Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn. Câu nói đó quả thực rất đúng với thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường TH và THCS A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Người thầy đã làm lay động tâm hồn, thức dậy ngọn lửa vươn lên, vượt mọi khó khăn cho nhiều thế hệ học trò và giáo viên, để giờ đây, học trò có một nền tảng tri thức vững vàng, một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim giàu lòng yêu thương và một lí tưởng sống cao đẹp.
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1996, sau khi ra trường được 2 năm, thầy được phân công về công tác tại xã Thanh (huyện Hướng Hóa), được bổ nhiệm làm Phụ trách rồi Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh, sau đó thầy chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng 9 năm (2013-2021) và 8 năm ở Trường Tiểu học và THCS A Xing (giai đoạn 2006 - 2012 và từ năm 2021 đến nay).
Từ một chàng trai trẻ sống ở thị xã đèn hoa, khi ra trường cơ duyên đã đưa thầy đến với mảnh đất vùng cao nghèo nàn, khó khăn, đầy vất vả. Nhưng thầy vẫn không nản lòng, bởi tình yêu nghề, nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ đã tiếp thêm nghị lực để thầy vững bước tiến lên cùng với giáo dục vùng cao Hướng Hóa thời bấy giờ còn rất đỗi lạc hậu. “Sống ở nơi rừng núi mình đã quen và yêu nơi đây như quê hương thứ hai của mình nên mình muốn gắn bó sự nghiệp gieo chữ với mảnh đất còn nhiều khó khăn này” – thầy Trọng chia sẻ.
Tâm huyết với nghề, tận tụy với học sinh, luôn mong muốn tất cả học trò của mình đều đạt thành tích học tập tốt, mong muốn các giáo viên của mình đều là giáo viên giỏi. Năm 2013, thầy được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa phân công về công tác tại Trường Tiểu học Hướng Phùng, một ngôi trường thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện với hơn 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, một ngôi trường nằm giữa núi rừng trường sơn hùng vĩ, cách trung tâm huyện hơn 30km đi về phía Tây, mọi thứ còn nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống vô cùng khó khăn, đường sá đi lại không mấy thuận lợi và nguy hiểm.
Gạt qua những khó khăn đó, người thầy giáo yêu nghề, mến trẻ đã đem hết tất cả tài năng, trí lực, quyết tâm gieo con chữ vào tận từng bản, từng làng ở mảnh đất nhiều khó khăn và hứa hẹn nhiều thách thức. Phương châm của thầy “biến yêu thương thành hành động, nghĩ là nói, nói là làm”. Ngày ấy trên chiếc xe cà tàng, hai bánh xe vẫn bon bon chạy theo dọc đường Hồ Chí Minh đưa ánh mặt trời đến để tỏa sáng. Cuộc sống ở vùng cao nếu ai chưa từng đặt chân, ai chưa từng ở, chưa từng trải qua thì sẽ không bao giờ cảm nhận hết cái khổ, cái khó ở nơi này.
Nhớ lại những kỷ niệm của ngày đầu vượt núi, băng rừng đến với miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, với thầy Trọng vẫn như mới hôm qua. Những ngày đầu tiên đến đây, nhìn thấy đời sống của người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô chủ yếu dựa vào trồng sắn và nương rẫy. Đến cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm thì việc đến trường của con em những gia đình này là điều ngoài khả năng.
Chứng kiến cảnh nghèo đói ấy của các em tưởng chừng như chùn bước, nhưng thầy Trọng cùng nhiều thầy cô giáo khác bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết đã vượt lên những khó khăn ấy, động viên nhau tiếp tục cố gắng và bám trụ lại với bản làng. Thầy lại trăn trở rất nhiều, có đêm thầy không ngủ, thầy trầm tư suy nghĩ, tìm mọi cách để kêu gọi học sinh đến trường. Thầy đã tích cực phối hợp với địa phương đến tận nhà từng học sinh để thực hiện công tác dân vận giúp dân hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của việc học.
Lúc ấy, không phải nhà nào, người dân nào cũng nói được tiếng Kinh, ngoài ra phong tục và tập quán khác có một khoảng cách giữa người đồng bằng và người miền núi. Và thầy bắt đầu tham gia lớp học tiếng địa phương, thầy đã chọn ngay một ngôi nhà nằm ở cuối bản, phía bên kia suối của thôn Chênh Vênh để cùng ăn, cùng ngủ và hiểu được những gì họ nói, hiểu được tâm tư nguyện vọng và mong ước của các em học sinh.
Với sự chân thành, tận tâm, tận tuy, người thầy giáo đã cảm hóa được người dân nơi đây, được họ tin tưởng và yêu quý nên chỉ một thời gian ngắn thầy đã vận động được các em học sinh đến trường gần như đầy đủ.
Những năm đầu ấy, cơ sở vật chất của trường vô cùng thiếu thốn. Thử thách trăm bề, một số giáo viên đã không chịu được cảnh khổ nên dứt áo ra đi, chuyển đến trường mới. Thầy vực lại tinh thần cho những giáo viên còn ở lại, trong những bữa cơm bếp ăn tập thể, thầy luôn tâm sự để quan tâm, động viên và dìu dắt các đồng nghiệp của mình cùng cố gắng, đặc biệt là những giáo viên ngoại huyện, phải xa gia đình. Thầy luôn nhắn nhủ tới giáo viên là phải yêu thương đùm bọc, giúp đỡ nhau để cùng vượt qua mọi khó khăn về tinh thần và vật chất, quyết tâm bám trụ lại mảnh đất Hướng Phùng thân yêu và mang tri thức mới, mở ra con đường tương lai cho từng thế hệ học trò nơi đây.
Và cuối cùng, mọi sự cố gắng ấy đều được đền đáp xứng đáng khi ổn định số lượng học sinh thì thầy bắt đầu xây dựng cải tạo để đổi thay khuôn viên, cảnh quan của nhà trường. Dưới màn sương đêm của dải núi đại ngàn, tiếng cười, tiếng nói không ngớt làm xua đi nỗi nhớ nhà, nhớ con thơ và nó thực sự là động lực để thầy và trò vượt qua khó khăn gian khổ mà chỉ có những người thầy cô giáo đang công tác tại vùng sâu vùng xa mới hiểu.
Tình yêu của thầy dành cho ngôi trường, cho học sinh luôn có lối đi riêng. Thầy luôn trăn trở làm sao các em học sinh ở miền núi sẽ có đầy đủ cơ sở vật chất để học tập, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao hơn. Những trăn trở ấy đã thôi thúc thầy không ngừng nỗ lực sáng tạo, vận dụng tất cả các điều kiện tốt nhất, để các em học sinh nơi miền núi rẻo cao có thể được trải nghiệm các mô hình giáo dục hiệu quả nhất.
Đến với Trường Tiểu học Hướng Phùng, có lẽ ai cũng ấn tượng, không muốn rời đi. Bởi ngôi trường nằm giữa miền núi cao có nhiều điều níu giữ chân người ở lại. Vì ở đây có một người thầy, lúc nào cũng thích những điều mới mẻ, luôn sáng tạo để có nhiều điều hay, sáng tạo trong mô hình học tập trực quan bởi thầy nghĩ, không chỉ dạy học sinh kiến thức qua trang sách nên thầy đã động viên các giáo viên trong trường cùng nhau cố gắng vượt qua mọi điều kiện khó khăn của vùng núi, mọi rào cản về tinh thần và vật chất, xây dựng cảnh quan môi trường bốn mùa hoa nở, các mô hình hấp dẫn cho các em học sinh trải nghiệm và học tập như: Bản đồ Việt Nam, Nhà sàn truyền thống dân tộc Pacô - Vân Kiều, tác phẩm Rèn đức luyện tài, Bức tranh Thánh Gióng, Bức tranh Nhà sàn Bác Hồ, mô hình đảo Gạc Ma, mô hình Địa Đạo Vịnh Mốc, tượng Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cột mốc Hoàng Sa – Trường Sa, Khu vệ sinh tự quản – kiểu mẫu, Thư viện xanh. Góc vui học Tiếng Anh, trò chơi dân gian ô ăn quan, ném bóng, mô hình phân loại rác thải. Thầy và ban vận động còn xây dựng con đường hoa dã quỳ “60 vạn bước đường hoa ”… Để Hướng Phùng hôm nay tươi mới hơn, rực rỡ hơn, thu hút nhiều khách du lịch hơn bởi vẻ đẹp của loài hoa này, biểu tượng của miền sơn cước.
Nhiều người cứ thắc mắc tại sao thầy có thể làm được, có lẽ thầy là một người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị nên thầy là người rất yêu lịch sử, thầy cũng muốn lan tỏa tình yêu đó đến với các em học sinh nên thầy luôn tâm sự với giáo viên rằng: “Trăm nghe không bằng một thấy, dù có học bao nhiêu trang sách đi chăng nữa nhưng không được trải nghiệm thực tế thì kiến thức được học sẽ không chạm đến trái tim nhỏ bé của các em, không đọng lại trong tâm hồn của các em điều gì, học hôm nay, hôm mai các em có thể nhanh chóng quên đi”.
Để các em yêu từng bài học lịch sử thì chúng ta cần xây dựng các mô hình trải nghiệm, hàng ngày được đến trường ngắm nhìn các mô hình này, các em sẽ cảm thấy yêu thích và muốn khám phá, muốn học hỏi.
Mọi tình yêu lớn sẽ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất, tình yêu Tổ quốc cũng vậy, bắt nguồn từ những bài học lịch sử của dân tộc mình. (Còn nữa)
Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".
* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html