BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Hướng Hóa và những trang viết của tôi

Đào Tâm Thanh |

Dẫu vậy, với sự thôi thúc của một người viết, tôi đã bao lần giở cuốn sổ công tác của mình ra, đọc tư liệu nhưng rồi gấp lại bởi sự đau thương quá lớn, không thể diễn tả.

Nhận được một lời mời từ nhà thơ Yên Mã Sơn, Ban Biên tập Xanh EWEC về việc tham gia cuộc thi viết “Ký ức Khe Sanh” kèm theo dòng tin nhắn không thể tình cảm hơn: “Khi nào mời eng lên núi lấy tư liệu. Eng lên út đón!”. Chính sự thân gần mộc mạc đó làm cho tôi không thể chối từ dù bây giờ, cái sự đi lại đường xa đối với tôi cũng đã bắt đầu thoáng phân vân và gánh nặng tuổi tác cũng đã khiến tôi nhãng buông nhiều thứ. Nhưng rồi tôi sực nhớ, đây là “cuộc chơi của ký ức” mà. Ký ức, kể như “lao động quá khứ” trong tác nghiệp báo chí vậy đó.

Vậy thì nhân đây, tôi xin kể ra hai mẩu ký ức khơi dậy sự gắn bó của tôi với mảnh đất miền biên viễn Hướng Hóa, một ở thời xa lắc, một gần với hôm nay, chỉ cách vài ba năm thôi…

Bộ đội “Ba ba bảy” hướng dẫn đồng bào kỹ thuật chăm sóc cây cà phê- Ảnh: Q.H
Bộ đội “Ba ba bảy” hướng dẫn đồng bào kỹ thuật chăm sóc cây cà phê- Ảnh: Q.H

 

“Cù Bai, đôi dòng tản mạn”

Còn nhớ những năm tháng sau ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại (tháng 7/1989), đất nước còn nghèo nên đời sống bộ đội vẫn rất khó khăn. Cứ vào dịp cận Tết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị thường tổ chức các đoàn đi thăm, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu và vui Tết, đón xuân những đồn nơi rẻo cao, biên giới. Bao giờ cũng vậy, những nhà báo trẻ chúng tôi lúc đó đều nhận lời mời từ Đại tá Nguyễn Thanh Hà, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị và háo hức lên đường.

Trong sổ tay công tác của tôi vẫn còn đong đầy cảm xúc: “Cứ vào độ cuối năm, khi cái rét phương Bắc “vượt tuyến” vào Quảng Trị mang theo hơi giá lạnh rưng rức, buôn buốt, nhẩn nha hết ngày nọ đến tháng kia không dứt, cánh làm báo chúng tôi lại hỏi dò nhau: “Bao giờ thì đi”. Hiếm có cái “sự đi” nào giữa thời buổi này được chúng tôi thắc thỏm đón chờ và chuẩn bị lên đường với một tâm trạng bồn chồn như vậy.

Chúng tôi lên rừng để đến với những người lính biên phòng. Mỗi lần đến là một lần khám phá thêm bao điều tưởng đã rõ, đã tường, hóa ra tươi mới đến không ngờ. Và đương nhiên trong suốt cuộc hành trình ấy, bao giờ chúng tôi cũng chọn một điểm đích phải đến rất sâu nặng và xa ngái, đó là Cù Bai.

Những chuyến đi như thế thường bắt đầu vào một buổi sáng tinh mơ, khi thị xã Đông Hà còn ngái ngủ, ấy là lúc cả đám nhà báo tràn lên xe, nhập hội cùng các sĩ quan, chiến sĩ biên phòng với mắm, muối, gạo, công văn, sách báo và quà tết. Chiếc Gát 66 đặc chủng của quân đội Liên Xô cũ như sinh ra là để trèo đèo, leo dốc, xanh trùi trũi tựa loài tê giác cứ nhằm hướng Tây trực chỉ, chạm mép đường 14B, bỗng rẽ quặt gầm gừ lấy sức mải miết đi về phương Bắc. Dốc cao, suối sâu chênh vênh, con đường mỏng tang như sợi chỉ bạc vắt qua đôi sườn núi. Dằn xóc. Trơn tuột. Chiếc Gát cần mẫn bò đến đích như phải kéo theo sức nặng của hàng tá câu chuyện tiếu lâm của lính nở bung như hoa móng rồng ban sớm, tiếng cười như gửi theo suốt cả cung đường gian lao, âm âm vào tận vách núi giữa ngàn xa...

Bộ đội “Ba ba bảy” chăm sóc các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn từ mô hình “Nâng bước em đến trường”- Ảnh: Q.H
Bộ đội “Ba ba bảy” chăm sóc các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn từ mô hình “Nâng bước em đến trường”- Ảnh: Q.H

Nhiều lần đi về với Cù Bai, đồn biên phòng trấn giữ cửa ải miền Tây Tổ quốc, tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều con người có những tâm tư tình cảm, ước vọng trao gửi khác nhau, nhưng đều mặc chung màu áo xanh, mang quân hàm xanh và cùng một nhiệm vụ giữ gìn trọn vẹn chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Đồn Cù Bai thực sự là trung tâm văn hoá, giáo dục của bà con dân tộc Vân Kiều xã Hướng Lập. Ốm đau nhờ bộ đội biên phòng thuốc thang. Thiếu gạo, nhạt muối nhờ bộ đội biên phòng trợ giúp. Mù chữ có bộ đội biên phòng dạy dỗ. Cả lời ca tiếng hát, điệu múa … đều nhờ đến bộ đội biên phòng hướng dẫn. Xây dựng trận địa lòng dân bắt đầu từ những công việc rất đời thường ấy.

Có một mảnh đất ai đã từng đến đó một lần không thể nguôi quên. Đó là Cù Bai. Có một mảnh đất ai đã từng xa một lần không thể không thương nhớ vì nơi heo hút chân mây ấy, nơi ngọn Cà Tam khói phủ quanh năm, ta bỗng gặp người anh em và chói chang màu cờ Tổ quốc. Nơi ấy Đồn Biên phòng Cù Bai hai lần anh hùng lặng lẽ tựa vào lòng dân để giữ yên bờ cõi. Máu của nhiều thế hệ biên phòng Quảng Trị đã đổ xuống nơi này, ký thác vào nương rẫy, sông núi, bản làng vùng cực Bắc xa xôi của quê nhà. Chính vì điều đó nên cứ vào độ áp Tết, khi đất trời chuẩn bị thay áo mới chờ xuân, chúng tôi lại gặp nhau và hỏi: “Bao giờ lên đường!”. Với chúng tôi, Cù Bai luôn trước mặt...

Những chất liệu ấy sau này tôi đã dựng thành bút ký “Cù Bai, đôi dòng tản mạn”, đăng trên tạp chí Cửa Việt số 30, tháng 3/1997. Thật bất ngờ, trong một lần dự hội nghị về công tác phối hợp tuyên truyền giữa Bộ đội Biên phòng tỉnh với các cơ quan báo chí, tôi được tặng bằng khen do Thượng tá Trần Đình Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị ký ngày 20/8/1997, nội dung ghi: Do có thành tích phản ánh về hoạt động của Bộ đội Biên phòng Quảng Trị trong bút ký: “Cù Bai, đôi dòng tản mạn”.

Bây giờ trở về làm công việc của một biên tập viên Báo Quảng Trị, tôi vẫn theo dõi sát sao và mừng vui khi Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thu được những thành tựu to lớn trên các mặt công tác. Các đồng nghiệp của tôi vẫn luôn bám sát các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, về tận các đơn vị cơ sở, các bản làng biên giới để kịp thời phản ánh sinh động đời sống, công tác, sinh hoạt cũng như kết quả, thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng Bộ đội Biên phòng và nhân dân trên hai tuyến biên giới của tỉnh. Đây thực sự trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vùng biển, đảo và xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của quê hương, đất nước…

“Mây trắng ngang trời Ba ba bảy”

Các lực lượng nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 337 bị đất đá vùi lấp- Ảnh: Q.H
Các lực lượng nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 337 bị đất đá vùi lấp- Ảnh: Q.H

Còn nhớ trong những ngày đầu tháng 10/2020, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh và bão số 6 trên Biển Đông, địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to, kéo dài nhiều ngày gây ra lũ chồng lũ trên diện rộng ở vùng đồng bằng, kéo theo tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng nhiều nơi ở miền Tây Quảng Trị, gây thiệt hại to lớn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Có lẽ không bao giờ trong ký ức tôi có thể quên được cuộc gọi lúc mờ sáng mưa gió quần thảo tơi bời vào một ngày tháng 10 cách nay gần 4 năm, cuôc gọi thảng thốt từ người em đang là bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng tại Hướng Phùng, Hướng Hóa:

- Anh Quế, Chủ nhiệm Hậu cần hy sinh rồi anh à!

- Những đồng đội, đồng hương thân thiết nhất của em quê ở Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Đô Lương, Yên Thành, Hưng Nguyên (Nghệ An) hy sinh cả rồi!

- Anh! Đã tìm thấy thi thể cháu đồng hương của anh ở Cam Thành, Cam Lộ…

Những ngày trực thông tin lũ lụt ở tòa soạn, đau đớn và ám ảnh nhất với chúng tôi là dòng tin của phóng viên Báo Quảng Trị từ hiện trường báo về: Khoảng 1 giờ, ngày 18/10/2020, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra ở quả núi nằm ở phía sau nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Gần 2 triệu mét khối đất đã đổ xuống làm cho 4 dãy nhà của đơn vị bị vùi lấp khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ gặp nạn. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã kịp thời ứng cứu được 5 người. Số cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp là 22 người.

Thời điểm này, bên cạnh tập trung cho công tác chỉ đạo phóng viên Phòng Kinh tế tác nghiệp, tôi còn đảm nhiệm biên tập các trang nội dung của số báo ra hằng ngày. Công việc khẩn trương, bề bộn nhưng cũng thật ấm lòng khi nhận được những bài viết thấm đẫm sự lao nhọc và dấn thân với nghề của các phóng viên trẻ. Loạt bài về cuộc tìm kiếm và tổ chức lễ tang cán bộ, chiến  sĩ Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 337 bị nạn do sạt lở núi của phóng viên Trương Quang Hiệp như: “Dưới tầng đất lạnh kia, đồng đội vẫn đang nằm…”, “Các anh vẫn sống mãi trong lòng dân”, khi đọc từ bản thảo, tôi đã không cầm được nước mắt. Có những phút giây muốn rời bàn biên tập trong một khoảng thời gian ngắn thôi cũng được, để sát cánh bên các phóng viên trẻ tác nghiệp nơi đầu nguồn tươi rói của sự kiện và cảm xúc nhưng rồi tôi chợt nhận ra, thay thế chúng tôi nơi “tuyến trước”, giờ đã có một lớp phóng viên trẻ trung, giỏi giang và đặc biệt là luôn tận tâm, cẩn trọng, sung sức với  nghề.

Dẫu vậy, với sự thôi thúc của một người viết, tôi đã bao lần giở cuốn sổ công tác của mình ra, đọc tư liệu nhưng rồi gấp lại bởi sự đau thương quá lớn, không thể diễn tả. Thế rồi, sau tất cả những gì mất mát như thử thách sức chịu đựng của con người, tôi đã có khoảng thời gian bình tâm lại, nhớ về những ngày lên với các anh Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 337 nơi miền Tây đầy nắng gió, gian khổ nhưng rất đỗi yên bình. Khi tôi ngồi viết những dòng đầu tiên của bút ký “Mây trắng ngang trời Ba ba bảy”, ký ức vẫn vẹn nguyên về hình bóng từng dãy nhà doanh trại của đoàn bình yên tựa lưng vào núi, hướng mặt ra khoảng không gian khoáng đạt. Tôi điện hỏi người em đang bám trụ ở đó trong những ngày đau thương, mất mát lớn lao nhất, em nói, nơi đây trời tạnh mưa rồi, mây trắng ơ hờ vắt trên nền trời “Ba ba bảy” như linh hồn các anh chẳng muốn rời xa miền biên viễn, nơi mà các anh đã gắn bó, tận hiến cả cuộc đời mình. Và núi rừng thì xanh lắm, xanh như vì máu đỏ mà xanh…

Sau này, khi bút ký “Mây trắng ngang trời Ba ba bảy”, đứng tên chung với các bạn trẻ trong tổ phóng viên thời sự báo Quảng Trị nhận giải B, Giải Báo chí tỉnh Quảng Trị năm 2020, tôi thấy mình như có một niềm an ủi lớn vì đã thành tâm góp nén hương tri ân những người đã ngã xuống vì sự bình yên của quê hương Hướng Hóa hôm nay…

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết:http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html



TAGS

Đường đến đô thị vàng

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Lịch sử nhân loại thuộc về những con người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực, ý niệm đó vang lên khi tôi đứng trước biểu tượng hào hùng của bộ đội tăng thiết giáp trên đỉnh làng Vây.

Một chấm xanh

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Rất có thể, nét dễ thương này của Hướng Hóa khiến những ai dừng chân ở đây một lần sẽ thấy bâng khuâng.

Ký ức Cao điểm 689

Bích Liên |

Tháng 6/1968, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 trực thuộc Quân khu miền Bắc, nay là Tiểu đoàn K3 Tam Đảo nhận lệnh vào chốt tại cao điểm 689 chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh. Ngày 8/7/1968, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc sở chỉ huy của địch tại Điểm cao 689 cũng là thời điểm Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo mất đi nhiều đồng chí, đồng đội. Điểm cao 689, 55 năm trước là hy sinh, là máu và nước mắt, 55 năm sau là nước mắt xen lẫn niềm vui, hạnh phúc khi thế hệ đi sau đã biết trân trọng và từng ngày đền đáp những mất mát, đau thương của lịch sử.

Thầy đã "nhặt" thêm một đứa trẻ

Lê Minh |

Gần đây, trên trang cá nhân Facebook của mình, thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & Trung học Cơ sở A Xing, xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện hình ảnh của em bé dân tộc Pa Kô không quần áo. Em bé bưng một chiếc xoong, với bữa cơm không có thức ăn. Những dòng ngắn ngủi, về một hoàn cảnh mồ côi của trẻ. Chúng tôi biết rằng, thầy Trọng đã “nhặt” thêm một đứa trẻ…