Địa danh Lao Bảo, đô thị nằm trên Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC) từ lâu được biết đến là đô thị vàng của tỉnh Quảng Trị bởi vị trí chiến lược và tiềm năng của nó.
Lao Bảo được cả nước biết đến bởi có nhà tù khét tiếng Đông Dương và một Khu kinh tế cửa khẩu năng động, đầy sức sống. Tên gọi Lao Bảo có từ bao giờ cũng là niềm hứng thú cho những người yêu vùng đất biên ải này.
Lao Bảo là thị trấn giáp biên giới Lào, nằm bên sông Sê Pôn - một nhánh của sông Mê Kông chảy từ Đông sang Tây. Lao Bảo là một thung lũng với bốn bề núi cao, có đường 9 kéo từ Cửa Việt lên tới biên giới Thái Lan đi qua nơi này. Với dân số hơn 13 ngàn người, đa phần từ dưới đồng bằng Triệu Phong lên lập nghiệp theo chủ trương di dân xây dựng kinh tế mới vào tháng 9/1975.
Địa danh Lao Bảo có từ lâu, đến năm 1975 thành lập vùng kinh tế mới thì nơi này có tên là xã Tân Phước. Đến năm 1994, nâng xã Tân Phước thành thị trấn Lao Bảo. Lao Bảo là tên gọi của thị trấn hơn 13 ngàn dân và cũng là tên gọi cho Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo với địa giới dọc Quốc lộ 9, kéo dài từ xã Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh, Tân Liên, Tân Lập, Tân Long, Tân Thành đến thị trấn Lao Bảo.
Lịch sử của vùng đất này gắn liền với nhà đày Lao Bảo do Pháp xây dựng trên cơ sở dinh bốt của nhà Nguyễn.
Năm 1491 (năm Hồng Đức thứ 21) thuộc triều Lê định lại bản đồ cả nước. Lúc này vùng đất Lao Bảo (còn tên gọi là gì thì chưa rõ) thuộc châu Thuận Bình, phủ Tân Bình, xứ Thuận Hoá.
Năm 1622, Chúa Sải Nguyễn Phúc Nguyên cho lập dinh Ai Lao để coi giữ vùng đất biên giới phía Tây Quảng Trị. Dinh chia thành 6 thuyền quân để coi giữ biên ải.
Đến năm 1833, vua Minh Mạng hạ lệnh đắp dinh Ai Lao và đổi tên thành Bảo Trấn Lao với chu vi chín mươi trượng, cao sáu thước, mở hai cửa có năm mươi lính đóng quân.
Trong tờ trình ngày 18/1/1896, Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế gửi Toàn quyền Đông Dương, trong đó nõi rõ: “Việc thiết lập nhà ngục Ai Lao tại một địa điểm thuộc tả ngạn sông Mê Kông, cần thiết phải đặt ở Quảng Trị và Ai Lao nhiều trạm gác dân sự đủ đảm bảo chắc chắn cho việc giám thị tù nhân và sự đi lại của các đoàn xe dành cho Lào”. Theo thông tin này, thì nhà tù Lao Bảo có thể được xây dựng ngay sau đó là năm 1896.
Những mốc thời gian trên, có thể tên gọi Lao Bảo có từ thời điểm năm 1833 khi thành lập Bảo Trấn Lao. Bảo Trấn Lao được gọi tắt thành Lao Bảo?
Theo cuốn Lịch sử nhà đày Lao Bảo, tại địa bàn khóm Duy Tân, ngay cạnh sông Sê Pôn thuộc thị trấn Lao Bảo hôm nay, ngày xưa có tên là làng Bảo. Làng này thuần người Kinh do người đồng bằng sống rải rác lập nên. Họ chủ yếu là người tứ xứ, lưu lạc. Theo một số người dân địa phương, khi lên xây dựng kinh tế mới, tại khu vực sát bờ sông thuộc khóm Duy Tân, người dân tìm thấy một ngôi miếu nhỏ xây dựng theo kiểu như chiếc am thờ vọng của người Kinh. Đây là dấu tích lưu lại của những cư dân đồng bằng đầu tiên lên lập làng, họ thờ cúng theo tín ngưỡng người Việt. Tại sao ngôi làng này có tên là làng Bảo? Liệu chúng có liên quan gì đến tên gọi Bảo Trấn Lao đã có trước đó?
Theo từ điển Hán Việt, từ Bảo có nghĩa cái đồn hay cái luỹ ngày xưa xây bằng đất. Trước khi thành lập nhà lao, các triều đại từ Tây Sơn đến nhà Nguyễn nhất định phải lập Bảo (đồn luỹ) này để bảo vệ đất nước. Có thể danh từ Bảo - đồn luỹ được các cư dân đầu tiên theo đoàn quân nhà Nguyễn đến xây dựng lưu lại đây gọi thành làng Bảo. Làng Bảo ngày nay là khóm Duy Tân do người dân di cư kinh tế mới từ thôn Duy Phiên ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong lập nên.
Cùng song hành với lịch sử Lao Bảo là nhà đày Lao Bảo như đã nói ở trên. Nhắc đến nhà đày Lao Bảo không thể không nhắc đến những cây vông đồng. Đó là những cây cổ thụ có gai ngọn quanh thân. Nếu chúng được trồng từ khi đoàn quân chúa Sải Nguyễn Phúc Nguyên cho dựng dinh Ai Lao thì tính đến nay đã có tuổi đời tròn 400 năm; Nếu được trồng khi vua Minh Mạng cho nâng cấp dinh Ai Lao thành Bảo Trấn Lao thì chúng có tuổi đời gần 200 năm. Nếu xác định được các mốc thời gian trồng trên, cây vông đồng ở nhà đày Lao Bảo có thể lập hồ sơ tôn vinh cây di sản để được bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử của nó. Tương truyền, những thân cây đầy gai ngọn này là nơi thực dân Pháp tra tấn tù nhân bằng cách lột áo quần bắt ôm hoặc trèo? Vì thế, cây vông đồng được xem là “nhân chứng” cho những tội ác man rợ của thực dân Pháp gieo xuống đất này.
Lược qua lịch sử hình thành, tên gọi Lao Bảo có thể bắt nguồn từ dinh Bảo Trấn Lao có từ năm 1833, thời Minh Mạng cách đây 189. Hoặc từ khi Pháp lập nhà đày vào năm 1896 có tên gọi là nhà đày Lao Bảo.
Lịch sử trải qua bao biến động, từ vùng đất “rừng thiêng nước độc” ở biên ải xa xôi, sau nhiều lần thành lập dinh bốt canh phòng biên giới của thời kỳ Phong Kiến đến nhà tù khét tiếng Đông Dương của thực dân Pháp. Lao Bảo “thoát xác” thành một đô thị vàng như lời thơ dự cảm đầy hào sảng, lạc quan của thi sĩ Ngô Kha hơn nửa thế kỷ trước giữa lúc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt: Rồi sẽ thấy, và nhất định thấy/ Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo…
Ngày xưa, địa danh Lao Bảo được biết đến là một trong những nhà tù lớn nhất Đông Dương và nổi tiếng tàn ác, là địa ngục trần gian. Nơi giam cầm nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thế Tiết…
Và ngày nay, Lao Bảo đã trở mình với tên gọi Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt. Vẫn biết phía trước còn khó khăn, cần được sự quan tâm nhiều hơn từ Chính phủ song, sau hơn nửa thế kỷ xây dựng từ cuộc di dân kinh tế mới từ đồng bằng, Lao Bảo đã có dáng dấp một đô thị hiện đại. Một đô thị đầu cầu trên tuyến EWEC được xây dựng trên nền nhà tù thực dân, đế quốc!
Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".
* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html