Theo phản ánh của một số giáo viên dạy lớp 1 tại TP.Hà Nội, sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 của bộ Kết nối tri thức và cuộc sống có các đoạn văn quá dài, câu từ ngoằn ngoèo khó đọc, khó nhớ.
Cô giáo N.Y.N., Trường tiểu học Liên Châu (H.Thanh Oai, TP.Hà Nội), bức xúc: “Ngay ở những tuần học đầu, SGK Tiếng Việt lớp Một của bộ Kết nối tri thức và cuộc sống đã xuất hiện những câu từ tối nghĩa, câu văn ngang khiến học sinh khó đọc, khó hiểu và khó nhớ. Có những bài dạy xong không hiểu nội dung đoạn văn muốn truyền đạt điều gì”.
Cô N. lấy ví dụ: “Mưa rào lộp độp. Họ nhà nhái tụ họp thi hát đón cơn mưa đầu mùa. Mặt ao ran ran bài ca ì ọp, ì ọp. Đàn cá cờ lóp ngóp bơi đến, lâu lâu lại ngoi lên đớp mưa”. Từ “ì ọp” rất khó đọc, khó hiểu với học sinh lớp Một".
“Tôi nghĩ rằng, kể cả tập đọc cũng cần những câu văn mềm mại, dễ hiểu. Trong khi bài tập đọc trên thì câu văn cụt ngủn, giữa các câu còn không hề có sự liên kết. Một học sinh lớp Một mới học vần nhưng tập đọc lại yêu cầu đọc đoạn quá dài. Những vần khó hiểu như lộp độp, ì ọp, lóp ngóp… không ít học sinh khổ sở đọc nhưng vẫn phát âm không đúng. Có em đọc đến méo miệng vẫn chưa chuẩn”, cô giáo N. kể.
Giáo viên tại một trường tiểu học thuộc H.Thanh Oai cho biết trong quá trình dạy SGK Tiếng Việt lớp Một của bộ sách này cũng gặp không ít khó khăn khi hướng dẫn học sinh đọc những bài tập đọc quá dài, chứa nhiều từ khó như: “Nếu lên Tây Bắc, bạn hãy đến Sa Pa. Vào mùa hè, mỗi ngày ở đây như có bốn mùa. Sa Pa có Thác Bạc, có Cầu Mây, có các bản Tả Van, Tả Phìn, Sín Chải”.
Phụ huynh học sinh cũng cảm thấy bất lực khi dạy con vì nhiều câu quá dài, từ khó nhớ. Chị Nguyễn Phương My, phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Cao Dương (H.Thanh Oai), cho biết: “Vợ chồng tôi vò đầu bứt tai khi giúp con chuẩn bị bài học. Trong bài tập đọc giới thiệu về vần “en” nhưng khi ghép vần SGK lại ghép thành “khèn”.
Tôi không biết phải giải thích với con thế nào về nghĩa của từ “khèn” vì nhạc cụ này không phổ biến, trẻ con thường hiếm thấy nên sẽ khó giải thích. Để mình họa cho vần “en” có thể dùng “khen” cho dễ hiểu.
(Nguồn: Phụ nữ mới)