BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Một chấm xanh

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Rất có thể, nét dễ thương này của Hướng Hóa khiến những ai dừng chân ở đây một lần sẽ thấy bâng khuâng.

Nhìn bốn phía theo hướng tay chỉ của Sơn, tôi thấy cả vùng đồi miền Tây đang thấp thoáng trong sương mù sớm mai hư ảo. Đến lúc này thì tôi không kiềm chế được cảm xúc của mình trước phong cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc đang trải ra trước mắt.

 
Đô thị vàng Lao Bảo. Ảnh: Xanh EWEC

- Đọc bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường mới biết, sau chiến thắng Nam Lào nhà thơ Ngô Kha đã viết cho một giấc mơ âu yếm vô ngần gởi về Quảng Trị với những câu: "Vì ta phải thấy/ Và nhất định thấy/ Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ Một thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vây". Và con người viết ký kỳ tài ấy đã khẳng định: "Hơn một phần tư thế kỷ sau bài thơ, đô thị vàng kia đang mọc lên... Đọc lại bài thơ viết từ vực thẳm của lửa và máu ấy, tôi không ngờ sức tiên cảm của nhà thơ lại chính xác đến như vậy".

- Mấy ông nhà thơ nói thế nào nghe cũng có lý. Cũng như các nhà kinh tế nói về cái thế đắc địa của vùng này. Có điều, để có được một đô thị vàng thì con người nơi đây đã làm hàng núi công việc được xem như là bước khởi đầu cho thực tế ấy...

- Có nghĩa là...

- Sẽ có một nơi như nhà thơ nào đó đã mơ ước về vùng đất này.

Giọng nói ấy của Sơn làm rộn lên trong tôi niềm vui được đứng ở mảnh đất này, nghe rừng núi đang cựa mình thức giấc với lá cờ Tổ Quốc đã lặng lẽ căng mình giữa khoảng trời biên giới thân yêu.

Dưới ánh nắng vàng tươi, những đồi cây hiện rõ mồn một với những con đường nhỏ dẫn vào các thôn bản. Rất có thể, nét dễ thương này của Hướng Hóa khiến những ai dừng chân ở đây một lần sẽ thấy bâng khuâng. Có một cái gì rất đỗi thiêng liêng cứ ngấm dần vào trái tim khi tôi biết mình đang ở rất gần dãy Trường Sơn huyền thoại. Con đường mòn vinh quang vẫn chênh vênh vắt qua hai sườn núi Đông nắng Tây mưa với nhiều dốc cao, suối sâu giữa những cánh rừng già.
Trong vẻ yên tĩnh của đại ngàn ở khoảnh khắc này, bỗng tôi có được niềm may mắn nghe vang vọng âm hưởng hào hùng của những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Đã có một thời không thể nào quên trong mỗi chúng ta, đường mòn Trường Sơn là con đường của khát vọng hòa bình thống nhất. Rồi đến ngày chiến thắng, ngay sau phút dập tắt hết lửa khói mịt mù của chiến tranh, nó lại mang đến cho chúng ta khát vọng ấm no giàu đẹp.

 
Thị trấn Khe Sanh. Ảnh: Bôn Nguyễn

Có lẽ với vùng đất miền Tây này, chừng ấy khát vọng đã và đang nói lên khá trọn vẹn về cuộc sống, tâm hồn của con người nơi đây. Lịch sử từ tháng 7 năm 1968 trở về trước là lời giải thích trầm hùng cho khát vọng thứ nhất, thời gian từ tháng 7 năm 1968 đến hôm nay lại là nhân chứng cho khát vọng thứ hai của con người và mảnh đất này. Tôi diễn giải ý nghĩ đó với Sơn khi chiếc Minxcơ rẽ hướng vào Làng Vây.

- Chúng tôi có chung một từ để nói về điều đó. Ý chí.

Ý chí. Lời của Sơn chính xác đến kỳ lạ. Tôi ngỡ ngàng nhìn qua vai anh, chợt hiểu ra một điều, nếu không ý chí thì những người lính Trường Sơn năm xưa làm sao có thể có những ngày viết nên trang sử vàng oanh liệt cho thời đại với lòng phơi phới dậy tương lai. Cũng nếu không có ý chí thì những người lính như Sơn hôm nay làm sao gắn bó với chốn thâm sơn cùng cốc này suốt cuộc đời binh nghiệp.

Cùng đất nước đi qua mấy cuộc trường chinh, vẫn kiên trì và nhẫn nại như thuở nào đập tan quân thù, Hướng Hóa đã và đang xây lại chính mình trong mỗi ngày đi qua. Đặt bước lên những quả đồi, những thung lũng nhỏ, vài dòng suối cạn, tôi vừa thấy bóng các khách Tây đang chăm chú nhìn xuống mặt đất xung quanh. Họ tìm lại một Ô Châu ác địa của ngày trước khi mà ở đây cây cối và cuộc sống đã tươi xanh trở lại. Kể cũng lạ, tại sao trên đất nước nhỏ bé của chúng ta cái gì cũng mang trong mình một sức sống mãnh liệt để mãi làm nên sức hút kỳ diệu đối với những ai từng một lần nghe đến Việt Nam.

Có thể thấy núi rừng miền Tây của tỉnh Quảng Trị dấu yêu trong mỗi chúng ta có chung với đất nước niềm tự hào ấy qua những chuyến DMZ tour vẫn thường có ở đây. Và sáng hôm nay, một vị khách du lịch là người Australia nói với người hướng dẫn viên của ông ta rằng: Nơi này có những điều đúng với câu nói "Quá khứ chết rồi vẫn không ngừng làm chân trời bề bộn".

- Tôi đã lặng im nghe ông ấy nói. Không phải vì tính triết lý của câu nói kia mà vì lúc đó tôi nghĩ đến những điều mà ông ấy không nói được. Đó là, cùng với quá khứ, hiện tại và tương lai của mình, mảnh đất này luôn làm cho cuộc sống đầy ắp.

 
 Phố đi bộ Nguyễn Huệ- Lao Bảo. Ảnh: Xanh EWEC

Người hướng dẫn du lịch nói với tôi sau cái bắt tay làm quen.

***

Sự trở lại quá khứ của miền Tây lần này đi thẳng vào tâm trí một người thuộc lớp hậu sinh như tôi không hề ồn ào và ước lệ. Cùng với thời gian, núi rừng nơi đây vẫn còn khắc ghi âm hưởng hào hùng của những trận đánh vang dội. Còn nữa một viện bảo tàng cất giữ những gì hẳn đã lùi vào quá khứ. Nơi đó là lòng người. Để rồi trong cơn mưa ngàn đêm nay, tôi có được niềm may mắn ngồi bên bếp lửa nhà dài nghe người già họ Hồ chậm rãi kể chuyện đánh giặc năm nào. Khe Sanh, đường 9, làng Vây, Tà Cơn, dòng Sê Pôn và Xêbănghiêng, dãy Trường Sơn... cùng những binh đoàn và lòng người Pa Cô, Vân Kiều cứ rung lên, bồi hồi và kiêu hãnh.

Trước khi mời tôi ly cà phê Khe Sanh, Sơn đưa tôi tản bộ quanh thị trấn. Phố núi. Bất chợt hai tiếng đó bật ra trong đầu, gắn chặt hình ảnh Khe Sanh với từng ý nghĩ của tôi. Có điều như là sự trùng lặp, khi bước vào quán nhỏ bên đường, tôi nghe bài hát về một phố núi khác vẳng ra từ chiếc cassette: Phố núi cao, phố núi đầy sương, phố núi cây xanh... Khe Sanh không ồn ào, nhộn nhịp như tôi đã hình dung từ những phút đầu tiên của chuyến đi này. Dẫu khu chợ ngay trước mặt tôi đang diễn ra nhịp điệu mua bán bất tận của nó, dẫu những chuyến xe khách, xe tải vẫn xuôi ngược trên con đường quanh co đèo dốc ngoài kia.

- Người Khe Sanh đang làm giàu, cũng một phần nhờ cây cà phê, chúng ta đang uống thứ cà phê ấy đấy.

Giọng của Sơn quyện trong hương cà phê đặc sánh.

Trong những dòng lịch sử tôi đã thuộc lòng, có một Khe Sanh, Hướng Hóa trải qua hơn hai mươi năm chiến tranh hủy diệt với napalm, bom đạn. Ý nghĩ đó còn trở lại với tôi trong những ngày đặt chân đến các thôn, bản ở Hướng Lập, Hướng Phùng, Lìa... Chuyến đi này và những dòng lịch sử của năm nào đã đặt vào tâm trí tôi nhận thức về sự đi lên đầy gian nan và quả cảm của con người trên mảnh đất này. Họ đã làm cho cuộc sống trên quê hương mình hồi sinh trở lại, vun đắp và tưới tắm cho nó ngày một đổi sắc thay da.

Từ một Hướng Hóa hoang tàn, khắc nghiệt sau cuộc chiến, nơi đây người đồng bào thiểu số đã đồng tâm góp sức với người Kinh để xây dựng và bảo vệ cuộc sống mới. San lấp hố bom, dựng nhà làm rẫy, từng bước định canh định cư, trồng lúa nước, cho con em đến trường học, vào bệnh xá khi ốm đau... Đó là những công việc mà người Hướng Hóa đã làm trong mấy mươi năm qua với biết bao khó khăn, thử thách.

Bắt đầu từ những chiếc cột cháy, chiếc vò đựng nước sứt mẻ, cái gùi nhẹ rỗng và nhiều vỏ đạn, phế liệu chiến tranh, họ gieo trồng ruộng lúa nương khoai, làm tái sinh những cánh rừng già bị đạn bom và chất độc hóa học tàn phá. Đó là một sự nghiệp không kém phần lớn lao, vất vả và Hướng Hóa đã trải qua những thời kỳ vượt cạn.

Niềm hy vọng về một cuộc sống ấm no sẽ trở thành hiện thực cứ phải giãn ra theo những năm tháng con người gọi nơi đây là miền đất khát. Mọi việc đều phụ thuộc vào cấp tỉnh, trung ương. Từ hạt muối, viên thuốc chữa bệnh sốt rét cho đồng bào, đến gạo, lương cho cán bộ đều luôn ở trong tình trạng chờ đợi.

Rồi Quảng Trị tách khỏi Bình Trị Thiên, Hướng Hóa không tránh khỏi những khó khăn của tỉnh nhà trước trước cái nghèo nên dù sống giữa rừng vàng và đất đai màu mỡ mà người Hướng Hóa vẫn thiếu cơm ăn áo mặc. Đồng bào dân tộc ít người phải đem măng rừng, chim chóc, gỗ nứa về Đông Hà đổi gạo. Dù cho địa phương cũng có các nông trường, lâm trường, xí nghiệp quản lý và khai thác lâm thổ sản trong hệ thống các đơn vị kinh tế quốc doanh nhưng đồng bào ở các thôn, bản vẫn đốt phá rừng để trồng lúa, trỉa ngô hết mùa này sang năm khác. Lũ lụt, hạn hán, cháy rừng liên tiếp xảy ra. Những cánh rừng cứ chảy máu, đất bazan cứ thiếu màu xanh, sốt rét ác tính cứ hành hạ, giết chết con người. Cả một vùng đất bazan rộng hơn hai trăm hecta chìm trong cơn khát về vốn và khoa học kỹ thuật. Các bản, làng cách thị trấn Khe Sanh vài kilômet mà trông heo hút, trắc trở. Nhu cầu đòi hỏi dù chính đáng của mỗi người cũng nằm ngoài tầm sức lực, trí tuệ của cả cộng đồng, của những người gắn bó với mảnh đất nghèo khó mà anh hùng này.

Từ thời điểm chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Đảng và Nhà nước được áp dụng vào thực tiễn, cùng với cả nước, Hướng Hóa bắt đầu công cuộc đổi mới. Vượt qua thời bao cấp với sự đoàn kết, cố gắng, người Hướng Hóa xây dựng cho mình cuộc sống ấm no, văn minh hơn trước. Cơ chế thị trường mở ra nhiều cơ hội làm ăn cùng những thách thức mới. Nhận thức rõ vốn quý của mình là đất bazan và rừng núi, họ phấn khích với công cuộc lập vườn, trồng rừng. Trước thực tế người miền xuôi lên đây lập nghiệp ngày một nhiều, tạo thành các thôn Lương, Lễ, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Thành... dọc hai bên đường 9 với kế hoạch mưu sinh là trồng các loại cây công nghiệp phù hợp với đất đai, khí hậu. Họ làm theo chủ trương định canh định cư, tập trung sản xuất nông-lâm nghiệp của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Cuộc sống vẫn diễn ra với muôn vàn khó khăn, nhưng cái ăn, cái chữ đến với họ mỗi lúc mỗi nhiều dần lên. Với cố gắng của Nhà nước, họ góp sức làm hồ chứa nước, đập thủy lợi ở Lìa, thủy điện Khe Sanh, xã Thuận, Pa Nho, mở mang hệ thống giao thông nhằm làm cho việc đi lại của mình thuận lợi hơn. Tách hộ, thực hiện dự án 327, lập vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng... là phong trào có hiệu quả kinh tế cao ở Hướng Hóa. Bên cạnh đó, nhân dân các vùng bản tích cực làm lúa nước, trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm để đảm bảo sự ổn định lương thực thực phẩm cho đời sống. Nét nổi bật trong sản xuất kinh tế của Hướng Hóa trong những năm gần đây là trồng cà phê. Sau những thời kỳ thử nghiệm, có năm Hướng Hóa đã có hàng ngàn hecta cà phê các loại, thu được sáu, bảy trăm tấn nhân, đạt 10 tỷ đồng.  Phần lớn số vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp huyện được họ đầu tư vào việc trồng cà phê và người Hướng Hóa cũng đã có vốn tích lũy từ sản xuất kinh tế. Đối với họ, cà phê là một nguồn lợi quan trọng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của họ trên mọi phương diện. Đồng thời, cây cà phê là một trong những phương án chủ lực để đưa kinh tế miền núi của Hướng Hóa lên một tầm vóc xứng đáng với thế đắc địa của nó mà từ đó đã có nhiều gương điển hình đầu tư canh tác cây cà phê ở xã Húc, ở Pa Nho,…

 
Cánh đồng điện gió chìm trong sương mờ ở Hướng Hoá. Ảnh: Bôn Nguyễn

Dẫu vẫn còn lắm khó khăn, vất vả, vẫn thiếu hụt một số điều cần thiết, nhưng rõ ràng cuộc sống của người dân Hướng Hóa đã và đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đó cũng là lời của một số bà con người Pa Cô, Vân Kiều mà tôi đã gặp trên những nẻo đường vào thôn bản.

Như để chứng minh cho điều đó, Sơn bảo tôi thử tìm xem có còn hố bom nào ở những nơi vừa đi qua không. Phải, con người đã làm nên màu xanh cây lá và sự sống cho nơi này. Ngày hôm qua, người hướng dẫn viên du lịch nọ đã cho tôi biết, thật khó mà tìm được một hố bom để các vị khách nước ngoài xem lại dấu tích của cuộc chiến làm sụp đổ uy danh của một đế quốc lớn như Mỹ.

Cùng với những ruộng lúa, nương ngô là những vườn cà phê, đồi núi, cao su, hồ tiêu, chuối, dứa, sắn, khoai... đang phủ lên màu bazan đỏ thắm một màu xanh mỡ màng, quyến rũ. Đã có lúc, người Hướng Hóa trồng thêm hàng trăm hecta xoài, mía ở các xã Thuận, Thanh, A Túc, Tân Thành... Ở đó, sau cơn mưa chiều, đất bazan dẻo quánh níu bước chân khách lạ. Bốc một phiến bazan, tôi nghe trong mẩu đất nhỏ xíu trên tay mình dậy lên mùi hương của những mùa vàng. Từ những mùa vàng ấy, con đường đến lớp của các em nhỏ người Pa Cô, Vân Kiều rộng thêm, ngắn lại và bằng phẳng hơn. Những trường học, bệnh xá, ngôi nhà khang trang đã nhiều lên.

Giờ đây, ở Hướng Hóa, con người không còn ỷ vào Nhà nước, không còn coi chờ đợi ở cấp trên là một cứu cánh. Họ đã và đang có những phương pháp làm ăn mới để đẩy lùi dần cái thời rừng hoang đồi trọc. Các cánh rừng đã hồi sinh trở lại theo thời gian được con người chăm sóc, trồng mới bởi ý thức bảo vệ rừng để chống lại sự xói mòn của đất đai, hạn chế lũ lụt, gìn giữ thành quả lao động.

***

Lao Bảo vừa trở thành nơi đẹp nhất trong đời tôi. Chập chùng núi. Chòng chành mây. Bâng khuâng gió. Bạt ngàn cây. Và một màu xanh bát ngát trùm lên những quả đồi bát úp nối tiếp nhau đến tận chân trời. Đường 9 uốn mình với những đèo dốc, khúc quanh mềm mại. Những chuyến xe qua lại biên giới vẫn mải miết đi. Đây là một đô thị vàng, như người em song sinh Khe Sanh của mình là một thị trấn yêu kiều mà tôi yêu mến. Với tôi đó là một niềm tin có được trong chuyến đi này. Nếu không là như thế thì làm sao Hướng Hóa có một Mẹ Đá của hàng chục năm đánh đuổi đế quốc, một thế hệ người Hướng Hóa hôm nay đang thực hiện ý chí làm giàu và cả những người lính biên phòng như Sơn cùng các đồng nghiệp của anh ngày đêm lặng lẽ nơi tuyến đầu của Tổ quốc để bảo vệ sự trỗi dậy của xứ sở này. Đất nước mình mãi mãi tự hào về họ- những con người mà trong muôn ngàn ngày không nghỉ, đất đai và núi rừng lặng lẽ biết ơn họ đã vượt lên mọi thử thách, gian lao để làm nên màu xanh kỳ diệu này.

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

TAGS

Ký ức Cao điểm 689

Bích Liên |

Tháng 6/1968, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 trực thuộc Quân khu miền Bắc, nay là Tiểu đoàn K3 Tam Đảo nhận lệnh vào chốt tại cao điểm 689 chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh. Ngày 8/7/1968, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc sở chỉ huy của địch tại Điểm cao 689 cũng là thời điểm Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo mất đi nhiều đồng chí, đồng đội. Điểm cao 689, 55 năm trước là hy sinh, là máu và nước mắt, 55 năm sau là nước mắt xen lẫn niềm vui, hạnh phúc khi thế hệ đi sau đã biết trân trọng và từng ngày đền đáp những mất mát, đau thương của lịch sử.

Thầy đã "nhặt" thêm một đứa trẻ

Lê Minh |

Gần đây, trên trang cá nhân Facebook của mình, thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & Trung học Cơ sở A Xing, xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xuất hiện hình ảnh của em bé dân tộc Pa Kô không quần áo. Em bé bưng một chiếc xoong, với bữa cơm không có thức ăn. Những dòng ngắn ngủi, về một hoàn cảnh mồ côi của trẻ. Chúng tôi biết rằng, thầy Trọng đã “nhặt” thêm một đứa trẻ…

Tên gọi Lao Bảo có từ khi nào?

Yên Mã Sơn |

Địa danh Lao Bảo, đô thị nằm trên Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC) từ lâu được biết đến là đô thị vàng của tỉnh Quảng Trị bởi vị trí chiến lược và tiềm năng của nó. 

Lung linh sắc màu Phố đi bộ Lao Bảo

Bảo Phú |

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) ngày thứ 2 đi vào hoạt động đã gây ấn tượng cho hàng ngàn khách tham quan bởi không gian văn hoá, ẩm thực phong phú, đa dạng.