BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Ký ức Cao điểm 689

Bích Liên |

Tháng 6/1968, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 trực thuộc Quân khu miền Bắc, nay là Tiểu đoàn K3 Tam Đảo nhận lệnh vào chốt tại cao điểm 689 chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh. Ngày 8/7/1968, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc sở chỉ huy của địch tại Điểm cao 689 cũng là thời điểm Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo mất đi nhiều đồng chí, đồng đội. Điểm cao 689, 55 năm trước là hy sinh, là máu và nước mắt, 55 năm sau là nước mắt xen lẫn niềm vui, hạnh phúc khi thế hệ đi sau đã biết trân trọng và từng ngày đền đáp những mất mát, đau thương của lịch sử.

Sứ mệnh lịch sử

Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 246 thành lập ngày 30/6/1948 tại thôn Văn Minh, xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ngày 22/1/1968, tại cây đa Tân Trào lịch sử, Trung đoàn được lệnh hành quân vào Nam chiến đấu. Sau 5 tháng hành quân gian khổ, ngày 1/6/1968 tại trạm giao liên 15 trên đường Trường Sơn lịch sử, trung đoàn được lệnh vòng xuống Khe Sanh thay địa bàn chiến đấu của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 để trực tiếp vây ép quân Mỹ tại điểm cao 689. Đối với mỗi chiến sĩ của tiểu đoàn 3, đến Khe Sanh là sứ mệnh lịch sử.

Chiến trường Khe Sanh ngày ấy khốc liệt đạn bom và cao điểm 689 ngày ấy được ví như A1 của Điện Biên Phủ. Mỹ mất 689 là mất Tà Cơn, mất tất cả, chiếm được 689 là Mỹ khống chế toàn bộ Khe Sanh. Với vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của Khe Sanh, để chiếm được nơi đây, đã có lúc Mỹ huy động quân lên đến hàng nghìn người.

Các Cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo trở lại thăm chiến trường xưa
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo trở lại thăm chiến trường xưa

Cuối tháng 6 năm 1968, Bộ Tư lệnh mặt trận lệnh cho Tiểu đoàn 3 bằng mọi cách phải làm chủ Cao điểm 689. Triệt để chấp hành mệnh lệnh cấp trên, với tinh hần chiến đấu quả cảm của cán bộ chiến sĩ. Ngày 7/7/1968, lợi dụng tinh thần hoang mang, dao động của địch sau nhiều ngày bị quân ta vây ép, Bộ Tư lệnh Mặt trận ra lệnh cho các chiến sĩ của Tiểu đoàn tấn công, tiêu diệt Điểm cao 689. Coi đây là nhiệm vụ được lịch sử giao phó, những chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, nay là Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo hành quân vào trận địa với khí thế chiến đấu hừng hực. 1h sáng ngày 8/7/1968, Trung đội 3 với tổng quân số là 43 đồng chí bí mật vượt qua cửa mở do Trung đội 1 chuẩn bị sẵn để tiếp cận khu trung tâm chỉ huy của địch ở mỏm A, điểm cao 689.

Cờ giải phóng được trao cho Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Quyền. Người cắm lá cờ giải phóng lên điểm cao 689 Khe Sanh ngày ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi trở lại Khe Sanh sau nhiều năm, Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Quyền nhớ lại: “Thời khắc cắm cờ, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy một tiểu đội đánh mũi thọc sâu. Vì lúc bấy giờ tôi là người đánh địch nhiều nhất ở 689 này. Một trong những người đã đánh từ ngày mồng 1, đã nằm 3 ngày, đánh địch liên tục trong điểm này. Nên tiểu đoàn quyết định tôi là người dẫn đầu, dẫn Tiểu đội 7 là tiểu đội thọc sâu và giao cho tôi  1 lá cờ, một đèn pin. Khi nào cắm được cờ lên sở chỉ huy của địch ở mỏm A 689 thì dùng đèn pin quay về các đồng chí 622  ba  vòng để biết tôi đã cắm được cờ, đã chiếm được 689”.

2h sáng ngày 8/7/1968, Tiểu đội 7 tiếp cận được khu chỉ huy của địch. Hàng loạt thủ pháo, lựu đạn, B40... của ta đồng loạt phát hỏa. Bị đánh bất ngờ, địch ở mỏm A náo loạn chống trả. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng đã hy sinh. Chứng kiến sự hy sinh của đồng chí, đồng đội, Trung đội 3 quyết tâm tiến công và chiếm được hoàn toàn mỏm A. Dưới ánh sáng đèn dù, lá cờ giải phóng được Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Quyền cắm lên nóc sở chỉ huy của địch, đánh dấu Khe Sanh hoàn toàn giải phóng.

Hy sinh anh dũng

Lá cờ tung bay trên nóc sở chi huy của địch, Khe Sanh được giải phóng cũng là lúc Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo mất đi những người đồng chí, đồng đội. Vào chiến trường Khe Sanh khốc liệt là sứ mệnh lịch sử, nhận nhiệm vụ được giao phó, mỗi chiến sĩ ngày ấy xem đó là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý, và sự hy sinh của họ cũng cao quý như chính nhiệm vụ được giao.

Nhiều năm sau ngày Khe Sanh được giải phóng, mỗi năm, những cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo ngày ấy may mắn được trở về vẫn  thường xuyên trở lại với mảnh đất lịch sử này. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, nguyên trợ lý quân lực của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo, người trải qua những trận đánh quyết tử với quân thù trên chiến trường Khe Sanh vẫn nhớ mãi lời thề danh dự trước khi bước vào trận đánh quyết định: Quyết tâm chiến thắng trên điểm cao 689 - quyết tâm giải phóng Khe Sanh. Và hơn hết, ông nhớ mãi về những người đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại với chiến trường Khe Sanh. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi nhớ lại: “Ta đánh chiếm được mỏm A, quân địch ở mỏm B điên cuồng phản kích, chiến sĩ B40 Lưu Văn Thụ sau khi bắn liền 3 quả đạn vào một ổ đạn thì trúng ngay đạn M79 của địch. Dù 2 chân đã bị dập nát, không còn gượng dậy, anh vẫn cố dùng 2 khuỷu tay bò lết, lục lấy lựu đạn của địch chuyển cho đồng chí Lê Văn Thường đánh trả. Đến khi quay lại thì chứng kiến Lưu Văn Thụ đã hy sinh.”

 
 Hát cho đồng đội tôi nghe trên điểm cao 689

Gạt đi những dòng nước mắt vì nhớ thương đồng đội, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi tiếp tục câu chuyện về những gương hy sinh anh dũng tại Điểm cao 689 trong thời khắc lịch sử: “Càng gần thời khắc giải phóng, cuộc chiến đấu càng diễn ra ác liệt, sau khi bị tấn công bất ngờ, địch tổ chức đánh trả quyết liệt. Tiểu đội phó Tiểu đội 9 Nguyễn Xuân Khoát bị viên đạn AR 15 của địch xuyên vào đầu, máu ra nhiều. Biết mình không thể qua khỏi, đồng chí tay lần xuống túi ngực lấy ra ít tiền đã thấm máu đưa cho Chính trị viên Phạm Ngọc Hưng và nói: Đây là Đảng phí tháng 7 của tôi nhé. Nói rồi, đồng chí thanh thản ra đi trên tay đồng đội...”

Những chiến sĩ trẻ  Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo ngày nào xông pha trận mạc giờ đầu đã 2 thứ tóc. Mỗi dịp trở lại với đất lửa Khe Sanh là cơ hội để họ cùng nhắc lại ký ức về chiến tranh, để được sống trong tình đồng chí, đồng đội như thưở nào.  Máu lửa khốc liệt đã qua. Ngày nay hoa đã nở. Cuộc sống đã hồi sinh trên những mảnh đất từng bị bom đạn dày xéo. Có lẽ đó là niềm hạnh phúc lớn nhất dành cho những cựu chiến binh, vì hơn ai hết họ hiểu cái giá mà họ cũng như đồng đội đã đánh đổi để có được hòa bình như hôm nay.

 

Trở lại trong nước mắt và hạnh phúc

Cách đây 55 năm, những chiến sĩ quả cảm của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo anh hùng hăm hở vào chiến trường Khe Sanh với lời thề “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Mỗi lần trở lại với mảnh đất Khe Sanh, Nghĩa trang Liệt sĩ luôn là điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình của những cựu chiến binh nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo anh hùng. Nơi đây có nhiều đồng chí, đồng đội của họ đã được đưa về yên nghỉ, trong số họ có người có tên, có người chưa được tìm thấy tên. Nhiều người trở lại ôm lấy những tấm bia mà khóc khi nhận ra tên của người đồng chí, đồng đội đã từng cùng họ vào sinh ra tử, có người thẫn thờ đi dọc những dòng bia mộ thẳng tắp để tìm người đồng chí, đồng đội ngày nào... Cuộc hội ngộ chan đầy nước mắt vì nhớ thương, vì xúc động...

 
Cao điểm 689 ngày nay là địa điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch 

Cựu chiến binh Đỗ Văn Mến, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người được lịch sử nhắc đến với câu nói nổi tiếng “K3 - Tam Đảo còn, Thành Cổ Quảng Trị còn”, hôm nay trở lại Khe Sanh với nhiều cảm xúc. 70 tuổi, chiến tranh đã lấy đi của ông nhiều đồng chí, đồng đội, bản thân ông cũng mang nhiều vết thương trên cơ thể. Chân đi không vững, giọng đã không còn khỏe, đi qua chiến tranh, được trở về đối với ông đã là may mắn. Với ông, ngày nào còn sức khỏe là ngày đó ông trở lại Khe Sanh, trở lại vì nhớ thương đồng đội, vì những ngày tháng chiến đấu ở đây đã luôn thường trực trong tâm trí ông suốt nhiều năm qua.
Cựu chiến binh Đỗ Văn mến chia sẻ: “Trở lại Khe Sanh, tôi vừa thương, vừa nhớ, vừa vui mừng là lại có điều kiện vào thăm, thắp hương  cho các đồng chí Liệt sĩ. Tôi lại nhớ lại cảnh ngày xưa, những trận đánh, những lúc chúng tôi phải ăn rau rừng với nhau.”

Hơn 200 Liệt sĩ nằm lại sau trận đánh trên Điểm cao 689. Do lượng bom đạn dội xuống dày đặc và sức công phá mạnh nên hầu hết trong số những liệt sĩ hy sinh tại  Điểm cao 689 ngày ấy vẫn chưa tìm thấy thi thể. Tri ân, tưởng nhớ đồng đội, những cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo bày tỏ nguyện vọng xây dựng Nhà bia tưởng niệm tại Điểm cao 689. Đại tá Đào Văn Phê, cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn K3, Tam Đảo chia sẻ: “Trong tâm khảm của tôi đến giờ phút này, tôi cảm thấy phấn khởi vì những gì mình làm được cho đồng chí đồng đội. Chúng tôi mong muốn ghi danh sự hy sinh to lớn của những đồng chí, đồng đội đã nằm lại, để thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên, không được quên sự hy sinh to lớn của các chiến sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho quê hương, cho tổ quốc.”

 
 Toàn cảnh bản làng khởi sắc dưới chân Điểm cao 689

Tâm nguyện xây dựng nhà bia tưởng niệm đã trở thành hiện thực khi vừa qua, với tâm huyết của các cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo, với tấm lòng tri ân, biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Hướng Hóa cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện  đã ra sức kêu gọi và quyết tâm xây dựng nhà bia ngay trên Điểm cao 689. Nhà bia tưởng niệm, nơi vinh danh những người con quả cảm đã được xây dựng, thế hệ những người sinh ra sau chiến tranh được hiểu thêm về lịch sử để thêm trân trọng, thêm yêu cuộc sống hòa bình từng được đánh đổi bằng máu và nước mắt...

Trận đánh ở Cao điểm 689 có ý nghĩa lịch sử, góp phần quan trọng, quyết định làm nên chiến thắng Khe Sanh năm 1968, đưa Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của cả nước được hoàn toàn giải phóng. Chính bởi ý nghĩa lịch sử và vị trí xây dựng lí tưởng mà công trình nhà bia tưởng niệm đã và đang trở thành điểm đến của hàng  trăm lượt khách tham quan vào mỗi ngày cuối tuần hay dịp lễ.

“Không gì hạnh phúc hơn khi sự hy sinh của đồng đội tôi đã được đền đáp. Khe Sanh, Hướng Hóa giờ đây đẹp đến ngỡ ngàng và chào đón chúng tôi như ngày nào còn là những chàng thanh niên hăm hở vào chiến trường. Chúng tôi cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc khi sự hy sinh của một lớp thế hệ như chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng”, ông Nguyễn Văn Hợi, nguyên trợ lý quân lực, Tiểu đoàn K3- Tam Đảo xúc động nói.

Không còn bom đạn, không còn chiến tranh, lối dẫn lên Điểm cao 689 giờ đây đã nở hoa. Dưới chân đồi, bản làng nhộn nhịp, khởi sắc. Những địa danh ngày xưa là dấu tích của chiến tranh không còn, thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang, những  vườn cà phê trĩu quả, xanh ngút ngàn...

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

TAGS

Thầy đã "nhặt" thêm một đứa trẻ

Lê Minh |

Gần đây, trên trang cá nhân Facebook của mình, thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & Trung học Cơ sở A Xing, xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện hình ảnh của em bé dân tộc Pa Kô không quần áo. Em bé bưng một chiếc xoong, với bữa cơm không có thức ăn. Những dòng ngắn ngủi, về một hoàn cảnh mồ côi của trẻ. Chúng tôi biết rằng, thầy Trọng đã “nhặt” thêm một đứa trẻ…

Tên gọi Lao Bảo có từ khi nào?

Yên Mã Sơn |

Địa danh Lao Bảo, đô thị nằm trên Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC) từ lâu được biết đến là đô thị vàng của tỉnh Quảng Trị bởi vị trí chiến lược và tiềm năng của nó. 

Sức sống mới trên chiến trường xưa

Hải An |

Sau 50 năm chiến thắng Cửa Việt, nơi mảnh đất chiến trường xưa Triệu An, Triệu Vân bây giờ đã được phủ lên màu xanh của hoa màu, của nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng… tạo sinh khí mới cho vùng cát ven biển huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Khánh thành Nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ở Cao điểm 689

Phan Bảo Phú |

Công trình Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại di tích Cao điểm 689 (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.