Có lẽ, khi Chúa Nguyễn Phúc Nguyên ban lệnh lập dinh Ai Lao trấn giữ miền cương vực tây Quảng Trị vào năm 1622 chắc Ngài chưa hình dung được sự sầm uất của Lao Bảo mai sau.
Chắc cũng như thế thôi khi vua Minh Mạng vào năm 1833 hạ lệnh đắp dinh Ai Lao và đổi thành tên Bảo Trấn Lao chu vi chín mươi trượng, cao sáu thước, có hai cửa với năm mươi binh lính canh giữ. Đương nhiên rồi, bởi vùng đất này lúc ấy là chốn rừng thiêng nước độc heo hút, đi dễ khó về. Chính vì vậy nên từ năm 1908, thực dân Pháp đã biến dinh Bảo Trấn Lao thành nhà tù khét tiếng xứ Đông Dương thuộc địa. Nhiều nhà yêu nước theo các phong trào Cần Vương, Văn Thân và chiến sĩ Cộng sản bị giam giữ ở địa ngục trần gian Lao Bảo. Di tích nhà đày Lao Bảo vẫn còn trên mảnh đất biên viễn này.
Đấy là câu chuyện của mấy trăm năm về trước trong một thời đoạn lịch sử vô cùng u ám của dân tộc Việt Nam, theo cách diễn đạt của nhà thơ Tố Hữu cũng là một chiến sĩ Cộng sản từng bị giam cầm tại đây thì "Thuở nô lệ thân ta nước mất/ Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm/ Một đời đau suốt trăm năm/ Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao…"
Nghe lại thật xa xót và xa xăm, còn Lao Bảo bây giờ quá gần gũi, quá thân thuộc với dân Việt mọi miền. Nhắc đến Quảng Trị ai cũng nghĩ tới Lao Bảo với một Cửa khẩu Quốc tế nổi tiếng nằm bên dòng sông Sê Pôn, biên giới hai nước Việt - Lào anh em. Một vùng biên giới không mấy trập trùng, cheo leo, hiểm trở với núi cao, vực sâu, những vòng cung, tường thành hùng vĩ được thiên nhiên tạo dựng như phía bắc nước ta mà cương vực có nhiều đoạn dường như chỉ ướm dựa vào dòng chảy con sông hiền hòa đổ về hướng mặt trời lặn.
Sê Pôn mùa cạn, bên ni bên tê cách nhau chỉ dòng chảy hẹp, ới lên một tiếng nghe vọng dội đôi bờ; tiếng là dân hai nước nhưng lại gần gũi như xóm giềng thân thuộc, tắt đèn tối lửa có nhau. Thêm vào đó là những đường tắt lối mở tự nhiên tạo ra sự thông thương “không chính ngạch” của vùng biên mang tên Lao Bảo này. Soi bóng xuống Sê Pôn là dãy núi Sa Ma Tẹt (Núi ngựa phi) của đất nước Triệu Voi có hình dáng một tuấn mã khổng lồ đang tung vó giữa lô xô mây trời. Hèn chi dân Việt ta cũng rất thích mà gọi nó là Yên Mã Sơn. Hèn chi mà anh bạn viết báo, làm thơ của tôi đang sống ở Lao Bảo lấy Yên Mã Sơn làm bút danh của mình.
Vào một ngày giữa tháng 6, Quảng Trị ào ạt gió phơn hầm hập còn phía bên kia Trường Sơn đang mùa mưa, Yên Mã Sơn gọi tôi “lên núi”, lên với Lao Bảo đang rùng rình chuyển động sau ba năm đại dịch hoành hành. Lao Bảo hình như cũng “lây” khí hậu Lào nên bầu trời ngổn ngang mây cánh vạc, thường có những trận mưa mát lạnh đổ xuống thị trấn cuối chiều.
Đồn biên phòng Cửa khẩu Lao Bảo nằm sát bên quốc lộ 9. Con đường này dài 83,5 km bắt đầu từ thành phố Đông Hà. Con đường máu lửa trong cuộc chiến tranh chống Mỹ nay là một phần của tuyến đường bộ xuyên Á (AH16). Hai bên đường 9 có những di tích lịch sử lừng danh trong đó có Sân bay Tà Cơn, Làng Vây, Nhà tù Lao Bảo… thuộc huyện Hướng Hóa.
Giàn phong lan, các chậu cây cảnh, hòn non bộ làm mềm mại mát mẻ khu doanh trại của những người lính quân hàm xanh. Đồn trưởng, Chính trị viên đi công tác vắng, tiếp chúng tôi là Thiếu tá Nguyễn Hữu Vũ, Phó đồn trưởng nghiệp vụ. Vũ quê Triệu Phước, tuổi 35, tốt nghiệp Học viện Biên phòng vào năm 2011. Người sĩ quan này từng lên rừng xuống biển, đã qua các đồn Pa Linh, Cửa Việt, Thuận trước khi về Lao Bảo. Anh cho biết, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được giao nhiệm vụ quản lý 6 cột mốc từ 601 đến 606 với chiều dài 12,5 cây số đường biên. Bên này là Quảng Trị của Việt Nam, bên kia là Savanakhet của Lào, địa bàn rộng. Theo cách gọi của Thiếu tá Nguyễn Hữu Vũ thì đây là vùng “biên giới mở”. Vì thế, cũng dễ phát sinh những phức tạp trong quản lý biên giới, thương mại, phòng chống buôn lậu, ma túy…
Sau “cơn bão đen” mang tên COVID- 19 làm chao đảo toàn cầu, kinh tế hai nước Việt Nam, Lào đều gặp nhiều khó khăn. Kẻ xấu lợi dụng điều đó kích động, chia rẽ mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào bằng những thủ đoạn nham hiểm, tinh vi. Tôn giáo, dân tộc vốn là những vấn đề cực kỳ nhạy cảm được kẻ xấu dựa vào để gây rối, chống phá ta. Các chiến sĩ quân hàm xanh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền và nhân dân trong việc bảo vệ đường biên cột mốc. Hợp đồng tốt với hải quan trong quản lý xuất nhập khẩu, thương mại, phòng chống buôn lậu, ma túy, dịch bệnh.
Mô hình tổ phòng chống tội phạm, tổ cảm hóa được ra đời trên vùng đất biên cương này. Tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào thấm sâu vào mối quan hệ, vào từng công việc với các cơ quan chức năng và nhân dân nước bạn. Nhờ thế, mà trong thời gian qua biên giới vẫn bình yên, Đường 9, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nhộn nhịp người xe qua lại. Điều ấy chứng minh sự vững vàng và khởi sắc của đất nước ta sau đại dịch COVID- 19.
Sự hồi sinh, khởi sắc kinh tế của Việt Nam được ghi dấu một phần khi ta chứng kiến cảnh nhộn nhịp trở lại của Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Nhớ lại cảnh đìu hiu vắng vẻ của Cửa khẩu thời COVID-19 mà vẫn nao lòng. Tất cả như bị đứng yên, bị đóng băng trong nỗi lo âu tràn ngập của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Nên không thể không mừng vui khi tận mắt thấy cảnh xe cộ xuôi ngược, qua lại tấp nập ở Cửa khẩu Lao Bảo.
Tôi thổ lộ điều ấy với anh Ngô Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tuấn cười nói: “Đúng vậy anh, cửa khẩu như cái hàn thử biểu đo thời tiết kinh tế của quốc gia vậy. Chẳng gì buồn hơn khi mỗi ngày trôi qua với cái cảnh cửa khẩu hiu hắt, lờ đờ"... Tôi nói với Ngô Minh Tuấn: “Đương nhiên, công việc của cán bộ nhân viên trong Chi cục cũng bận rộn theo nếu không muốn nói là áp lực nặng nề hơn”. Nụ cười tươi lại hiện lên trên gương mặt hiền từ khá đẹp trai của Tuấn: “Cũng áp lực nhưng anh em ai cũng đều cố gắng làm tròn phận sự nên công việc rất trôi chảy”.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có 52 cán bộ, nhân viên chia thành 4 tổ đội, gồm: Đội Thủ tục; Đội Giám sát; Đội Tổng hợp và Tổ Kiểm soát. Công việc kéo dài từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Làm thủ tục hàng hóa, người xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; thu thuế, chống buôn lậu, thống kê hải quan… Từ tháng 12 năm 2022 Chi cục đã được trang bị máy soi hiện đại nên công việc kiểm tra hàng hóa nhanh hơn rất nhiều. Máy soi xác định vị trí nghi vấn, hàng hóa, vách ngăn, đáy thùng chỉ trong vài phút. Không còn tình trạng bốc dỡ, bưng bê hàng hóa nặng nề, nhọc nhằn và lôi thôi như trước đây. Tuy vậy, do công việc nối công việc, công việc chồng công việc nên thời gian nghỉ bù của cán bộ nhân viên Hải quan tại Cửa khẩu luôn bị giảm. Nhiều tình huống phát sinh bắt buộc phải đành lòng vậy, cầm lòng vậy, chứ lãnh đạc Chi cục cũng mong anh em được nghỉ ngơi đàng hoàng.
Mỗi ngày đêm có khoảng 500 đến 600 phương tiện vận tải qua lại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Hàng từ Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là sắt thép, phân bón, đồ nhựa, nước yến, cà phê và các loại nông sản khác… Số lượng khá lớn, đơn cử như doanh nghiệp Lao Bảo Electronics do chị Hoàng Thị Minh Ty sinh năm 1992 làm giám đốc, mỗi mùa xuất khẩu tới 1.000 tấn điều (trị giá 22 tỉ đồng), 15.000 tấn sắn (trị giá 60 – 70 tỉ đồng). Hàng từ Lào sang Việt Nam thường là gỗ xẻ, thạch cao, nước uống đóng chai, cao su, đường kính…
Theo Phó Chi cục trưởng Ngô Minh Tuấn, tính đến hết tháng 5 năm 2023, giá trị thuế thu được là 143,4 tỉ đồng, đạt 41% kế hoạch năm. Dự tính, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sẽ hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Một vấn đề nổi cộm hiện nay là việc bốc hạ hàng hóa ở các phương tiện vận tải quá khổ, quá tải. Đơn vị làm rất quyết liệt việc này; tất cả xe vượt tải đều phải bị sang chuyển hàng hóa. Cái khó là bãi chứa chỉ dung nạp được khoảng 150 phương tiện vận tải. Vì thế, đòi hỏi phải hạ tải nhanh gọn. Mà cái việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một xe gỗ hạ tải đôi khi cần tới 7 xe khác chuyên chở và máy cẩu để bốc dỡ. Để giải quyết khó khăn này Chi cục đã đề xuất với cấp trên cho các doanh nghiệp ở gần hạ tải ngay tại kho của họ.
Với Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tôi còn lưu giữ những kỷ niệm đẹp khi về đây viết bài cho Tạp chí Văn nghệ quân đội. Mùa hè năm 1998, sông Sê Pôn và đường 9 nóng lên với nạn buôn lậu qua biên giới. Bài viết của tôi mang tên "Nóng bỏng một dòng lũ". Để có được bài viết này, tôi đã cùng các cán bộ hải quan, biên phòng ra “mật phục” ở sông Sê Pôn để tận mắt thấy và chụp ảnh những chiếc thuyền máy buôn lậu, đầy ăm ắp hàng, nước mấp mé mạn, xé nước băng băng trên phần sông thuộc Lào. Qua chuyến đi ấy tôi hiểu thêm công việc của lính Biên phòng, “lính” Hải quan những người góp công sức lớn cho sự bình yên biên giới.
Lao Bảo đã khác xưa, khác lắm và trong sự hình dung của tôi thì thị trấn xinh đẹp vùng biên này chắc chắn sẽ là một đô thị sầm uất trong tương lai không xa. Nằm trên con đường xuyên Á, soi bóng bên dòng Sê Pôn hiền lành, Lao Bảo mang trong nó những tiềm năng của một đô thị thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu năng động. Tương lai đẹp đẽ đó đã có nền móng từ hôm qua, hôm nay với những hoạch định mang tên Lao Bảo.
Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".
* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html