BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Sử thi ở Miền mây trắng: Kỳ II: Hoa thơm Miền mây trắng

Phạm Xuân Hùng |

Những câu thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc nhớ chúng ta về một trang sử khác, trang sử Chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh. 

Chiến thắng được ví như Điện Biên Phủ thứ hai ở miền tây Quảng Trị này là nơi người Mỹ nếm mùi thất bại cay đắng, đến nỗi Hãng Reuter phải bình luận: “Khe Sanh được ghi vào lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Nam Việt Nam như một nơi phải trả giá đắt nhất bằng máu”.

Sử liệu tin cậy ghi nhận, từ 20/1/1968 đến khi kết thúc chiến dịch vào ngày 09/7/1968, trong 170 ngày đêm, Quân Giải phóng ở Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh đã chiến đấu anh dũng, loại khỏi vòng chiến đấu hơn một vạn quân đối phương (trong đó 2/3 là quân Mỹ), bắn rơi 197 máy bay, bắn cháy 80 tàu vận tải, phá hủy 78 xe các loại, 46 khẩu pháo và nhiều khí tài quân sự của đối phương.

Các nhà quân sự cả hai phía đều khẳng định: Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa vào ngày 09/7/1968 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Chiến thắng vang dội này cũng đã tạo đà cho Chiến thắng Xuân – Hè 1972, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và là yếu tố quan trọng dẫn đến bàn đàm phán Hội nghị Paris năm 1973…

 
 Mùa dã quỳ nơi phố núi Khe Sanh – Lao Bảo. Ảnh: PXD

Có đôi khi tôi hình dung mây trắng như mái đầu bạc của người già suy tư. Nhưng hai thị tứ Lao Bảo, Khe Sanh cùng nhiều xã khác trong huyện Hướng Hóa thì cứ trẻ mãi trong tôi. Bởi một lần gặp lại tôi luôn thấy có sự đổi thay kỳ diệu. Khi thì một con phố vừa mới mở ra, khi thì một công trình trường học, trạm xá mọc lên, hay chỉ đơn giản là những bông hoa đang tưng bừng nở, trong vườn nhà ai hay trên lối đi. Người ta là hoa của đất, để cuộc sống thảo thơm thì mồ hôi có khi là máu phải đổ xuống. Điều đó chứng thực bằng ghi nhận của Đảng và Nhà nước, khi cách đây 15 năm, năm 2008, Hướng Hóa đã được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tại thời điểm đón nhận danh hiệu cao quý đó, Hướng Hóa đã cho thấy thành quả mà không phải địa phương nào ở vùng cao cũng làm được: Bốn mươi năm ra khỏi cuộc chiến tranh, nền kinh tế địa phương đã tăng trưởng gấp 9 lần, 189 bản làng trong toàn huyện đã hoặc đang thoát nghèo bền vững. Chưa kể đến việc Hướng Hóa còn có Khu Kinh tế - Thương mại sầm uất, án ngữ trên trục Hành lang kinh tế Đông – Tây và hàng chục dự án kinh tế lớn trong và ngoài nước đến đầu tư.

Tấc lòng cội rễ của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô… trong hai cuộc kháng chiến đã đưa nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trở lại Khe Sanh, để ông chiêm nghiệm suốt phần đời còn lại. Tôi thì khác, trở lại nơi này chỉ bằng ký ức và những bước chân lang thang. Tôi đã nói về hoa và chợt nhớ ra rằng cái ông Hoàng Phủ viết ký tài danh này cũng từng nói, đại thể hoa cỏ là ký ức của thiên nhiên nhắc nhớ con người về những gì đã qua. Ý nghĩa triết học của mệnh đề này hiện ra khi tôi gặp những người làm công tác xã hội đầy trách nhiệm ở Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị. Họ là những người Hướng Hóa thật sự, có người tôi quen biết đã lâu nhưng cũng có người mới gặp, tình thân chỉ ở mức sơ giao. Nhưng tôi quan sát thấy cách họ làm việc cần mẫn và xông xáo như thể đó là việc nhà mình, như là tâm nguyện không giây phút thoái thác.

Đâu chừng như thành lập giữa năm 2019, mới đây thôi, Quỹ Phát triển con đường hoa Quảng Trị đã huy động các nguồn lực xã hội theo cách nói thời thượng là “xã hội hóa” để trồng và chăm sóc các loài cây, hoa làm đẹp những con đường, làm đẹp cho quê hương. Dĩ nhiên, những anh em quản lý Quỹ quê ở Hướng Hóa, sẽ bắt đầu trồng hoa ở Hướng Hóa sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Chỉ trong vòng ba bốn năm, Quỹ Phát triển con đường hoa ở Quảng Trị đã thành công trong việc trồng dã quỳ ở vùng hồ Lìa, ở xã Hướng Phùng, osaka hoa đỏ ở khu vực hồ Tân Độ và đồi Cu Vơ của xã Hướng Linh, osaka vàng ở thị trấn Lao Bảo…

Tôi hình dung với cách thức họ làm, chỉ một thời gian không lâu nữa, những con đường hoa với nhiều màu sắc cứ thế dài ra, rộng thêm. Và cả miền biên viễn này sẽ ngập tràn hương hoa, để những bước chân trên đường xuyên Á có thêm những phút giây xao xuyến dưới trời mây trắng.

Những con đường dã quỳ níu chân du khách (Ảnh: P.X.D)
Những con đường dã quỳ níu chân du khách. Ảnh: PXD

Mới đây, trong chuyến công tác ở thành phố Đông Hà, tình cờ tôi gặp em của người bạn thân bây giờ đang giữ trọng trách tại địa phương, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng. Trong buổi gặp mặt chân tình, khi tôi gợi hỏi về chiến lược phát triển vùng tây Quảng Trị, cụ thể là Hướng Hóa, Chủ tịch Võ Văn Hưng sôi nổi hẳn lên. Chuyện dông dài nhưng tôi chỉ nhớ, đường biên giới Việt – Lào chung nhau hơn 2.000 km, hai nước có 8 cặp cửa khẩu quốc tế thì Quảng Trị đã có đến 2 cửa khẩu Lao Bảo và La Lay. Đường 9 nối thành phố Đông Hà lên Lao Bảo là huyết mạch quan trọng nhất bởi đối diện với Lao Bảo phía nước bạn là khu vực Đensavẳn (tỉnh Savanakhet) cũng đang rất phát triển. Từ năm 1997, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thống nhất chủ trương xây dựng Lao Bảo – Đensavẳn thành Khu Thương mại tự do nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Đến nay, sau hơn 25 năm hợp tác, khu vực biên giới của cả hai nước có nhiều đổi thay tích cực. Tuy nhiên, để tạo “cú hích” mạnh mẽ hơn nữa cho tương lai rộng mở thì cần có chủ trương lớn phù hợp với tình hình thực tế. Chủ trương lớn, Chủ tịch Võ Văn Hưng nói, đó là tiến tới xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới, nhắm đến hồng tâm là hợp tác, phát triển kinh tế xuyên quốc gia.

Một góc thị trấn Lao Bảo. Ảnh: PXD
Một góc thị trấn Lao Bảo. Ảnh: PXD

Tôi vốn mù mờ về kinh tế nhưng cũng kịp hiểu, trên thế giới đã có nhiều mô hình kinh tế xuyên biên giới (gọi là CGT viết tắt của cross border growth triangle) rất thành công. Ngay ở châu Á cũng có một nơi như thế, là mô hình phát triển liên quốc gia có từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khu vực nằm ở cửa ngỏ bang Johor (Malaysia) với quần đảo Riau (Indonesia) và đảo quốc Singapore. Kể thì dông dài, nhưng tựu trung, Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavẳn sẽ vận hành đối xứng nhau qua đường biên giới, có sự kết nối cứng về hạ tầng (kho bãi tập kết và kiểm hóa, cảng cạn…) và kết nối mềm về chính sách (cơ chế, chính sách ưu đãi như “phi thuế quan”…).

Vấn đề là bao lâu nữa thì Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavẳn đi vào hoạt động? Tôi hỏi. Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng gật đầu dứt khoát, sẽ nhanh thôi. Bởi theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị từ cuối năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện nay việc xây dựng Đề án về Khu Kinh tế -Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavẳn đã triển khai, Chính phủ hai nước sẽ sớm phê duyệt và đó chính là nền móng cho việc xây dựng ngôi nhà chung về cơ chế hoạt động của Đề án khi đi vào thực tiễn.

Một khu du lịch mới trên vùng cao Hướng Hóa. Ảnh: PXD
Một khu du lịch mới trên vùng cao Hướng Hóa. Ảnh: PXD

Đời người, mỗi khúc quanh luôn có những điều đơn giản mà nếu bỏ qua ta sẽ làm nghèo đi tâm hồn của chính mình. Gia đình tôi, năm 1975 hồi hương từ thành phố Đà Nẵng về Quảng Trị. Lần đầu nhận mặt quê hương, trên chuyến xe chở cả gia đình ngược phía tây đường 9 tôi nhìn thấy những bông dã quỳ nở sớm ở hai ven đường. Tôi không biết đó là dã quỳ, cứ nghĩ là hoa hướng dương.

Sau này, do nghề nghiệp, tôi lang thang qua vùng Tây Nguyên nắng gió, Tây Bắc mù sương, lại thấy dã quỳ ven đường chờ đợi. Và rồi những chuyến xuôi ngược miền Khe Sanh – Lao Bảo lại thấy thấp thoáng ven đường những bông dã quỳ. Cứ như là dã quỳ với tôi có sợi dây vô hình nối kết. Trong một bút ký, tôi gọi dã quỳ là “sơn nữ hoa” vì hình dung trong tôi mỗi bông dã quỳ là một bóng hình sơn nữ.

Những bóng hình sơn nữ Miền Mây trắng, cỏ hoa Miền Mây trắng, ký ức trong tôi và hiện thực ngổn ngang tươi rói của vùng đất tôi gọi tên Miền Mây trắng, có thể gọi chung là gì? Với tôi, chừng đó đủ để ghi dấu lòng mình, chỉ riêng tôi thôi: Hướng Hóa - Sử thi ở Miền Mây trắng.

Lan man khi khép lại bút ký này, tôi nhớ một chiều nào đó gần đây, đã dừng lại ven đường 9 ở quán Homi Cafe cách thị trấn Khe Sanh không xa. Quán nhỏ thôi nhưng vị trí đắc địa, trở thành điểm check in nổi tiếng của dòng người du lịch ngược xuôi. Từ đây nhìn xuống là thung lũng nhiều sông suối uốn lượn quanh co, nhìn ngang những sườn đồi bát úp, rừng xanh đan níu vào nhau, và trên cao những chùm mây trắng như bông, trắng nao lòng một màu tinh khiết.

Nhấp ngụm cà phê xứ núi giống Arabica thơm đắng đặc trưng làm nên thương hiệu cà phê Hướng Hóa, lòng bỗng ngân lên giai điệu của bản nhạc nào đó. Chợt nhớ ra, phải rồi, bài Sơn nữ ca của nhạc sĩ Trần Hoàn, cũng một người con quê hương Quảng Trị. Bất chợt lòng vương mang câu hỏi, Trần Hoàn ngày đó có như Tố Hữu với Lao Bảo năm 1938, có như tôi bây giờ? Không chắc, nhưng biết đâu, cách đây ba phần tư thế kỷ, năm 1948, người nhạc sĩ tròn 20 tuổi ấy, đứng giữa rừng núi U Bò – Ba Rền phía Tây tỉnh Quảng Bình giáp ranh Quảng Trị mà lòng khôn nguôi nhớ về Miền Mây trắng ở quê xa. Để trong phút giây chưa kịp cầm nắm, khoảnh khắc một cuộc tình như ánh chớp sử thi ngang qua đời nhạc sĩ: “Đôi ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây"...

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

TAGS

Khe Sanh- Hướng Hóa: Vẫn là từ khóa hôm nay

Phạm Xuân Dũng |

Liên quan đến chiến tranh Việt Nam vừa qua thì có lẽ Khe Sanh là một trong những địa danh hàng đầu từng ám ảnh nước Mỹ, kể cả khi chiến cuộc Khe Sanh năm 1968 đã lùi vào quá khứ. Một ám ảnh từ "Hội chứng Việt Nam".

Thầy giáo biên phòng vùng cao

Hồ Thanh Thoan |

Mặc dù công việc khá vất vả, nhọc nhằn nhưng vì sự nỗ lực và quyết tâm của bà con, chị em lớn tuổi không quản đêm hôm, tối trời, mưa hay nắng vẫn chẳng chùn bước, ngại ngùng và hổ thẹn để được đến lớp theo học đã làm cho anh rất vui và hạnh phúc trong những lần đứng trên bục giảng.

Bồi đắp tình yêu đất nước qua "Tiết học biên giới"

Lê Thị Thu Thanh |

Quảng Trị có chung đường biên giới với hai tỉnh Savannakhet và Salavan của nước bạn Lào dài 179,345 km (gồm biên giới trên sông, suối và trên bộ), gồm 17 xã, thị trấn thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, với 62 vị trí/ 68 cột mốc quốc giới, 23 vị trí/ 35 cọc dấu. 

Sê Pôn - dòng sông biên giới thắm tình hữu nghị Việt- Lào

Hoàng Hữu Hóa |

Khi đặt chân đến bên bờ sông Sê Pôn, tôi lại vấn vương câu hát “Ơi em gái Sê Pôn, em có nghe anh hát, hát về em về tình bạn Việt - Lào, em có tắm dòng suối La La từ nơi anh Hướng Hóa chảy qua mang tình anh thiết tha thiết tha"...

Dòng điện hiện đại trên mảnh đất của Chiến thắng Khe Sanh lịch sử

Thục Khanh |

55 năm sau Chiến thắng Khe Sanh lịch sử, trên một vùng bị đạn bom cày xới, thị trấn Khe Sanh nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung đã tươi xanh trở lạị.

Hướng Hóa và những trang viết của tôi

Đào Tâm Thanh |

Dẫu vậy, với sự thôi thúc của một người viết, tôi đã bao lần giở cuốn sổ công tác của mình ra, đọc tư liệu nhưng rồi gấp lại bởi sự đau thương quá lớn, không thể diễn tả.

Đường đến đô thị vàng

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Lịch sử nhân loại thuộc về những con người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực, ý niệm đó vang lên khi tôi đứng trước biểu tượng hào hùng của bộ đội tăng thiết giáp trên đỉnh làng Vây.

Một chấm xanh

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Rất có thể, nét dễ thương này của Hướng Hóa khiến những ai dừng chân ở đây một lần sẽ thấy bâng khuâng.