Người tiên phong sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao ở Quảng Trị

Nguyễn Trang |

Anh Võ Long Thành sinh năm 1992, ở Khu phố 6, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh. Năm 2018, anh quyết tâm khởi nghiệp bằng hướng đi ít người trẻ lựa chọn, đó là xây dựng vườn sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao. 

Trải qua 6 năm tích lũy kinh nghiệm, kinh tế để tái đầu tư, anh Thành trở thành ông chủ của vườn ươm ứng dụng phương pháp cải tiến gieo ươm cây giống trên khay xốp, giá thể xơ dừa (theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phan Ngọc Đồng đây là mô hình đầu tiên ở Quảng Trị áp dụng phương pháp này). Mô hình mang lại doanh thu 1,6 - 2 tỉ đồng/năm, cung cấp nguồn giống góp phần phủ xanh những cánh rừng khắp các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Huế. Đặc biệt, năm 2023, vườn ươm của anh Thành được Trung tâm Khuyến nông quốc gia chọn làm cơ sở để hỗ trợ triển khai mô hình vườn ươm công nghệ cao sản xuất cây giống nuôi cấy mô phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng.

Anh Thành chia sẻ, anh có ý định gây dựng vườn sản xuất cây giống vì nhận thấy nhu cầu giống cây lâm nghiệp ngày một tăng cao trong khi tại địa phương chưa có vườn ươm quy mô lớn, áp dụng theo công nghệ cải tiến.

Năm 2018, với số vốn ban đầu 400 triệu đồng, anh Thành chính thức bắt tay cải tạo mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất hình thành nên vườn ươm cây giống trên diện tích đất 1 ha của gia đình tại thị trấn Bến Quan.

Anh Võ Long Thành là người tiên phong xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp công nghệ cao ở Quảng Trị -Ảnh: N.T
Anh Võ Long Thành là người tiên phong xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp công nghệ cao ở Quảng Trị -Ảnh: N.T

Thời gian đầu đi vào hoạt động, vườn ươm sản xuất cây giống theo hình thức truyền thống tạo cây con trong túi bầu ni-lông. Do chưa nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm nhân giống, nhân công hạn chế, bên cạnh đó chưa biết cách hạn chế tác động bất lợi của thời tiết… nên những lứa cây giống đầu tiên không đạt yêu cầu.

Từ thất bại, anh Thành nghiêm túc đánh giá lại cách quản lý, vận hành công việc, dành thời gian trực tiếp đến xin học tập ở các cơ sở vườn ươm uy tín thuộc nhiều tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến miền Nam.

Được tiếp cận khoa học kỹ thuật, nhất là phương pháp cải tiến gieo ươm cây giống trên khay xốp, giá thể xơ dừa nhiều ưu điểm, giải quyết hầu hết hạn chế của hình thức tạo cây con trong túi bầu ni-lông, anh Thành trở về đầu tư thêm nguồn vốn nâng cấp cơ sở hạ tầng vườm ươm rồi đưa phương pháp cải tiến này về ứng dụng đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị. Phương pháp mới đạt hiệu quả ấn tượng khi nâng cao chất lượng cây giống về mọi mặt.

Sản xuất thành công giống cây tiêu chuẩn, từ năm 2020, cơ sở của anh Thành ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và chọn làm địa chỉ nhập cây giống. Ngoài hộ trồng rừng, chủ rừng trong tỉnh còn có một số đơn vị, công ty trồng rừng ở tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, TP. Huế ký hợp đồng.

Lợi nhuận thu về, anh Thành tiếp tục mở rộng diện tích, quy mô vườm ươm lên 3 ha với kinh phí hơn 2 tỉ đồng. 3 năm trở lại đây, mỗi năm vườn ươm duy trì sản xuất, xuất bán ra thị trường khoảng 2 triệu cây giống gồm keo lai và trầm, giá thành dao động 800 - 1.000 đồng/cây giống tùy thời điểm, mang lại doanh thu 1,6 - 2 tỉ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động.

Về mô hình vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống nuôi cấy mô đang triển khai, anh Thành cho biết, được sự trợ giúp tích cực từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hệ thống vườn ươm đã hoàn thiện giai đoạn lắp đặt trang thiết bị, dây chuyền công nghệ và chính thức hoạt động vào ngày 28/6/2023.

Khu vực vườn ươm rộng 1.000 m2 , gồm nhà ươm cấy mô 260 m2 , vườn huấn luyện 740 m2 , tổng kinh phí xây dựng 1 tỉ đồng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia bố trí 700 triệu đồng, gia đình đối ứng thêm 300 triệu đồng. Với công nghệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại, hệ thống điều tiết ánh sáng, tưới phun… tự động, dự kiến bình quân năng suất sản xuất đạt khoảng 80 vạn cây giống/năm.

Theo quy trình kỹ thuật, so với hình thức gieo ươm cây giống truyền thống, phương pháp nuôi cấy mô có thể sản xuất trong mọi điều kiện thời tiết với số lượng lớn, tạo ra cây đầu dòng F0, kiểm soát được chất lượng giống, tính đồng đều cao, sạch bệnh.

Đặc biệt, cây giống có bộ rễ tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng khắc nghiệt; quan trọng nguồn giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trồng rừng gỗ lớn, rừng đạt chứng chỉ FSC.

“Tín hiệu đáng mừng là riêng số lượng 10 vạn cây giống cấy mô lứa đầu tiên đã được khách hàng đặt mua toàn bộ. Từ sự đầu tư, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cơ sở chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả dự án, hướng đến mục tiêu chung cung cấp trực tiếp nguồn giống bảo đảm về số lượng cũng như chất lượng. Qua đó, góp phần tạo điều kiện để các địa bàn trồng rừng tập trung của tỉnh Quảng Trị và tỉnh, thành phố lân cận chủ động hơn trong phương án sản xuất rừng trồng gỗ lớn, rừng đạt chứng chỉ FSC, phục vụ chiến lược phát triển trồng rừng nguyên liệu”, anh Thành chia sẻ thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Những cây Điệp anh đào đầu tiên được trồng ở "đô thị vàng Lao Bảo"

Phan Khang |

Ngày 01/7/2023, Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị), Trường TH & THCS A Xing (xã Lìa), Trường THCS Lao Bảo tổ chức Lễ trồng cây tại Công viên Văn hoá trung tâm thị trấn Lao Bảo chào mừng Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968- 09/7/2023).

Chuẩn bị trồng 100 cây Điệp anh đào quanh bờ hồ Lao Bảo

PV |

Ngày 27/6/2023, Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị cho biết đang phối hợp với UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) trồng hoa Điệp anh đào tại khu Công viên Văn hoá trung tâm thị trấn.

Nhiều lợi ích từ phát triển diện tích trồng cây mắc ca

Lê An |

Sử dụng cây mắc ca theo phương thức trồng phân tán, làm cây che bóng, làm đường bao chắn gió đang mang lại nhiều lợi ích cho người trồng cà phê tại huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).

Đảm bảo chất lượng giống cây trồng trong phát triển lâm nghiệp

Bảo Bình |

Giống là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng rừng trồng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp luôn coi trọng việc kiểm soát, ứng dụng tiến bộ khoa học trong chọn lọc, gieo tạo giống mới, sử dụng giống cây bản địa để trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng thay thế, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.