BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Dòng điện hiện đại trên mảnh đất của Chiến thắng Khe Sanh lịch sử

Thục Khanh |

55 năm sau Chiến thắng Khe Sanh lịch sử, trên một vùng bị đạn bom cày xới, thị trấn Khe Sanh nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung đã tươi xanh trở lạị.

Được xác định là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử McNamara mà Mỹ đang xây dựng nhằm cắt đứt tuyến vận chuyển đường mòn Hồ Chí Minh và bảo vệ vùng I chiến thuật, Khe Sanh có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ quân sự của Mỹ. Vì vậy, từ năm 1962, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã xây một căn cứ không quân - lục quân, một tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn, kiên cố, vững chắc nhất của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam gồm các cứ điểm làng Vây, Chi khu Quân sự, cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn gần khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

Ngay trên thung lũng đất đỏ bazan cao hơn mặt nước biển 400m này đã diễn ra những trận đánh lớn trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh lịch sử từ ngày 21/1 đến ngày 9/7 năm 1968, chiến dịch Khe Sanh đã trở thành Chiến dịch Điện Biên Phủ thứ hai đối với quân đội Mỹ và là địa ngục trần gian đối với lính Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và mang lại thắng lợi có ý nghĩa quyết định về mặt chiến lược quân sự, chính trị và ngoại giao của quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tạo thế và đà để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975: “Sau 170 ngày đêm chiến đấu liên tục vô cùng anh dũng và quyết liệt, Quân Giải phóng mặt trận Khe Sanh đã chiến thắng oanh liệt, đập tan một ý đồ ngông cuồng và ngoan cố của Mỹ tại chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị, buộc chúng phải chịu thất thủ Khe Sanh" (Thông báo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Quân đội Nhân dân Việt Nam).

Kết thúc chiến dịch Khe Sanh, khắp nơi trên cụm cứ điểm quân sự nổi tiếng này chỉ toàn là hệ thống công sự chiến đấu và vật cản được xây dựng kiên cố và liên hoàn, hố chiến đấu cá nhân, lô cốt, hầm ngầm, hệ thống giao thông hào và chiến hào liên hoàn, hàng rào dây kẽm gai, bom napalm, các bãi mìn dày đặc, sân bay, các cụm pháo... đã bị đập nát, bốc cháy dưới pháo hạng nặng và hỏa lực cực mạnh của các bên tham chiến.

Công nhân Điện lực Khe Sanh vệ sinh sứ, xử lý tiếp xúc lưới điện để đảm bảo nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở huyện Hướng Hóa (Nguồn: pcquangtri.cpc.vn)
Công nhân Điện lực Khe Sanh vệ sinh sứ, xử lý tiếp xúc lưới điện để đảm bảo nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: Điện lực Quảng Trị

55 năm sau Chiến thắng Khe Sanh lịch sử, trên một vùng bị đạn bom cày xới, thị trấn Khe Sanh nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung đã tươi xanh trở lại. 55 năm sau Chiến thắng Khe Sanh, huyện Hướng Hóa có sự tăng trưởng không ngừng về nông-lâm nghiệp, công nghiệp và xây dựng cơ bản, thương mại và dịch vụ với tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế và tổng sản lượng lương thực có hạt năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm, trẻ em trong độ tuổi được đến trường, người dân trong các hộ gia đình có điều kiện xem truyền hình và dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng...

Trên một vùng đất bazan từng bị quân đội Mỹ dùng máy bay B52 rải bom và phi cơ không yểm ném bom napalm nay đã có hơn 8.000 hecta cây cao su, cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả cũng như không ngừng tăng số lượng gia súc, gia cầm cùng diện tích nuôi và sản lượng cá nước ngọt. Các hoạt động sản xuất công nghiệp như chế biến cà phê, tinh bột sắn, sản xuất vật liệu xây dựng và hàng hóa tiêu dùng ngày một phát triển. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thương mại-dịch vụ ở khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo, chợ Khe Sanh, các chợ trung tâm xã Hướng Phùng, Tân Lập, Tân Liên, xã Thuận phong phú và đa dạng về hàng hóa phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Cùng với sự phát triển của bưu chính- viễn thông, các mạng điện thoại, truyền hình, đường truyền Internet được mở rộng đến các xã vùng sâu, vùng xa luôn đảm bảo thông tin thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu liên lạc trên địa bàn. Trong nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương, các công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp, công trình phục vụ dân sinh, công trình phúc lợi công cộng được ưu tiên xây dựng. Đặc biệt, huyện Hướng Hóa đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non bên cạnh 100% xã, thị trấn thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; áp dụng chương trình giáo dục toàn diện đối với học sinh phổ thông; đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học ở 7 xã, thị trấn dọc đường 9; xây dựng trường học thân thiện với quy mô trường học, lớp học và phòng học cao tầng kiên cố ngày càng nhiều.

Người dân được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và khám chữa bệnh với hệ thống y tế cơ sở từng bước được hoàn thiện. Đài Phát thanh Truyền hình trung tâm huyện tăng thời lượng phát sóng để các hộ gia đình ở 100% xã, thị trấn xem truyền hình và thường xuyên nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và phong trào toàn dân tập luyện thể dục-thể thao được đẩy mạnh.

Đồng thời, mối quan hệ giữa huyện Hướng Hóa và các huyện của nước bạn Lào giáp ranh biên giới như Mường Noòng, Sê-pôn (tỉnh Savannakhet), Tù Muồi (tỉnh Salavan) phát triển tốt đẹp với nhiều đợt thăm và làm việc, trao đổi thông tin, hợp tác trên một số lĩnh vực có liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh khu vực biên giới, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của nhân dân hai nước Việt-Lào...

 
Cán bộ, nhân viên Điện lực Khe Sanh trên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Thuỷ Trần

Trong suốt tiến trình dựng xây và phát triển của huyện Hướng Hóa có sự góp sức rất đáng tự hào của nguồn lưới điện ngày càng ổn định, chất lượng. Việc cấp điện ở Hướng Hóa được bắt đầu vào năm 1982 với chỉ máy diezel phát điện phục vụ hoạt động của xưởng mộc chế biến nông-lâm sản và dùng thắp sáng của một số hộ gia đình ở thị trấn Khe Sanh.

Năm 1985, Trạm Thủy điện Khe Sanh do UBND huyện Hướng Hóa xây dựng ra đời với 5 công nhân kỹ thuật quản lý và vận hành 2 tổ máy 250 kVA cấp điện thắp sáng từ 7 giờ đến 9 giờ tối cho các cụm dân cư thưa thớt dọc đường 9 thuộc thị trấn Khe Sanh. Tháng 11/1993, Trạm Điện lực Khe Sanh được thành lập với sự quản lý trực tiếp của Điện lực Quảng Trị làm nhiệm vụ quản lý và kiểm tra đường dây điện cùng các trạm biến áp (TBA) trên địa bàn.

Năm 1994, đơn vị tiến hành kéo đường dây 10 kV của lưới điện quốc gia từ Khe Sanh lên Lao Bảo, xây dựng 3 TBA có tổng công suất gần 200 kVA và 3 km đường dây cao thế để phục vụ đời sống xã hội ở huyện Hướng Hóa cùng phần lớn diện tích của huyện Đakrông.

Lịch sử phát triển của Điện lực Khe Sanh có những sự kiện lớn như xây dựng các TBA Tân Long 2, TBA xã Thuận, TBA Tân Thành Tây, TBA Lao Bảo 1, TBA Hải quan, TBA Tân Lập, TBA Tân Thành Đông. Hoạt động trên một địa bàn rộng lớn có địa hình hiểm trở có rừng núi, sông suối, vực sâu và thời tiết khắc nghiệt, Trạm Điện lực Khe Sanh đã huy động toàn bộ nguồn lực để kéo điện về Pa Nho, Đông Khánh vào mùa mưa năm 1996, đóng điện đường dây 35 kV bán điện sang Lào qua TBA trung gian Lao Bảo vào năm 1998.

Cuối năm 1998, Trạm Điện lực Khe Sanh được chuyển thành Chi nhánh Điện Khe Sanh, kéo điện đến xã Hướng Tân vào năm 1999, đóng điện ở xã Hướng Lộc vào năm 1999-2000, đóng điện ở Đá Nổi vào năm 2001, hiện thực hóa quà tặng của Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm Phan Văn Khải là cấp điện ở A Dơi và Pa Tầng vào năm 2002, hoàn thành cấp điện toàn bộ các xã phía Bắc huyện Hướng Hóa bao gồm Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Tân, Hướng Linh vào năm 2004 đã đưa tỷ lệ xã, thị trấn của huyện Hướng Hóa có điện lưới quốc gia lên 100%.

Là đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Quảng Trị, Điện lực Khe Sanh quản lý vận hành lưới điện quốc gia và kinh doanh điện năng ở huyện miền núi Hướng Hóa với khối lượng gồm 4 trạm cắt, 414,945 km đường dây trung thế và 370 trạm biến áp phụ tải đạt tổng công suất là 69.981 kVA. Nguồn lưới điện được Điện lực Khe Sanh không ngừng cải tạo và nâng cấp góp phần làm nên cuộc sống đổi thay và phát triển theo hướng ngày càng ấm no, văn minh, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Cô ở huyện Hướng Hóa.

 
 Cán bộ, nhân viên Điện lực Khe Sanh tại công trường. Ảnh: Thuỷ Trần

Trên từng bước đổi mới và phát triển của miền Tây tỉnh Quảng Trị trong 55 năm kể từ sau Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa có sự nỗ lực của Điện lực Khe Sanh trong việc quản lý, vận hành nguồn lưới điện và sản xuất, kinh doanh điện năng vì mục tiêu xây dựng cuộc sống no ấm, tiến bộ của nhân dân. Đặc biệt là vì cuộc sống ngày thêm tươi sáng của người Vân Kiều, Pa Cô giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ cũng như góp phần thắp sáng và thắt chặt tình hữu nghị Việt-Lào trên khu vực biên giới ngày càng nhộn nhịp, sầm uất.

Cũng vì mục đích thắp sáng miền Tây của tỉnh nhà mà các thế hệ cán bộ, công nhân của Điện lực Khe Sanh gắn bó với ngành điện, với miền sơn cước Hướng Hóa từ buổi đầu kéo điện lưới quốc gia đến Khe Sanh cũng như lôi cuốn những kỹ sư trẻ hôm nay trong niềm vui cùng góp tâm sức làm nên cuộc sống ngày càng tươi xanh, giàu đẹp trên mảnh đất từng làm nên chiến thắng Khe Sanh vẻ vang trong lịch sử giữ nước oai hùng của dân tộc...

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết:  http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html


TAGS

Đường đến đô thị vàng

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Lịch sử nhân loại thuộc về những con người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực, ý niệm đó vang lên khi tôi đứng trước biểu tượng hào hùng của bộ đội tăng thiết giáp trên đỉnh làng Vây.

Một chấm xanh

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Rất có thể, nét dễ thương này của Hướng Hóa khiến những ai dừng chân ở đây một lần sẽ thấy bâng khuâng.

Ký ức Cao điểm 689

Bích Liên |

Tháng 6/1968, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 trực thuộc Quân khu miền Bắc, nay là Tiểu đoàn K3 Tam Đảo nhận lệnh vào chốt tại cao điểm 689 chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh. Ngày 8/7/1968, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc sở chỉ huy của địch tại Điểm cao 689 cũng là thời điểm Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo mất đi nhiều đồng chí, đồng đội. Điểm cao 689, 55 năm trước là hy sinh, là máu và nước mắt, 55 năm sau là nước mắt xen lẫn niềm vui, hạnh phúc khi thế hệ đi sau đã biết trân trọng và từng ngày đền đáp những mất mát, đau thương của lịch sử.

Tổ chức cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh”

PV |

Cách đây 55 năm, Chiến dịch Đường 9- Khe Sanh kết thúc thắng lợi vang dội, huyện Hướng Hóa là huyện đầu tiên của Quảng Trị và của miền Nam hoàn toàn được giải phóng.