Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 thông qua gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. Sau những vướng mắc trong quá trình thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng (theo Nghị quyết số 42/ NQ-CP của Chính phủ ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19), người dân rất mong muốn ngành chức năng rút kinh nghiệm, tập trung tháo gỡ để số tiền hỗ trợ lần này sớm đến tay người khó khăn.
Theo Tổng cục Thống kê, quý II/2021 cả nước có 12,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 như bị mất việc làm, thiếu việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Đặc biệt, đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 ở các tỉnh, thành phố có mật độ dân số cao, trong đó có sự lây lan dịch bệnh phức tạp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và người lao động khiến việc làm, thu nhập và đời sống của rất nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, lần này Chính phủ đã mở rộng thêm nhiều đối tượng hỗ trợ, trong đó có nhiều chính sách góp phần “hồi sức” cho người lao động, người sử dụng lao động như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động...

Đáng chú ý, trong gói chính sách an sinh xã hội lần này, những người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, du lịch, lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác như người lao động đang mang thai, đang nuôi con đẻ, con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi; người lao động, trẻ em bị nhiễm COVID- 19 hoặc phải cách ly y tế để phòng chống COVID-19… cũng nằm trong diện được hỗ trợ. Có thể nói, ngoài sự kịp thời, đúng thời điểm thì việc mở rộng đối tượng thụ hưởng trong gói hỗ trợ lần này từ Nghị quyết 68/NQ-CP thể hiện rõ tính nhân văn “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng, Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn, sự mong mỏi của người dân và xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, sau hơn 1 năm triển khai gói 62.000 tỉ đồng, tỉ lệ giải ngân toàn quốc chỉ đạt 52,7% (trên 32.694 tỉ đồng). Đa số khoản tiền này là chi trực tiếp cho người thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ kinh doanh… Các chỉ tiêu hỗ trợ còn lại đều không đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt là khoản cho chủ sử dụng lao động vay để trả lương cho người lao động phải nghỉ việc, chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ chủ sử dụng đào tạo lại lao động… Thực tế cho thấy, có những điều kiện, tiêu chí để người bị ảnh hưởng được nhận hỗ trợ quá rườm rà, đặc biệt thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng tiền hỗ trợ mới tới được tay đối tượng thụ hưởng nên chưa đạt được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Vì thế, ở gói hỗ trợ lần này, cơ quan chức năng cần xem xét rút ngắn quy trình xét duyệt, giải quyết các thủ tục hành chính để người dân có thể dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ. Cần bố trí lực lượng làm việc, cán bộ thường trực để hướng dẫn, nắm bắt thông tin, kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc nảy sinh cho các đối tượng nằm trong diện hỗ trợ. Cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, địa phương trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ nhằm bảo đảm kịp thời, tránh xảy ra tiêu cực làm mất lòng tin của Nhân dân. Trong gói hỗ trợ lần này, chính sách của Trung ương chỉ mang tính khung, định hướng, trên cơ sở đó địa phương cần căn cứ điều kiện cụ thể, phát huy tính chủ động, sáng tạo để có cách làm phù hợp, đảm bảo mục đích, nguyên tắc và kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh công tác quản lý nhà nước cần tăng cường vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ cho người dân nhằm đảm bảo khách quan, công bằng.
Trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh, đã có những mô hình sáng tạo để hỗ trợ người yếu thế một cách kịp thời như cây ATM gạo, phiên chợ 0 đồng, những suất cơm nghĩa tình... Một điểm chung dễ nhận thấy của những hình thức hỗ trợ trên là bỏ qua các thủ tục bình xét, rà soát… mang tính hình thức để đưa quà hỗ trợ đến tận tay người cần một cách nhanh nhất có thể. Tuy rằng đâu đó vẫn có những đối tượng trục lợi nhưng thật sự không nhiều, về căn bản những món quà trên đã trợ giúp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn không bị “đứt bữa”, thiếu đói.
Trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều người điêu đứng như hiện nay thì quá trình thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng của Chính phủ, các địa phương cũng cần mạnh dạn rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục, triển khai thần tốc để tiền hỗ trợ đến với lao động nghèo một cách nhanh nhất. Có như vậy, trợ lực của Chính phủ mới thật sự có ý nghĩa cổ vũ tinh thần toàn dân đoàn kết trong cuộc chiến chống COVID-19.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)