BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Những "từ mẫu" trên rẻo cao Khe Sanh: Kỳ 1: Nỗ lực chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Kô Kăn Sương |

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, sau ngày quê hương được giải phóng vào năm 1968 đến nay, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) không quản ngại gian khổ, khó khăn, sẵn sàng hi sinh bản thân bám trụ ở một vùng “rừng thiêng, nước độc” để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Với những đóng góp không mệt mỏi, ngành y tế Hướng Hóa xứng đáng là điểm sáng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, là địa chỉ tin cậy về chăm sóc sức khỏe, tinh thần của người dân.

Ngay sau khi chiến tranh đi qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc Hướng Hóa phấn khởi đồng lòng, dốc sức xây dựng miền núi thành căn cứ địa vững chắc về nhiều mặt, trong đó lĩnh vực y tế được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từng bước được củng cố, phát triển đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân từ vùng thuận đến vùng khó.

Những ngày đầu gian khó

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Ty Y tế tỉnh, từ năm 1973 trở đi, mạng lưới y tế ở huyện Hướng Hóa phát triển rộng khắp. Từ chưa đến chục cán bộ y tế sau ngày quê hương giải phóng, đến năm 1973 huyện có hơn 150 cán bộ y tế gồm bác sĩ, y sĩ, y tá, nữ hộ sinh... Điều kiện công tác thiếu thốn trăm đường nhưng với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, của đội ngũ cán bộ y tế bám cơ sở, vượt núi, băng rừng về tận từng thôn bản hẻo lánh để tuyên truyền, vận động, quyết tâm cùng người dân xóa bỏ tập tục chữa bệnh lạc hậu, áp dụng phương pháp chữa bệnh khoa học hiệu quả.

Cán bộ y tế huyện Hướng Hóa vượt suối về cơ sở phòng, chống dịch bệnh - Ảnh: TTYT HH
Cán bộ y tế huyện Hướng Hóa vượt suối về cơ sở phòng, chống dịch bệnh - Ảnh: TTYT HH


Trong thời gian từ năm 1975-1976, theo chủ trương của Đảng, hàng vạn người dân của 2 huyện Hải Lăng, Triệu Phong lên Hướng Hóa xây dựng kinh tế mới, họ lập nghiệp chủ yếu dọc các xã Đường 9. Những năm đầu đến với quê hương thứ 2, người dân kinh tế mới phải hứng chịu nhiều trận dịch bệnh. Đặc biệt là sốt rét đã khiến cho hơn 300 người lớn và trẻ em sốt nặng, trong đó có sốt rét ác tính. Trước tình hình đó, Ty Y tế tỉnh đã điều động một số bác sĩ, y sĩ của các cơ sở điều trị cùng với cán bộ trạm sốt rét ký sinh trùng do bác sĩ Hoàng Tánh làm  trưởng trạm túc trực, tập trung dập dịch.

Chỉ trong một tháng, bệnh nhân được chữa khỏi, không có ca tử vong. Thời điểm này, TTYT huyện ngày càng khá đông bệnh nhân do giải quyết các ca bệnh tật chiến tranh để lại và phát sinh sau chiến tranh nhưng việc chuyển lên tuyến trên rất khó khăn do đi lại. Đầu năm 1976, các tổ chức quốc tế UNICEF HCR viện trợ xây dựng một số công trình xây dựng và trang bị y tế cho 3 huyện, trong đó có Hướng Hóa.       

Sau khi Ty Y tế Bình Trị Thiên được thành lập giữa năm 1976, các TTYT huyện được bổ sung cán bộ, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ.

Phun hóa chất phòng chống sốt rét tại thôn bản - Ảnh: TTYT HH
Phun hóa chất phòng chống sốt rét tại thôn bản - Ảnh: TTYT HH


Miền núi Hướng Hóa nơi căn cứ cách mạng của Quảng Trị được tỉnh quan tâm, Bác sĩ Kiều Nhi, sau này là Bác Sĩ Kô Xah Phan làm Trưởng phòng Y tế đã tích cực điều động cán bộ y tế đến các xã hẻo lánh khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là những gia đình từng cưu mang cán bộ trong những năm khó khăn nhất. “Năm 1975, các cơ sở y tế ở Bắc Hướng Hóa, Nam Hướng Hóa và khu kinh tế mới Triệu Phong thuộc 7 xã Đường 9 được sáp nhập và thành lập Phòng Y tế huyện. Thời điểm bấy giờ, ngành y tế huyện vô cùng khó khăn, đặc biệt là thiếu cán bộ có chuyên môn, cơ sở vật chất khám chữa bệnh nghèo nàn, đa số cán bộ y tế từ bộ đội chuyển ngành, đưa đi đào tạo để về phục vụ Nhân dân. Trụ sở Phòng Y tế, phòng làm việc tạm bợ, cuộc sống thiếu thốn nhưng chúng tôi luôn động nhau vượt khó. Lúc đó, bệnh chủ yếu trong dân là sốt rét và sốt xuất huyết. Đội y tế lưu động được thành lập, thường xuyên đi cơ sở, đồng lương ít ỏi lắm. Địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở, có cán bộ đi tiêm chủng, vệ sinh phòng dịch tại các thôn bản cả tháng trời, sống, làm việc “nằm vùng” trong dân. Thời đó, chúng tôi làm việc rất gần gũi với dân, giúp dân chữa bệnh, ngược lại, dân rất thương, rất mến cán bộ, chia sẻ củ sắn, củ khoai để chúng tôi ở lại có sức làm nhiệm vụ, chăm sóc sức khỏe cho mọi người”, nguyên Phó Giám đốc TTYT huyện Hướng Hóa Trần Như Khoái, một trong số thế hệ “vàng” của ngành y tế miền núi ở Quảng Trị còn sống nhớ lại.

Tập trung phòng, chống dịch bệnh

Sau ngày Quảng Trị tái lập, ngành y tế huyện Hướng Hóa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tiếp sức tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo lòng tin đối với bệnh nhân, Nhân dân. Mỗi khi có ốm đau, người dân luôn đến cơ sở y tế để được cán bộ y tế tư vấn, chăm sóc sức khỏe chu đáo. Do đó, các cơ sở y tế ở huyện lúc nào cũng đông bệnh nhân, số giường bệnh thường vượt kế hoạch đề ra.

Cán bộ y tế tận tình về tận nhà hướng dẫn người dân cách móc màn PCSR - Ảnh: K.S
Cán bộ y tế tận tình về tận nhà hướng dẫn người dân cách móc màn PCSR - Ảnh: K.S


Hướng Hóa là vùng một thời được xem là “rừng thiêng nước độc”. Do điều kiện kinh tế quá khó khăn, bên cạnh đó là thói quen, tập tục chữa bệnh lạc hậu, mê tín dị đoan nên nhiều dịch bệnh rất khó khống chế. Từ ngày có TTYT huyện thành lập, công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường. Là huyện trọng điểm sốt rét của tỉnh, toàn huyện hiện có 21 xã, thị trấn thì 100% xã, thị trấn đều xếp vào vùng rốt rét lưu hành vừa và nặng. Thời gian qua, công tác phòng chống sốt rét (PCSR) ở huyện gặp không ít trở ngại do địa hình nhiều thôn bản đi lại rất khó khăn, dễ bị chia cắt trong mùa mưa lũ. Hoạt động của mạng lưới y tế không đồng đều. Đời sống của một số xã, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán, nhận thức, hành vi PCSR của người dân còn hạn chế…

Khám, tiêm chủng cho trẻ em vùng khó - Ảnh: TTYT HH
Khám, tiêm chủng cho trẻ em vùng khó - Ảnh: TTYT HH


Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Quang Trung, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS Trung Tâm Y tế huyện Hướng Hóa cho biết: “Nguyên nhân gia tăng sốt rét phần lớn do biến động thời tiết, điều kiện địa lý, khí hậu, rừng trồng, rừng tái sinh ngay cạnh nhà thuận lợi cho muỗi truyền bệnh cư trú, sinh sản; số người ở huyện đi làm ăn, buôn bán tại Lào, vùng thiếu can thiệp PCSR – nhiễm bệnh sốt rét về Việt Nam tạo nguồn lây cho cộng đồng tại huyện. Sự giao lưu qua lại do bà con thân thuộc tại các xã dọc biên giới chủ yếu ở vùng Lìa; người ở vùng khác đến huyện làm ăn, sinh sống; tỉ lệ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ngủ màn còn thấp chỉ 70 - 80%...”

Cán bộ TTYT huyện Hướng Hóa tích cực đi đầu chống dịch COVID -19- Ảnh:TTYT HH
Cán bộ TTYT huyện Hướng Hóa tích cực đi đầu chống dịch COVID -19- Ảnh:TTYT HH


Để đạt mục tiêu giảm mắc, không để dịch bệnh xảy ra, TTYT huyện Hướng Hóa thực hiện các biện pháp chuyên môn kỹ thuật khẩn trương, tích cực, phối hợp nhiều biện pháp đồng bộ như: phun tẩm hóa chất PCSR, giám sát phát hiện điều trị tại chổ, thuốc điều trị phải vào dạ dày đúng phác đồ. Hướng dẫn, hỗ trợ y tế cơ sở về kiến thức, kỹ năng, phương pháp triển khai và thực hiện các biện pháp PCSR; đảm bảo đủ thuốc tại y tế xã, y tế thôn bản. Tổ chức cấp màn, võng màn PCSR Dự án Quỹ toàn cầu cho người dân để bà con chủ động PCSR. Tổ chức nhiều đợt truyền thông nhân Ngày “Phòng chống sốt rét” 25/4; truyền thông trực tiếp chiến dịch phun tẩm; tổ chức các điểm giám sát dịch tể sốt rét tại các thôn bản; triển khai phun tẩm hóa chất PCSR. Chỉ đạo các Trạm Y tế tăng cường tuyên truyền các kiến thức PCSR và điều trị sốt rét cho người dân nước bạn Lào sinh sống ở vùng giáp ranh có nhu cầu.

Khẩn trương tiêm phòng COVID – 19 cho người dân - Ảnh: TTYT HH
Khẩn trương tiêm phòng COVID – 19 cho người dân - Ảnh: TTYT HH

Là một trong số những cán bộ y tế có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Quang Trung nhớ lại: “Gần 30 năm trước, khi mới vào công tác tại TTYT huyện, tôi được bố trí làm việc tại Đội Y tế lưu động của đơn vị. Ngày đó mọi thứ còn rất khó khăn. Chúng tôi thường xuyên đi cơ sở để PCSR, tiêm chủng mở rộng, cùng ăn, cùng ở với dân. Cứ 3 tháng chúng tôi lại lên đường 1 lần trong thời gian khoảng 20 ngày liên tục làm nhiệm vụ. Trên lưng mỗi người lúc nào cũng gùi cõng trên 50kg vừa thuốc men, hóa chất, bình phun thuốc và tư trang cá nhân. Có những thôn bản phải đi bộ hằng ngày trời mới đến. Do địa hình cách trở nên chuyện đi lạc đường vài tiếng đồng hồ trong rừng thường xảy ra với chúng tôi. Những lúc ở lại các thôn, chúng tôi về tận từng nhà dân để hướng dẫn họ cách móc màn ngủ, cách PCSR. Bà con ở vùng sâu, vùng xa mỗi lần thấy cán bộ đến công tác là quý lắm, dành những món đặc sản của núi rừng thiết đãi, chúng tôi rất cảm động trước tấm lòng của họ. Vì thế, chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng làm sao làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đem lại sức khỏe, niềm vui cho người dân”.

Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Quang Trung thường nghiên cứu giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong tình hình mới - Ảnh: K.S
Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Quang Trung thường nghiên cứu giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong tình hình mới - Ảnh: K.S

Nhờ đẩy mạnh nhiều biện pháp tích cực, công tác PCSR ở Hướng Hóa cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra. Số bệnh nhân mắc bệnh sốt rét ở huyện năm 2022 giảm 5% so với 5 năm liền kề (từ năm 2017 – 2021), đặc biệt giảm tỉ lệ sốt rét ác tính đến mức thấp nhất ≤ 1 ca; khống chế số chết do sốt rét ở mức ≤ 1 ca; chủ động khống chế không để dịch sốt rét xảy ra. TTYT cũng đã làm tốt công tác y tế dự phòng, cụ thể đã khống chế được các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là COVID-19, không để dịch bệnh kéo dài, lây lan ra cộng đồng; thực hiện tốt công tác dự báo và phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết chủ động; công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ sinh sản… (Còn nữa)

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

Kỳ vọng cà phê Khe Sanh

Bích Liên – Khánh Hưng |

Khe Sanh từng được cả thế giới biết đến là “Trận Điện Biên Phủ thứ hai”, hay là “chốn địa ngục trần gian” theo cách nói của lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tham chiến ở mặt trận Đường 9 - Quảng Trị năm 1968. Ngày nay, du khách về thăm chiến trường Khe Sanh năm xưa sẽ được thưởng thức ly cà phê đặc sản Arabica Khe Sanh tỏa ngát hương và kể câu chuyện hòa bình, về những nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa, trong đó có cả những câu chuyện về ước vọng đưa cà phê Khe Sanh vươn tầm thế giới…

Nắng mới Khe Sanh

Võ Văn Luyến |

Xa xôi một chút để thấy, Khe Sanh bây giờ như cánh chim bằng đang chạm tới đô thị vàng. Đảng bộ và chính quyền nơi đây đã nỗ lực không ngừng để sớm có một “little Dalat” giữa lòng Quảng Trị. 

Người lặng thầm gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn: Kỳ II: Tất cả vì học sinh

Nguyễn Thị Hải |

Bởi tôi biết thầy luôn là người thầy có trái tim hồng, thầy lúc nào cũng nói rằng: “Chỉ có yêu thương để lại đời, cho đi để nhận lại niềm vui”.

Đưa trẻ đến với rừng

Phan Hoài Hương |

Được đến với rừng, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, với nhiều học sinh đó là những trải nghiệm khó quên.