Bài dự thi "Ký ức Khe Sanh" (Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Đất lạ hoá quê hương: Kỳ I: Những dấu chân đầu tiên ở vùng đất hứa

Lâm Hạnh |

“Nghề báo được xem là nghề rất vất vả, nặng nhọc bởi vừa phải phản ánh thông tin vừa phải liên tục trau dồi kiến thức để có đủ năng lực đánh giá thông tin, hiện tượng từ đó có tác phẩm báo chí tốt nhất phục vụ bạn đọc. Bên cạnh tình yêu nghề, còn phải có một trái tim “nặng lòng” với nơi chôn nhau cắt rốn, với xử sở bởi dù làm báo là công việc không bị giới hạn bởi biên giới, lãnh thổ nhưng nhà báo nào cũng có quê hương - nơi nhớ thương để đi về” (Nhà báo Đoàn Phương Nam- TBT Tạp chí Cửa Việt)  

 

Quê hương đưa tôi đến với nghề báo

“Khi mẹ tôi mang thai tôi, người đã phải long đong từ Quảng Trị rồi vào Huế rồi Đà Nẵng. Và năm 1973, mẹ sinh ra tôi ở  Hòa Khánh, Hòa Vang (Đà Nẵng). Năm 1975, gia đình trở về quê ở xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong và năm 1976, theo tiếng gọi xây dựng vùng kinh tế mới, cả gia đình  đưa nhau lên Hướng Hóa.

Mẹ tôi đem cái gói nhau rốn của tôi chôn ở một gốc cây chuối rừng và bảo tôi: Từ nay đây là quê hương của con”. Tôi đã viết như vậy trong bài thi dự tuyển vào làm phóng viên Đài PTTH Quảng Trị năm 1996 với yêu cầu viết một đoạn văn ngắn về làng quê của mình trong tiến trình đổi mới. Một số người thắc mắc, chi tiết này tôi viết có thật không. Tôi không trả lời. Chỉ biết rằng, 12.000 người Triệu Phong không sinh ra ở Khe Sanh, Hướng Hóa đã nhận đây là quê hương của mình từ thẳm sâu trong tâm tưởng theo cách như thế.

Bài viết “Màu xanh đổi mới” với những cảm xúc về những đổi thay vượt bậc của Khe Sanh, Hướng Hóa sau 20 năm “Đất lạ hóa quê hương” của những người từ Triệu Phong lên xây dựng vùng kinh tế mới và sau 28 năm giải phóng của tôi đã thuyết phục được Hội đồng giám khảo. Năm đó, tôi cùng với anh Võ Nguyên Thủy (nay là Giám đốc Đài PTTH Quảng Trị) đã vượt qua hơn 40 thí sinh để trúng tuyển vào Đài. 

Thị trấn Khe Sanh. Ảnh: Thiên Sơn
Thị trấn Khe Sanh. Ảnh: Thiên Sơn

Tháng 11 năm 1996, tôi vào công tác tại Đài PTTH Quảng Trị với túi hành trang không phải là những điều học ở trường đại học mà chính là những ký ức từ những bước đi chập chững đầu tiên nơi vùng quê mới đầy gian khó với chỉ toàn lau lách, cỏ dại và chằng chịt hố bom, dây kẽm gai còn sót lại sau chiến tranh. Là ước mơ lớn của biết bao người về một ngày quê hương được đổi mới hơn, xanh tươi hơn. Vì thế, những thành quả phát triển, những nhân tố mới của hành trình dựng xây quê hương Khe Sanh, Hướng Hóa luôn là  đề tài thôi thúc và nhiều xúc cảm nhất của tôi.

Với tôi, ký ức không phải để con người “ôn nghèo, kể khổ” mà ký ức chính là giá trị để con người xử lý những vấn đề của hiện tại trong một sự chuyển động cùng dòng chảy của cuộc sống tươi xanh. Tôi luôn nhớ rằng, quê hương đã đưa tôi đến với nghề báo và hơn 25 năm làm nghề báo, tôi may mắn được viết lại bài viết “Màu xanh đổi mới” của mình năm 1996 bằng những thước phim và rất nhiều câu chuyện từ ký ức đến hiện tại và tương lai...

Chuyện về nữ thạc sỹ người Vân Kiều đầu tiên

Năm 2000, khi mà sự học đang là xa xỉ đối với đồng bào dân tộc ít người ở miền Tây Quảng Trị thì việc Hồ Thị Minh, người Vân Kiều tốt nghiệp thạc sỹ là một điều hơn cả đặc biệt. Tôi đã thực hiện một phóng sự ngắn truyền hình (đây cũng là tác phẩm truyền hình đầu tay của tôi sau 4 năm về công tác tại Đài) về Hồ Thị Minh. Tôi còn nhớ lúc đó, gặp Minh và mẹ của mình trong một ngôi nhà cũ kĩ ở Khe Sanh. Lúc đó, quê hương còn gian khó, mỗi gia đình đều gian khó nhưng Minh đã vượt qua tất cả để trở thành một phụ nữ Vân Kiều đầu tiên được học lên bậc sau đại học.

Đây là điều kỳ diệu có ý nghĩa lan tỏa một niềm tin, khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ ở các bản làng miền Tây Quảng Trị. Ở thời điểm đó, Minh còn “non nớt” nhiều mặt nhưng qua những thước phim mà ekip chúng tôi ghi lại được, tôi vẫn rất có niềm tin vào cô ấy. Và quả thật, niềm tin ấy đến nay càng được khẳng định khi Hồ Thị Minh đã trở thành nữ Đại biểu Quốc hội, là Phó Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị. Và thỉnh thoảng, Hồ Thị Minh lại làm khách mời của Đài PTTH Quảng Trị để chia sẻ, bàn luận về những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Ảnh1: Hồ Thị Minh phát biểu tại nghị trường  Quốc Hội
ĐBQH Hồ Thị Minh phát biểu tại nghị trường Quốc hội


Đất lạ hoá quê hương

Tháng 4 năm 1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, trong nỗi mừng vui với thắng lợi của dân tộc, ngày 22 tháng 8 năm 1975, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã họp và ra Nghị quyết 136 về “Phương hướng nhiệm vụ khôi phục cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa của tỉnh Quảng Trị”. Thực hiện Nghị quyết 136 của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng đã có chương trình hành động cụ thể để chuyển dân lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Hướng Hóa và miền Tây Gio Linh.

Năm 2015, sau 40 năm, từ những ngày đầu hoang sơ của đại ngàn lau lách, cỏ dại hoang hóa, bằng bàn tay khai phá của con người, những vùng kinh tế ở Hướng Hóa đã hình thành nên cảnh trù phú, sầm uất. Đó là những câu chuyện về ký ức và cảm nhận về hiện tại mà tôi và nhà báo Trần Đăng Mậu đã tâm đắc trong chương trình giao lưu nghệ thuật "Đất lạ hóa quê hương" được tổ chức ngay tại tiền sảnh của Trung tâm Thương mại Lao Bảo năm 2015.

Chương trình đã mang đến quý khán giả những hồi ức của những ngày đầu tiên 12.000 người Triệu Phong đặt chân lên xây dựng vùng kinh tế mới Hướng Hóa và khẳng định tính dự báo đúng đắn của một nghị quyết từ những ngày đầu Quảng Trị  bước ra khỏi chiến tranh.

Chương trình “Đất lạ hóa quê hương”  năm 2016
Chương trình “Đất lạ hóa quê hương” năm 2016

Đã 40 năm trôi qua, nhưng đối với rất nhiều người dân huyện miền núi Hướng Hóa, ký ức về những ngày tháng khó khăn trên vùng kinh tế mới vẫn còn như nguyên vẹn; đọng lại trong họ là những kỷ vật gắn với một thời khó quên của thửa ban đầu đi khai phá vùng đất mới.

Chúng tôi thật sự xúc động với hình ảnh ông Nguyễn Thản - ở khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo đã mang đến chương trình chiếc đèn dầu gắn bó với gia đình từ những ngày chưa có điện thắp sáng và  Nguyễn Thị Trong- khóm Cao Việt, thị trấn Lao Bảo đã mang tới chương trình chiếc xoong được làm từ phế liệu chiến tranh. Thời gian, dù bao nhiêu lần chục năm,  những kỷ vật này vẫn còn nguyên vẹn để họ nhớ về một thời gian khó để có được sự ấm no như hôm nay.

Đặc biệt, với ký ức của  bà Nguyễn Thị Lộc, nguyên là Phó Chủ tịch xã Tân Lập năm 1976 chia sẻ trong chương trình, ngay khi chuyển nhân dân lên lập nghiệp, Tỉnh ủy đã chủ trương bố trí cư dân người Kinh sinh sống xen kẽ với đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa Cô. Từ chủ trương này, đã hình thành mối quan hệ khăng khít, sự đồng cảm lẫn nhau giữa các dân tộc để giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ vậy, bà con  biết thâm canh, bỏ thói quen du canh du cư. (Còn nữa)

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

TAGS

Lao Bảo- một vùng biên cương mở

Nguyễn Hữu Quý |

Có lẽ, khi Chúa Nguyễn Phúc Nguyên ban lệnh lập dinh Ai Lao trấn giữ miền cương vực tây Quảng Trị vào năm 1622 chắc Ngài chưa hình dung được sự sầm uất của Lao Bảo mai sau.

Sử thi ở Miền mây trắng: Kỳ II: Hoa thơm Miền mây trắng

Phạm Xuân Hùng |

Những câu thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc nhớ chúng ta về một trang sử khác, trang sử Chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh. 

Sử thi ở Miền mây trắng: Kỳ I: Những nốt trầm ký ức

Phạm Xuân Hùng |

Ký ức của tôi về lại ngày xưa cũ. Ngày tôi lần đầu đến với Khe Sanh, quả thật đó không phải là mảnh ký ức ngọt ngào.

Khe Sanh- Hướng Hóa: Vẫn là từ khóa hôm nay

Phạm Xuân Dũng |

Liên quan đến chiến tranh Việt Nam vừa qua thì có lẽ Khe Sanh là một trong những địa danh hàng đầu từng ám ảnh nước Mỹ, kể cả khi chiến cuộc Khe Sanh năm 1968 đã lùi vào quá khứ. Một ám ảnh từ "Hội chứng Việt Nam".