Liên quan đến chiến tranh Việt Nam vừa qua thì có lẽ Khe Sanh là một trong những địa danh hàng đầu từng ám ảnh nước Mỹ, kể cả khi chiến cuộc Khe Sanh năm 1968 đã lùi vào quá khứ. Một ám ảnh từ "Hội chứng Việt Nam".
Khe Sanh- đôi điều từ phía bên kia
Trước hết chiến dịch Khe Sanh đồng nghĩa với nghệ thuật nghi binh tài tình của quân đội ta.
Trong nghệ thuật quân sự, nghi binh luôn được vận dụng và đề cao bởi nghi binh càng hoàn hảo, càng bất ngờ thì chiến thắng càng lớn.
Chiến tranh càng lan rộng thì Khe Sanh càng trở thành địa bàn chiến lược mà những bên tham chiến đều phải đặc biệt quan tâm động tĩnh của đối phương. Sau những thông tin tình báo thu thập được từ năm 1967, người Mỹ cho rằng đối phương Việt Nam muốn tái diễn một trận Điện Biên Phủ ở khu vực Đường 9- Khe Sanh để rộng đường chi viện cho miền Nam. Họ bèn cấp tốc điều động ra đây 3 sư đoàn lính Mỹ để lập nên phòng tuyến ngăn chặn từ xa. Nhưng người Mỹ đã phán đoán sai lầm nên chuốc lấy thất bại. Lý do đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giải đáp khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài vào tháng 9/1994: "Ông biết khả năng không quân của Mỹ là cực mạnh khiến việc lặp lại Điện Biên Phủ là không thể, mục tiêu thực tế mà ông theo đuổi là gây cho quân Mỹ thương vong lớn khiến họ phải sa lầy, nhụt chí và cuối cùng phải tự rút khỏi đó. Thực tế ông đã đạt được mục tiêu đó sau 6 tháng giao chiến khiến quân Mỹ liên tục bị tiêu hao sinh mạng ở mức độ cao”.
Trong cuốn sách "Việt Nam, cuộc chiến mười nghìn ngày" (NXB Sự Thật, Hà Nội, 1990) tác giả Mai-cơn Mác Lia đã nói về ám ảnh Khe Sanh với nước Mỹ: "...77 ngày đêm bị bao vây, Khe Sanh chiếm 25% tin hình ảnh trên ti vi Mỹ, 50% chương trình của CBS, 35% tin của AP. Bản tin lúc 6 giờ chiều trở thành cuộc chiến trong phòng khách mỗi gia đình Mỹ… Nhưng rồi các trận đánh trong Tết Mậu Thân làm người ta có cảm tưởng rằng Khe Sanh có vẻ như là cuộc bao vây để đấy. Nếu vậy thì Bắc Việt là bậc thầy trong việc nghi binh”.
Lúc đầu người Mỹ quyết tâm giữ Khe Sanh song cuối cùng buộc phải rút chạy. Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn là Henri Cabot Lodge cay đắng thừa nhận trong bản báo cáo gửi Tổng thống Mỹ Giôn-xơn: “Tôi biết rằng Khe Sanh chiếm chỗ quá nhiều trong tâm trí của ngài, cũng như của tôi. Rất có thể đã quá muộn để làm được điều gì trong hoàn cảnh này. Nếu đúng như vậy, cần phải dẹp bỏ mọi nghi ngại sang một bên và sẵn sàng chiến đấu. Mặt khác, nếu còn có thời gian để áp dụng một ảnh hưởng hữu ích (lên tình hình), thì ta phải hành động ngay.
Tôi vừa xem lại các ý kiến của tướng Oét-mo-len trong các điện văn gần đây. Theo đó, ông ta trình bày rằng việc chiếm đóng Khe Sanh từ ban đầu đã được biện minh bởi nhu cầu thiết lập một căn cứ hành quân nhằm tiến hành các hoạt động ngăn chặn các đường thâm nhập chính yếu từ đông Lào sang. Quan trọng hơn, việc chiếm đóng này còn ngăn chặn địch tiến về Quảng Trị, cũng như ngăn chặn chiến sự lan tới vành đai đông dân ven biển của Vùng chiến thuật I. Nhưng Oét-mo-len lại thừa nhận rằng Khe Sanh chẳng hữu hiệu mấy trong ngăn chặn thâm nhập từ Lào, và vai trò ngăn chặn (Quân giải phóng) tiếp cận Quảng Trị cũng chẳng rõ rệt lắm, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
Vậy là tướng Oét-mo-len trở nên không ủng hộ mạnh mẽ cho việc phòng thủ Khe Sanh nữa, bởi vai trò hiện tại của nó trong ngăn chặn các đường thâm nhập từ Lào hay trong phòng thủ khu vực chủ yếu của các tỉnh phía Bắc (của Nam Việt Nam). Cho dù tướng Oét-mo-len có nói trong một cuộc điện thoại với tướng Uyn-lơ rằng, ông tin tưởng rằng việc giữ Khe Sanh sẽ đem lại cơ hội, vào một lúc nào đó, chống lại đòn đánh mạnh của kẻ thù. Nhưng ông đã không nhấn mạnh điều này. Ngược lại, qua các bức công điện, ông tỏ ra bị căng thẳng do những khó khăn của việc rời bỏ Khe Sanh, cùng những hậu quả tâm lý sẽ đến của cuộc rút lui này, ảnh hưởng lên Nam Việt Nam và lên công chúng Mỹ".
Chiến dịch Khe Sanh xứng đáng là bản anh hùng ca trận mạc của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời hiện đại.
Trong dịp 30/4 năm nay, tôi cùng gia đình lên lại di tích sân bay Tà Cơn. Tình cờ gặp một đoàn người Mỹ, có cả người già, hình như là cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam và cả những người trẻ tuổi, trai có gái có. Họ nói chuyện, đúng hơn là thuyết trình say sưa, tôi đoán chắc là nói về chiến cuộc Khe Sanh lúc trước. Hỏi người phiên dịch, anh gật đầu xác nhận và nở nụ cười, nói thêm: "Ở Mỹ, nhiều người còn nhớ đến chiến tranh Việt Nam, trong đó có Khe Sanh. Họ chuyện trò và tranh cãi nhiều khi không dứt".
Tôi chụp nhanh bức ảnh những người Mỹ trong cái nắng chói chang của những ngày lịch sử...
Đất lành nhớ máu và hoa
Cũng vào một sáng mùa hè năm ngoái, tôi tranh thủ đến di tích Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) để gặp cô gái trẻ tên Vương Thương. Hai chúng tôi đúng ra không có quan hệ gì với nhau. Chỉ có sợi dây duy nhất nối lại hai người là bố của cô đã ngã xuống trên đất Hướng Hóa.
Nhưng tại sao chuyện ấy lại khiến tôi quan tâm đến thế?
... Sau ngày tái lập tỉnh Quảng Trị không lâu, đạn bom nhiều nơi vẫn còn là cái bẫy chết người, hiểu đúng nghĩa đen này. Ở Hướng Hóa lúc đó gần cầu Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo) có một trái bom lớn khá hiểm hóc không ai dám đụng. Có người hiến kế ra tận Hà Tĩnh mời dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ (người đang được đề nghị đặt tên đường tại Hà Tĩnh), người đã từng phá hủy cả ngàn quả bom thành công, người được xem là bất khả chiến bại trước loại vũ khí quái ác này. Và ông Vương Đình Nhỏ đã vào đây. Mọi người hồi hộp chờ đợi một cuộc chiến gay go ngay giữa thời bình.
Trưa hè năm ấy 1990, một tiếng nổ vang trời xé tan bầu không khí im ắng và nóng nực. Mọi người hốt hoảng túa ra đường phía cầu Ka Tăng với dự cảm chẳng lành. Một cảnh tượng thê lương đập vào mắt mọi người: quả bom phát nổ và những người tham gia phá bom thân xác chẳng thể nguyên lành, thịt da bay vào cành cây, ngọn cỏ. Không chỉ ông Vương Đình Nhỏ mà có cả dân bản cũng bỏ mình trong cái ngày u ám rất nhiều... Họ được chôn cất trong một nấm mồ chung ở khu vực "Rừng Ma" theo phong tục của bà con dân tộc Vân Kiều.
Trong cuộc gặp do Sở Ngoại vụ Quảng Trị tổ chức gần đây, có mặt nữ đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Xuân Phương và ông Chuck Searcy - cố vấn quốc tế của dự án khảo sát và rà phá bom mìn Renew tại Quảng Trị, một quân báo Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, có vẻ hao hao giống phần nào nhân vật tình báo trong cuốn tiểu thuyết "Người Mỹ trầm lặng" của nhà văn Graham Green. Tôi nhớ ông Chuck Searcy nói: "Chúng ta cùng chung tay vì hòa bình... Tôi biết đất nước Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, tôn trọng những người cao tuổi, có uy tín trong cộng đồng hay lãnh tụ như cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và văn hóa nào cũng phụng sự cho tiến bộ, nhân văn và hòa bình".
Hướng Hóa cũng như nhiều nơi khác đã và đang nỗ lực vì sự phục hưng của quê hương và nêu cao khát vong hòa bình, một giá trị phổ quát của nhân loại.
Hoa trái đất lành
Có lẽ sau những cuộc Nam tiến của đồng bào phía Bắc sau khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở đất này thì sau năm 1975 một cuộc di dân tương tự sau năm 1975 được gọi là đi kinh tế mới từ đồng bằng Quảng Trị, chủ yếu là từ Triệu Phong. Một cuộc chuyển dịch về dân cư tạo nên những chuyển biến kinh tế- xã hội mạnh mẽ ở núi rừng Hướng Hóa. Những địa danh vùng cao bắt đầu bằng chữ "Tân" khá nhiều ở nơi đây: Tân Hợp, Tân Liên, Tân Thành... đều có nghĩa là vùng đất mới của người mới đến mang ước vọng duy tân.
Tôi nhớ cách đây chưa lâu đã đến một ngôi làng mới có tuổi vài chục năm mang một cái tên khá lạ: Đại Thủy thuộc xã Tân Liên. Ông Võ Xuân Hằng, một bậc cao niên, trưởng làng Đại Thủy vui vẻ giải thích: "Anh thấy tên làng lạ phải không, không có chữ "Tân" như nhiều làng kinh tế mới trên này? Đúng là như vậy, làng này là tên ghép địa danh hai tỉnh. Lại thấy lạ nữa phải không, thì "Đại" có nghĩa là bà con từ Triệu Đại, Triệu Phong lên đây, còn "Thủy" có nghĩa là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Dân hai nơi, tình nguyện chọn đất này làm quê hương mới, quê hương thứ hai của mình để cùng nhau chung tay góp sức, an cư lạc nghiệp lâu dài. Tui người Lệ Thủy được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng làng. Mình cũng hết sức hết lòng vì làng, vì việc chung của xóm thôn".
Ông ngồi kể tôi nghe chuyện mấy anh em ông đi từ Quảng Bình vào đây, lúc nơi này còn hoang vắng, sơ khai, cực khổ, ốm đau không nói hết. Nhưng họ vẫn kiên gan không bỏ cuộc nên mới được ngày hôm nay no ấm, an lành.
Anh Nguyễn Cửu Cẩn, người gốc Triệu Đại vui chuyện góp vào: "Người dân ở đây từ các vùng quê khác nhau đến lập nghiệp ở Đại Thủy này. Tuy không bà con, họ hàng thân thích nhưng sống với nhau như bát nước đầy, tối lửa tắt đèn luôn có nhau. Dân mình vẫn nói: "Bán bà con xa, mua láng giềng gần" mà anh. Không đùm bọc nhau thì khó lòng nói chuyện sống được với nhau dài lâu, chưa kể đến chuyện cúng bái, tâm linh, chuyện làm ăn kinh tế..."
Tôi đi quanh làng trên những con đường bê tông, nhìn những ngôi nhà kiên cố, những mảnh vườn tươi trong nắng sớm. Cả ngôi đình làng Đại Thủy vững chải, hiền hòa như nơi trú ngụ tâm hồn của bà con đã chọn nơi đất lành chim đậu.
Khi đến bản Ka Tăng, một bản biên giới kiểu mẫu ngay cạnh cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cũng sẽ thấy một không gian được quy hoạch khá bài bản. Ông Hồ Thanh Bình, già làng Vân Kiều của bản vừa dẫn chúng tôi đi thăm trang trại có đủ mô hình từ trồng chuối đến nuôi cá, gia cầm... Ông chăm chút trang trại nên mọi việc đâu ra đó, ai thấy cũng tấm tắc ngợi khen. Ông cười rạng rỡ: "Mình là già làng, từng tham gia công việc Nhà nước nay về nghỉ ngơi. Nhưng nói là nghỉ mà vẫn cứ làm, không làm tay chân không yên. Làm để xóa đói giảm nghèo, làm gương cho bà con, hướng dẫn bà con làm ăn. Này, bố còn giúp cho nước ngoài nữa đấy".
Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, ông cười khà khà: "À, là bố nói chuyện mình sang giúp bà con ở bản đối diện Đen-Xa-Vẳn của nước bạn Lào bên kia biên giới. Mình bày cho họ cách trồng chuối có hiệu quả thì họ sẽ no ấm, tình cảm hai bản càng thêm thắm thiết".
Ngoại giao Nhân dân là đây chứ ở đâu xa, tôi thầm nghĩ. Láng giềng hữu nghị thì biên giới bình yên lâu dài. Quả đúng như vậy.
Khi nói đến vùng cao Hướng Hóa, kỹ sư Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị hồ hởi sẻ chia về câu lạc bộ sắn thu nhập 100 triệu đồng trở lên mà hầu hết là bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều vùng Lìa. Bà con trồng sắn đại trà được Nhà máy sắn Sepon thuộc Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị thu mua và chế biến, xuất khẩu. Vậy là những nông dân sản xuất giỏi đàng hoàng trở thành triệu phú miền núi Hướng Hóa. Được biết câu lạc bộ này thành viên cứ nối tiếp nhau...
Tạm kết cho những khởi đầu...
Mùa hè này khi nói chuyện du lịch trong tỉnh, một thông tin quen thuộc từ Hướng Hóa: Những homestay ở khu du lịch "Năm mùa" từ Khe Sanh đi vào đã không còn chỗ từ cách đây vài tháng, du khách xa gần đã nhanh tay đặt trước, chậm là... bó tay. Làm du lịch như vậy thật bài bản. Nhiều khu du lịch với cảnh quan vườn hoa, đường hoa và ẩm thực đặc thù sơn cước đang thu hút du khách. Nhiều cơ hội đang mở ra cho mảnh đất này.
Tin vui mới cập nhật: một doanh nghiệp lớn ở tỉnh bạn muốn đầu tư khai thác du lịch tại thác Tà Puồng, phía bắc Hướng Hóa, nơi nhiều người trong đó có tôi đã từng không chỉ đến một lần. Vận hội đang mở ra nhiều hứa hẹn, việc còn lại là phải biết nắm lấy thời cơ để tiến hành một cách tâm huyết và chuyên nghiệp.
Câu thần chú: "Vừng ơi, mở cửa" trong thần thoại đang đợi chờ con em Hướng Hóa và những ai thực tâm yêu quý vùng quê này, náo nức lên tiếng...
Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".
* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html