ cuộc thi đã công bố. 

Địa chỉ nhận bài: xanhewec@gmail.com; Điện thoại liên hệ: 0906.519.234.



TAGS

Những "từ mẫu" trên rẻo cao Khe Sanh: Kỳ 2: Không ngừng đổi mới, chăm lo cho bệnh nhân nghèo

Kô Kăn Sương |

Trước trách nhiệm lớn lao được giao phó, ngành y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không ngừng đổi mới, xóa bỏ dần những phương thức chữa bệnh lạc hậu, ứng dụng có hiệu quả các kĩ thuật khám, chữa bệnh hiện đại; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tạo môi trường làm việc hiện đại, thân thiện và chu đáo.

Những "từ mẫu" trên rẻo cao Khe Sanh: Kỳ 1: Nỗ lực chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Kô Kăn Sương |

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, sau ngày quê hương được giải phóng vào năm 1968 đến nay, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) không quản ngại gian khổ, khó khăn, sẵn sàng hi sinh bản thân bám trụ ở một vùng “rừng thiêng, nước độc” để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Hướng đi mới của du lịch miền Tây Quảng Trị

Yên Mã Sơn |

Với điều kiện tự nhiên lý tưởng, các địa phương ở miền Tây Quảng Trị đã tận dụng và “đánh thức” tiềm năng du lịch bằng những bước đi mới, có tính đột phá…

Kỳ vọng cà phê Khe Sanh

Bích Liên – Khánh Hưng |

Khe Sanh từng được cả thế giới biết đến là “Trận Điện Biên Phủ thứ hai”, hay là “chốn địa ngục trần gian” theo cách nói của lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tham chiến ở mặt trận Đường 9 - Quảng Trị năm 1968. Ngày nay, du khách về thăm chiến trường Khe Sanh năm xưa sẽ được thưởng thức ly cà phê đặc sản Arabica Khe Sanh tỏa ngát hương và kể câu chuyện hòa bình, về những nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa, trong đó có cả những câu chuyện về ước vọng đưa cà phê Khe Sanh vươn tầm thế giới…

Nắng mới Khe Sanh

Võ Văn Luyến |

Xa xôi một chút để thấy, Khe Sanh bây giờ như cánh chim bằng đang chạm tới đô thị vàng. Đảng bộ và chính quyền nơi đây đã nỗ lực không ngừng để sớm có một “little Dalat” giữa lòng Quảng Trị. 

Người lặng thầm gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn: Kỳ II: Tất cả vì học sinh

Nguyễn Thị Hải |

Bởi tôi biết thầy luôn là người thầy có trái tim hồng, thầy lúc nào cũng nói rằng: “Chỉ có yêu thương để lại đời, cho đi để nhận lại niềm vui”.

Người lặng thầm gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn: Kỳ I: "Thắp lửa tâm hồn" cho trẻ vùng cao

Nguyễn Thị Hải |

Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn. Câu nói đó quả thực rất đúng với thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường TH và THCS A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). 

Lao Bảo- một vùng biên cương mở

Nguyễn Hữu Quý |

Có lẽ, khi Chúa Nguyễn Phúc Nguyên ban lệnh lập dinh Ai Lao trấn giữ miền cương vực tây Quảng Trị vào năm 1622 chắc Ngài chưa hình dung được sự sầm uất của Lao Bảo mai sau.