BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Đường đến đô thị vàng

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Lịch sử nhân loại thuộc về những con người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực, ý niệm đó vang lên khi tôi đứng trước biểu tượng hào hùng của bộ đội tăng thiết giáp trên đỉnh làng Vây.

Nụ cười ấm như hương cà phê của Khanh đã làm tôi say mê Hướng Hóa thêm lần nữa. Khi ấy, làn sương chiều huyền ảo vừa giăng kín lưng chừng những núi đồi xanh biếc và tôi hiểu ra rằng tôi đang chạm vào một xứ sở cao ráo mơ màng, một trái tim nồng ấm đủ làm tôi chuếnh choáng vượt sông này đèo nọ để đến giữa bạt ngàn cây lá và trùng trùng sương trắng lắng nghe lòng bồi hồi rạo rực với những câu hát đang rót men gọi tôi về trên một đô thị vàng.

 
Đỉnh Trường Sơn quanh năm mây phủ. Ảnh: Bôn Nguyễn

Có lẽ hàng ngàn năm trước, trong một lần rời khỏi đỉnh Trường Sơn cao ngất luôn chìm trong một màu xanh huyền hoặc, Đấng Sáng tạo đã thổi vào núi rừng phía Tây Quảng Trị ý tưởng lãng mạn về sức quyến rũ rất riêng của một miền đất của gian lao và hy vọng. Rồi một ngày kia không ngăn nổi mình đi tới những con đường hư ảo trong sương, tôi quay lại với linh hồn của đất đỏ bazan mềm mại trên những vành đồi chung chiêng vùng biên giới.

Sau phút ngồi thật yên cảm nhận sự quyến rũ êm đềm của cơn mưa nguồn thảng thốt, Khanh giúp tôi giở những trang sách về thế giới xanh thắm này, nghe những trang giấy mở ra một Hướng Hóa sâu thẳm trong thời gian, mới mẻ trong không gian với rất nhiều thăng trầm và khát vọng. Qua mỗi thời kỳ quật khởi của dân tộc, Hướng Hóa luôn biết chuyển hóa năng lượng của mình thành sức mạnh đi tới. Tôi trong đời đã biết bao lần cảm ơn những người chép sử- những người đã dùng bộ óc mẫn tiệp và sự trung thực thông tuệ của mình làm ngón tay chỉ vào ánh sáng của sự thật, giúp tôi hiểu và tự hào về một dân tộc đã được sinh ra trong cùng một bọc.

Nhưng trong những bản làng của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều nép mình giữa núi rừng Trường Sơn trùng điệp này còn có một thứ biên niên sử có thể nâng nhận thức của con người lên trong cảm khái kỳ lạ được chép trong thăm thẳm hũ rượu cần nồng nàn mùi lúa mẹ, men lá rừng chân mộc và thiêng liêng. Vít cong cần rượu bên ánh lửa nhà dài, tôi khám phá cái thâm u của rừng núi giữa tầng tầng ký ức mà già bản giữ gìn cho con cháu trong lớp da mồi và tiếng cồng chiêng muôn đời vẫn vọng.

 
Ảnh: Bôn Nguyễn

Lịch sử nhân loại thuộc về những con người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực, ý niệm đó vang lên khi tôi đứng trước biểu tượng hào hùng của bộ đội tăng thiết giáp trên đỉnh làng Vây. Tôi nín thở nhìn ngắm những ngôi làng nằm giữa thung lũng Khe Sanh đang sáng trưng dưới ánh mặt trời của ngày mới.

Đến đây và nôn nao trong buổi bình minh này khi được hiện hữu trong một phong cảnh màu mật ong với những vườn cây tươi tốt, những ngôi nhà mái lá, làn không khí óng ánh bụi nước và sự mẫn cảm, tôi nhận ra lý do tại sao từ trong những ngày lửa khói mịt mùng của chiến dịch Nam- Lào đã hiện ra trong sức tiên cảm của nhà thơ Ngô Kha một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ một thị trấn yêu kiều qua ngả làng Vây.

Ngày ấy, qua mây thấp và sương mù giăng kín một vùng bị đạn bom đào xới nổ tung lởm chởm như bề mặt của mặt trăng, thi sĩ nhìn thấy sau ngày phá vỡ trùng vây đập tan quân cướp nước là sự hồi sinh mãnh liệt của đất đai và cây cỏ trên núi đồi hùng vĩ bát ngát này. Sau giờ phút hát khúc khải hoàn, giấc mơ đô thị vàng ở Hướng Hóa lớn lao bởi vì tính hiện thực của nó, một hiện thực mà trong đó sự nhọc nhằn và chất lãng mạn gần như hòa quyện với nhau.

Khe Sanh là nơi bản thân cuộc sống được tính bằng chồi non, bằng hồn sông núi còn đọng những dư ba trong mỗi nhát cuốc bổ đôi thời gian. Thời gian của 55 năm về trước, trên tầng tầng lớp lớp đất bazan đỏ au này đã diễn ra một cuộc phô trương hỏa lực khủng khiếp của Lầu Năm góc và Dinh Độc lập mà từ đó cả thế giới đã chứng kiến một câu chuyện thần kỳ như đã từng xảy ra ở Điện Biên Phủ đối với đội quân viễn chinh Pháp.

Thời gian 55 năm trở lại đây, cái lòng chảo từng là cứ điểm phòng ngự then chốt trong hệ thống phòng thủ Đường 9- Khe Sanh của Mỹ ngổn ngang công sự, trận địa pháo và hứng chịu một trong những trận ném bom nặng nề nhất, tập trung nhất trong lịch sử chiến tranh đã xanh tươi trở lại, rạng rỡ hẳn lên.

Ôm vào lòng cả quá khứ lẫn hiện tại của mảnh đất này, tôi bắt gặp trong ký ức của Khanh hình ảnh một Khe Sanh nham nhở bời bời lau lách và nhìn thấy qua vai Khanh chiều dài dịu dàng của một phố núi kiêu hãnh đứng trong lịch sử như một tấm gương cổ điển về ý chí, nghị lực và khát vọng sống của con người.

Tôi thích đứng ngóng quãng đường từ Tà Mây - làng Vây ngang qua đồi Cù Bốc rồi dẫn vào Tà Cơn cả trong lúc nắng lên hay sương xuống. Cuối xuân, cây xanh ngút tầm mắt trên một vùng bát ngát ven đường 9 với triệu triệu mắt lá của buổi thái hòa. Những người già mang họ Hồ đang kể chuyện quê nhà quả quyết rằng lần cuối cùng họ tính thời gian bằng mùa đốt rẫy đã qua lâu lắm rồi và họ đang sống những tháng năm đẹp nhất đời mình trong những ngôi nhà khang trang giữa vườn cà phê, hồ tiêu, ao cá, ruộng lúa nước, đàn bò của gia đình.

Đưa tay chỉ về phía sân bay Tà Cơn, người già mang họ Hồ cắt nghĩa cái tên của nơi trước kia những trung đoàn Thủy quân lục chiến, Kỵ binh bay của đế quốc Mỹ đã trả giá bằng máu trong tiếng Vân Kiều có nghĩa là đẹp. Sau nửa đời cày cuốc, gieo trồng, họ lại đưa Tà Cơn trở về với ý nghĩa uyên nguyên của nó.

Vào những ngày còn ghi trong ký ức của họ đã có những cơn khát làm Khe Sanh, Hướng Hóa kiệt sức như những cánh rừng già bị hủy diệt bởi B52, rocket, napan cứ lùi dần về phía chân trời. Gần 20 năm sau ngày chiến thắng, con người ở đây vẫn trải qua những cơn mộng dữ, những nỗi lạnh lẽo đời thường và những niềm sợ hãi đen tối mà đói nghèo, lạc hậu mang lại. Những con người thật thà, quả cảm của làng Cát, làng Vây, Động Tri, Tà Cơn, bản Côn, Khe Sanh và các cao điểm lịch sử khác trần ai với  các cuộc trao đổi sản vật một lấy mười.

Du canh du cư, phá rừng đốt rẫy làm nương và chờ đợi từng công văn chính sách của Nhà nước, họ đói cơm, nhạt muối, thiếu đường đi, thiếu vải, thiếu nhà cửa, thiếu cái chữ, dụng cụ sản xuất... trên màu đất đỏ cồn cào. Những năm tháng thiếu sáng tạo như vậy cứ nối nhau đi qua những số phận lam lũ với chiếc gùi đựng chuối rừng, bắp nương, sắn rẫy trên lưng và bọc địu con trước ngực. Những đứa con của họ sinh bảy còn hai, ba vì sốt rét, đói ăn, vì ma rừng và Giàng muốn thế. Sự hồi sinh của một vùng đất, của cả mấy tộc người ngày ấy còn nhờ vào một vạn con người từ những thôn, làng Triệu Phong lên định cư kinh tế mới vì “đồng bào miềng không quen với cái sướng, chỉ quen với cái khổ thôi... Đất đai nhiều mà không biết làm ăn nên cái bụng không no”.

 
Hồ Tân Độ- Khe Sanh. Ảnh: Xanh EWEC

Từ thung lũng Khe Sanh nhìn lên hướng Tây là nơi mặt trời rơi vào đất mỗi khi ngày tắt. Ở đó, tôi có được khoảnh khắc căng mình trong cảm nhận sự thiêng liêng gần gũi của biên giới thân yêu của Tổ quốc. Lao Bảo trong trí tưởng của tôi là vầng trán tuyệt đẹp của một con rồng cường tráng đang ngạo nghễ nâng đỡ khát vọng bình yên, no ấm, giàu đẹp của Hướng Hóa... Suốt buổi chiều, tôi lang thang trong một vẻ đẹp dễ làm lòng người bâng khuâng của những quả đồi bát úp chập chùng xanh ngát với ý nghĩ dường như có một họa sĩ vũ trụ nào đó vừa đến đây, không ngăn được cảm hứng "cuồng phóng nỗi đam mê màu sắc trên tấm vải hoành tráng của núi non, vẽ nên bức tranh phong cảnh đầy ấn tượng”. Tầm mắt tôi dừng lại ở đỉnh núi cao nhất của dãy Trường Sơn- Puluông hiểm trở suốt sườn Tây trong vị trí của cánh cửa mở ra hành lang thông ngang bán đảo Đông Dương một cách thuận lợi nhất. Hiện bóng trong trí tưởng tượng của tôi là hình ảnh thi sĩ Ngô Kha đứng trên sườn đồi này, một mình ngắm cảnh tượng nên thơ và hùng vỹ trong ngọn gió tang bồng và nỗi trầm tư dằng dặc đã nhìn thấy một hiện thân của tương lai tươi đẹp.

 
Thị trấn Lao Bảo.

Vàng ở Khe Sanh, Hướng Hóa không ở trên cổ những người phụ nữ mà ở trong đất bazan giản dị, trong bảng lảng sương mù, trong nắng vàng óng, trong ngọn gió thung thăng, trong những cơn mưa Đông - Tây Trường Sơn, trên những con đường vinh quang và duyên dáng. Đi dọc đường 9 rồi vào Lìa, đến Hướng Phùng... tôi sửng sốt nhìn những vườn cây nối tiếp nhau xanh tới cuối trời. Trong mọi chiều của thời gian và không gian ở Hướng Hóa rộn lên ước vọng về những mùa vàng. Với những cuộc đời khiêm nhường và mộc mạc ở đây, đam mê thật nhất của trái tim là những khu vườn đầy hoa trái nồng nàn và lặng lẽ nhả hương theo ngày tháng. Cuối chiều, Hướng Phùng thẫm đặc trong lá biếc ru mình vào mây khói xuống tự lưng trời. Dưới bóng một cây cà phê vạm vỡ, Nguyễn Linh không giấu giếm tình yêu đối với 3 hecta cà phê của mình trên mảnh đất vốn dĩ xa lạ với một chàng trai Triệu Phong như anh đã trở thành một phần đời quan trọng của anh. Bỗng nhiên, tôi nhận thấy trong mỗi chiếc lá ở đây tràn ngập ánh sáng và lương tri của những con người biết ước mơ và đang biến ước mơ thành hiện thực.

Trở lại Khe Sanh, tôi ríu bước tìm Khanh khi anh còn bận tâm với những thao tác đo tải dòng điện thắp sáng chốn núi đồi này. Trên lớp hồng tươi của đất bazan sau cơn mưa chiều, tôi trượt chân trong một cú ngã êm ái và trước rất nhiều ánh mắt, bàn tay chìa đỡ, tôi biết mình vừa tiếp nhận chút ân tình nồng ấm, dịu dàng của đất này.

Cho đến khi mọi vật đã gần kề với thời điểm đêm buông xuống, thị trấn Khe Sanh sáng bừng ánh điện. Xuyên qua những sợi nước mỏng mảnh long lanh của cơn mưa nhẹ là mùi vị quyến rũ của những giọt cà phê đang nhỏ đều đâu đó bên một góc yên ả của phố núi. Khu vườn như chiếc thắt lưng xanh ghì quanh một nếp nhà ấm sáng ở Pa Nho là một trong những biểu hiện chân thực nhất của chí hướng thực hiện giấc mơ đổi đời và khát vọng ấm no.

Những con người năm nào gùi lương tải đạn, mở đường kéo pháo, cáng thương giữa núi cao rừng thẳm đã được đến thủ đô tham dự hội nghị đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc với niềm vui "cả bản không còn người thiếu đói nữa, lớp trẻ sau này còn táo bạo vay cả vốn ngân hàng để đầu tư trồng cây công nghiệp...”. Qua những khe hở của lá, tôi nhìn thấy dải trăng thanh vừa hiện ra từ phía non xa đang êm đềm hát khúc ca vô biên và linh cảm được rằng đêm nay tôi sẽ ngủ ở đây với giấc mơ thiên thai riêng của đời mình.

 
Thị trấn Lao Bảo nhìn từ trên cao

Giữa một ban mai run mỏng, tôi gặp Miên bên dòng Sê Pôn xanh thẳm. Em bước qua cánh cửa bình minh đi vào trong ngàn tiếng lá của vườn cây lúc lỉu trái trong mênh mông khoáng đạt của đất trời. Hái đầy gùi trái chín, nụ cười sơn nữ của Miên bẽn lẽn trong ngần truyền tới ngọn nguồn cảm xúc của tôi một niềm vui bất tuyệt. Tôi mang niềm vui ấy đi tới hai bờ của dòng Xêbănghiêng trù mật với các xã Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Lập ngợp trong màu lục trẻ trung của cây lá rồi đến Cù Bai, Sen Bụt tận mắt nhìn ngắm một dải biên cương bình yên của Tổ quốc.

Sau phút ùa chạy trên con đường quanh co đèo dốc, tôi muốn quỳ hôn những quả đồi Lao Bảo chói ngời sắc biếc. Sau nhà thơ Ngô Kha, bao nhiêu người đã đến cửa ngõ khai mở kinh tế vùng lưu vực sông Mê Kông này để hình dung đến từng chi tiết của một mô hình kinh tế mở có nội lực như một khối nam châm cực lớn đủ sức thu hút ngoại lực để bước vào thế kỷ mới trong đà cất cánh của con Rồng cháu Tiên.

Tiềm năng ngày một lộ diện của nền kinh tế dịch vụ thương mại lấy tuyến đường 9, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo trong vị thế đường xuyên Á đưa người Hướng Hóa thoát khỏi ám ảnh đói nghèo và nguy cơ tụt hậu ngân vang trong tâm thức của họ, trao cho họ cơ hội đi cùng dân tộc trong hành trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa với một cá tính, một nghị lực đầy đặn. Cuộc viễn du này đưa tôi đến trước những điểm cao lịch sử, đối diện với một nhà đày tàn khốc trong quá khứ bi tráng của dân tộc, đi trên con đường 9 của trọng pháo thời chiến tranh, con đường 9 thị trường hôm nay, đứng trước cửa khẩu thương mại quốc tế và nghĩ đến một thị trấn biên giới sầm uất.

 
Phố núi Khe Sanh mờ ảo trong làn sương. Ảnh: Bôn Nguyễn

Niềm ngưỡng vọng đối với đường Trường Sơn huyền thoại đã làm chiếc giỏ trái tim tôi căng đầy hình ảnh của một đại lộ thênh thang, một thành phố Trường Sơn hùng vĩ, xinh đẹp và hiện đại. Con đường vinh quang chênh vênh vắt qua đôi sườn núi Đông nắng Tây mưa với nhiều dốc cao suối sâu giữa những cánh rừng già từng nhận về mình hết thảy ác liệt của bom đạn vào thuở xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước nay đã dẫn vào một hướng đi tới hiện thực đàng hoàng và to đẹp hơn. Ai bảo Trường Sơn là nắng rát, đã đến ngày thông lộ kinh tế của Hướng Hóa băng qua đỉnh Trường Sơn trọn vẹn dáng vóc và đánh thức mọi tiềm năng ẩn hiện quanh nó. Hình thế của con đường nói lên tính hiện thực và sự lãng mạn của cả một cơ ngơi kinh tế thời kỳ công nghiệp hóa giữa chốn sơn tràng này.

Theo con đường dốc của dãy núi bên dòng Rào Quán đã trong xanh trở lại sau cơn mưa đầu mùa đang rì rầm một giai điệu ngoan hiền, tôi cùng Khanh đi giữa những đám mây và nhìn ngắm những vườn đồi, vườn nhà làm nên sự sinh động của núi non. Trong những cánh chim trời cao vút, trong tiếng sóng êm đềm và nhẫn nại, tôi cảm thấy tất cả sông, suối, bình nguyên, núi rừng này là một báu vật thuộc về sự cần mẫn và ý chí của con người nơi đây.

Bên kia sông, tiếng loa máy của giờ chào cờ buổi đầu tuần ở một trường học vang lên từ phía thị trấn mà tên nghe như một câu thơ đầy ánh sáng. Tôi gởi vào dòng thủy triều đang lên dưới kia những suy niệm của mình về một đô thị vàng với các vùng chuyên canh trù mật, khu công nghiệp đường 9, khu thương mại quốc tế sầm uất, đại lộ Trường Sơn hoành tráng ra đời vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của con người và mảnh đất này trong một tổng hợp thành công giữa lòng dũng cảm và trình độ.

Những hy vọng dâng lên từ đất đai, cánh cửa, con đường đã và đang mang lại nhiều lương tri và ánh sáng trong nụ cười trên gương mặt của những con người trao tặng cuộc sống của mình cho một đô thị vàng mà trong những ngày đến đó tôi quên hết lối về.

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

TAGS

Chấp thuận ý tưởng đầu tư xây dựng hai dự án khu đô thị tại huyện Hải Lăng

Nhơn Bốn |

Ngày 16/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Hải Lăng và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thương mại - Dịch vụ Phương Thảo (gọi tắt là Công ty Phương Thảo), trụ sở tại tỉnh Bình Dương về ý tưởng nghiên cứu đầu tư hai dự án khu đô thị tại huyện Hải Lăng.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng: Mong muốn Tập đoàn Phú Mỹ Hưng đầu tư vào lĩnh vực du lịch biển, khu đô thị, khu công nghiệp và năng lượng mới

Thanh Trúc |

Ngày 27/2, tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng và lãnh đạo các sở, ngành có chuyến thăm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với Tập đoàn Phú Mỹ Hưng (Đài Loan).

Quy hoạch phát triển thị trấn Cửa Việt thành đô thị sinh thái, dịch vụ - du lịch

Lê Minh |

Ngày 15/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Cửa Việt huyện Gio Linh và tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) để mở rộng cảng Cửa Việt.

Phát triển mảng xanh đô thị

PV |

Phát triển đô thị xanh an toàn và bền vững là xu thế tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã lên kế hoạch phát triển đô thị xanh ở địa phương mình, với mục tiêu tạo không gian xanh giúp cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống cho người dân.