Bài dự thi "Ký ức Khe Sanh" (Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Sử thi ở Miền mây trắng: Kỳ I: Những nốt trầm ký ức

Phạm Xuân Hùng |

Ký ức của tôi về lại ngày xưa cũ. Ngày tôi lần đầu đến với Khe Sanh, quả thật đó không phải là mảnh ký ức ngọt ngào.

Một lần nào đó đã lâu, dễ chừng hơn mười lăm năm, tôi cùng đoàn làm phim của VTV thực hiện loạt phim tài liệu dọc theo đường 9, đó là bộ ba phim: Đường 9, một khúc biên niên; Đakrông, đứa con truyền thuyết; Về miền Tây Quảng Trị.

Tôi sinh ở vùng Cam Lộ, máu trong người tôi có nước sông Hiếu Giang, xương cốt tôi phảng phất mùi cây lá của trung du và vùng cao phía mặt trời lặn. Tôi về làm phim vì trong nhiều lý do có một thôi thúc không nhỏ: Về thăm miền quê mà tôi thương mến tự thẳm sâu lòng mình.

Du khách về thăm di tích lịch sử ở Hướng Hóa (Ảnh: P.X.D)
Du khách về thăm di tích lịch sử ở Hướng Hóa. Ảnh: PXD

Trong bộ ba phim tài liệu nói trên, tôi phải dừng lại khá lâu ở tập cuối cùng mang tên Về miền Tây Quảng Trị. Dừng lại khá lâu vì những địa danh cứ bời bời nỗi giăng mắc tên sông, dáng núi, tộc người, những Khe Sanh, Lao Bảo, Lìa, Tà Cơn, Làng Vây, Vân Kiều…

Tôi mang máng một trang nào đó trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn từng ghi chép hay huyền thoại đã mắc cạn trong trí nhớ mình về tên gọi Vân Kiều. Nghe bảo, ngày xưa tộc người này thường ở lưng chừng những ngọn núi Trường Sơn cao xanh, ở đó những ngày đẹp trời mây trắng giăng ngang từng dải lụa nhìn xa như thể chiếc cầu bằng mây. “Cầu mây” tức “vân kiều” theo tiếng Hán, tộc người sống lưng chưng núi theo đó mà có tên Vân Kiều. Một người bạn tôi là thạc sĩ sử học giải thích theo cách khác, sở dĩ có tên Vân Kiều là vì tộc người này sống ở đầu nguồn Viên Kiều/ Viên Kiệu, từ nguyên này có trong sách sử. Thôi thì, dù là cách nào tôi cũng không quên được cảm giác về những khuôn hình trong phim.

Năm ấy, vào mùa tháng Tư, hoa trẩu nở trắng trời dọc theo những con đường đất đỏ. Và những bản làng chon von sườn núi, sườn đồi, phía trên cũng là những vầng mây trắng như bông, nổi bật trên nền trời xanh đúng như nhà thơ nào đó đã viết “xanh màu Quảng Trị”. Bất giác tôi gọi nơi này là Miền Mây trắng và chỗ đồng nghiệp của tôi đang đứng bắt những khuôn hình là dấu chấm nhỏ trên đường chân trời và đường chân trời lại là dấu gạch nối giữa đất đai, rừng núi, sông suối với Miền Mây trắng trên cao.

Xác máy bay trong chiến dịch Khe Sanh năm 1968 (Ảnh: P.X.D)
Xác máy bay trong chiến dịch Khe Sanh năm 1968. Ảnh: PXD

Ký ức của tôi về lại ngày xưa cũ. Ngày tôi lần đầu đến với Khe Sanh, quả thật đó không phải là mảnh ký ức ngọt ngào. Năm đó tôi học lớp 8, đang nghỉ hè. Vì muốn có tiền mua chiếc quần và đôi giày bata mới cho kỳ khai giảng gần kề, tôi đã nhận lời dắt một đàn bò năm con từ Đông Hà đến Khe Sanh. Tiền công bao nhiêu tôi không còn nhớ nhưng lại nhớ người chủ thuê tôi tên là Đáp. Ngày ấy Khe Sanh nhỏ lắm, chừng như ông Đáp là người duy nhất làm nghề mổ bò thịt ở thị trấn này. Đường 9 quanh co, mình tôi và chiếc bi đông đựng nước chè xanh “đứng đụa” đi từ sáng sớm tinh mơ, tầm khuya thì đến Khe Sanh. Một vùng đất đen sẫm màu cây lá hiện ra trong đêm nhờ vào những ánh đèn le lói ven đường. Ký ức Khe Sanh ngày bé trong tôi là vậy.

Nhưng nhờ chuyến đi đó mà tôi biết vùng đất này, biết con đường 9 quanh co diệu vợi dẫn bước chân tôi ngược hướng mặt trời. Sau này lớn lên, cảm giác ấy thổn thức lần nữa theo những kiến thức mà tôi tha nhặt được từ sách vở. Khe Sanh không chỉ là thị trấn huyện lỵ của huyện Hướng Hóa mà còn đi vào lịch sử địa phương, đất nước, cả thế giới đã từng biết đến địa danh này qua cuộc chiến tranh Vệ Quốc của dân tộc trong thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước. Nhưng đó là về sau, còn trong đêm đầu tiên chạm mặt Khe Sanh, ký ức mà tôi còn giữ là bát mỳ tôm chú Đáp nấu vôi, giúp tôi đánh gục cơn đói dặm trường. Và tiếp sau, khi nằm nghỉ trong ngôi nhà nhỏ, cả không gian quánh đặc đêm sâu thoang thoảng một mùi hương kỳ lạ, như là hoa cỏ, như là gió sương, như là mây trời dịu dàng len vào giấc ngủ.

Nhắc đến Khe Sanh người ta nhớ đến Lao Bảo. Từ xã Tân Phước đất rộng người thưa, chủ yếu là dân kinh tế mới ở miệt đồng bằng Triệu Hải lên lập nghiệp, xã miền núi này chính thức trở thành thị trấn vào năm 1994. Tôi cứ hình dung Lao Bảo là cánh tay nối dài của Khe Sanh, nối dài trong khát vọng mở mang, phát triển về phía Tây, với các quốc gia lân cận trong khu vực. Điểm cuối con đường 9 bắt đầu từ đây nối sang quốc lộ 13 của nước bạn Lào, trở thành một phần huyết mạch mang tên Con đường xuyên Á. Nhưng trước khi cuộc sống ở miền tây Quảng Trị giở sang trang mới thì trước đó đã có một chương dài nối từ chiến tranh sang thời hậu chiến, nối quá khứ đổ nát, hoang tàn vào nước mắt, mồ hôi, cả máu nữa, của vài ba thế hệ người dân bản địa lẫn người dân vùng đồng bằng lên đây mưu sinh, lập nghiệp.

Chiến tranh quá ư khốc liệt, có thể để nó lặng im đâu đó trong những trang sử. Nhưng thời bình, khi bắt tay tái dựng cuộc sống sau chiến tranh, sự khốc liệt đó vẫn còn đeo đuổi. Nhiều người già, thế hệ đầu tiên lên đây kể với tôi, để có một vạt đất trồng rau, trồng sắn nhiều khi phải bỏ mạng bởi bom mìn chực chờ trong lòng đất. Kể ra để thấy, bao nhiêu bạt ngàn cà phê, chuối, sắn… hôm nay nếu tính công phải ngang với dời non, lấp bể.

Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Tà Cơn (Ảnh: P.X.D)
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Tà Cơn. Ảnh: PXD

Tôi có không nhiều những người bạn gắn bó với miền cao Hướng Hóa, hoặc sinh ra hoặc lớn lên ở nơi này. Không nhiều nhưng qua họ, tôi nhìn thấy chân dung con người mà tôi hay gọi đùa “những đứa con của Miền Mây trắng”.

Họ là ai? Là chú Đáp năm xưa chờ tôi trong ngôi nhà nhỏ với tô mỳ tôm nóng hổi. Là bạn bè, anh em thời sinh viên ở Huế như Lê Xuân Lãm, Lê Bình, Dương Trọng Chinh, Lâm Chí Đức… Tôi khâm phục những anh em, bạn bè này vì họ có một đời sống cơ hàn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Thế rồi, bằng cách nào đó họ đã vượt qua, trở thành những bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, nhà giáo. Họ có thể không nổi tiếng theo kiểu “Người đương thời” nhưng lại tiêu biểu cho thế hệ lớn lên sau chiến tranh, vượt hết thảy khó khăn để trưởng thành, tồn tại hữu ích giữa đời…

Tôi đang dừng lại trước mây trời Lao Bảo. Miền biên viễn bừng lên màu nắng rất lạ. Nắng vàng như mật, rót thẳng từ đỉnh trời xuống cỏ cây, hoa lá. Bỗng dưng lại nhớ đến người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Kim Thành. Cách đây tròn 85 năm, tháng 6 năm 1938, không biết Nguyễn Kim Thành đứng đâu trong quãng đèo heo hút gió này, để buông tiếng lòng chất ngất khí khái trong bài thơ Lao Bảo: Đèo cao vút vươn mình trong lau xám/ Đá uy nghiêm trầm mặc dưới trời tro/ Gió nói gì với rừng sâu u ám/ Đường sao run, tê tái cả hồn thơ!... Người thanh niên ấy cảm thức địa danh này không khác gì nơi trận mạc, mồ chôn những người cộng sản yêu nước: Là Lao Bảo, chốn này đây, Lao Bảo/ Tên đun sôi, sùng sục tủy xương tràn/ Là nơi đây, nấm mồ bao khối não/ Là nơi đây, huyết ứ dưới lời than!/ Là nơi đây, pháp trường thân chiến sĩ/ Nát bầm da, quằn quại là nơi đây/ Roi đế quốc, báng súng trường quất xé/ Thịt hy sinh của những kiếp đi đày…

Nhưng cuối cùng, người cộng sản chỉ mới mười tám tuổi đã tự mình đốt lên ngọn lửa thiêng trong tim: Hỡi chiến sĩ rữa tan trong mả loạn/ Hãy về đây trong đáy giếng hồn tôi/ Hãy về đây những ảnh hình ly tán/ Nấu sôi niềm oán hận của muôn đời/ Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu/ Cho da tôi dày dạn với ngày mai/ Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/ Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai.

Lời thề của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Kim Thành trong bài thơ Lao Bảo đã chứng thực bằng hành động, bằng thơ ngay từ buổi ấy. Chính trong cái năm 1938 đó, Nguyễn Kim Thành từ Lao Bảo sang Lào thăm một người bà con. Tại đây, anh gặp một cụ đồ nho người gốc Quảng Bình. Chính cụ đồ này đặt cho ông bút danh lấy từ câu thơ của Đỗ Chí: “Ngô nhi tố hữu đại chí, kim quả nhiên hĩ” ngầm chỉ Kim Thành là “con người có chí lớn, khí phách” (“hữu” nghĩa là “có”, “tố” nghĩa là phẩm hạnh hơn người). Kim Thành nhận bút danh này nhưng lại chọn chữ “hữu” trong “bằng hữu” (chỉ “người bạn”) và chữ “tố” với nghĩa trong trắng, mộc mạc (tố trong “kiến tố, bảo phác”). Vậy là từ đó, cách mạng có thêm một người cộng sản kiên trung, bất khuất, một nhà thơ lớn của cách mạng: Nhà thơ Tố Hữu.

Bước chân tôi bâng khuâng lần nữa khi trở lại Khe Sanh. Chuyện tôi với đàn bò chỉ là mảnh ký ức vụn như cách nói của nhà văn nổi tiếng. Mảnh ký ức đó chìm dưới mảng màu tươi sáng trong buổi sáng mai này. Khi tôi bắt gặp những mảnh vườn xanh trải dài trong nắng sớm. Và mây trời, lại mây trời, giăng ngang như dải lụa mềm vấn vít quanh các sườn núi. Năm xưa, nhà thơ Tố Hữu cảm khái về một Lao Bảo với trái tim cộng sản trẻ tuổi thì cách đây hơn hai mươi năm, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với chiều kích cuộc đời đi qua lửa đạn chiến tranh, bừng thức một cảm giác mới lạ về thị trấn huyện lỵ miền sơn cước.

Mới lạ mà vẫn đong đầy thân ái, thương mến về cuộc địa và con người nơi đây trong bài thơ Khe Sanh: Mãi theo giòng đời chảy xiết/ Một lần trở lại Khe Sanh/ Đá đã lên màu rêu biếc/ Trập trùng phố núi quanh quanh. Miên man giữa hồi ức và thực tại, nhà văn tài hoa quê Quảng Trị bỗng ngộ ra cội rễ của những hoa trái cuộc đời là tấm lòng con người gắn cùng xứ sở: Xưa đây chiến trường chống Mỹ/ Đạn bom tan nát đời cây/ Có người Già Làng lặng lẽ/ Bếp hồng kể chuyện Làng Vây/ Tâm hồn Vân Kiều vốn thế/ Giúp người chẳng quản công lênh/ Cảm ơn tấc lòng cội rễ/ Đưa mình trở lại Khe Sanh…

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

TAGS

Khe Sanh- Hướng Hóa: Vẫn là từ khóa hôm nay

Phạm Xuân Dũng |

Liên quan đến chiến tranh Việt Nam vừa qua thì có lẽ Khe Sanh là một trong những địa danh hàng đầu từng ám ảnh nước Mỹ, kể cả khi chiến cuộc Khe Sanh năm 1968 đã lùi vào quá khứ. Một ám ảnh từ "Hội chứng Việt Nam".

Thầy giáo biên phòng vùng cao

Hồ Thanh Thoan |

Mặc dù công việc khá vất vả, nhọc nhằn nhưng vì sự nỗ lực và quyết tâm của bà con, chị em lớn tuổi không quản đêm hôm, tối trời, mưa hay nắng vẫn chẳng chùn bước, ngại ngùng và hổ thẹn để được đến lớp theo học đã làm cho anh rất vui và hạnh phúc trong những lần đứng trên bục giảng.

Bồi đắp tình yêu đất nước qua "Tiết học biên giới"

Lê Thị Thu Thanh |

Quảng Trị có chung đường biên giới với hai tỉnh Savannakhet và Salavan của nước bạn Lào dài 179,345 km (gồm biên giới trên sông, suối và trên bộ), gồm 17 xã, thị trấn thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, với 62 vị trí/ 68 cột mốc quốc giới, 23 vị trí/ 35 cọc dấu. 

Sê Pôn - dòng sông biên giới thắm tình hữu nghị Việt- Lào

Hoàng Hữu Hóa |

Khi đặt chân đến bên bờ sông Sê Pôn, tôi lại vấn vương câu hát “Ơi em gái Sê Pôn, em có nghe anh hát, hát về em về tình bạn Việt - Lào, em có tắm dòng suối La La từ nơi anh Hướng Hóa chảy qua mang tình anh thiết tha thiết tha"...