BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Sê Pôn - dòng sông biên giới thắm tình hữu nghị Việt- Lào

Hoàng Hữu Hóa |

Khi đặt chân đến bên bờ sông Sê Pôn, tôi lại vấn vương câu hát “Ơi em gái Sê Pôn, em có nghe anh hát, hát về em về tình bạn Việt - Lào, em có tắm dòng suối La La từ nơi anh Hướng Hóa chảy qua mang tình anh thiết tha thiết tha"...

Trong tâm thức người dân Quảng Trị, sông Sê Pôn không chỉ là một dòng sông cung cấp nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt của người dân hai bên bờ mà nó còn là một dòng sông biên giới thắm tình hữu nghị hai nước Việt – Lào. Men theo những bản làng bên bờ Sê Pôn của đất nước Việt Nam để cảm nhận rõ hơn con sông đặc biệt này.

Đường biên giới tự nhiên của hai nước Việt Nam - Lào

Trên sườn Tây của dãy Trường Sơn trải dọc biên giới Việt – Lào, có một dòng sông miệt mài đưa nước từ Mường Sa Mouay (Sa Muộn) và Mường Nòng, tỉnh Savannakhet - Lào, len lỏi giữa rừng núi âm u, vắt mình qua bao thác ghềnh, uốn lượn qua những bản làng, để rồi thong dong chảy về hướng Tây Bắc vào địa phận huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - Việt Nam, cuối cùng chảy ngược về phía Lào. Cứ thế, dòng sông tuôn chảy mang theo dòng nước và những hạt phù sa nặng đẫm trầm tích văn hóa, lịch sử của những tộc người tụ cư bên sông.

 
Sông Sê Pôn đoạn qua huyện Hướng Hoá

Trên hành trình hòa mình vào đất Việt, sông Sê Pôn chảy qua 8 xã, thị trấn biên giới của huyện Hướng Hóa. Với chiều dài gần 70km cũng là đường biên giới của hai nước Việt Nam – Lào. Tại giữa trung tâm của sông là mốc biên giới tự nhiên của hai nước, một nửa bên này sông là Việt Nam và nửa kia là nước Lào. Mỗi xã, thị trấn ở bên này sông thuộc huyện Hướng Hoá đối xứng với mỗi cụm bản bên kia sông thuộc hai huyện Sêpôn, Mường Nòng, tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào.

Sông Sê Pôn đã góp phần tạo nên cuộc sống no ấm cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, các bộ tộc Lào và tình đoàn kết quân dân hai nước nơi biên cương Tổ quốc.

Con sông này đặc biệt ở chỗ bắt nguồn từ Lào và cuối cùng đổ vào sông Mê Kông hùng vĩ ở thị xã Pakse của Lào. Mùa cạn có thể lội qua được, cũng có những nơi rất sâu, nước xoáy quanh năm được gọi là rốn sông. Đứng ở thôn Pa Roi (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa), nơi sông Sê Pôn từ Lào chảy vào đất Việt Nam mà bồi hồi xúc cảm. Vì lúc này, những cột mốc hiện ra uy nghi bên bờ sông Sê Pôn. Từ thị trấn Lao Bảo đến xã A Dơi, đường biên giới nằm hoàn toàn trên sông. Sông Sê Pôn chảy qua địa phận Lao Bảo, sông uốn thành một vòng cung ôm lấy thị trấn, bên kia sông là dãy núi cao của Lào mà theo người dân Việt gọi một cái tên rất đẹp là dãy Yên Mã Sơn, tiếng Lào là Samatẹt (núi Ngựa phi), núi có hình thù con ngựa đang phi nước đại.

 
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Dọc theo dòng sông Sê Pôn về phía Việt Nam là các thôn người Kinh, Bru - Vân Kiều, Pa Kô lên khai hoang lập ấp sau ngày Quảng Trị giải phóng. Những dải đất dọc sông là địa điểm đắc địa, ai cũng muốn ở vì gần nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, đất đai lại màu mỡ. Ở phía bên kia sông đối xứng cũng là các bản làng của Lào, các dân tộc Lào sinh sống như dân tộc thiểu số của Việt Nam. Những triền đồi ven sông Sê Pôn được bà con gieo trỉa lúa khô. Đây là thứ lúa nếp rất dẻo dùng để nấu xôi. Người Lào cũng như các dân tộc Việt Nam đều rất trân trọng hạt lúa, họ cũng quan niệm hạt lúa là hạt ngọc, là thứ thiêng liêng nhất của con người.

Hai bên bờ sông Sê Pôn xanh mướt những vườn chuối. Thứ chuối mật móc thơm và ngọt nức tiếng của Quảng Trị, được đồng bào Bru - Vân Kiều, Pa Kô trồng sát mé sông. Thậm chí người Việt còn thuê đất ở tận bên Lào, sát mé sông Sê Pôn ở các huyện Mường Noong hay huyện Sêpôn để trồng chuối. Một màu xanh hữu nghị của hơn 20 bản dân tộc Vân Kiều, Pa Kô kết nghĩa với các bản người Lào như một minh chứng của bài ca tình hữu nghị giữa hai dân tộc, núi liền núi sông liền sông ở vùng hạ Lào này.

Dòng sông thắm tình hữu nghị

Sê Pôn không chỉ là con sông ranh giới tự nhiên mà còn là dòng sông hữu nghị, thắm máu của hai dân tộc Việt - Lào trong kháng chiến chống Mỹ. Để bảo vệ an toàn tuyến vận tải đường Trường Sơn, quân và dân Quảng Trị, Sa-va-na-khét, Sa-la-van đã không quản gian lao thử thách, với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Tất cả để giải phóng quê hương Việt – Lào”, đã kề vai, sát cánh bên nhau, đượm tình đồng chí anh em, chiến đấu và giành chiến thắng ở mặt trận Trung, Hạ Lào và Nam Việt Nam.

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là minh chứng rõ nhất cho điều ấy. Rồi dân tộc Lào đã cùng nhân dân Hướng Hoá gùi đạn pháo xe tăng tập kết ở xã Thuận, vượt sông Sê Pôn bằng những tấm bè để đánh Làng Vây - cứ điểm quan trọng án ngữ phía tây Khe Sanh, làm nên chiến thắng Khe Sanh (1968), mặt trận Nam Lào (1971). Từ đây làm bàn đạp cho chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam (1975).

 

Trải qua nhiều giai đoạn và biến cố của lịch sử, hai nước Việt Nam - Lào cùng tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ, sát cánh bên nhau, xây đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào cao đẹp, mẫu mực, thủy chung, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế, tài sản vô giá của hai Đảng, hai dân tộc để cho các thế hệ hôm nay và mai sau có trách nhiệm giữ gìn và phát triển.

Trong buổi chiêu đãi Vua Lào Xri-xa-vang Vát-tha-na dẫn đầu Đoàn đại biểu Hoàng gia Lào thăm Việt Nam đầu năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em. Trải qua nhiều năm đấu tranh gian khổ và anh dũng, nhân dân hai nước chúng ta đã giành độc lập, đã làm chủ đất nước của mình. Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng một cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”.

Năm 1977, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt - Lào được ký kết, chia đôi bờ Sê Pôn sang hai quốc gia. Khi ấy, người dân Bru - Vân Kiều, Pa Kô hai bên sông mới thực sự hiểu khái niệm đường biên ngay trên con sông mà hàng ngày họ vẫn qua lại thăm thân, làm ăn, giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ khắc phục thiên tai... 

Hàng chục năm qua, những bản ở hai bên bờ sông đối diện đều kết nghĩa anh em. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng mô hình “Kết nghĩa bản - bản” từ sáng kiến của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị.

Đến nay, dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị với Lào có 24 cặp bản đối diện hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa như: bản Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) - bản Densavan (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet); La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông) - A Sói (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan); Long Thành (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa) - Bản Húc (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet); Khóm Duy Tân (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) - Bản Phường (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet); bản Ka Tiêng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) - Bản A Via, Cụm bản La Cồ (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet)…

Vào các ngày lễ, Tết, đồng bào hai biên giới lại nhộn nhịp băng rừng, "vượt sông" qua lại thăm nhau. Quà thăm tặng nhau có khi chỉ là bao nếp thơm, vài con cá suối, hay ché rượu cần… nhưng chan chứa tình anh em. Người dân 2 biên giới tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Salavan và Savannakhet có truyền thống tương thân, tương ái và giao thương lâu đời. Hầu hết nông sản của bà con Lào dọc biên giới đều sang Việt Nam bán rồi lại lấy tiền mua sắm đồ dùng, thức ăn về dùng. Người dân Lào dọc biên giới đau ốm, bệnh nặng cũng phải đưa sang trạm xá, bệnh viện ở Việt Nam cứu chữa.

Người dân các bản kết nghĩa có mối quan hệ thân tộc lâu đời nên khi đồng bào Vân Kiều ở Việt Nam khấm khá lên nhờ trồng sắn, chuối liền “bày cách” cho người anh em ở Lào cùng làm ăn phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng lên; rồi cùng giúp đỡ nhau lúc thiên tai, đại dịch COVID-19…

Nhờ thực hiện tốt các nội dung kết nghĩa, việc bảo vệ đường biên, cột mốc chống xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, buôn bán hàng cấm qua biên giới; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19... được nhân dân hai bên cam kết chấp hành, thực hiện tốt; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thôn bản biên giới; tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, càng thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào.

Như bao dòng sông khác, sông Sê Pôn chảy qua hai nước Việt – Lào không chỉ đóng vai trò là dòng chảy thủy văn mà còn sản sinh ra nền văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Lào, Việt hai bờ sông này. Hằng ngày, sông Sê Pôn vẫn cứ chảy như mạch ngầm tình biên giới, hữu nghị của hai nước vốn thế từ bao thế kỷ nay.

Karon- Lao Bảo cùng soi bóng dòng Sê Pôn

Chỉ cách nhau chưa đầy 2km, bên kia sông là bản Karon, trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu Densavan, huyện Sêpôn tỉnh Savannakhet và bên này là Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo. Cả hai đều nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC). Ngày ngày người dân hai bản, thị trấn cũng trao đổi mua bán hàng hóa, họ thân quen và thuộc tính nết của nhau, ai cũng xởi lởi chân tình, nở những nụ cười thân thương.

Nép mình bên sông Sê Pôn, đô thị Lao Bảo có nền kinh tế thương mại đang trên đà phát triển; có tốc độ đô thị hóa nhanh bởi các khu dân cư mới, hạ tầng khu thương mại, dịch vụ lần lượt mọc lên. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ quan, công sở được xây dựng mới khang trang, hiện đại. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có hàng dài xe ô tô tải, container chở đầy ắp hàng hóa nối nhau vận chuyển giữa nước bạn Lào và Việt Nam nằm trên tuyến EWEC kết nối qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar.

 

Phía bên kia khu phố Karon rộn ràng không kém. Nhiều cửa hàng của người Việt được giao lưu buôn bán những mặt hàng nhu yếu phẩm. Nhiều hàng Việt Nam đã tràn sang lấn át cả hàng Thái Lan, đặc biệt các loại máy nông cụ, hay ngư cụ của Việt Nam luôn luôn được người Lào chọn mua. Thương nhân Lào sang khu thương mại Lao Bảo để mua hàng Việt đem về tận chợ huyện Sê Pôn bán. Cùng với đó những người lao động Việt Nam cũng sang phố thị Karon hay tận chợ huyện của Lào để làm ăn.

Thời gian qua, 2 tỉnh Savannakhet, Quảng Trị đã tích cực hợp tác với quyết tâm cùng nhau đưa tuyến EWEC trở thành hành lang kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và văn hóa mang sắc thái độc đáo riêng; không ngừng tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động quan hệ đối ngoại hợp tác, cùng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, quan hệ hợp tác giữa các tỉnh ngày càng được thắt chặt, tình hình kinh tế - xã hội có những bước phát triển, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Tỉnh Quảng Trị tự hào đã góp phần quan trọng tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị Việt – Lào trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ hai nước.

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

TAGS

Dòng điện hiện đại trên mảnh đất của Chiến thắng Khe Sanh lịch sử

Thục Khanh |

55 năm sau Chiến thắng Khe Sanh lịch sử, trên một vùng bị đạn bom cày xới, thị trấn Khe Sanh nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung đã tươi xanh trở lạị.

Hướng Hóa và những trang viết của tôi

Đào Tâm Thanh |

Dẫu vậy, với sự thôi thúc của một người viết, tôi đã bao lần giở cuốn sổ công tác của mình ra, đọc tư liệu nhưng rồi gấp lại bởi sự đau thương quá lớn, không thể diễn tả.

Đường đến đô thị vàng

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Lịch sử nhân loại thuộc về những con người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực, ý niệm đó vang lên khi tôi đứng trước biểu tượng hào hùng của bộ đội tăng thiết giáp trên đỉnh làng Vây.

Một chấm xanh

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Rất có thể, nét dễ thương này của Hướng Hóa khiến những ai dừng chân ở đây một lần sẽ thấy bâng khuâng.

Ký ức Cao điểm 689

Bích Liên |

Tháng 6/1968, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 trực thuộc Quân khu miền Bắc, nay là Tiểu đoàn K3 Tam Đảo nhận lệnh vào chốt tại cao điểm 689 chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh. Ngày 8/7/1968, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc sở chỉ huy của địch tại Điểm cao 689 cũng là thời điểm Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo mất đi nhiều đồng chí, đồng đội. Điểm cao 689, 55 năm trước là hy sinh, là máu và nước mắt, 55 năm sau là nước mắt xen lẫn niềm vui, hạnh phúc khi thế hệ đi sau đã biết trân trọng và từng ngày đền đáp những mất mát, đau thương của lịch sử.

Thầy đã "nhặt" thêm một đứa trẻ

Lê Minh |

Gần đây, trên trang cá nhân Facebook của mình, thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & Trung học Cơ sở A Xing, xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện hình ảnh của em bé dân tộc Pa Kô không quần áo. Em bé bưng một chiếc xoong, với bữa cơm không có thức ăn. Những dòng ngắn ngủi, về một hoàn cảnh mồ côi của trẻ. Chúng tôi biết rằng, thầy Trọng đã “nhặt” thêm một đứa trẻ…

Tên gọi Lao Bảo có từ khi nào?

Yên Mã Sơn |

Địa danh Lao Bảo, đô thị nằm trên Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC) từ lâu được biết đến là đô thị vàng của tỉnh Quảng Trị bởi vị trí chiến lược và tiềm năng của nó. 

Lung linh sắc màu Phố đi bộ Lao Bảo

Bảo Phú |

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) ngày thứ 2 đi vào hoạt động đã gây ấn tượng cho hàng ngàn khách tham quan bởi không gian văn hoá, ẩm thực phong phú, đa dạng.