Những năm trở lại đây, người dân vùng “rốn lũ” ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có sáng kiến xây “nhà lầu” tránh lũ cho gia súc nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão.
Thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền, đặc biệt là khu dân cư Bắc Bình có truyền thống nuôi bò lai ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Đây là vùng đất bãi bồi phù sa rất màu mỡ, tuy nhiên nơi này cũng chính là một trong những vùng đất thấp trũng của huyện Cam Lộ, mỗi mùa mưa lũ về thường bị ngập sâu, thậm chí cô lập với bên ngoài nên rất khó để người dân “chạy lũ” cũng như di chuyển vật nuôi tránh lũ. Để đối phó với lũ lụt, từ năm 2014, người dân nơi đây bắt đầu triển khai xây dựng chuồng tránh lũ cho gia súc. Gia đình ông Hồ Xuân Lỵ (71 tuổi), ở thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền hiện đang nuôi 8 con bò lai, trị giá mỗi con từ 35 - 40 triệu đồng. Bước vào mùa mưa lũ năm nay, ngoài việc dự trữ sẵn rơm rạ, cây lạc, ngô và thức ăn khô ở một góc trên tầng 2 của chuồng tránh lũ dành cho gia súc, gia đình ông còn quét dọn sẵn diện tích còn lại để nếu mưa lũ xảy ra thì chỉ cần dắt bò lên nhốt là đảm bảo an toàn.
Ông Lỵ cho biết, thôn Bình Mỹ là “rốn lũ” của huyện Cam Lộ nên chỉ cần một trận mưa lớn là nơi đây lại ngập sâu trong nước. Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của gia đình, đầu năm 2017, gia đình ông đầu tư gần 50 triệu đồng để xây chuồng tránh lũ. Mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực bởi toàn bộ đàn gia súc và cả một số loại gia cầm như ngan, gà, vịt của gia đình ông đã có nơi trú ẩn an toàn trong suốt mùa mưa lũ. Đặc biệt cuối năm 2020, khi có những trận lũ lớn kéo dài, toàn bộ thôn Bình Mỹ bị ngập sâu trong nước từ 1 - 2 m liên tiếp nhiều ngày thì đàn vật nuôi của gia đình ông Lỵ vẫn an toàn.
Cũng là một trong những hộ có số lượng bò nhốt chuồng khá lớn ở thôn Bình Mỹ, tuy nhiên do nằm ở vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập nước trong mùa mưa lũ nên việc chăn nuôi của gia đình ông Trần Viết Bình gặp rất nhiều khó khăn. “Những năm trước, hễ vào mùa mưa lũ là cả nhà lo lắng, mất ăn, mất ngủ vì đàn bò gần chục con, là tài sản chính của gia đình không có nơi cao ráo để tránh trú. Có năm vì sợ lũ lớn nên đành phải bán đi một nửa số con trong đàn. Nắm được điểm yếu này, tư thương ép giá nhưng tôi cũng đành phải bán dù trong lòng không muốn. Cũng có không ít gia đình trong thôn phải trắng tay vì đàn gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi hết…”, ông Bình chia sẻ. Vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình ông Bình đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại cao hơn so với mực nước lũ hằng năm nên việc chăn nuôi đã được đảm bảo an toàn. Ông Bình cho biết thêm: “Việc xây chuồng tránh lũ không quá khó khăn, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình. Nhà nào có kinh phí thì xây chuồng chống lũ cho gia súc khoảng 30 - 50 triệu đồng, còn chưa đủ điều kiện thì xây nhà tầm 15 - 20 triệu đồng. Có chuồng trại cao ráo để chăn nuôi, đảm bảo an toàn cho đàn gia súc nên tôi dự tính sẽ tiếp tục phát triển thêm đàn vật nuôi nhằm cải thiện kinh tế gia đình trong thời gian tới”.
Khảo sát thực tế tại các hộ gia đình ở thôn Bình Mỹ, các mô hình chuồng tránh lũ dành cho gia súc đa số được thiết kế gồm 2 tầng riêng biệt, có hành lang nối liền giữa các tầng để dễ dàng dắt trâu, bò và vận chuyển lương thực lên. Tầng 1 dùng để nuôi, nhốt gia súc; tầng 2 được chia làm 2 ô để đựng thức ăn khô dự trữ và để nhốt trâu, bò khi nước lũ dâng cao. Theo thống kê của UBND xã Cam Tuyền, trên địa bàn toàn xã hiện có khoảng 40 chuồng tránh lũ dành cho gia súc, tập trung nhiều nhất là ở thôn Bình Mỹ. Bình quân mỗi chuồng tránh lũ có mức đầu tư từ 20 - 40 triệu đồng, được xây dựng kiên cố bằng bê tông, cốt thép. Chiều cao trung bình tính từ mặt đất lên từ 2,5 - 3 m, diện tích sử dụng từ 25 - 40 m2 , tùy quy mô chăn nuôi của từng hộ.
Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Trần Thọ Bình cho biết: “Là xã thường xuyên xảy ra lũ lụt nên mô hình chuồng trại cao tầng vượt lũ cho gia súc, gia cầm thực sự mang lại hiệu quả cao, giúp người dân yên tâm hơn để bảo vệ tài sản của mình. Tránh được tư thương ép giá mua rẻ trâu, bò mỗi khi lũ về. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xây dựng thêm chuồng tránh lũ cho gia súc để giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tốt nhất đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ”.
Không chỉ ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tại các xã như Hải Phong, Hải Sơn, Hải Định, huyện Hải Lăng, bên cạnh việc sản xuất cây lúa, người dân còn tập trung phát triển mô hình chăn nuôi lợn và bò nhốt chuồng. Để lĩnh vực chăn nuôi đạt giá trị kinh tế cao, ngoài việc tạo nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch, chính quyền các xã còn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại cao ráo phù hợp với vùng thấp trũng nhằm tránh những thiệt hại cho đàn vật nuôi mỗi khi mùa mưa lũ về. Hiện tại ở các xã vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng, rất nhiều hộ gia đình đã chủ động xây dựng mô hình chuồng trại tránh lũ, với mức đầu tư từ 20 - 50 triệu đồng/chuồng.
Thực tế cho thấy, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại tránh lũ để phát triển mô hình chăn nuôi một cách hiệu quả, lâu dài. Ngoài việc phòng tránh lũ cho đàn vật nuôi, mô hình sẽ góp phần hạn chế được tình trạng dịch bệnh xảy ra sau mỗi đợt lũ lụt, từ đó thúc đẩy ngành chăn nuôi ngày càng phát triển, góp phần cùng địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững trong thời gian tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)