Những năm qua, anh Lê Văn Tuyển, Giám đốc Nhà máy Viên năng lượng Cam Lộ thuộc Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị có nhiều sáng kiến hay, chất lượng, được đưa vào ứng dụng trong thực tế lao động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong đoàn viên công đoàn, người lao động, xây dựng công ty ngày càng phát triển toàn diện.
Tốt nghiệp cử nhân cơ khí, từ năm 1999 - 2002 anh Tuyển làm việc tại Công ty Dệt may Phong Phú Đà Nẵng. Năm 2002, anh quyết định về quê hương lập nghiệp và được Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị nhận vào làm tại Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa. Quá trình công tác tại đơn vị mới, anh luôn nỗ lực, rèn luyện tay nghề và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tham gia nghiên cứu, nâng cấp, cải tạo công nghệ hiện có như: Dây chuyền sản xuất tinh bột sắn, hệ thống nước thải… Trong thời gian này, anh tham gia sáng kiến nâng cấp dây chuyền nhà máy từ 60 tấn/ngày đêm lên 120 tấn, 180 tấn, 250 tấn và gần 300 tấn/ngày đêm…
Đặc biệt, có sáng kiến mang lại lợi nhuận lên đến 11 tỉ đồng, được công ty thưởng 100 triệu đồng. Năm 2009, anh vinh dự là 1 trong 3 đại biểu tài năng trẻ khối công nhân viên chức của tỉnh đi dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ I do Trung ương Đoàn tổ chức. Năm 2010, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa. Với cương vị mới, anh tiếp tục cùng ban giám đốc nhà máy nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, có nhiều sáng kiến, đề tài hợp lý hoá sản xuất nâng cao hiệu quả công tác.

Năm 2018, anh Tuyển được điều động và bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy Viên năng lượng Cam Lộ, kiêm Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa. Thời điểm này, Nhà máy Viên năng lượng Cam Lộ còn gặp không ít khó khăn do hệ thống dây chuyền sản xuất chưa đồng bộ, trong quá trình sản xuất thường xuyên xảy ra trục trặc. Do đó, anh đã trực tiếp tham gia nghiên cứu, cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống đường đốt, sấy, ép viên nén, cưa xẻ gỗ, nâng công suất dây chuyền sản xuất từ 6.000 tấn/năm lên 15.000 tấn/năm.
Đặc biệt, các chi phí sửa chữa, tiêu hao điện, phụ tùng của dây chuyền sản xuất tiết kiệm rất nhiều so với trước đây; góp phần giảm giá thành sản phẩm; tăng thu nhập của công nhân từ 3 triệu đồng/người/tháng lên trên 7 triệu đồng/người/tháng. Chỉ trong thời gian ngắn công tác tại Nhà máy Viên năng lượng Cam Lộ, với sáng tạo lò đốt viên nén để áp dụng cho hệ thống sấy, anh đạt giải 3 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ VIII (2018 - 2019).
Nhà máy Viên nén năng lượng Cam Lộ hằng năm nhập số lượng lớn nguyên liệu gỗ tròn để cưa xẻ phải bốc dỡ bằng sức người nên không được thuận tiện cho khách hàng, không sắp xếp được kho bãi dẫn đến kho nguyên liệu khi nào cũng chật chội, tích trữ nguyên liệu không được nhiều. Việc thuê nhân công bên ngoài bốc dỡ tốn nhiều chi phí, giảm sức cạnh tranh hàng hóa lại bị động trong quá trình sản xuất, chốt lô nguyên liệu khó và không chính xác…
Trước tình trạng đó, anh Tuyển đã tham gia nhóm thực hiện sáng kiến “Đề xuất mua máy đào bánh xích và cải tiến lại thành máy gắp nguyên liệu (gỗ tròn, gỗ bìa, ván lạng…) thay thế cho sức người”. Nhận thấy đây là sáng kiến hay, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã phê duyệt cho nhà máy mua chiếc máy đào bánh xích và lắp thêm càng gắp nên việc gắp gỗ từ trên xe xuống và cấp gỗ lên giàn máy cưa rất thuận lợi, bãi gỗ được sắp xếp gọn gàng, sạch đẹp. Qua đó, góp phần tăng năng suất lao động, giảm cường độ làm việc và tăng thu nhập cho công nhân, thay thế hoàn toàn cách làm thủ công trước đây. Với sáng kiến này, theo dự kiến giá trị làm lợi cho nhà máy năm 2021 trên 180 triệu đồng.
Những năm qua, lũ lụt diễn ra phức tạp, gây khó khăn trong phơi sấy nông sản của nông dân. Để giúp nông dân thuận lợi hơn trong việc sấy lúa, tháng 6 năm 2021, anh Tuyển nghiên cứu thành công hệ thống sấy lúa cơ động với công suất sấy 12 tấn lúa/mẻ/12 tiếng đồng hồ phục vụ các hợp tác xã, tổ hợp tác ở các thôn bị ngập lụt. Nguyên liệu đốt sấy lúa từ viên nén do nhà máy sản xuất. Đây là hệ thống sấy lúa tự động cao, dễ áp dụng với các vùng miền trên địa bàn.
Anh Tuyển chia sẻ: “Tất cả sáng kiến của tôi và các đồng nghiệp đều dựa trên cơ sở thực tế, đặc biệt cải tiến phải hợp lý với sản xuất và có giá trị làm lợi cao cho đơn vị. Qua đó, giải quyết những khó khăn, tồn đọng trong quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả công việc, tiết kiệm chi phí, sức lao động, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động”.
Hơn 20 năm công tác, bình quân mỗi năm anh Tuyển có từ 5 - 7 sáng kiến chất lượng, trong đó có nhiều sáng kiến đạt giải thưởng cao. Đặc biệt, năm 2017 anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu cho biết: “Với cương vị là Giám đốc Nhà máy Viên nén năng lượng Cam Lộ, Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa, những năm qua, anh Lê Văn Tuyển không ngừng học tập để nâng cao trình độ quản lý, chỉ đạo, điều hành sản xuất. Đặc biệt, anh đam mê nghiên cứu, tìm tòi về hoạt động khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao trong lao động sản xuất, kinh doanh của nhà máy và công ty, đặc biệt trong đó có nhiều sáng kiến góp phần bảo vệ môi trường. Anh còn tích cực tham gia các phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật do các cấp, các ngành tổ chức và đạt nhiều giải thưởng cao; nhiệt tình tham gia các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm sáng kiến cải tiến kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trẻ ở các đơn vị khác trong công ty. Qua đó, góp phần giảm chi phí, hợp lý hóa các khâu sản xuất nhằm cải thiện môi trường làm việc... mang lại hiệu quả lao động sản xuất, kinh doanh cao nhất cho doanh nghiệp”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)