Đừng đặt ra giới hạn cho giấc mơ của mình

Tây Long |

Vượt qua hơn 1.600 ứng viên, em NGUYỄN VIỆT MINH TÂM, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh đã được chọn vào chương trình Zalo Tech Fresher. Đây là chương trình tuyển dụng và đào tạo thế hệ lập trình viên tài năng hàng đầu Việt Nam. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện ngay sau khi Minh Tâm đón nhận tin vui này.


Nỗ lực để có “cơ hội tuyệt vời”

- Chào Minh Tâm! Cảm xúc của em như thế nào khi vượt qua hơn 1.600 ứng viên và được chọn vào chương trình tuyển dụng, đào tạo thế hệ lập trình viên tài năng hàng đầu Việt Nam?

- Khi nhận tin mình được chọn vào chương trình Zalo Tech Fresher - một chương trình tuyển dụng và đào tạo thế hệ lập trình viên tài năng hàng đầu Việt Nam, em đã hét lên vì vui mừng và hạnh phúc. Đây là một cơ hội tuyệt vời để em làm quen với môi trường làm việc thực tế; được gặp gỡ, tiếp xúc với các anh chị, bạn bè, đồng nghiệp giỏi giang, năng động; học tập nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức chuyên môn..., từ đó giúp nâng cao năng lực bản thân.

Để có thể nắm bắt cơ hội này, em đã dành nhiều thời gian cho việc học tập, ôn luyện từ kiến thức xã hội cho đến kỹ thuật. Em phải trải qua ba vòng thi gồm: nộp đơn ứng tuyển, làm bài đánh giá online và phỏng vấn. Vì hành trình để trở thành một Tech Fresher rất khó khăn nên em vô cùng mãn nguyện với kết quả đạt được.

 

- Cơ duyên nào đưa em đến với Zalo?

- Zalo có một môi trường làm việc tuyệt vời. Vì thế, không chỉ riêng em mà có lẽ bất kỳ bạn trẻ nào cũng muốn trở thành một phần của Zalo. Cách đây không lâu, trong quá trình tìm kiếm cơ hội thực tập, em hay tin chương trình Zalo Tech Fresher sắp sửa khởi động. Vì vậy, em đã lên trang web Zalo Careers để có thêm thông tin về chương trình. Khi tìm hiểu kỹ hơn về công ty cũng như chương trình, em cảm thấy bị choáng ngợp, ấn tượng bởi nhiều thứ. Chính điều đó đã thôi thúc em đăng ký và ôn luyện để tham gia chương trình Zalo Tech Fresher. Sau nhiều nỗ lực, em đã chạm tay tới giấc mơ của mình.

“Không có áp lực, không có kim cương”

- Phần lớn các bạn trẻ đều chờ tốt nghiệp đại học rồi mới tìm kiếm công việc và gắn bó với nó. Tại sao em lại chọn cho mình một hướng đi khác?

- Em may mắn được học tập trong một môi trường năng động và cầu tiến. Trong môi trường này, cũng như nhiều sinh viên năm 3, năm 4 khác, em luôn suy nghĩ và mong muốn tìm thấy một công việc phù hợp với mình. Chúng em hiểu, những kiến thức sách vở mình được học không thể bao trọn thực tiễn đa màu sắc ngoài kia. Vì thế, việc thực tập sẽ giúp chúng em có được những trải nghiệm thực tế vô cùng quan trọng để không bị bỡ ngỡ hay gặp quá nhiều khó khăn, thách thức sau ngày tốt nghiệp đại học. Hiện nay, có rất nhiều công ty tuyển dụng các vị trí thực tập dành cho sinh viên năm 3, năm 4 vì họ hiểu sâu sắc rằng các sinh viên năng động sẽ là nguồn lực tốt cho công ty.

Minh Tâm (đứng thứ 4, từ phải sang) cùng cộng sự chụp ảnh lưu niệm với cố vấn trong ngày chào mừng nhân viên mới - Ảnh: NVCC

- Bước chân vào Zalo, em gặp thời cơ, thách thức gì và bước đầu vượt qua những thách thức đó như thế nào?

- Hiện nay, em đang làm vị trí IOS Developer, có thể hiểu nôm na là người phát triển các phần mềm trong kho ứng dụng. Em vừa trải qua 2 tuần được huấn luyện kỹ năng mềm. Hiện tại, em đang được đào tạo kiến thức chuyên môn.

Với công việc hiện tại, em phải sử dụng một loại ngôn ngữ và công nghệ mà mình chưa từng học. Lúc đầu, em khá hoang mang vì ngôn ngữ này khá lạ và ít có tài liệu liên quan. Em đã mất nhiều thời gian tự mình mày mò, nghiên cứu để theo kịp tiến độ chương trình. May mắn là bên cạnh em luôn có những người thầy, đồng sự chỉ dạy tận tình và bạn bè giúp đỡ. Em tin rằng, khó khăn, thử thách sẽ là động lực to lớn thúc đẩy bản thân đi tiếp, vượt qua giới hạn và khẳng định mình bởi: “Không có áp lực, không có kim cương”.

- Vừa đi học, vừa đi làm, dung hòa cả hai nhiệm vụ ấy có lẽ không hề đơn giản. Em đã sắp xếp như thế nào để đạt được các mục tiêu đó?

- Khởi đầu thực sự khó khăn đối với em. Ngoài học tập, giờ đây, em phải đi làm, giải quyết công việc ở công ty. Nhiệm vụ, áp lực nhân đôi nhưng thời gian trong ngày vẫn như cũ. Công ty cách trường 30 km cũng là một thách thức không hề nhỏ. Có lúc em tự nhủ không biết mình có đủ sức để đạt được “mục tiêu kép” này hay không. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, em đã tìm thấy niềm vui trong công việc. Bản thân dần quen với việc vừa học, vừa làm. Hằng ngày, em ghi lại những công việc cần giải quyết, sắp xếp thứ tự ưu tiên để biết nhiệm vụ gì cần làm trước, nhiệm vụ gì cần làm sau. Cùng với đó, em phân chia thời gian cho việc học và việc làm sao cho cân bằng, hiệu quả nhất, đảm bảo hoàn thành tốt cả hai việc chứ không bỏ bê một bên nào.

Hãy dũng cảm bước ra vùng an toàn

- Sau những thử thách, em có thể chia sẻ về niềm vui mà mình nhận lại?

- Người ta thường nói rằng, cảm giác khi đứng trên đỉnh dốc là nhờ cả quá trình leo dốc. Em thực sự rất vui khi đã thành công trong việc bỏ lại những khó khăn, thử thách phía sau. Ví dụ như lúc đầu tiếp xúc với ngôn ngữ mới, em chưa biết mình phải làm như thế nào nên cảm thấy rất khó khăn. Thế nhưng, sau khi học tập, tìm hiểu và làm được những chương trình đầu tiên, em rất phấn khích. Thêm vào đó, những lời nhận xét tích cực của người hướng dẫn là niềm khích lệ lớn, thôi thúc em làm thật nhanh, thật tốt những công việc tiếp theo.

- Việc em bước chân vào Zalo khẳng định nỗ lực của một người trẻ ở vùng quê chưa thực sự phát triển về công nghệ, vượt qua những giới hạn, rào cản để khẳng định mình. Em có lời khuyên nào cho các bạn vẫn đang âu lo, hoài nghi về bản thân?

- Em từng nhiều lần tự hỏi: “Liệu con đường công nghệ thông tin mà mình lựa chọn đã đúng đắn hay chưa?”. Lâu nay, mọi người vẫn nghĩ, công việc lập trình chỉ dành cho nam giới bởi nó vô cùng khó khăn, áp lực. Trong khi đó, em mới chỉ học môn tin ở trường, chưa có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu nhiều về các công nghệ mới và cũng chưa được tham gia bất kỳ lớp dạy lập trình nào. Khi được biết rằng các bạn ở thành phố lớn từng qua các khoá học lập trình, khoá học tư duy và thuật toán tại các trung tâm lớn, em càng thêm lo sợ rằng mình sẽ không theo kịp và thua xa họ. Những lo sợ đó làm em có phần lung lay và có ý định chuyển hướng. Tuy nhiên, em đã dành thời gian để ngồi lại, ngẫm nghĩ về định hướng của mình. Em tự đặt câu hỏi cho bản thân rằng: Mình có thực sự yêu thích ngành này hay không? Mình có thể chịu được những áp lực, thử thách của công việc lập trình viên hay không? Và câu trả lời của em là có. Chính niềm tin, ý chí tiến lên, không bỏ cuộc đã giúp em trở thành một thành viên tham gia chương trình đào tạo lập trình viên tài năng của Zalo. Đây là thành quả cao quý nhất mà em gặt hái được tính tới thời điểm này. Dẫu biết rằng còn nhiều thử thách, chông gai phía trước nhưng em tin mình sẽ vượt qua. Em rất cảm ơn gia đình, bạn bè, những người thân yêu và đặc biệt là thầy, cô đã truyền lửa cho em.

Qua câu chuyện của mình, em muốn gửi lời khuyên đến các bạn vẫn còn hoài nghi về bản thân rằng, đừng để môi trường xung quanh hay những định kiến trở thành chướng ngại vật ngăn cản sự phát triển của bạn. Hãy tin tưởng và lắng nghe chính mình. Bởi, nếu bạn làm được điều đó thì dù gặp bao nhiêu khó khăn, bạn vẫn sẽ vượt qua. Đừng đặt ra giới hạn cho giấc mơ của mình. Hãy dũng cảm bước ra vùng an toàn của bản thân để biết rằng giới hạn của mình không chỉ dừng lại ở đó.

- Xin cảm ơn Minh Tâm! Chúc em thành công trên con đường đã chọn!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Những doanh nghiệp Việt đang "nuôi giấc mơ Mỹ"

Thanh Mai |

Ngoài VinFast, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm đường niêm yết trên sàn chứng khoán lớn nhất thế giới.

7 năm chinh phục “giấc mơ Nga”

Trương Quang Hiệp |

Suốt 7 năm qua, Nguyễn Thị Dạ Ngân, sinh năm 1995, trú tại thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã miệt mài hiện thực hóa giấc mơ du học ở xứ sở bạch dương của mình. Trở về nước với tấm bằng thạc sĩ, Dạ Ngân đang viết tiếp trang mới cho cuộc đời mình và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác.

Chợ Phiên Cam Lộ và giấc mơ “trên bến dưới thuyền”

Lê Đức Dục |

Ba mươi năm trước, khi huyện Cam Lộ (Quảng Trị) lập lại, mấy anh em chúng tôi là những bạn bè một thuở hầu hết vừa tốt nghiệp đại học về lại quê nhà.

Thế vận hội 2020 và những giấc mơ tan vỡ vì đại dịch

Nguyệt Linh |

Vốn dĩ, thể thao không những có thể giúp chúng ta cải thiện về mặt thể chất, mà còn đem lại những lợi ích to lớn về mặt tinh thần. Tại các kỳ Thế vận hội, thế giới tạm gác lại những lo âu, các quốc gia sẽ ngừng bắn, và tiếng cười cùng cờ hoa sẽ tràn ngập khắp muôn nơi. Thế nhưng, COVID-19 đến đã làm đổi thay nhiều thứ, khiến những cánh cửa của hy vọng bỗng đóng lại, chỉ còn nhiều những giấc mơ tan vỡ.