BÀI DỰ THI "KÝ ỨC KHE SANH" (KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG KHE SANH, 9/7/1968 - 9/7/2023)

Những "từ mẫu" trên rẻo cao Khe Sanh: Kỳ 2: Không ngừng đổi mới, chăm lo cho bệnh nhân nghèo

Kô Kăn Sương |

Trước trách nhiệm lớn lao được giao phó, ngành y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không ngừng đổi mới, xóa bỏ dần những phương thức chữa bệnh lạc hậu, ứng dụng có hiệu quả các kĩ thuật khám, chữa bệnh hiện đại; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tạo môi trường làm việc hiện đại, thân thiện và chu đáo.

Vượt khó từ cơ sở

Hiện nay, toàn huyện 21 Trạm Y tế xã, thị trấn trực thuộc, 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Các trạm đã duy trì, phát huy tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở địa phương, đặc biệt là chú trọng duy trì Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả về công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở địa phương.

Thăm khám cho phụ nữ mang thai ở tuyến cơ sở - Ảnh: K.S
Thăm khám cho phụ nữ mang thai ở tuyến cơ sở - Ảnh: K.S

Trạm Y tế xã Húc được đánh giá là một trong số đơn vị đi đầu trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới của huyện Hướng Hóa. Cùng với sự quan tâm của các cấp trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, đội ngũ y bác sĩ nơi đây không ngừng rèn luyện y đức, nâng cao trình độ, tay nghề, tận tâm, tận lực vì bệnh nhân vùng khó.

Xã Húc có gần 100% dân số là người Vân Kiều, đời sống còn nghèo nàn, trình độ dân trí thấp. Bác sĩ Hồ Thị Hằng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Húc là người có thời gian công tác gắn bó gần 30 năm với đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 1997 khi mới đến Húc công tác, bác sĩ Hằng phải đi bộ một chặng đường đất, đá dài rất vất vả. Điều kiện ăn, ở tại trạm vô cùng thiếu thốn, nhất là về nguồn nước sinh hoạt, thế nhưng, trước thực trạng người dân nghèo thường xuyên đau ốm, trẻ em suy dinh dưỡng rất nhiều; một bộ phận người dân còn chữa bệnh theo phương thức lạc hậu. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” bác sĩ Hằng đã phối hợp với già làng, trưởng bản đi đến từng thôn trong xã để tuyên truyền, vận động bà con ăn chín, uống sôi, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ mang thai, cho con bú và chế độ dinh dưỡng cho con nhỏ; xóa bỏ cách chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan...

Nhiều bệnh nhân nghèo nhà xa đến trạm điều trị phải ở lại, bác sĩ Hằng và đồng nghiệp chăm sóc, điều trị tận tình, thường xuyên chia sẻ phần cơm, thức ăn của mình cho họ, xem người bệnh bệnh nhân như người nhà.

Bác sĩ Hồ Thị Hằng tận tình hướng dẫn đơn thuốc cho người nhà bệnh nhân - Ảnh: TYT xã Húc
Bác sĩ Hồ Thị Hằng tận tình hướng dẫn đơn thuốc cho người nhà bệnh nhân - Ảnh: TYT xã Húc

Từ năm 2006 đến nay, đường vào Húc được đầu tư xây dựng, đi lại thuận tiện hơn, đời sống người dân bắt đầu có phần được cải thiện; cơ sở vật chất y tế được đầu tư khá đầy đủ, đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh ở cấp trạm. Đội ngũ y bác sĩ của trạm rất tích cực nâng cao trình độ, tay nghề, tham gia các khóa, lớp tập huấn, làm tốt công tác chuyên môn… cơ bản phục vụ tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Bác sĩ Hằng chia sẻ: “Dù ở điều kiện công tác nào, chúng tôi cũng phải ghi nhớ trách nhiệm của mình “Thầy thuốc như mẹ hiền”, luôn tận tâm, tận lực, gần gũi, sẻ chia khó khăn với bệnh nhân và người nhà của họ. Đáp lại tấm lòng của chúng tôi, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao. Nhiều gia đình đã biết chủ động phòng, chống các bệnh thường gặp, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi khi ốm đau đến ngay trạm y tế để được tư vấn, chăm sóc, chữa trị kịp thời. Tích cực phối hợp với chúng tôi trong PCSR (phòng chống sốt rét), sốt xuất huyết, COVID-19, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, số người tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại nhiều hơn, tình trạng sinh con đông có xung hướng giảm rõ rệt, chất lượng dân số được nâng cao hơn so với trước đây. Nhờ vậy, cán bộ y tế đỡ vất vả hơn, tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân”.

 Đổi mới tại tuyến huyện

Nhằm triển khai thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở địa phương, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Hướng Hóa chú trọng đổi mới trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ngay từ tuyến huyện. Đặc biệt, đơn vị chú trọng thực hiện việc cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” trong toàn đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên.

Khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi - Ảnh: TTYT HH
Khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi - Ảnh: TTYT HH

Với nhiệm vụ chính là khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh theo quy chế công tác khoa nội, khoa nhi, khoa truyền nhiễm của Bộ Y tế quy định trong Quy chế trung tâm; phối hợp tốt với các chuyên khoa sâu về nội, ngoại và hồi sức cấp cứu đảm bảo chẩn đoán chính xác và điều trị tốt, thời gian qua, Khoa Nội nhi Truyền nhiễm, trung tâm thực hiện tốt việc chăm sóc, điều trị các bệnh truyền nhiễm gây bệnh như: lao, phổi, COVID-19. Cán bộ y bác sĩ tại khoa luôn thực hiện nghiêm túc các khâu phòng, chống lây nhiễm, lây nhiễm chéo ở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Luôn gần gũi, thân thiện với bệnh nhân, không để bệnh nhân có cảm giác tự ti với bệnh tật.

Bác sĩ Hoàng Thị Huệ thường xuyên thăm hỏi, ân cần với bệnh nhân - Ảnh: K.S
Bác sĩ Hoàng Thị Huệ thường xuyên thăm hỏi, ân cần với bệnh nhân - Ảnh: K.S
Bác sĩ Hoàng Thị Huệ, Phó Khoa Nội nhi - Truyền nhiễm, TTYT Hướng Hóa chia sẻ: “Tôi có nhiều năm công tác tại tuyến cơ sở nên rất thấu hiểu được hoàn cảnh của bệnh nhân vùng khó. Chính vì vậy, từ khi về làm ở tuyến huyện, tôi tích cực tham mưu cho khoa, ban lãnh đạo của trung tâm những biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, phát huy tấm lòng của người lương y, quan tâm đến hoàn cảnh của từng bệnh nhân để có hướng giúp đỡ. Nhiều bệnh nhân điều trị dài ngày thiếu thốn, không có cơm ăn, thức uống, trong đó có ca bệnh người Lào, chúng tôi sẵn sàng trích từ lương để mua cho họ phần cơm, cháo, sữa, giúp họ có sức để uống thuốc điều trị bệnh. Thường xuyên thăm hỏi, động viên bệnh nhân sau giờ điều trị để nắm tình hình sức khỏe, có hướng chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Nhiều bệnh nhân và người nhà của họ rất tình cảm, trước khi xuất viện bịn rịn, chia tay cán bộ y tế làm chúng tôi cảm thấy ấm lòng, càng quyết tâm gắn bó, yêu nghề hơn”.
Lãnh đạo huyện Hướng Hóa tặng quà Tết cho bệnh nhân nghèo điều trị tại TTYT huyện - Ảnh: TTYT HH
Lãnh đạo huyện Hướng Hóa tặng quà Tết cho bệnh nhân nghèo điều trị tại TTYT huyện - Ảnh: TTYT HH

Bệnh nhân điều trị tại TTYT huyện Hướng Hóa đa phần thuộc diện hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người mang quốc tịch Lào có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần không may ốm đau, đến khám, điều trị, nhiều bệnh nhân và người nhà thiếu thốn đủ thứ, nhất là tiền xe đi lại, tiền ăn, mua đồ dùng phục vụ trong thời gian chữa bệnh…

Xuất phát từ tình yêu thương bệnh nhân, ngoài nhiệm vụ thực hiện y lệnh của bác sĩ về tiêm, truyền thuốc, cấp thuốc, đón tiếp, tư vấn, hỗ trợ thủ tục khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; chăm sóc, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân trong thời gian điều trị, cán bộ y tế của Phòng Điều dưỡng và Công tác xã hội TTYT huyện Hướng Hóa dành thời gian hỏi thăm tình hình từng bệnh nhân về sức khỏe, hoàn cảnh và nhu cầu cần thiết của mỗi người để tham mưu lãnh đạo đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cũng như có cách hỗ trợ kịp thời để bệnh nhân yên tâm điều trị.

TTYT huyện Hóa hóa trao quà chương trình “Chung tay với người bệnh” - Ảnh: TTYT HH
TTYT huyện Hóa hóa trao quà chương trình “Chung tay với người bệnh” - Ảnh: TTYT HH

Được sự nhất trí của lãnh đạo đơn vị, phòng đã kêu gọi, vận động và kết nối với các tổ chức, cá nhân hảo tâm thông qua hình thức hỗ trợ bữa ăn tình nghĩa, tiền mặt, sữa, kẹo bánh, gạo, quần áo, chăn ấm… giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Bình quân mỗi tháng TTYT huyện Hướng Hóa tiếp nhận từ 12 - 14 bữa ăn từ thiện với trên 100 suất dành cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, đơn vị xây dựng tủ áo quần “Chia sẻ yêu thương” với thông điệp “Ai thiếu thì đến lấy, ai thừa thì mang đến” nhằm giúp đỡ bệnh nhân nghèo thiếu quần áo khi điều trị nội trú. Các bệnh nhân nghèo, bệnh nhân đến khám, điều trị tại đơn vị không kịp chuẩn bị áo quần sẽ đến tủ áo quần “Chia sẻ yêu thương” để lấy những đồ cần dùng”.

Cán bộ TTYT huyện Hướng Hóa trao quà của mạnh thường quân hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn - Ảnh: TTYT HH
Cán bộ TTYT huyện Hướng Hóa trao quà của nhà hảo tâm hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn - Ảnh: TTYT HH

Trưởng Phòng Điều dưỡng và Công tác xã hội Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa Lê Thị Thanh Thảo cho biết: “Riêng từ năm 2020 đến nay, TTYT huyện đã tiếp nhận và trao tận tay bệnh nhân nghèo hàng nghìn suất ăn miễn phí như cháo, cơm, bánh mì… với tổng giá trị khoảng hơn 600 triệu đồng. Ngoài những suất ăn miễn phí đầy đủ chất dinh dưỡng, bệnh nhân nghèo, bệnh nhân người dân tộc thiểu số điều trị tại đây thường xuyên được các nhà từ thiện hỗ trợ thêm sữa, bánh, áo quần, chăn màn… Chúng tôi còn phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân thiện nguyện phát quà cho bệnh nhân dịp tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 cho bệnh nhi, phát quà hỗ trợ bệnh nhân nghèo tổng trị giá gần 20 triệu đồng/ năm”.

Bệnh nhân nghèo được sử dụng áo quần từ tủ áo quần “Chia sẻ yêu thương” - Ảnh: TTYT HH
Bệnh nhân nghèo được sử dụng áo quần từ tủ áo quần “Chia sẻ yêu thương” - Ảnh: TTYT HH

Việc đổi mới ở Trung tâm y tế huyện không chỉ chú trọng ở phong cách, thái độ phục vụ, đón tiếp của cán bộ y tế đối với bệnh nhân và người nhà của họ; chăm lo chu đáo cho bệnh nhân nghèo mà tại các cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế ở huyện đều có hộp thư góp ý; ở các khoa, phòng của cơ sở khám, điều trị tuyến huyện đều có khẩu hiệu nhắc nhở về quy tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp; công bố số điện thoại đường dây nóng để bệnh nhân và người nhà có thể phản ánh kịp thời các trường hợp không hài lòng.

Khuôn viên của các cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế luôn sạch sẽ, thoáng mát; hệ thống cây xanh, cây cảnh được bố trí hợp lí, thẩm mĩ, tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh khi đi lại, nghỉ ngơi trong quá trình điều trị. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân nghèo được động viên, yên tâm ở lại cơ sở y tế điều trị. (Còn nữa)

TTYT huyện Hướng Hóa phối hợp với các nhà hảo tâm hỗ trợ bữa ăn miền phí cho bệnh nhân nghèo - Ảnh: TTYT HH
TTYT huyện Hướng Hóa phối hợp với các nhà hảo tâm hỗ trợ bữa ăn miền phí cho bệnh nhân nghèo - Ảnh: TTYT HH

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html

Sử thi ở Miền mây trắng: Kỳ I: Những nốt trầm ký ức

Phạm Xuân Hùng |

Ký ức của tôi về lại ngày xưa cũ. Ngày tôi lần đầu đến với Khe Sanh, quả thật đó không phải là mảnh ký ức ngọt ngào.

Khe Sanh- Hướng Hóa: Vẫn là từ khóa hôm nay

Phạm Xuân Dũng |

Liên quan đến chiến tranh Việt Nam vừa qua thì có lẽ Khe Sanh là một trong những địa danh hàng đầu từng ám ảnh nước Mỹ, kể cả khi chiến cuộc Khe Sanh năm 1968 đã lùi vào quá khứ. Một ám ảnh từ "Hội chứng Việt Nam".

Ký ức ngày trở lại

Thiên Phong |

50 năm từ ngày Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được chính thức thành lập tại huyện Cam Lộ, những người từng gắn bó với “vết son” lịch sử này nay có dịp tìm lại những hồi ức. Đó là hồi ức của lòng tự hào và cũng là hồi ức của thời khắc hơi thở hòa bình.

Chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị: Tầm nhìn chiến lược của Đảng

Trần Mạnh |

Theo đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: Việc chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, nâng cao giá trị biểu tượng của ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước.