Dự án 8 là 1 trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (Viết tắt là Chương trình) theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự án nhằm mục đích nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới (BĐG) và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi..
Tại tỉnh Quảng Trị, thực hiện Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/6/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2651 về việc phân công nhiệm vụ thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Hội LHPN tỉnh là đơn vị chủ trì triển khai Dự án 8 cấp tỉnh.
Đối tượng được thụ hưởng trong dự án này là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật.
Dự án triển khai trên địa bàn tỉnh với 187 thôn thuộc 37 xã của 5 huyện miền núi và có xã miền núi là Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa. Trong đó có 1 xã khu vực I (Tân Lập, huyện Hướng Hoá); 2 xã khu vực II (Ba Lòng, huyện Đakrông, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh); 28 xã khu vực III (Thuận, Thanh, Lìa, Xy, A Dơi, Ba Tầng, Hướng Lộc, Húc, Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Việt (huyện Hướng Hoá); Ba Nang, Tà Long, Húc Nghì, A Bung, Tà Rụt, Hướng Hiệp, A Ngo, A Vao, Đakrông, Mò Ó, thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông); Linh Trường (huyện Gio Linh); Vĩnh Ô, Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh).
Dự án thành lập và duy trì hoạt động của 147 tổ truyền thông cộng đồng; củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới và duy trì 110 tổ tiết kiệm vốn vay thôn, bản (TKVVTB) nhằm đạt hiệu quả cao trong thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh.Trên cơ sở tổ TKVVTB, thí điểm hỗ trợ giới thiệu 15% thành viên trong các tổ hiện có tiếp cận với các định chế tài chính chính thức; thí điểm hỗ trợ 15% thành viên hiện có phát triển sinh kế và 29 tổ TKVVTB áp dụng phương pháp học tập và hành động giới.
Đồng thời, nỗ lực xây dựng 8 tổ, nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường, củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có, thành lập mới 16 địa chỉ tin cậy cộng đồng, thành lập 29 câu lạc bộ (CLB) thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em. Các CLB này được Dự án 8 hỗ trợ nâng cao năng lực và tổ chức hoạt động.
Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức 72 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản tại các địa bàn khó khăn. Các nội dung chính Dự án 8 tập trung vào gồm: tuyên truyền, vận động; xây dựng mô hình; hỗ trợ phụ nữ nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội; trang bị kiến thức về BĐG và các hoạt động hỗ trợ trẻ em.
Về công tác tuyên truyền, vận động, dự án chú trọng vào những nội dung để thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”. Dự án thành lập và duy trì bền vững tổ, nhóm truyền thông cộng đồng; xây dựng tài liệu, sổ tay hướng dẫn truyền thông, vận hành, quản lý các tổ, nhóm truyền thông và tập huấn hướng triển khai; tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ, nhóm, giữa các địa phương.
Đồng thời, thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, hủ tục và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Nội dung này gồm các hoạt động: xây dựng chương trình truyền thông trên các kênh truyền thông đại chúng tại các cấp; xây dựng tài liệu, ấn phẩm truyền thông và số hóa tài liệu, mô hình truyền thông dưới dạng video, hình ảnh phù hợp với đối tượng, vùng miền, dân tộc để chia sẻ, lan tỏa qua các kênh thông tin trên nền tảng số.
Tổ chức các hội thi, liên hoan về mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em. Thông qua hội thi, liên hoan cũng tìm kiếm sáng kiến, giải pháp truyền thông hiệu quả thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ.
Các sáng kiến, mô hình, giải pháp hiệu quả từ cuộc thi, liên hoan trở thành tư liệu hóa để tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng. Triển khai 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em tại địa bàn có đông người DTTS và có tỉ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước.
Về xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, dự án tập trung phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo thu nhập và lồng ghép giới.
Dự án chú trọng vào hoạt động củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới và duy trì tổ TKVVTB; xây dựng tài liệu, sổ tay hướng dẫn thành lập, vận hành, quản lý tổ TKVVTB, hướng dẫn kết nối với các định chế tài chính chính thức, phát triển sinh kế, áp dụng phương pháp học tập và hành động giới cho tổ TKVVTB và tập huấn hướng dẫn triển khai; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản; củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới địa chỉ tin cậy cộng đồng hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình; thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người.
Để đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT-XH của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị, dự án xây dựng tài liệu và hướng dẫn triển khai thực hiện việc đối thoại chính sách ở cấp cơ sở. Đồng thời, tổ chức các cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn bản đặc biệt khó khăn và thực hiện giám sát xã hội theo chủ đề, vấn đề do Hội LHPN chủ động đề xuất, chủ trì hoặc phối hợp thực hiện.
Dự án hỗ trợ thành lập CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trường THCS và cộng đồng, hướng dẫn vận hành, tập huấn triển khai các hoạt động để đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong cộng đồng.
Trong công tác giám sát và đánh giá về thực hiện BĐG, dự án hỗ trợ xây dựng tài liệu hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện và tập huấn cán bộ các cấp, ngành liên quan. Thực hiện giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa bàn hưởng lợi từ dự án; xây dựng hệ thống thông tin giám sát về BĐG trên nền tảng số.
Tiến hành khảo sát đầu kỳ, đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ các nội dung liên quan đến BĐG; xây dựng báo cáo đánh giá thực hiện BĐG trong Chương trình cuối kỳ (năm 2025). Tổ chức các hoạt động chia sẻ kết quả báo cáo đánh giá thực hiện BĐG trong Chương trình và các hoạt động vận động chính sách.
Dự án cũng xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ người DTTS tại các cấp (gồm: cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu...). Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương làm hiệu quả.
Về trang bị kiến thức về BĐG và kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng, dự án xây dựng chương trình phát triển năng lực này cho cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn về lồng ghép giới; số hóa tài liệu tập huấn dưới hình thức các khóa học trực tuyến và tích hợp trên các kênh truyền thông trực tuyến của các cấp hội; đánh giá các hoạt động nâng cao năng lực và điều chỉnh phương pháp, nội dung trong quá trình thực hiện dự án.
Triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 mang đến cho phụ nữ và trẻ em vùng núi nhiều cơ hội để thay đổi toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ đồng bào DTTS, bảo vệ và chăm sóc phát triển trẻ em vùng núi ngày càng tốt hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)