Giữ gìn môi trường an toàn cho trẻ

Thủy Ngọc |

Từ đầu tuần vừa rồi, học sinh ở một số cấp học trên địa bàn TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã trở lại trường. Để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường khi COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, phụ huynh và giáo viên đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho con em mình.

Ngay trước buổi học đầu tiên sau thời gian gián đoạn do xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chị Quỳnh Như, TP. Đông Hà đã chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho con gái mình năm nay vào lớp 1. Ngoài khẩu trang con đeo sẵn, chị chuẩn bị thêm 2-3 khẩu trang dự phòng bỏ trong cặp sách, đề phòng con nhỡ làm rơi mất còn có cái khác để thay thế. Mặc dù nhà trường có trang bị dung dịch sát khuẩn nhưng chị Như sắm thêm cho con một chai nhỏ gọn để có thể mang bên người mọi nơi, mọi lúc. Bình nước cũng được chị chuẩn bị sẵn để con dùng riêng nhằm đảm bảo vệ sinh.

Học sinh tiểu học luôn mang khẩu trang khi đến trường -Ảnh: T.N
Học sinh tiểu học luôn mang khẩu trang khi đến trường -Ảnh: T.N

Mặc dù các hàng quán đều đã mở cửa trở lại nhưng chị hạn chế tối đa việc đưa con đi ăn ngoài. Chị tranh thủ dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho con ăn trước khi đến trường. Cùng với đó, vợ chồng chị thay nhau dặn dò con luôn đeo khẩu trang, bỏ khẩu trang không sử dụng vào sọt rác và phải luôn nghe theo lời hướng dẫn, nhắc nhở của cô giáo. Ở độ tuổi lên 6, con chị tuy chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng bằng biện pháp nhắc nhở thường xuyên sẽ giúp cháu ghi nhớ và làm theo.

Việc để học sinh quay trở lại trường là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên cùng với việc học, vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ thực sự cần thiết. Chị Như cho biết: Theo tôi, muốn con mình đến trường an toàn thì trước hết môi trường của gia đình phải được an toàn. Phụ huynh phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc nhắc nhở học sinh, tùy theo từng cấp học để có biện pháp nhắc nhở phù hợp. Khi xảy ra sự việc liên quan đến các trường hợp nhiễm COVID-19 thì phụ huynh cần tuyệt đối bình tĩnh, không nên đổ lỗi cho giáo viên hay nhà trường để tránh tình trạng làm rối ren sự việc.

Vừa qua, trong đợt đầu tiên đi học trở lại, sau đó xuất hiện một số ca bệnh trong cộng đồng khiến một số giáo viên, học sinh trở thành F1, F2. Thay vì đợi kết quả xét nghiệm từ cơ quan y tế, nhiều phụ huynh đã lo lắng, từ đó liên tục nhắn tin hỏi giáo viên. Điều này vô tình tạo thêm áp lực cho giáo viên, nhất là khi một số người cho rằng do việc mở cửa trường học trở lại, do giáo viên là F1 nên con cái mình mới trở thành F2…

Mới đây, Bộ Y tế xây dựng và ban hành cuốn “Sổ tay Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại trường học trong trạng thái bình thường mới”. Sổ tay này áp dụng cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học. Đây là tài liệu giúp nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ, người liên quan đến liên hệ công tác và học sinh hiểu rõ trách nhiệm của mình, từ đó thực hiện đúng theo những hướng dẫn về phòng chống COVID-19 được đưa ra. Sổ tay này cũng là một trong những công cụ giúp làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của chị Quỳnh Như, để con em mình được đến trường an toàn thì vai trò trước hết thuộc về ba mẹ. Ba mẹ vừa là người tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch, vừa lan truyền tinh thần đó cho con cái mình để các em tự ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như áp dụng các biện pháp phòng chống. Phụ huynh không đến trường và không đưa học sinh đến trường nếu bản thân đang trong thời gian cách ly hoặc có biểu hiện ho, sốt. Luôn nhắc con rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ngay tại các thời điểm trước khi đến trường, sau khi trở về nhà hoặc khi thấy tay bẩn. Ba mẹ phải luôn theo dõi sức khỏe của con, nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì cho con ở nhà, thông báo với nhà trường đồng thời đưa con đi khám để được tư vấn, điều trị.

Khi học sinh đến trường, giáo viên ngoài việc truyền thụ kiến thức cũng nên thường xuyên làm tốt công tác giáo dục ý thức phòng chống dịch. Với học sinh tiểu học, việc nhắc nhở này phải được tiến hành thường xuyên, lặp đi lặp lại, như nhắc các em không nên vứt khẩu trang bừa bãi; thực hiện giãn cách theo hướng dẫn của giáo viên. Giáo viên cũng cần theo dõi các biểu hiện của trẻ, nếu các em có dấu hiệu uể oải, mệt mỏi cần báo với nhà trường, gia đình để tìm hiểu nguyên nhân và có phương pháp xử lý kịp thời.

Hiện một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố đang tiến hành lấy ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh học bán trú. Nếu học bán trú, các trường cần chú trọng đến việc bố trí ăn uống, nghỉ ngơi của học sinh để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Các trường nên bố trí suất ăn riêng cho học sinh, giáo viên, người lao động; đảm bảo giãn cách phù hợp khi ăn, nghỉ theo điều kiện của mỗi nhà trường. Bố trí đủ thùng đựng rác, chất thải có nắp đậy kín và đặt ở các vị trí thuận tiện, thực hiện thu gom, xử lý hằng ngày. Bố trí phòng cách ly, chuẩn bị khẩu trang để sử dụng ngay khi phát hiện học sinh, người có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đồng thời thông báo cho cơ quan y tế và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lào triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em

PV |

Lào sẽ tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Việc mở rộng đối tượng tiêm lần này nhằm mục tiêu giảm thiểu rủi ro cho trẻ em, tiến tới việc mở cửa các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, để trẻ em có thể đến trường học trực tiếp thay cho việc học trực tuyến như hiện nay.

Đề xuất Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Lan Phương |

Bộ TT&TT vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng 30 suất học bổng cho học sinh Vân Kiều

Nguyễn Trang |

Đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vừa đến trao 30 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho 30 học sinh người dân tộc Vân Kiều ở 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Toàn bộ kinh phí được trích từ nguồn quỹ do Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ. Qua đó góp phần trợ giúp, khích lệ tinh thần vượt khó học tập của học sinh các địa phương vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

Hải Lăng: Ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”

Đức Việt |

Hội LHPN huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vừa phối hợp với Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Tòa án nhân dân huyện, UBND xã Hải Phong và Chương trình vùng Hải Lăng tổ chức ra mắt mô hình điểm “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại thôn Câu Hà, xã Hải Phong.