Đảm bảo chất lượng giống cây trồng trong phát triển lâm nghiệp

Bảo Bình |

Giống là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng rừng trồng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp luôn coi trọng việc kiểm soát, ứng dụng tiến bộ khoa học trong chọn lọc, gieo tạo giống mới, sử dụng giống cây bản địa để trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng thay thế, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vườn ươm cây giống của ông Lê Văn Quý, ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) được đầu tư với quy mô lớn, trong đó riêng diện tích nhà ươm có lắp đặt hệ thống mái che và tưới tự động rộng hơn 2.000 m2 .

Vườn ươm có công suất ươm 1 triệu cây giống/năm, hiện tại mỗi năm vườn ươm từ 600.000 - 700.000 cây giống các loại, chủ yếu là các giống cây bản địa cho vùng cát như cây dẻ cát, trâm bầu, nuốt, táu, bứa...

Với kinh nghiệm ươm cây giống lâm nghiệp hơn 10 năm, ông Quý chia sẻ, những năm trở lại đây, ông áp dụng kỹ thuật ươm mới, không làm bầu đất truyền thống mà chuyển sang ươm bằng giá thể treo.

Với kỹ thuật ươm này, rễ cây ôm chặt bầu, mặt khác có thể sử dụng khay ươm lại nhiều lần, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần giảm tải đáng kể ô nhiễm môi trường khi không sử dụng túi nilon làm bầu. Đồng thời cây giống hấp thu tốt nhất lượng nước tưới.

Ông Quý đã đầu tư hệ thống mái che, tưới tự động hiện đại phục vụ cho việc sản xuất cây giống lâm nghiệp với quy mô lớn, cung ứng cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Vườn ươm giống cây lâm nghiệp của ông Lê Văn Quý, ở huyện Cam Lộ chuyên ươm giống cây bản địa phục vụ trồng rừng - Ảnh: T.T
Vườn ươm giống cây lâm nghiệp của ông Lê Văn Quý, ở huyện Cam Lộ chuyên ươm giống cây bản địa phục vụ trồng rừng - Ảnh: T.T

“Giống là nhân tố đầu tiên quyết định năng suất và chất lượng cây trồng. Những năm trước, vườn ươm chủ yếu làm giống keo, hiện nay thì chủ yếu ươm giống cây bản địa. Đối với việc ươm giống cây bản địa phục vụ cho trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, khó khăn nhất hiện nay là thiếu hạt giống. Muốn ươm các giống cây lim, gõ, trắc thì phải tìm mua từ miền Bắc hoặc đi thu hái trong tự nhiên”, ông Quý chia sẻ.

Toàn tỉnh hiện có 38 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 24 - 26 triệu cây giống, trong đó khoảng 96% là các loài keo và 4% là giống các loài cây bản địa phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn. Các loài keo chủ yếu là cây keo lai với các dòng BV10, BV16, BV32, BV33, BV73, BV75, AH1, AH7, đây là những dòng có khả năng sinh trưởng nhanh, cho năng suất cao đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống quốc gia, giống tiến bộ kỹ thuật.

Năm 2019, qua nghiên cứu lai tạo và chọn lọc tại lâm phần Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã chọn lọc được 2 dòng keo lai BV523 và BV584 được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận.

Hiện có 3 cơ sở đã được đầu tư công nghệ nuôi cấy mô là Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ Quảng Trị, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị với máy móc, trang thiết bị hiện đại, công suất bình quân 1 triệu cây giống/năm. Giống cây keo được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô có những ưu điểm kiểm soát được chất lượng giống, tính đồng đều cao, sạch bệnh, có thể sản xuất trong mọi điều kiện thời tiết, số lượng lớn với quy mô công nghiệp trong thời gian ngắn.

Năm 2022, mô hình vườn ươm cây giống lâm nghiệp từ dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị cho nhà giâm hom cây lâm nghiệp quy mô bán công nghiệp tại khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt” được triển khai tại Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp Bền vững Keo Sơn, xã Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ).

Để thực hiện dự án này, vườn ươm cây giống của HTX Bền vững Keo Sơn đã được hỗ trợ khung nhà giâm, các hệ thống che điều tiết ánh sáng phía trên, che điều tiết ánh sáng xung quanh, tưới phun sương, tưới phun mưa, luống giâm hom, bể chứa chìm, trạm bơm cải tiến, đường cấp nước, hệ thống đường cấp điện.

Vườn ươm thực hiện trồng giống cây keo lai mầm được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô là các dòng keo lai mô như: AH1, BV16, AH6…, sử dụng phân lân vi sinh để bón cho cây con. Ngoài ra, còn có các vật tư phục vụ kèm theo như đất đóng bầu, vỏ bầu…

Sản phẩm của dự án là cây giống đủ tiêu chuẩn trồng rừng với giá thành giảm từ 30% - 40% so với việc mua cây giống truyền thống phục vụ trồng rừng nguyên liệu.

Để đảm bảo chất lượng cây giống lâm nghiệp, hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên tiến hành kiểm tra công tác sản xuất cây giống của các cơ sở trên địa bàn tỉnh, yêu cầu đảm bảo 90% lượng cây giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giống cây lâm nghiệp.

Đồng thời tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ cao trong công tác sản xuất giống cây lâm nghiệp, nâng tỉ lệ cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô sử dụng trong các chương trình trồng rừng kinh tế.

Tiếp tục ưu tiên chọn tạo, đưa vào sản xuất các giống mới được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chống chọi với các loại sâu bệnh và điều kiện thời tiết cực đoan.

Thực hiện việc đánh giá tập đoàn cây bản địa, lựa chọn những loài có giá trị, đa mục đích để phát triển trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và kinh doanh gỗ lớn nhằm góp phần làm phong phú tập đoàn giống cây trồng rừng trên địa bàn. Xây dựng các mô hình rừng trồng trình diễn có năng suất cao, trong đó phối hợp tốt 3 yếu tố giống tốt, lập địa phù hợp, kỹ thuật thâm canh cao để người trồng rừng tham quan, học tập.

Tổ chức hoạt động sản xuất cây giống đáp ứng nhu cầu phục vụ trồng rừng hằng năm trên địa bàn tỉnh khoảng 26 - 29 triệu cây/năm, chủ yếu là giống keo. Ưu tiên nâng cấp, mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp hoạt động đảm bảo chất lượng, thực hiện công tác quản lý giống, nguồn giống đúng quy định của pháp luật.

Xây dựng các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao, có năng lực đủ mạnh, sản xuất cây giống với quy mô công nghiệp để thực hiện vai trò đầu mối triển khai các chính sách, các mô hình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.

Mặt khác, để khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng cây giống, cần có các chính sách ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng Hóa nhân rộng các mô hình nông, lâm nghiệp hiệu quả

Lê An |

Từ nguồn vốn các chương trình, dự án và sự đóng góp của người dân, huyện Hướng Hóa đã tập trung triển khai một số mô hình nông, lâm nghiệp hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi cây trồng, con nuôi có giá trị cao; thay đổi tập quán canh tác theo lối truyền thống sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới; gắn sản xuất với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa để tăng hiệu quả sản xuất

Lê An |

Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả nhằm không bỏ hoang đất. Qua đó, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Từ “Tết trồng cây” đến phát triển lâm nghiệp bền vững, hiệu quả

Đan Tâm |

Với diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 245.996 ha, trong đó rừng tự nhiên 126.622 ha; rừng trồng 119.374 ha, tỉnh Quảng Trị là địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển một nền lâm nghiệp hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh có những lợi thế đáng kể về vị trí địa lý - kinh tế nên rất thuận lợi trong việc vận chuyển và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ, góp phần giảm chi phí vận chuyển. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng với mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cây lâm nghiệp

Trần Anh Minh |

Năm 2022, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế được chọn đầu tư thực hiện vườn ươm cây giống lâm nghiệp từ dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị cho nhà giâm hom cây lâm nghiệp quy mô bán công nghiệp tại khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt”. Đây là cơ hội để Quảng Trị nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng gỗ lớn.