Bài dự thi "Ký ức Khe Sanh" (Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Thầy đã "nhặt" thêm một đứa trẻ

Lê Minh |

Gần đây, trên trang cá nhân Facebook của mình, thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & Trung học Cơ sở A Xing, xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện hình ảnh của em bé dân tộc Pa Kô không quần áo. Em bé bưng một chiếc xoong, với bữa cơm không có thức ăn. Những dòng ngắn ngủi, về một hoàn cảnh mồ côi của trẻ. Chúng tôi biết rằng, thầy Trọng đã “nhặt” thêm một đứa trẻ…

Gần 30 năm nơi biên giới

Gần 100km, chúng tôi đến xã Lìa nằm ở biên giới Việt Lào. Thời tiết ở Quảng Trị đã chuyển dần sang mùa khô, cây cối hai bên đường có dấu hiệu thiếu nước. Vừa đi thầy Trọng vừa kể về ký ức của mình và thực ra nó cũng là sự trở về, vì trước khi chuyển công tác sang Hướng Phùng thầy đã có thời gian dài gắn bó với A Xing.

 
 
 Những đứa trẻ Vân Kiều mồ côi cả bố và mẹ ở thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng – huyện Hướng Hóa – tỉnh Quảng Trị) đã được êm ấm bên mái nhà mới được cộng đồng tài trợ.

Năm 1996, thầy Trọng kể, tốt nghiệp sư phạm ra trường tôi về nhận công tác tại khu vực biên giới xã Thanh rồi sau đó công tác ở xã A Xing thuộc huyện Hướng Hóa. Những bước chân đầu tiên đến với bản làng Vân Kiều, Pa Kô của thầy giáo đồng bằng khiến thầy nhớ mãi. “Đó là những năm còn rất gian khó, nhất là cơ sở hạ tầng và đời sống bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở Hướng Hóa còn rất đỗi gian nan. Kinh tế của mỗi gia đình khó khăn khiến học trò thiếu thốn đủ bề. Từ chiếc áo, đôi dép đến cặp sách, cuốn vở và bút mực… cái gì cũng thiếu. Trường học thời đó còn tạm bợ lắm, nhiều nơi vẫn mái lá, phên tre. Bù lại là nghĩa tình nơi biên giới, quân và dân, cán bộ với nhân dân đùm bọc nhau như anh em ruột thịt. Nên những thiếu thốn về vật chất càng khiến tinh thần con người vươn lên. Sự vượt khó trỗi dậy trong lòng của những người đến nhận công tác ở khu vực biên giới”.

Chúng tôi đã thử hình dung, về bản làng 26 năm trước. Ở khu vực biên giới như xã Thanh sẽ đầy rẫy những khó khăn. Thầy Trọng nhớ lại, thời đó bản làng đang dùng đèn dầu, mùa mưa các thôn bản thường bị chia cắt bởi nước sông dâng cao, nhiều nơi bị sạt lở nên học sinh không đến trường là chuyện rất phổ biến. "Ngày chúng tôi đi dạy học, còn rỗi thời gian thì giáo viên trồng trọt và chăn nuôi để cải thiện đời sống. Tối đến chúng tôi thường kết hợp với bộ đội biên phòng vượt suối băng rừng để đi nắm tình hình bà con vùng lũ và cũng để vận động học sinh trở lại trường khi mọi thứ đã an toàn".

Cô Tịnh, giáo viên công tác cùng thời với thầy Trọng chia sẻ thêm: “Thời đó còn rất khó khăn, điện – đường – trường – trạm… là những ước mơ và khát vọng của cán bộ và nhân dân khu vực biên giới. Rồi chính sách của Đảng và Nhà nước cũng đã đến bản làng, mọi thứ dần dần được thay đổi, đời sống bà con khởi sắc hơn. Phải nói rằng, thời đó đến nhận công tác ở đây là cả một sự dũng cảm, gắn bó lâu dài với bản làng là cả một tấm lòng, sự tâm huyết. Giúp bản làng có những đổi thay như thầy Trọng là một giáo viên đầy bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm. Và không những thế, thầy còn làm dài lâu, nó như hành trình của thầy, cùng với con chữ đối với vùng cao Quảng Trị”.

Bài học lịch sử ở miền biên viễn

Rời xa gia đình ở đồng bằng, thầy Trọng đến với miền núi cách nhà gần 150km. Những khó khăn ban đầu của con người tri thức đã nhận ra được ở miền núi cần lắm tri thức để đồng bào vươn lên. Nhớ lại lúc rời A Xing, thầy Trọng ngậm ngùi “cầm trên tay tờ quyết định chuyển công tác, tôi rất đỗi bùi ngùi vì phải xa nơi mình công tác hơn 10 năm. Thầy Trọng kể, năm 2021 tôi được điều động đến công tác ở Trường Tiểu học Hướng Phùng, cũng thuộc huyện Hướng Hóa, giữ chức hiệu trưởng. Rời xa nơi mình gắn bó lòng thấy xốn xang kì lạ. Tôi đã xem bà con Vân Kiều, Pa Kô ở xã Thanh và A Xing như những người thân của mình, những cô cậu học trò ở đó đã quấn quýt bên tôi chừng ấy năm. Nhưng về công tác trường mới cũng là cơ hội cho tôi thử sức mình ở một cương vị mới. Và ở đây tôi đã làm được khá nhiều điều bổ ích.

Không hà cớ gì cứ trường học ở vùng cao, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại phải chịu những thiệt thòi, phải chịu những thua kém. Trong những đêm không ngủ, nhất là mùa mưa ở vùng sơn cước đã khiến thầy Trọng trăn trở về một mái trường còn rất nhiều khó khăn. Và trong những nghĩ suy đã lóe sáng lên niềm hy vọng, về một mái trường tươi đẹp không thua kém gì chốn đô thị phồn hoa.

Trường Tiểu học Hướng Phùng, nơi thầy Nguyễn Mai Trọng công tác 8 năm (2013 - 2021), ở đây với chức vụ hiệu trưởng, thầy cùng ban giám hiệu nhà trường, tập thể giáo viên và học sinh đã cùng nhau thực hiện hành trình “tận hiến”. Mỗi người hiến dâng tuổi thanh xuân của mình, hiến dâng ý tưởng, hiến dâng vật chất, hiến dâng sức lao động của mình. Đầu tiên là xây dựng ngôi trường xanh – sạch – đẹp; kế đến đạt chuẩn và sau đó có những bước đột phá trong môi trường giáo dục ở vùng biên giới. Cô Hồ Thị Hoa Tỵ chia sẻ với chúng tôi: “Tôi cũng không nghĩ rằng tại đây, một trường học ở khu vực biên giới còn nhiều khó khăn lại có được thành quả như bây giờ. Điều đó nhờ vào sức mạnh của tập thể nhà trường. Nhưng đầu tiên phải là quyết sách của thầy Nguyễn Mai Trọng, nếu thầy Trọng không dám nghĩ, dám làm thì trường Tiểu học Hướng Phùng không được như bây giờ…”

 
 
 Học sinh Trường Tiểu học Hướng Phùng – một trong những mái trường nơi biên giới hào hứng với những tiết học ngoại khóa

Trường Tiểu học Hướng Phùng cách trung tâm huyện Hướng Hóa 25km, cách thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) hơn 80km, là một ngôi trường thuộc xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng lại là được cả nước biết đến bởi một ngôi trường đẹp, bởi một ngôi trường có mô hình giáo dục rất hay. Từ giờ học tiếng Anh được cải tiến khiến học sinh rất hứng thú đến những bài học lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa, Địa đạo Vịnh Mốc… được mô hình hóa khiến học trò say mê học tập. Ở đây, mỗi giờ học là một niềm vui. Chính phương pháp giáo dục này đã đem lại kết quả cao cho một ngôi trường ở biên giới. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Trọng cho hay: “Bác Hồ từng nói, vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Đối với sự nghiệp trồng người ở vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn càng trở nên bức thiết nên giáo viên ở bản luôn luôn coi trọng và đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu nên cần có sự cải tiến trong một số môn học. Ban đầu học sinh khá hời hợt với những bài học lịch sử trong sách giáo khoa, giáo viên cũng có nhiều cố gắng nhưng không thu hút được học sinh. Việc mô phỏng mô hình Trường Sa, Hoàng Sa và một số mô hình lịch sử ở địa phương khiến học sinh rất hào hứng tham gia học tập môn Lịch sử”.

Bữa cơm cho mẹ Miết – Bà mẹ VNAH có con trai duy nhất là Liệt Sĩ là bài học lịch sử cho thế hệ giáo viên và học sinh ở vùng núi Quảng Trị
Bữa cơm cho mẹ Miết – Bà mẹ VNAH có con trai duy nhất là Liệt sĩ là bài học lịch sử cho thế hệ giáo viên và học sinh ở vùng núi Quảng Trị

Bài học về lịch sử ở Trường Tiểu học Hướng Phùng không chỉ nằm trên sách vở. Ở đây, giáo viên và học sinh còn thực hiện bài học lịch sử, sự nhớ về nguồn cội, sự tri ân, uống nước nhớ nguồn… qua chương trình “bữa cơm mẹ Miết”. Tập thể giáo viên, học sinh đã thay nhau đưa cơm cho Bà mẹ Việt nam Anh hùng Hồ Thị Miết, người Vân Kiều ở thôn Mã Lai thuộc xã Hướng Phùng. Mẹ Miết có người con trai duy nhất đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Người thầy đi "nhặt" thân phận

Hiến dâng tất cả trí tuệ của mình cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao Quảng Trị, thầy Nguyễn Mai trọng đã cống hiến cho ngành giáo dục, cho cộng đồng Vân Kiều, Pa Kô, cho những người nghèo khó, những thân phận yếu thế trong xã hội. “Muốn học sinh nghèo khó vượt lên hoàn cảnh để tới trường trước tiên phải giúp đỡ gia đình học sinh để họ có điều kiện vượt khó, bố mẹ có cái để ăn, có sức để làm… thì mới nuôi con ăn học được. Ở xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp sức của cả cộng đồng” - thầy giáo Nguyễn Mai Trọng tâm sự.

Câu chuyện thầy Nguyễn Mai Trọng – người thầy đi “nhặt” những thân phận người vẫn được truyền tai nhau trên núi rừng Trường Sơn. Trong lòng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thầy Nguyễn Mai Trọng còn hơn cả một người thầy. Đó là đứa con bản làng, một người giàu lòng yêu thương và đầy trắc ẩn. Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô gọi thầy Trọng là con, đồng nghĩa với tình nghĩa ruột thịt. Già làng Hồ Ta Ơn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Chênh Vênh,  (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) kể với chúng tôi về trường hợp 3 đứa trẻ mồ côi được thầy Trọng và tập thể giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng “nhặt” ra từ hoàn cảnh nghèo khó, mồ côi. “Nhà chị em Hồ Thị Được khổ lắm. 3 đứa hắn chết bố, chết luôn cả mẹ không ai nuôi. Biết được thế thầy Trọng với giáo viên trường thầy đến nhận nuôi và hỗ trợ cho ăn, xin cho nhà. Giờ đây mấy đứa vẫn theo học ở trường, khi học về có nhà để ở, có cơm để ăn. Nếu không được thầy Trọng nhặt nuôi thì mấy đứa vất vả hung”.

 
 
Thầy Nguyễn Mai Trọng tặng quà cho người dân và trẻ em thôn bản 

Một mái nhà cho 3 chị em Hồ Thị Được với trị giá hơn 100 triệu đồng, sổ tiết kiệm hơn 20 triệu đồng. Hiện tại Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị đỡ đầu dài hạn cho Hồ Thị Được (sinh 2006) 9 triệu đồng/năm để Được còn đi học. Và giờ đây, Được là một học sinh chăm ngoan của Trường PTDTNT tỉnh Quảng Trị. Già làng Hồ Ta Ơn xúc động: “Nhờ thầy Trọng kêu gọi và sự giúp đỡ của mọi người nên trẻ mồ côi được sống tốt, được đi học, được tới trường và được có tương lai về sau…”

Trung tá Ngô Trường Khôi – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh (xã Thanh – huyện Hướng Hóa) tâm sự “thầy Trọng là một con người rất bình dị, yêu hết thảy những người khó khăn, nhất là học sinh – thế hệ tương lai cho đất nước. Mới trở lại A Xing được vài hôm thầy đã “nhặt” 2 đứa trẻ mồ côi ở thôn Amor và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Tấm lòng thầy Trọng là tổ ấm ở biên cương”.  Rời Trường Tiểu học Hướng Phùng, thầy Trọng trở lại A Xing (xã Lìa) với chức vụ hiệu trưởng. Vẫn bản tính thiện lương, tấm lòng trắc ẩn, sự nhiệt huyết trong công việc… thầy Trọng lại bắt tay xây dựng cho một mái trường. Cũng bắt đầu từ sân trường, học sinh, giáo viên, phòng học… và thầy vẫn không quên những thân phận người yếu thế trong xã hội. Những món quà, tấm bánh, cân gạo… mà bà con Vân Kiều, Pa Kô miền núi Hướng Hóa nhận được từ những kết nối của thầy đến với những nhà hảo tâm về với bà con nghèo khó thôn bản là bài học đắt giá của con người và dân tộc Việt Nam nơi biên cương Tổ quốc, đồng bào các dân tộc Việt Nam là anh em ruột thịt. Với sự tận tâm với nghề, sự cống hiến của mình cho cộng đồng thôn bản, thầy Trọng luôn luôn được sự tin yêu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới. Nhiều bà con thôn bản ví von thầy  như một con ong cần mẫn, lang thang khắp núi rừng để đem hoa thơm mật ngọt về bản làng, đó chính là tổ ấm ở vùng biên cương.

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

TAGS

Tên gọi Lao Bảo có từ khi nào?

Yên Mã Sơn |

Địa danh Lao Bảo, đô thị nằm trên Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC) từ lâu được biết đến là đô thị vàng của tỉnh Quảng Trị bởi vị trí chiến lược và tiềm năng của nó. 

Tổ chức cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh”

PV |

Cách đây 55 năm, Chiến dịch Đường 9- Khe Sanh kết thúc thắng lợi vang dội, huyện Hướng Hóa là huyện đầu tiên của Quảng Trị và của miền Nam hoàn toàn được giải phóng. 

Thầy cô là mùa xuân

Tây Long |

Mẹ mất sớm khiến nụ cười trên môi ba chị em: Phạm Nguyễn Trâm Anh, Phạm Nguyễn Nam Anh và Phạm Nguyễn Quốc Anh dường như không còn tươi vui như trước. Trong những ngày buồn nhất, sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (gọi tắt là iSchool Quảng Trị) đã sưởi ấm trái tim, mở ra cho các em nhiều điều tốt đẹp.

Người Thầy gieo chữ, gieo tình...

Hoàng Thủy |

Về làng tôi, hỏi thăm nhà thầy Diệm (Hoàng Ngọc Diệm), chắc hẳn ai cũng sẽ được người quê chỉ đường tận tình, nếu cần họ sẵn lòng đưa vào tận ngõ. Con người ấy đến nay gần tròn tuổi 90, lặng lẽ gieo chữ, gieo tình cho biết bao thế hệ học trò từ năm 1960…