Thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối Tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị”, từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm trồng thâm canh chuối tiêu hồng tại thôn A Ngo, xã A Ngo. Sau 2 năm thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa về nhiều mặt.
Để đảm bảo việc nghiên cứu, thực hiện đề tài đạt hiệu quả cao, trước khi bắt tay vào triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất chuối tại 5 xã trồng chuối của huyện Đakrông là: A Ngo, A Vao, A Bung, Tà Rụt và Mò Ó với tổng số 100 hộ được điều tra. Các chỉ tiêu khảo sát gồm: tình hình canh tác cây chuối của hộ; diện tích trồng chuối tiêu hồng và chuối lùn bản địa; thời vụ trồng chuối trong năm; tập quán canh tác về mật độ, bón phân, chăm sóc...
Kết quả điều tra cho thấy các hộ chủ yếu trồng tự phát, không theo một quy trình nào mà trồng theo kinh nghiệm hoặc tự tìm hiểu với mật độ khá dày khoảng 4.000 - 5.000 cây/ha, phương thức canh tác chủ yếu “nhờ trời”, hầu như không có sự đầu tư về phân bón, chăm sóc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh; không tỉa cây con mà để các chồi phát triển thành bụi, năng suất thấp, buồng ngắn, ít nải...
Sau khảo sát, đánh giá, trung tâm chọn thôn A Ngo, xã A Ngo để tiến hành thiết kế lô trồng và các ô thí nghiệm. Thực hiện các công đoạn làm đất, xử lý đất, đào hố, bón phân lót và triển khai trồng cây thí nghiệm. Giống chuối tiêu hồng và vật tư, phân bón đều được hợp đồng cung cấp với các đơn vị để đảm bảo chất lượng. Quá trình trồng và chăm sóc đều được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình với phương pháp “cầm tay chỉ việc”.
Gia đình ông Hồ Văn Tia, ở thôn A Ngo, xã A Ngo được chọn tham gia mô hình thí điểm thâm canh chuối tiêu hồng an toàn thực phẩm với diện tích 1 ha từ tháng 11/2021. Được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón và được cán bộ kỹ thuật của trung tâm hướng dẫn cụ thể cách thiết kế vườn, chia lô trồng, bảo vệ và kỹ thuật trồng, chăm sóc như: làm đất, đào hố, bón phân, tỉa chồi, ngắt hoa (bắp chuối), bao buồng quả... giúp cho ông Tia biết cách trồng chuối tiêu hồng theo đúng kỹ thuật.
Với mật độ trồng 2.000 cây và 2.778 cây/ha, ông Tia bón phân đúng theo hướng dẫn nên chuối phát triển tốt. Ông thường xuyên theo dõi vườn chuối để sớm phát hiện sâu bệnh và được hướng dẫn phòng trừ kịp thời. Vườn chuối cũng được ông đầu tư chống đổ và bảo vệ cẩn thận. Từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, ông Tia tiến hành thu hoạch chuối theo các lô thiết kế mật độ khác nhau. Năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha, trọng lượng buồng trung bình 20 kg/buồng.
Trong đó công thức đạt năng suất cao nhất là 43,5 tấn/ha ở mật độ 2.000 cây/ha, thấp nhất là 35 tấn/ha ở công thức 2.778 cây/ha. Giá bán đầu vụ 3.000 đồng/kg, cuối vụ 4000 đồng/kg. Kết quả sản phẩm thí điểm tại vườn hộ ông Tia đạt chất lượng tốt, đảm bảo an toàn. Test mẫu kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (quả chuối chín) các chỉ tiêu như: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng như: chì Pd, Cadimi Cd, các vi sinh vật Ecoli, Salmonella đều ở mức an toàn.
Sang vụ thứ 2 năm nay, cây chuối tiếp tục phát triển tốt, buồng chuối sai nải hơn, từ 8-11 nải, nải chuối cũng sai quả và quả to hơn vụ thứ nhất, hiện nay, hộ thí điểm đang bắt đầu thu hoạch chuối với năng suất dự kiến cao hơn vụ thứ nhất. Về cơ bản, chuối không có đối tượng sâu bệnh hại nguy hiểm. Chỉ xuất hiện bệnh đốm lá nhẹ và đã được phòng trị tốt.
Trong quá trình triển khai đề tài, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ trong việc tiến hành lấy cây chuối làm vật liệu đầu dòng cho công tác nuôi cấy mô của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị. Cây được chọn lấy mẫu là những chồi con có chiều cao không quá 1 m, cây khỏe, không bị sâu bệnh. Đây là cơ sở để tiến tới sản xuất giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu về giống cho nông dân trong và ngoài địa bàn huyện Đakrông.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: nghiên cứu đề tài nhằm mục đích tìm kiếm một loại chuối mới phù hợp với vùng miền núi Đakrông và tập quán canh tác của nông dân để nhân ra diện rộng, bổ sung nguồn giống, từng bước thay thế giống chuối tiêu lùn bản địa ở địa phương đang bị thoái hóa, góp phần đưa cây chuối tiêu hồng trở thành cây trồng chủ lực, cây đặc sản bản địa của huyện Đakrông, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Hiện đã qua 2 vụ thử nghiệm cho kết quả tốt.
Thời gian tới, nhóm cán bộ thực hiện đề tài tiếp tục triển khai theo dõi, đo đếm các chỉ tiêu về sinh trưởng, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất theo đúng quy trình kỹ thuật, nội dung và thuyết minh đề tài đề ra. Từ đó, hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh để nhân ra diện rộng”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)