Ký ức ngày trở lại

Thiên Phong |

50 năm từ ngày Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được chính thức thành lập tại huyện Cam Lộ, những người từng gắn bó với “vết son” lịch sử này nay có dịp tìm lại những hồi ức. Đó là hồi ức của lòng tự hào và cũng là hồi ức của thời khắc hơi thở hòa bình.

Tìm lại ký ức 50 năm

Ông Đào Công Tường (72 tuổi), trú tại Phường 1, TP. Đông Hà, từng làm việc tại Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khoảng 2 năm. Dịp lễ kỷ niệm năm nay là một dịp đặc biệt nên ông đã trở lại nơi này đúng ngày đầu tháng 6/2023 để cảm nhận không khí của nửa thế kỷ trước. Ông bước chậm rãi trên từng lối đi trong khuôn viên của khu di tích như để tìm lại những ký ức xa xưa.

Di tích Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ - Ảnh: THIÊN PHONG
Di tích Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ - Ảnh: THIÊN PHONG
“Đó là một thời khắc đặc biệt. Trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời được đặt ngay trên vùng đất vừa mới giải phóng. Càng đặc biệt hơn khi chỉ cách đó vài chục cây số về phía Nam, súng vẫn nổ”, ông Tường hồi tưởng.

Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập tại huyện Cam Lộ cũng là lúc ông được trung ương chọn đưa vào Quảng Trị phụ trách công tác kế toán, tài chính. Ngày rời Hà Nội, ông mới chỉ là chàng thanh niên 22 tuổi vừa tốt nghiệp trung học và hoàn thành một khóa đào tạo kế toán cấp tốc. Đó là thời điểm tỉnh Quảng Trị mới giải phóng được các huyện Cam Lộ, Gio Linh và Đông Hà. Bên kia sông Thạch Hãn vẫn thuộc sự kiểm soát của chế độ Việt Nam cộng hòa.

Tại đây, mỗi ngày ông cùng nhóm khoảng 30- 40 cán bộ được phân công thường trực làm đúng công việc của một Chính phủ. “Tuy chỉ là lâm thời và ở một vùng đất mới giải phóng, nhưng đây vẫn là một Chính phủ thu nhỏ với đầy đủ các bộ, ngành chủ chốt. Và Chính phủ này vẫn đại diện cho một nước, đặc biệt là trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới”, ông Tường kể.

Ông Đào Công Tường (ở giữa) trở lại Khu di tích Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam-nơi ông từng làm việc trong 2 năm từ 1973-1975 - Ảnh: THIÊN PHONG
Ông Đào Công Tường (ở giữa) trở lại Khu di tích Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam-nơi ông từng làm việc trong 2 năm từ 1973-1975 - Ảnh: THIÊN PHONG
Lần thứ 3 Quảng Trị được chọn làm thủ đô lâm thời Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được đặt tại Cam Lộ. Đây là lần thứ 3 vùng đất Quảng Trị được chọn làm thủ đô lâm thời của người Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trước đó, năm 1558, Chúa tiên Nguyễn Hoàng trong hành trình mở cõi phương Nam đã chọn Ái Tử là điểm dừng chân. Nhiều dinh thành được xây dựng ở vùng đất này và nay vẫn còn vết tích. Đến cuối thế kỷ 19, vua Hàm Nghi khi chạy ra vùng Cùa, thuộc huyện Cam Lộ cũng đã chọn nơi đây để xây thành Tân Sở làm kinh đô kháng chiến của dân tộc.

Chính phủ lâm thời được thành lập do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch chính phủ, gồm có 8 bộ trưởng và 12 thứ trưởng. Để tham mưu giúp việc cho chính phủ có hội đồng cố vấn do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch và 11 ủy viên trong hội đồng cố vấn.

Sau khi trụ sở đóng tại Cam Lộ, các thành viên chính phủ đã tổ chức nhiều đợt đi thăm hỏi, động viên người dân vùng giải phóng Quảng Trị. Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nguyễn Hữu Thọ cùng một số thành viên Chính phủ đã đi thăm hỏi và tặng quà đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở Hướng Hóa. Đoàn Chính phủ cũng đến thăm và động viên các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn của tỉnh như: đơn vị bộ đội công binh 559, phòng không, kinh tế Trường Sơn...

Điểm nhấn trên hành trình về nguồn dọc Đường 9 Sau ngày giải phóng, Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được giao lại cho cơ quan dân sự quản lý. Năm 1985, cơn bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung với sức gió cấp 12 đã làm cho toàn bộ công trình di tích bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại phần nền móng của các dãy nhà. Lúc này, do điều kiện đất nước đang còn khó khăn, phải hàn gắn vết thương chiến tranh nên chưa có điều kiện để phục dựng lại các công trình của di tích. Đến năm 1991, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Khu trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Từ đây, khu di tích này đã trở thành một điểm đến ấn tượng trên hành trình trải nghiệm du lịch về nguồn tại Quảng Trị.

Ông Tường vẫn nhớ rõ, ngay sát bên trái của nhà Chính phủ là khu nhà của Bộ Ngoại giao. Đây là nơi phải làm việc nhiều nhất trong những năm Khu Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hoạt động. Tại đây, chỉ trong khoảng 2 năm đã có đến hơn 40 nước đến đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ cách mạng lâm thời.

Cũng tại đây, Chính phủ lâm thời đã tiếp hàng chục đoàn đại sứ các nước như: Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Mông Cổ, Rumani, Ghinee, Ba Lan, Xiri, Uganđa, Burunđi, Irắc, Yenmen, Angiêri, CHDC Đức, Hungari, tổ chức giải phóng Palextin, đoàn Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia, mặt trận Lào...

“Vinh dự quá lớn…”

Ông Dương Tú Anh (87 tuổi), trú tại phường Đông Giang, TP. Đông Hà - nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ giai đoạn 1973-1975 và cũng là người được giao nhiệm vụ chọn vị trí để xây dựng trụ sở Khu Chính phủ cách mạng lâm thời thời điểm đó.

Với ông, việc Cam Lộ được chọn để đặt Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một điều bất ngờ và vinh dự nên cả bộ máy chính trị của huyện ủy khi đó ngay lập tức triển khai khảo sát tìm vị trí xây dựng.

“Thời điểm đó, Cam Lộ chỉ cách vùng kiểm soát của phía chính quyền miền Nam khoảng hơn 30 km. Ngay bên kia sông Thạch Hãn vẫn có nhiều khẩu pháo chĩa về phía vùng giải phóng nên yếu tố an toàn được đặt lên trên hết”, ông Anh kể.

Vị trí ông chọn lúc đó được coi là sự lựa chọn tốt nhất vì có sự bảo vệ của “hàng rào” pháo binh ở hướng Nam, còn phía Bắc chỉ cách nguồn nước từ sông Hiếu khoảng hơn 100 m.

Bằng quyết tâm cao để hoàn thành nhanh nhất trụ sở Khu Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nên đầu năm 1973, những chuyến tàu đầu tiên đã cập cảng Đông Hà mang theo vật liệu xây dựng như xi măng, khung sườn bằng sắt, tôn ván từ miền Bắc vào.

Trong khoảng 2 năm hoạt động, đại sứ hơn 40 nước đã đến làm việc tại Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và được lưu lại hình ảnh tại đây - Ảnh: THIÊN PHONG
Trong khoảng 2 năm hoạt động, đại sứ hơn 40 nước đã đến làm việc tại Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và được lưu lại hình ảnh tại đây - Ảnh: THIÊN PHONG
Một lực lượng cán bộ, công nhân hơn 500 người của công ty xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An, do 2 thứ trưởng bộ xây dựng trực tiếp đôn đốc thi công liên tục suốt cả ngày lẫn đêm.

Sau 25 ngày đêm, công trình đã hoàn tất và đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 4 năm ngày ra đời Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Khu trụ sở Chính phủ lâm thời được xây dựng trên diện tích 17.300 m2 , được chia làm 2 khu độc lập A và B.

“Nhà” của bà Nguyễn Thị Bình Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ là nơi gắn bó với tên tuổi của bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời điểm đó. Bà Bình cùng ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn là những lãnh đạo thường xuyên làm việc tại Khu Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhất. Hiện tại, ngay giữa sân của di tích này vẫn còn một tấm bia bằng đá ghi lời đề từ của bà Nguyễn Thị Bình. Theo cán bộ quản lý di tích, sau khi nghỉ công tác, bà Bình đã nhiều lần trở lại thăm nơi mình từng gắn bó suốt gần 3 năm ở Cam Lộ như tìm về ngôi nhà của mình.

Khu A có 3 dãy nhà gồm: nhà làm việc của chính phủ, nhà làm việc của bộ ngoại giao, nhà ăn dành riêng cho khu A. Khu B có 5 dãy nhà gồm: hai nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ, 3 dãy nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên cán bộ của Chính phủ.

“Được chọn làm nơi đặt khu Chính phủ lâm thời là vinh dự lớn không chỉ của huyện Cam Lộ mà còn là của tỉnh Quảng Trị nên trách nhiệm cũng lớn. Sau chiến tranh, Cam Lộ phải đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng phải khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Anh nói.

Ông Nguyễn Công Đoàn, nguyên Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Cam Lộ thời điểm đó cũng cho biết tổ chức này ra sức vận động người dân tham gia góp sức xây dựng trụ sở Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nhờ sự hỗ trợ của người dân địa phương, những lực lượng tham gia xây dựng trụ sở Chính phủ lâm thời đã hoàn thành việc xây dựng trong thời gian sớm nhất. “Người dân cũng ý thức rất rõ về vinh dự khi có trụ sở Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt trên địa bàn nên đã hết lòng đóng góp lương thực, thực phẩm cho lực lượng xây dựng.

Ngoài ra còn nhiều sự hỗ trợ khác về cả nhân lực và vật lực. Nhờ sự hỗ trợ này mà trụ sở đã kịp thời đưa vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, ông Đoàn nhớ lại.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sẽ bắn pháo hoa trong lễ kỷ niệm 50 năm ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Anh Vũ |

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết, trong lễ kỷ niệm 50 năm ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tổ chức vào tối 10/6 tới đây sẽ có màn bắn pháo hoa tầm thấp ngay tại di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Cam Lộ phát triển giàu đẹp

Khánh Ngọc |

Cách đây 50 năm, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị vinh dự được chọn làm nơi đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam (CMLTCHMN) Việt Nam, biểu tượng cho khát vọng hòa bình, đấu tranh thống nhất nước nhà của Nhân dân miền Nam và cả nước.

Rà soát công tác chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Minh Đức |

Ngày 9/5, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp để rà soát công tác chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì cuộc họp.

Đề xuất hỗ trợ 7,5 tỉ đồng tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Anh Vũ |

Hôm nay 30/3, UBND huyện Cam Lộ có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Tài chính đề xuất hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN).