Được đến với rừng, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, với nhiều học sinh đó là những trải nghiệm khó quên.
Lắng nghe âm thanh của rừng núi, các em như vỡ vạc ra nhiều điều thú vị mà trước đây chỉ biết qua sách vở. Chạm bàn tay vào lòng đất, các em thấy yêu hơn những mầm xanh vừa nhú để từ đó chăm sóc thành bóng cây tỏa mát cho đời sau. Tất cả những điều bổ ích này đến từ lớp học Giáo dục thiên nhiên-môi trường và bền vững (NES education) vừa được đưa vào thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vào năm 2022.
“Nghe tiếng rừng, nghe tiếng suối”
Vào tháng 7/2022, lớp học NES education lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị cho một nhóm học sinh Trường THPT Đông Hà. Tham gia chương trình, Phạm Xuân Khánh (lớp 11 A7) đã có những trải nghiệm khó quên. Chuyến đi này, các em được học những kiến thức về rừng mưa nhiệt đới; kỹ năng tự bảo vệ mình khi vào rừng sâu; tham gia hoạt động trồng cây xanh. “Cảm giác tự mình đào hố, trồng cây và mơ về một ngày không xa nào đó, cây sẽ vươn mình tỏa bóng mát giữa đại ngàn, phủ xanh đất trống đồi trọc và chống sạt lở cho vùng đất thường xuyên bị thiên tai đe dọa này thật ý nghĩa. Trước đây, chúng em chỉ biết học”, Khánh nói.
Kết thúc chuyến đi, không những Khánh mà các bạn trong nhóm đều có chung nhận xét đây là một chương trình bổ ích, giúp học sinh khám phá nhiều điều thú vị về thế giới tự nhiên xung quanh. Năm 2023, có thêm hai lớp học NES education được triển khai ở độ tuổi từ mầm non đến THCS. Tham gia chương trình này,
Trương Quốc Tiến, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Hàm Nghi có những kỷ niệm đáng nhớ. “Chúng em lên xe từ TP. Đông Hà, ngủ một giấc, mở mắt ra là đã thấy mình ở một nơi rất xa, xung quanh ngập tràn màu xanh của núi rừng”, Tiến chia sẻ.
Tại đây, Tiến cùng các bạn tham gia hoạt động nhóm như vẽ tranh, bắt côn trùng và quan sát cây cối, hoa lá xung quanh. Điều thú vị là các em được giảng giải các kiến thức về rừng ngay tại khu rừng tràn ngập màu xanh của cây cối. Nơi đây, những tia nắng xuyên qua kẽ lá, đọng lại trên khuôn mặt thơ ngây đang say sưa nghe thầy cô giảng bài tạo nên một bức tranh thật đẹp. “Chúng em bịt mắt đi trên các mặt thảm đất và lá. Cảm nhận khi đi chân trần trên thảm đất thật mềm mại, trên mặt lá thì thô ráp và dội lên những âm thanh êm dịu”, Tiến nhớ lại. Điều ý nghĩa nhất mà Tiến học được trong chuyến đi này đó là hiểu thêm về vai trò của cây xanh. “Nếu không có cây thì sẽ không có rừng. Nếu không có rừng, trái đất không còn xanh tươi, cuộc sống của con người bị đe dọa”, Tiến giải thích như thế sau khi trở về từ lớp học.
Với em Nguyễn Thành Trung, năm nay học lớp 9, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Đông Hà, được tắm dưới dòng nước mát lạnh của con suối vắt qua cánh rừng không có gì thú vị bằng. “Ngâm mình trong dòng nước mát, phía trên là bầu trời cao rộng, xung quanh là những tán cây rừng xanh um khiến chúng em rất thích. Ngoài ra, được tham gia các hoạt động như ngắm cây cối qua gương; sinh hoạt lửa trại cùng dân bản; tập thể dục trong bầu không khí mát lành của buổi sáng… cũng rất thú vị”, Trung cho hay.
Lắng nghe để cảm nhận
Một trong những hoạt động được học sinh (nhất là bậc tiểu học và THCS) háo hức đó là tương tác tiếng Anh với Tiến sĩ Sinan Hagenah về các chủ đề liên quan đến cây cối và các loài côn trùng. “Thầy Sinan Hagenah nói tiếng Anh rất hay. Một số bạn có thể gặp khó khăn trong giao tiếp nhưng nhìn chung chúng em đều thích tiết học của thầy”, Quốc Tiến chia sẻ.
Tiến sĩ Sinan Hagenah là cố vấn dự án Phát triển năng lực và kiến thức về thực hành quản lý rừng áp dụng cho các công ty lâm nghiệp nhà nước và chủ rừng nhỏ tại Việt Nam (PSFM 2), cũng là người đồng hành với chương trình NES education từ lớp học đầu tiên. Theo Tiến sĩ Sinan Hagenah, NES education ở Việt Nam tuy mới nhưng tại Đức, chương trình này được phổ biến ở nhiều cấp học. “Tất cả học sinh ở Đức đều có cơ hội để trải nghiệm chương trình này. Khi còn là một đứa trẻ mầm non, tôi đã được biết đến khu rừng mẫu giáo. Khu rừng này in sâu trong tâm trí tôi, theo tháng năm, về một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp. Vì thế khi lớn lên, tôi đã chọn công việc liên quan đến rừng và theo đuổi nó cho đến nay. Tôi thấy, trẻ càng tiếp cận sớm với tự nhiên thì càng không có rào cản với môi trường và tự nhiên trong tương lai”, Tiến sĩ Sinan Hagenah chia sẻ.
Mỗi hoạt động trong chương trình NES education đều mang ý nghĩa khác nhau, ví dụ việc thu gom lá cây sẽ giúp học sinh nhận biết màu sắc, hình dạng phong phú của từng chiếc lá; cho trẻ bịt mắt đi chân trần trong rừng để cảm nhận được âm thanh của rừng tự nhiên và bề mặt của đất. “Với những hoạt động này, chúng ta đã tạo cơ hội để trẻ biết lắng nghe và cảm nhận, từ đó giúp chúng gần gũi hơn với tự nhiên. Trong cuộc sống, có rất nhiều giác quan phát triển nhưng đa phần chúng ta chỉ sử dụng mắt để quan sát. Nhưng với các hoạt động này, trẻ sẽ cảm nhận thế giới xung quanh bằng các giác quan khác”, Tiến sĩ Sinan Hagenah nói.
Chương trình NES education (thuộc dự án Phát triển năng lực và kiến thức về thực hành quản lý rừng áp dụng cho các công ty lâm nghiệp nhà nước và chủ rừng nhỏ tại Việt NamPSFM 2). Dự án PSFM2 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào năm 2017. Dự án được tài trợ bởi Bộ Nông nghiệp và Lương thực Cộng hòa liên bang Đức, hoạt động tại 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình.
Hiện nay, hệ thống giáo dục của nhiều nước tiên tiến tập trung vào chủ đề trọng tâm là tự nhiên, môi trường và giáo dục bền vững. Cách triển khai chương trình NES education ở mỗi quốc gia có những điểm khác nhau nhưng mục đích đều giống nhau. Đó là đưa trẻ gần hơn với thiên nhiên, tương tác với thiên nhiên. Chị Thúy Nga, TP. Đông Hà, có con tham gia lớp học NES education. Lý do chị cho con tham gia lớp học này vì muốn con rời xa ti vi, máy tính, điện thoại để hòa mình với thiên nhiên như tuổi thơ của mình ngày xưa. “Hãy để con cảm nhận được sự thiếu thốn về vật chất, từ đó biết trân quý hơn những gì mình đang có, biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn với mọi người. Thấy con chia kẹo, tặng đồ cho các bạn nhỏ ở bản, nghe con thắc mắc vì sao nhà bạn làm bằng tre, trời mưa bạn có ướt, có sợ không… mà tôi thấy vui trong lòng”, chị Nga chia sẻ.
Xây dựng sản phẩm giáo dục chất lượng
NES education là một hoạt động giáo dục mới của Trung tâm Đào tạo quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (trực thuộc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ). Chương trình có sự phối hợp với tổ chức MCNV và cộng đồng thôn Chênh Vênh. Các khu rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh được chọn làm hiện trường giảng dạy và mô hình trình diễn thay thế cho những khóa đào tạo liên quan đến chủ đề về rừng tự nhiên. “May mắn là ở Quảng Trị vẫn còn những cộng đồng duy trì cuộc sống gần gũi với tự nhiên như thôn Chênh Vênh. Đây là địa điểm phù hợp để tổ chức lớp học NES education”, Tiến sĩ Sinan Hagenah cho hay.
Mục đích của chương trình NES education là nâng cao kiến thức của thế hệ trẻ về thiên nhiên, con người và môi trường, khái niệm và thực tiễn về tính bền vững. Cho phép người trẻ tuổi trải nghiệm trực tiếp với thiên nhiên, từ đó xây dựng thái độ tích cực đối với sự đa dạng và quý giá của hệ sinh thái tự nhiên. Nâng cao nhận thức của học sinh về sự cần thiết phải tích cực tham gia bảo vệ sự đa dạng sinh học và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững... TS. Nguyễn Thị Liệu, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết: Trung tâm chúng tôi là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện các chương trình NES education tại Quảng Trị, bao gồm các chuyến dã ngoại. Khách hàng tiềm năng là các trường học ở địa phương với hơn 423 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT và các trung tâm giáo dục với hơn 160 nghìn học sinh, sinh viên... Hoạt động dã ngoại trong các chương trình NES education sẽ được thiết kế với hoạt động thực địa tại rừng tự nhiên thôn Chênh Vênh, các địa điểm lịch sử và thực hành văn hóa trong tự nhiên.
Đội ngũ giảng viên của trung tâm bao gồm các tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư là các chuyên gia về lâm nghiệp, sinh vật học, bảo vệ môi trường… Đây là một trong những thuận lợi để chương trình NES education phát huy hiệu quả thực tiễn. “Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi đều lập kế hoạch, chương trình rõ ràng, chi tiết. Với mỗi chủ đề khác nhau, chúng tôi chuẩn bị nội dung giảng dạy và dụng cụ kèm khác nhau để tiết học đảm bảo chất lượng”, chị Nguyễn Thị Vui, giảng viên Trung tâm Đào tạo quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng chia sẻ.
NES education được thiết kế cho nhiều lứa tuổi tham gia, vì vậy trung tâm phải thiết kế nhiều hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi. Theo TS Nguyễn Thị Liệu, năm 2023, trung tâm dự kiến tổ chức 4 lớp học ở các độ tuổi khác nhau. Mỗi lớp học phải được thiết kế phù hợp, linh hoạt để không gây ra sự nhàm chán cho học sinh. Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm cũng được chú trọng để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong suốt quá trình lớp học diễn ra… “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi hướng tới là phải xây dựng được sản phẩm chất lượng, nhất là đối với sản phẩm giáo dục”, TS. Nguyễn Thị Liệu cho biết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)