BÀI HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT "KÝ ỨC KHE SANH"

Hướng đi mới của du lịch miền Tây Quảng Trị

Yên Mã Sơn |

Với điều kiện tự nhiên lý tưởng, các địa phương ở miền Tây Quảng Trị đã tận dụng và “đánh thức” tiềm năng du lịch bằng những bước đi mới, có tính đột phá…

Khi đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch cộng đồng

Mùa du lịch năm nay, sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, những “làn sóng” xách ba lô lên và đi đã tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh, đơn vị lữ hành hồi sinh. Để giải toả cái nắng, nóng ở miền Trung, sự lựa chọn đi tắm biển hay các thác nước, suối là lựa chọn tối ưu.

 
Cánh đồng điện gió và thác Tà Puồng. Ảnh: Bôn Nguyễn- Hồ Giỏi

Nắm được xu hướng, nhu cầu của khách du lịch, đồng bào người Vân Kiều ở xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã bắt tay chuẩn bị mọi thứ để phục vụ “thượng đế”. Tận dụng được điều kiện thiên nhiên ưu ái, người dân xã Tà Long biến con suối A Lao mượt mà có dòng nước xanh quanh năm làm nơi “hái ra tiền”. Người khởi xướng cho dự án du lịch cộng đồng ở nơi xa xôi hẻo lánh này là chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Long.

Du khách thích thú khi được trải nghiệm bắt cá suối trong bộ trang hục truyền thống người Vân Kiều ở điểm du lịch cộng đồng suối A Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông.
Du khách thích thú khi được trải nghiệm bắt cá suối trong bộ trang phục truyền thống người Vân Kiều ở điểm du lịch cộng đồng suối A Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông.

“Chúng tôi đã chuẩn bị hạ tầng từ lâu. Nói hạ tầng cho nó to tát chứ các chị em cùng một số hộ dân sửa lại mấy con đường, phát quang cây cối cho thoáng. Dọc hệ thống suối dựng các cầu khỉ, các lán trại và trang trí giản đơn những địa điểm ấn tượng để du khách check in. Hiện điểm du lịch cộng đồng này thu hút khoảng 100 lượt người đến tham quan/ngày”, Hồ Thị Thương chia sẻ.

Điểm du lịch suối A Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông do chị Hồ Thị Thương, người Vân Kiều tổ chức và quản lý. Ảnh: TGCC
Điểm du lịch suối A Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông do chị Hồ Thị Thương, người Vân Kiều tổ chức và quản lý. Ảnh: TGCC

Để tour du lịch 199k hoạt động hiệu quả, chị Thương đã vận động các hộ gần suối chế biến các món ăn dân dã mang hương vị núi rừng nhưng đảm bảo ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo chị Thương, du khách có thể trải nghiệm lòng suối A Lao, mang trang phục truyền thống của người đồng bào chụp ảnh, thưởng thức các đặc sản bản địa và được người hướng dẫn tham quan, giới thiệu tận tình về văn hoá, đời sống của đồng bào miền Tây Quảng Trị. Hiện tại tổ hoạt động có 16 người, chủ yếu là phụ nữ ở địa phương. Sau 03 tháng đi vào hoạt động đã tạo thu nhập ổn định cho chị em từ 7 - 10 triệu đồng/tháng/người.

Những món ăn đậm đà hương vị núi rừng do người Vân Kiều chế biến ở điểm du lịch cộng đồng A Lao, xã Tà Long.
Những món ăn đậm đà hương vị núi rừng do người Vân Kiều chế biến ở điểm du lịch cộng đồng A Lao, xã Tà Long.

Trong khi đó ở xã biên giới giáp Lào nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị thuộc huyện Hướng Hoá, một điểm du lịch cộng đồng cũng vừa được khởi xướng bởi những công dân Vân Kiều của xứ này. Đó là điểm du lịch cộng đồng Tà Puồng nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua xã Hướng Việt. Tà Puồng là một trong những thác nước đẹp nhất tỉnh Quảng Trị với lượng nước dồi dào, trong xanh cùng hệ thống hang động đẹp gần đó.

Đầu năm nay, nắm được xu thế “trốn nắng” của người đồng bằng vào dịp mùa hè, anh Hồ Văn Giỏi (32 tuổi, người Vân Kiều ở bản Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt) đã cùng thanh niên trong làng mở đường đi thông thoáng, tạo bãi giữ xe, thiết kế cầu khỉ, tạo lan can an toàn ở khu vực thác để đón khách.

Du khách trải nghiệm tắm thác Tà Puồng ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TGCC
Du khách trải nghiệm tắm thác Tà Puồng ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Giỏi

Theo anh Hồ Văn Giỏi, đầu năm nay, UBND xã Hướng Việt đã thành lập Tổ mô hình du lịch cộng đồng Tà Puồng với 18 người (đại diện cho 18 hộ gia đình sống gần thác nước); tiến hành xây dựng 12 chòi tre để du khách làm nơi nghỉ ngơi, ăn uống. Lợi nhuận của nhóm thu được từ việc bán thức ăn và tiền thuê chòi sinh hoạt. “Sau nhiều tháng hoạt động, mồ hình này đã cho thu nhập hơn 03 triệu đồng/người/tháng. Đó là mức thu nhập làm thêm khá cao ở một xã biên giới, vùng sâu vùng xa này”, anh Giỏi tâm sự. 

Tổ du lịch còn tuyên truyền giữ vệ sinh và bảo vệ rừng. Sản phẩm làm bằng tre bản địa như ly tách trà, ống đựng tăm, đựng đũa… do các thanh niên trong làng làm bằng tay được chào bán trực tiếp cho khách du lịch. “Chúng tôi được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đào tạo và tài trợ máy móc để làm dụng cụ từ vật liệu tre. Những sản phẩm này đang được chúng tôi chào bán cho khách hàng khi tham quan thác Tà Puồng, ít nhiều tạo việc làm và kiếm thêm thu nhập cho anh em”. Để tạo điều kiện cho du khách ở lại qua đêm, anh Giỏi cùng một số người dân vận động bà đón khách du lịch và cho lưu trú tại nhà nếu họ có nhu cầu. Gia đình anh và một số hộ dân phục vụ cơm tối bằng những món đậm đà bản sắc núi rừng Trường Sơn.

 

 

Trồng và bảo tồn rừng để phát triển du lịch

Cuộc sống hiện tại nhiều áp lực khiến con người muốn tìm về thiên nhiên, nghe hơi thở của rừng để tìm thấy giá trị của cuộc sống. Và xu thế du lịch kiểu “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” là lựa chọn của nhiều người.

Miền Tây Quảng Trị có 02 khu bảo tồn thiên nhiên là Bắc Hướng Hoá và Đakrông với hệ thống động thực vật đa dạng phong phú. Tuy nhiên, đó chưa phải là “thương hiệu” để rừng Tây Quảng Trị lan xa mà là hệ thống rừng cộng đồng Chênh Vênh ở Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá đã lan toả tầm thế giới với việc được cấp chứng chỉ chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.

Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh giới thiệu với khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh giới thiệu với khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Thanh Huyền

Sau khi Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) đề nghị lên FSC, cánh rừng của thôn Chênh Vênh đã được Tổ chức GFA - một tổ chức đánh giá độc lập - về tận nơi khảo sát đánh giá hiện trạng rừng cũng như những điều kiện cần và đủ theo 10 bộ nguyên tắc của FSC. Và, tự hào thay, cánh rừng thôn Chênh Vênh trở thành cánh rừng do cộng đồng bảo vệ đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ.

Chị Lương Ngọc Trâm, Công ty TNHH Pun Coffee (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) bên những mầm non cho dự án trồng rừng phát triển du lịch cộng đồng.
Chị Lương Ngọc Trâm, Công ty TNHH Pun Coffee (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) bên những mầm non cho dự án trồng rừng phát triển du lịch cộng đồng.

Xác định rừng cộng đồng Chênh Vênh là viên ngọc sáng trong việc khai thác du lịch cộng đồng, du lịch xanh, tháng 4/2022, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tại Quảng Trị và UBND huyện Hướng Hóa đã khai trương tour du lịch sinh thái khám phá rừng cộng đồng. Tour kết hợp tìm hiểu đời sống người dân tộc thiểu số Vân Kiều và khám phá thắng cảnh thiên nhiên thác Chênh Vênh và rừng tre trúc, rừng tự nhiên nguyên sinh do chính người dân bản Chênh Vênh bảo vệ. 

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Gò Cỏ (Quảng Ngãi) khi tham gia Hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hướng Hoá vào tháng 12/2022 cho biết, việc Hội đồng Quản trị rừng quốc tế FSC cấp chứng chỉ chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho rừng cộng đồng Chênh Vênh là một điểm sáng để phát triển du lịch cộng đồng và tạo sinh kế cho người dân nơi này. Cộng đồng bảo vệ rừng được phép khai thác khối lượng nhất định hàng năm để tăng thu nhập. Nguyên liệu có chứng chỉ FSC sẽ có giá bán cao hơn so với loại thông thường.

Khách nước ngoài trải nghiệm thưởng thức cà phê do Công ty TNHH Pun Coffee sản xuất.
Khách nước ngoài trải nghiệm thưởng thức cà phê do Công ty TNHH Pun Coffee sản xuất.

Cũng với hướng đi đó, chị Lương Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Pun Coffee (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) đang cùng người dân nơi này trồng rừng để phát triển du lịch xanh. Chị Trâm cho hay, đơn vị đang xây dựng tour du lịch trải nghiệm chế biến cà phê. Đến với tour du lịch này, du khách sẽ hiểu được hạt cà phê làm ra như thế nào. Từ khâu làm đất, ươm hạt, bón phân theo tiêu chuẩn hữu cơ, thu hoạch và chế biến đến thưởng thức cà phê như thế nào. Để có được lộ trình đó, ngay bây giờ phải xây dựng tại các vườn cà phê cây phủ bóng mát, có cây ăn quả, cây dược liệu để tạo thành chuỗi giá trị, khiến sản phẩm không đơn điệu.

Một trong những địa điểm homestay thu hút du khách đến du lịch ở miền Tây Quảng Trị.
Một trong những địa điểm homestay thu hút du khách đến du lịch ở miền Tây Quảng Trị.

“Hiện chúng tôi đã trồng 06 ngàn cây sưa đỏ ở các vườn cà phê của các hộ dân hợp tác với đơn vị. Năm nay sẽ tiến hành trồng thêm 20 ngàn cây để hướng tới sản xuất cà phê gắn liền với tín chỉ Carbon. Từ đó lồng ghé sản phẩn du lịch cộng đồng trải nghiệm sản xuất và chế biến cà phê”, chị Trâm chia sẻ. Khách du lịch có thể tìm hiểu quy trình sản xuất, thu hoạch cà phê, có thể thưởng thức trái cây và nghỉ ngơi dưới tán rừng che phủ. Bên cạnh đó, họ có thể tìm hiểu đời sống, văn hoá, phong tục của người Vân Kiều khi họ là những chủ nhân của các khu vườn này.

Cùng với các loại hình du lịch đang phát triển ở miền Tây Quảng Trị, du lịch gắn với phát triển và bảo vệ rừng đang được một số đơn vị hướng đến nhằm tạo sự bền vững, hướng tới du lịch xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết, thời gian qua, du lịch cộng đồng ở miền Tây Quảng Trị đang được nhiều cơ sở kinh doanh và công ty du lịch khai thác. Tận dụng tiềm năng thiên nhiên vốn có, họ đã tạo được những nét riêng để đưa du lịch Quảng Trị phát triển. Ngoài du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm văn hoá lịch sử cách mạng, chuỗi du lịch cộng đồng ở Đakrông, Hướng Hoá đang đi đúng hướng và có những đột phá.

Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".

* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html


TAGS

Điểm du lịch nghỉ dưỡng mới ở miền Tây Quảng Trị

Kô Kăn Sương |

Sau gần một năm triển khai xây dựng, vừa qua, nhân dịp noel và tết Dương lịch, mô hình homestay Bảo Nguyên Xanh ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa chính thức đưa vào khai thác. Ngay ngày đầu khai trương đã có gần 300 khách đến tham quan mô hình. Đây hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân lý tưởng trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua địa bàn huyện Hướng Hóa.

Trải nghiệm tour du lịch miền Tây Quảng Trị

Thu Thảo |

Trong hai ngày 1, 2/12, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức tour du lịch thử nghiệm miền Tây Quảng Trị.

Du lịch xanh ở miền Tây Quảng Trị

Sỹ Hoàng |

Các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa ở huyện Hướng Hóa, Đakrông đang dần được đầu tư khai thác trong những năm trở lại đây. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều địa điểm ở miền Tây Quảng Trị đã trở thành những điểm du lịch xanh lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên…

Những điểm du lịch hấp dẫn ở miền tây Quảng Trị

Thiên Sơn |

Trong hành trình trải nghiệm, khám phá những danh thắng thiên nhiên hùng vĩ ở miền tây Quảng Trị, đối với nhiều du khách, được đặt chân trên những con đường quanh co và hiểm trở, được lưu trú giữa đại ngàn, ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hoang sơ của mảnh đất này là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên.