Hướng Hóa nhân rộng các mô hình nông, lâm nghiệp hiệu quả

Lê An |

Từ nguồn vốn các chương trình, dự án và sự đóng góp của người dân, huyện Hướng Hóa đã tập trung triển khai một số mô hình nông, lâm nghiệp hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi cây trồng, con nuôi có giá trị cao; thay đổi tập quán canh tác theo lối truyền thống sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới; gắn sản xuất với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Từ 12 ha chanh leo đầu tiên vào năm 2018 do Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Công ty Nafoods Tây Bắc triển khai, đến nay diện tích trồng chanh leo toàn huyện đã đạt gần 100 ha, trong đó có 17 ha theo hình thức liên kết với Công ty Nafoods Tây Bắc. Nhìn chung cây sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương.

Mô hình tái canh cây cà phê bằng phương pháp thâm canh trồng mới cho năng suất cao -Ảnh: L.A
Mô hình tái canh cây cà phê bằng phương pháp thâm canh trồng mới cho năng suất cao -Ảnh: L.A 

Năng suất bình quân đạt từ 15 - 18 tấn/ha. Theo đánh giá, mô hình đã mang lại hiệu quả khá cao so với các loại cây trồng khác. Với giá bán trung bình từ 15.000 đồng/kg, ước tính một héc ta trồng chanh leo cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí người trồng có lãi từ 70 - 100 triệu đồng.

Tương tự, nhằm phục hồi một số cây dược liệu dưới tán rừng, từ năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa đã triển khai mô hình trồng cây sa nhân tím với diện tích 10 ha tại thôn Ruộng, xã Hướng Tân và thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng. Qua theo dõi, cây sa nhân tím sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống đạt khoảng 92%, chiều cao xấp xỉ 70 cm, mật độ đạt 8 cây/bụi.

Từ kết quả ban đầu cho thấy mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng phục hồi đã đem lại hiệu quả về sử dụng đất, tận dụng được đất trống trong rừng. Ngoài hiệu quả kinh tế cho các hộ thực hiện mô hình sau này khi thu hoạch quả, trước mắt mô hình đã góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng, hạn chế rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Đối với cây cà phê là cây công nghiệp chủ lực của huyện, nhằm cải tạo, thay thế diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp, trong những năm qua, từ nguồn ngân sách nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các hội, đoàn thể với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,5 tỉ đồng, nông dân trên địa bàn huyện đã tái canh bằng phương pháp thâm canh trồng mới được trên 600 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Hướng Sơn, thị trấn Khe Sanh…

Theo đánh giá, các vườn tái canh cho năng suất cao hơn so với các vườn kinh doanh năm thứ 10 - 15 từ 1,2 - 1,5 lần. Bên cạnh đó, hiện tại nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện như Công ty TNHH Pun Coffee, HTX Nông sản Khe Sanh… đang thực hiện liên kết với người dân để phát triển cà phê theo hướng hữu cơ, đặc sản. Xây dựng mô hình sản xuất cà phê được cấp chứng nhận 4C. Triển khai xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam với diện tích khoảng 160 ha.

Ngoài ra, còn có một số mô hình mang lại hiệu quả cao như các mô hình trồng và chăm sóc cây chuối mật mốc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; nuôi bò sinh sản bán thâm canh, vỗ béo; chăn nuôi hươu khai thác nhung. Một số mô hình khác như trồng hoa, cây cảnh, trồng cây dược liệu, cây mắc ca… bước đầu đánh giá đã đem lại một số hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các mô hình nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, việc thay đổi tập quán sản xuất của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa yếu tố con người và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, phương thức sản xuất.

Trong điều kiện khó khăn hiện tại của địa phương, việc quy hoạch triển khai quy mô lớn đang gặp nhiều thách thức. Một số mô hình mặc dù mang lại giá trị gia tăng, song quy mô diện tích nhỏ nên giá trị thu nhập chưa đủ lớn để kích thích người dân tham gia trên diện rộng.

Cần phải có giải pháp đột phá, quyết liệt trong công tác dồn điền, đổi thửa, thuê đất để tăng quy mô diện tích sản xuất thích hợp.

Các mô hình chỉ mang tính chất trình diễn nên nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng mô hình ít, dàn trải, phân tán. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước của một bộ phận người dân vẫn tồn tại đã làm giảm tính năng động, sáng tạo trong thực hiện các nội dung mô hình.

Ngoài ra, do biến đổi khí hậu tác động lớn đến sản xuất; tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, giá cả thị trường biến động; diện tích liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ổn định còn ít làm ảnh hưởng đến tâm lý người nông dân…

Ông Thuận cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Hướng Hóa sẽ tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả, gắn phát triển sản xuất với áp dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tái canh và phát triển bền vững cây cà phê.

Chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như cây bơ, mít Thái, sầu riêng, cây dược liệu. Chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao su, cây ăn quả… đối với các xã vùng Lìa với diện tích khoảng 300 ha.

Nhân rộng mô hình trồng cây chanh leo gắn với liên doanh, liên kết theo hướng xuất khẩu tại các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập. Xây dựng mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao.

Về chăn nuôi, tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cỏ nuôi bò bán thâm canh, mô hình nuôi bò vỗ béo tại các xã Tân Long, Tân Thành, Hướng Tân, Hướng Linh. Mời gọi, khuyến khích xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, công nghệ cao quy mô lớn. Nhân rộng mô hình nuôi hươu lấy nhung, nuôi bò 3B tại các xã có điều kiện khí hậu phù hợp.

Đồng thời, xây dựng, nhân rộng một số mô hình trồng cây lâm nghiệp bản địa như cây trẩu, cây lõi thọ. Phát triển trồng rừng gỗ lớn. Nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu như ba kích, cà gai leo, đinh lăng, đàn hương… với quy mô 50 ha gắn với việc bảo tồn, phát triển các giống, nguồn gen dược liệu trên địa bàn.

“Để phát triển các mô hình nông, lâm nghiệp đạt hiệu quả và bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận tiện, hiệu quả. Xây dựng các mô hình phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn.

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Chuyển dần từ hình thức hỗ trợ không điều kiện sang hình thức hỗ trợ có điều kiện và có thu hồi vốn hỗ trợ để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước”, ông Thuận cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng Hoá: Triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023

Nguyễn Đình Phục |

Ngày 16/2, cùng với tổ chức lễ ra quân năm An toàn giao thông với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, Ban An toàn giao thông huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Nhộn nhịp phiên chợ vùng cao Hướng Hoá ngày giáp tết

Bảo Phú |

Với chủ đề “Hướng Hóa - Điểm hẹn miền sơn cược” phiên chợ vùng cao hứa hẹn sẽ là nơi để các nông dân và các đơn vị kinh doanh trên địa bàn huyện Hướng Hóa giao lưu và tìm kiếm thị trường.

Siêu thị mini WinMart+ ở Hướng Hoá chuẩn bị khai trương thì bị cháy

Trần Hà |

Siêu thị thuộc hệ thống WinMart+ đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị khai trương vào dịp áp tết Nguyên đán Quý Mão thì xảy ra vụ cháy.

Hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại Hướng Hoá

YMS |

Ngày 20/12/2022, tại Homestay Bảo Nguyên Xanh  (thôn Của, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị), UBND huyện Hướng Hoá phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức Hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hướng Hoá.