Xa xôi một chút để thấy, Khe Sanh bây giờ như cánh chim bằng đang chạm tới đô thị vàng. Đảng bộ và chính quyền nơi đây đã nỗ lực không ngừng để sớm có một “little Dalat” giữa lòng Quảng Trị.
Khe Sanh, mùa nắng. Nắng mật ong tưới lên cỏ cây hoa lá, nhìn chi cũng hóa ngọt ngào như thuở mới bắt đầu yêu. Tôi yêu Khe Sanh có lẽ qua những chuyện kể và qua sách vở. Ngày xưa ấy, lửa đạn chiến tranh mù trời mù đất, đường sá đi lại khó khăn, một bờ vai đủ rộng thích phiêu lưu còn chưa dám nghĩ tới, huống hồ một đứa nhóc tì như tôi.
Bây giờ thì chỉ hơn tiếng đồng hồ, những chuyến xe khách bon bon trên con đường rải nhựa nhẵn lì đi về đổ bến chưa kịp hình dung một vị lai cho mảnh đất miền mây trắng bồng bềnh thênh thang mơ tưởng đã chạm reo vui phố phường đông đúc, không còn cái hoang sơ lúc vừa chấm dứt tiếng súng, nam bắc một nhà.
Anh Nguyễn Đinh, giáo viên tiểu học, con dì ruột của tôi kể: Những năm đầu sau 1975, anh dạy ở Trường Thanh niên Dân tộc nội trú ngay thị trấn với hơn chục giáo viên và học sinh huy động được cũng chừng hơn trăm đầu trẻ là con em bà con người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều. Thị trấn hồi đó thưa thớt, chỉ có vài ba hàng quán ăn uống. Nhà cửa đơn sơ, mái tôn lụp xụp, đèn dầu leo lét. May mà lửa tâm sáng chói lấn át được nỗi buồn từ thâm u núi rừng gieo xuống. Khó khăn đó không riêng gì Khe Sanh.
Nhưng công bằng mà nói, người dạy và người học ở vùng núi từng được cả thế giới biết đến trong lịch sử chiến tranh Việt Nam này phải phấn đấu hai trăm phần trăm mới vượt qua thử thách gian khó. Ai không có được tinh thần đó sẽ bỏ cuộc. Người anh mà tôi kể trên đã thôi háo hức gánh chữ lên non thuở hiu hắt đại ngàn. Chẳng phải tiêu cực tiêu sái gì làm phôi pha ý chí mà những cơn sốt rừng đeo bám, anh đành lòng gác lại.
Xa xôi một chút để thấy, Khe Sanh bây giờ như cánh chim bằng đang chạm tới đô thị vàng. Đảng bộ và chính quyền nơi đây đã nỗ lực không ngừng để sớm có một “little Dalat” giữa lòng Quảng Trị. Dĩ nhiên, giữa ước mơ và hiện thực còn một khoảng cách. Nhưng thiếu ước mơ và hành động, hiện thực sẽ khó nằm trong tầm tay. Tình cờ gặp anh Nguyễn Tăng, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, tôi thấy khát vọng ấy cháy bỏng trong tâm can anh. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Thời đại quốc tế hóa và hội nhập, muôn vạn con đường mở ra cho sự phát triển. Không lý gì Khe Sanh ngồi yên chờ thời cơ. Niềm tin, nhìn trên đại thể, Khe Sanh đang chuyển động, vận động, thay da đổi thịt. Điều quan trọng là định hướng quy hoạch đô thị du lịch tương lai trong quỹ đạo một phức hợp hạ tầng đa năng đón đầu nhiều hình thức, nhu cầu của đời sống. Câu chuyện dài xin nhường cho các nhà hoạch định và chuyên môn. Ở đây, xin quay trở lại vấn đề người viết quan tâm, là giáo dục ở rẻo cao cách trung tâm tỉnh lỵ non trăm cây số này.
Quả thực, giáo dục miền núi là một vấn đề lớn. Hướng Hóa không ngoại lệ. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, băn khoăn không biết người tiếp chuyện muốn bắt đầu từ đâu. Tôi ngỏ lời bằng một ví von, rằng là nhìn giáo dục Hướng Hóa như cách qua cửa sổ để thấy bầu trời, chứ mùa hè cổng trường khép lại khó mục sở thị những nơi xa xôi hẻo lánh và gặp gỡ trò chuyện nghề nghiệp. Cô giáo nhỏ nhắn và khả ái đang đối diện tôi khiêm nhường đẩy câu trả lời sang thầy Sơ phó phòng và thầy Hiển chuyên viên kỳ cựu. Tôi biết, trong tôn ti hệ thống, hai thầy cũng khó nhận mình làm đại diện, nên thôi.
Trở lại Khe Sanh một ngày đêm, chớp nhoáng kiểu chuồn chuồn đạp nước, không thu hoạch gì thêm ngoài hai bản báo cáo tổng kết năm học mà thầy Hiển cung cấp cho tôi. Mặc dù thống kê trong đó không chỉ là những con số mà còn kết đọng bao nhiêu trí lực, mồ hôi của đội ngũ mang thiên chức lớn hơn cả nghề nghiệp.
Ở miền núi, hai từ “dạy học” dường không ôm chứa hết trách nhiệm tối thượng của một nhà giáo. Địa bàn rộng, cư dân sống giãn cách lại nhiều trở ngại, nhất là mùa mưa lũ nên việc đến trường của con em gặp không ít khó khăn. Vẫn biết, chuyện tranh tre nứa lá không còn bàn trong hội nghị, trên giấy tờ hành chính nữa. Nhưng những nhọc nhằn khó khăn khác không dễ chấm dứt một sớm một chiều. Ví như, việc huy động đảm bảo không bỏ sót đối tượng đi học phải vận động thường xuyên liên tục, đòi hỏi sự khéo léo phối kết hợp nhà trường – gia đình – các tổ chức đoàn thể mới duy trì được sĩ số và giáo dục có hiệu quả. Muốn thành công, phải đi sâu vào đời sống của bà con để tìm hiểu hoàn cảnh, kể cả những phong tục tập quán mới có cách tháo gỡ, mở đường.
Thầy giáo Nguyễn Văn Minh có trên bốn mươi năm dạy ở Hướng Hóa. Bước chân anh quen mưa rừng gió núi từ Tân Thành đến Hướng Lập, tâm sự:
- Thời tôi vác ba lô lên Hướng Hóa dạy học khó khăn vô kể. Đường sá vùng ven Khe Sanh trở ra còn hoang sơ. Mùa nắng gió, bụi bay mù mịt. Mùa mưa lũ thì lầy lội. Nhiều nơi sạt lở, lũ quét, chia cắt không lưu thông được. Đói no cũng chưa thành vấn đề. Lo lắng nhất là lúc ốm đau bệnh tật, khó lòng xoay xở. Rứa mà “qua cơn bỉ cực, tới hồi thái lai”, có không ít anh em bám trụ như tôi tới hồi kết viên mãn. Bây giờ nghĩ lại, lo sợ không còn, tình yêu đã hóa giải và thương nhớ luôn tìm về.
Tôi hỏi: - Điều gì níu chân anh ở Hướng Hóa lâu đến thế? Trong khi, bằng nửa thời gian đóng góp cho sự nghiệp, theo nguyện vọng tổ chức sẽ giải quyết cho anh về xuôi đoàn tụ gia đình?
Thầy Minh không chút băn khoăn: - Nói thật với anh, buổi đầu, tôi cũng có chút lung lay. Nhưng rồi, nghĩ mình thanh niên sức dài vai rộng. Mới thấy khó đã chùn bước, bỏ của chạy lấy người thấy hèn hèn sao ấy. Nhất là khi đó, chúng tôi đang tiếp bước tiền nhân tinh thần hùng tâm tráng chí sau chiến tranh nên sự lựa chọn thật đơn giản. Nghe có vẻ đại ngôn nhưng hồi đó ai cũng như mình, thế thôi ạ.
Sâu đằm với lý tưởng nghề như anh, thiết nghĩ, vàng lương tâm quanh ta nếu muốn bắt gặp, có không ít cảm hứng cho hậu bối nuôi dưỡng khát vọng cao quý.
*
Thú thực, thế giới phẳng mọi người xích gần nhau chỉ trong một chạm, một cái nhấp chuột. Tích cực dùng đa phương tiện trong giao tiếp, tôi đã kết nối các anh ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa nên biết đến cũng hòm hòm trên đại thể về hiện trạng đáng ghi nhận của ngành. Cơ bản chuẩn hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới theo xu hướng phát triển chung các lĩnh vực của quê hương đất nước. Trường ra trường lớp ra lớp, nhiều điểm trường tầng hóa và quy hoạch nội ngoại thất đâu ra đấy, trông khang trang đẹp đẽ như những nơi có điều kiện. Nhận thức đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển được các cấp các ban ngành quan tâm cùng với sự chỉ đạo sâu sát, tích cực của cấp quản lý ngành ở cơ sở nên giáo dục Hướng Hóa không ngừng khởi sắc. So với thời kỳ trước, việc xóa mù và huy động số lượng người học tăng theo từng năm học. Nhiều con em dân tộc Pa Cô, Vân Kiều học đến nơi đến chốn, trưởng thành và trở lại làm hạt nhân cho lớp kế tục noi theo. Các em thực sự là những bông hoa thơm ngát và tô điểm cho núi rừng, bản làng.
Tuy nhiên, giáo dục Hướng Hóa đi lên trên nền hiện thực không ít khó khăn. Giải bài toán đa thức này là nan đề cần sự chung tay hợp lực của toàn xã hội. Nhìn vào chiều sâu, việc xây dựng các phòng chức năng, việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy – học cần đầu tư nhiều hơn, mạnh hơn may ra giáo dục Hướng Hóa có cơ hội tiến kịp giáo dục miền xuôi. Điều này có cơ sở. Nhìn ra nhiều tỉnh thành Đông – Tây bắc Bắc bộ, con em miền núi tư duy phát triển không thua kém những nơi khác. Thực tế họ gặt hái nhiều thành tựu đóng góp cho đất nước.
Chẳng phải giấc mơ không tưởng, nếu nói theo thuyết trung tâm thì nhìn Hướng Hóa qua Khe Sanh, ta có quyền nghĩ tới tương lại tốt đẹp mà khúc vĩ thanh sẽ cất lên từ nơi tạo hóa ban tặng quê hương Quảng Trị này.
Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".
* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html