BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Thầy giáo biên phòng vùng cao

Hồ Thanh Thoan |

Mặc dù công việc khá vất vả, nhọc nhằn nhưng vì sự nỗ lực và quyết tâm của bà con, chị em lớn tuổi không quản đêm hôm, tối trời, mưa hay nắng vẫn chẳng chùn bước, ngại ngùng và hổ thẹn để được đến lớp theo học đã làm cho anh rất vui và hạnh phúc trong những lần đứng trên bục giảng.

Hướng Hoá là huyện miền núi, vùng cao, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, có đường biên giới dài 156km, giáp với 3 huyện của nước bạn Lào (gồm huyện Sê Pôn, huyện Noòng của tỉnh Savannakhet và huyện Sa Muội của tỉnh Salavan); có Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, các cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở qua lại hai bên biên giới. Địa thế núi rừng H­ướng Hoá rất đa dạng, núi và sông xen kẽ tạo thành địa hình chia cắt rất đặc trưng.

! Thầy giáo Hồ Văn Hữu đang tập viết cho các chị ở lớp xoá mù tại điểm trường A Dơi Đớ, xã A Dơi, Hướng Hoá - Ảnh HỒ THANH THOAN (1)
Thầy giáo Hồ Văn Hữu đang tập viết cho các chị ở lớp xoá mù tại điểm trường A Dơi Đớ, xã A Dơi, Hướng Hoá. Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Hầu hết các xã nằm sát đường biên giới đều có đồn biên phòng đóng quân để làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ từ khu vực cửa khẩu đến đường biên, không chỉ nhiệm vụ đó mà họ còn mang sứ mệnh lan tỏa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn huyện; Các đồn đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình phối hợp, hỗ trợ các xã biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

Tham mưu cho địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai công tác phòng chống tội phạm, ma tuý, mua bán người; những biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới; tham mưu, đề xuất mô hình, cách làm hay, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chiến sĩ biên phòng để gắn kết nghĩa tình quân dân nơi vùng cao biên giới.

Ngoài ra, bộ đội biên phòng còn triển khai nhiều chương trình, việc làm thiết thực, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc như: Người thầy giáo quân hàm xanh, thầy thuốc quân hàm xanh, mái ấm biên cương, đồng hành cùng phụ nữ biên cương, giúp người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 bùng phát, lực lượng biên phòng ở Hướng Hóa đã tích cực ngăn chặn dịch xâm nhập vào nước ta, là lá chắn thép chống dịch nơi biên giới rất vất vã. Tất cả những việc làm trên đã củng cố lòng tin của người Pa Cô – Vân Kiều với Đảng, Nhà nước; thắt chặt tình đoàn kết quân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đồng bào trong lao động, sản xuất; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Nhờ đó, đã được nhân dân cung cấp nhiều thông tin, giúp bộ đội biên phòng kịp thời nắm bắt, xử lý tình hình, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trên địa bàn huyện, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Đồn Ba Tầng được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý đường biên giới dài hơn 18km, đi qua 13 thôn bản của hai xã A Dơi và Ba Tầng thuộc huyện Hướng Hóa. Đây là khu vực vùng cao, giáp biên giới nước bạn Lào, tập trung nhiều đồng bào Vân Kiều và Pa Cô sinh sống. Điều kiện địa hình hiểm trở với nhiều sông suối, vách đá cheo leo, dân cư sinh sống rải rác, cách xa trung tâm nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Để góp phần củng cố, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, từng bước nâng cao dân trí, đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng biên giới. Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng không chỉ vững chắc tay súng bảo vệ biên cương mà còn chủ động, tích cực phối hợp với địa phương thực hiện nhiều chương trình, đề án, phong trào. Trong đó công tác xóa mù chữ cho dân bản là việc làm hàng đầu để nâng cao dân trí.

! Thầy giáo Hồ Văn Hữu đang đứng lớp dạy xoá mù tại điểm trường A Dơi Đớ, xã A Dơi, Hướng Hoá - Ảnh HỒ THANH THOAN (1)
Thầy giáo Hồ Văn Hữu đang đứng lớp dạy xoá mù tại điểm trường A Dơi Đớ, xã A Dơi, Hướng Hoá. Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Đại úy Hồ Văn Hữu, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ba Tầng là một tấm gương điển hình trong công việc này. Anh đã đi tận ngõ, gõ cữa tận nhà nắm tình hình; lên nương làm rẫy cùng bà con để giải thích, tuyên truyền, vận động mọi người tham gia lớp học xóa mù chữ, lập danh sách để động viên những người tái mù chữ tham gia các khóa học xóa tái mù.

Không kể ngày đêm, mưa nắng và bất cứ nơi đâu, gia đình nào nếu nắm được thông tin học sinh có ý định bỏ học giữa chừng là anh tìm đến nhà để tâm sự, khuyên răn để các em trở lại trường lớp. Anh là người dân tộc Vân Kiều được sinh ra và lớn lên ở xã Mò Ó thuộc huyện Đakrông. Năm 2011 thi vào trường Quân sự, sau khi tốt nghiệp được điều động về công tác ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ năm 2020 mới được chuyển công tác về Đồn Biên phòng Ba Tầng, huyện Hướng Hoá, anh là một cán bộ khá năng nổ và tích cực trong mọi hoạt động của đơn vị, với việc luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của người lính lại thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với bà con bản làng, vừa làm công tác dạy xoá mù và tích cực tham gia các hoạt động phong trào giúp đỡ đồng bào trong vùng nên bà con dân bản gọi anh với cái tên thân thương, trìu mến là thầy Hữu.

Trong nhiều năm qua, cứ mỗi tuần có ba buổi tối tại điểm trường thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, lớp học xóa mù chữ của Đồn Biên phòng Ba Tầng do anh phụ trách gồm học viên là các mẹ, các chị ở nhiều độ tuổi khác nhau tập trung đến cùng học. Ngoài bút vở mang theo người thì trên đầu đều gắn thêm những chiếc đèn pin hoặc cầm tay để đi đường trong đêm tối. Các mẹ, các chị đang trẻ đôi lúc phải địu theo con nhỏ trên lưng để len lỏi qua từng con suối, chặng đường để đến lớp đúng giờ tiếp thu cái chữ.

Về phía thầy giáo Hữu phải chọn những phương pháp để dạy cho phù hợp với từng đối tượng. Ngoài việc dạy chữ còn lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ kết hợp với tuyên truyền chính sách pháp luật, bãi bỏ các hủ tục lạc hậu, đưa nếp sống văn minh đến với bà con thôn bản. Từ đó, tạo hứng khởi để các mẹ, các chị chuyên cần đến lớp ổn định. Dần dần, bà con đã đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính thông thường và có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động.

! Đại uý Hồ Văn Hữu cùng với các cô giáo đang trao quà cho các cháu ở trường Mầm non xã A Dơi - Ảnh HỒ THANH THOAN (1)
Đại uý Hồ Văn Hữu cùng với các cô giáo đang trao quà cho các cháu ở trường Mầm non xã A Dơi. Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Không những chỉ việc dạy xóa mù, anh đã chủ động phối hợp với các nhà trường, giáo viên bán trú, tổ chức Đoàn Thanh niên, Phụ nữ trong xã vận động được 55 cháu trong độ tuổi đi học được đến trường và gần 30 học sinh các cấp học có ý định bỏ cuộc lại tiếp tục theo học. Phối hợp với các trường tổ chức triển khai trên 18 tiết học ngoại khoá về chủ đề biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc cho các em học sinh trên địa bàn.

Ngoài ra, anh đã cùng các tổ chức đoàn thể địa phương tập hợp lại số bà con tái mù chữ và trực tiếp đứng lớp đồng thời làm giáo viên chủ nhiệm cho 5 lớp xóa tái mù với hơn 180 học viên. Mỗi khoá học kéo dài 6 tháng đã giúp các mẹ, các chị biết đọc, biết viết và làm được các phép tính cơ bản. Những lớp học xóa tái mù chữ phải tổ chức học vào ban đêm, vì ban ngày họ phải lao động, sản xuất trên nương rẫy.

Mặc dù công việc khá vất vả, nhọc nhằn nhưng vì sự nỗ lực và quyết tâm của bà con, chị em lớn tuổi không quản đêm hôm, tối trời, mưa hay nắng vẫn chẳng chùn bước, ngại ngùng và hổ thẹn để được đến lớp theo học đã làm cho anh rất vui và hạnh phúc trong những lần đứng trên bục giảng.

Bên cạnh đó, Đại úy Hồ Văn Hữu còn được Cấp uỷ, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Ba Tầng giao nhiệm vụ trực tiếp kèm cặp, dạy dỗ và giúp đỡ hai cháu học sinh là con nuôi của Đồn và mười cháu trong chương trình “Nâng bước em đến trường”. Qua thời gian học tập, rèn luyện các cháu đều đã đạt được học lực khá, giỏi; có một cháu thi đỗ vào đại học. Trong đó có hai cháu học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Dơi đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp tỉnh và nhận được Giải thưởng Vừ A Dính của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2022.

Về phía bà con thôn bản cũng rất vui mừng, do điều kiện hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên từ khi sinh ra lớn lên chỉ quen làm lụng với nương rẫy, đồi núi. Vì thế chuyện học hành không mấy quan trọng đối với họ, chỉ lo ngày có 3 bữa ăn cho gia đình và của cải để dành được chút ít là mừng lắm.

Những lúc dự họp ở địa phương hoặc giao tiếp với xã hội thấy người ta đọc sách, đọc báo hoặc trao đổi công việc qua mạng xã hội bằng điện thoại là cứ tủi phận và cảm thấy mình bị thiệt thòi, họ mong muốn sẽ có những lớp học xóa mù để tham gia và có thể tự mình phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống.

Đến bây giờ được sự vận động của chính quyền địa phương cùng lực lượng bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn mở các lớp học xóa mù; các mẹ, các chị đã mạnh dạn tham gia rất phấn khởi và vui vẻ. Trước đây khi chưa đến lớp nếu có việc gì liên quan đến giấy tờ tùy thân hoặc gia đình đều phải nhờ người khác hoặc cán bộ hỗ trợ, xong phải ấn đầu những ngón tay vào hộp mực dấu để điểm chỉ thay vì cầm bút ký trên giấy tờ, sổ sách. Nhưng hiện nay đã đọc thông, viết thạo nên mọi việc được thuận lợi hơn nhiều. Các mẹ, các chị không ngờ rằng niềm vui lại đến với cả thôn bản để họ có kiến thức, biết chữ, biết tính toán, cũng như có thêm các kỹ năng sống. Từ đó, mạnh dạn hơn trong việc ứng xử, giao tiếp, không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt.

Đã hơn ba năm gắn bó với Đồn Ba Tầng, với bà con hai xã Ba Tầng và A Dơi, ngoài cương vị là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đại úy Hồ Văn Hữu còn là Phó Bí thư Chi đoàn nên anh luôn sẵn sàng cùng các đoàn viên thanh niên đơn vị tham gia giúp dân khắc phục, sửa chữa nhà cửa, các công trình dân sinh mỗi khi có thiên tai xảy đến. Duy trì hoạt động các tổ tự quản đường biên, cột mốc, tổ an ninh trật tự thôn bản, tổ chức phát quang để thông tầm nhìn biên giới. Phối hợp với Ban Chấp hành đoàn các xã tổ chức Tết Trung thu cho các cháu học sinh, chương trình “Ngày chủ nhật xanh” làm vệ sinh tại các trục đường, khu vực Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn, tạo một môi trường xanh, sạch, đẹp và luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ, đánh giá cao của bà con dân bản, cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Công tác mở các lớp xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không chỉ giúp người dân nơi biên cương biết đọc, biết viết mà còn mở ra cơ hội để bà con tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế hay áp dụng vào sản xuất, nhất là việc tuyên truyền vận động bà con dân bản ở nơi xa xôi, hẻo lánh, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn thay đổi nhận thức, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội để xây dựng cuộc sống mới. Quan trọng nhất là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gần với người dân hơn.

Trong những năm qua, Đại úy Hồ Văn Hữu đã có nhiều đóng góp thiết thực tại địa bàn công tác và luôn thực hiện tốt phương châm của người lính biên phòng: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới đã xứng đáng nhận được phần thưởng cao quý: Giải thưởng Vừ A Dính do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng năm 2022.

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết:http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

TAGS

Bồi đắp tình yêu đất nước qua "Tiết học biên giới"

Lê Thị Thu Thanh |

Quảng Trị có chung đường biên giới với hai tỉnh Savannakhet và Salavan của nước bạn Lào dài 179,345 km (gồm biên giới trên sông, suối và trên bộ), gồm 17 xã, thị trấn thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, với 62 vị trí/ 68 cột mốc quốc giới, 23 vị trí/ 35 cọc dấu. 

Sê Pôn - dòng sông biên giới thắm tình hữu nghị Việt- Lào

Hoàng Hữu Hóa |

Khi đặt chân đến bên bờ sông Sê Pôn, tôi lại vấn vương câu hát “Ơi em gái Sê Pôn, em có nghe anh hát, hát về em về tình bạn Việt - Lào, em có tắm dòng suối La La từ nơi anh Hướng Hóa chảy qua mang tình anh thiết tha thiết tha"...

Dòng điện hiện đại trên mảnh đất của Chiến thắng Khe Sanh lịch sử

Thục Khanh |

55 năm sau Chiến thắng Khe Sanh lịch sử, trên một vùng bị đạn bom cày xới, thị trấn Khe Sanh nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung đã tươi xanh trở lạị.

Hướng Hóa và những trang viết của tôi

Đào Tâm Thanh |

Dẫu vậy, với sự thôi thúc của một người viết, tôi đã bao lần giở cuốn sổ công tác của mình ra, đọc tư liệu nhưng rồi gấp lại bởi sự đau thương quá lớn, không thể diễn tả.

Đường đến đô thị vàng

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Lịch sử nhân loại thuộc về những con người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực, ý niệm đó vang lên khi tôi đứng trước biểu tượng hào hùng của bộ đội tăng thiết giáp trên đỉnh làng Vây.

Một chấm xanh

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Rất có thể, nét dễ thương này của Hướng Hóa khiến những ai dừng chân ở đây một lần sẽ thấy bâng khuâng.

Ký ức Cao điểm 689

Bích Liên |

Tháng 6/1968, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 trực thuộc Quân khu miền Bắc, nay là Tiểu đoàn K3 Tam Đảo nhận lệnh vào chốt tại cao điểm 689 chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh. Ngày 8/7/1968, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc sở chỉ huy của địch tại Điểm cao 689 cũng là thời điểm Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo mất đi nhiều đồng chí, đồng đội. Điểm cao 689, 55 năm trước là hy sinh, là máu và nước mắt, 55 năm sau là nước mắt xen lẫn niềm vui, hạnh phúc khi thế hệ đi sau đã biết trân trọng và từng ngày đền đáp những mất mát, đau thương của lịch sử.

Thầy đã "nhặt" thêm một đứa trẻ

Lê Minh |

Gần đây, trên trang cá nhân Facebook của mình, thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & Trung học Cơ sở A Xing, xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện hình ảnh của em bé dân tộc Pa Kô không quần áo. Em bé bưng một chiếc xoong, với bữa cơm không có thức ăn. Những dòng ngắn ngủi, về một hoàn cảnh mồ côi của trẻ. Chúng tôi biết rằng, thầy Trọng đã “nhặt” thêm một đứa trẻ…