Nhận thức được những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (HNCHT), thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ.
Thông qua nhiều cách làm hay, thiết thực, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn ngày càng giảm đáng kể, giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi, cùng chung tay đẩy lùi tảo hôn và HNCHT, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chủ yếu là người Vân Kiều và Pa Kô, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người dân nhận thức hạn chế, còn ảnh hưởng bởi những hủ tục nên tảo hôn và HNCHT ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn tồn tại. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng trong năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 206 trường hợp tảo hôn, trong đó cả hai vợ chồng tảo hôn 35 cặp, vợ hoặc chồng tảo hôn 171 cặp.
Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2025 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND ban hành kế hoạch triển khai Tiểu dự án 2.
Theo đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và HNCHT; biên soạn tài liệu tuyên truyền; xây dựng mô hình điểm, nhân rộng các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT”; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện kế hoạch; các hoạt động chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, sơ kết, tổng kết... Xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện các nội dung hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đầu năm 2023 đến nay, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và HNCHT với hình thức và nội dung phong phú như: sao chép phim phóng sự tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT do Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Quốc hội xuất bản trên thiết bị USB để tuyên truyền rộng rãi; lắp đặt pano tuyên truyền đến 31 xã vùng đồng bào DTTS; thực hiện các chương trình truyền thanh, phóng sự truyền hình đến cơ sở; Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật tại cộng đồng; tọa đàm, giao lưu văn hoá giữa học sinh, phụ huynh, giáo viên, tại các trường học vùng đồng bào DTTS.
Cung cấp tài liệu kỹ năng thực hiện tuyên truyền vận động, kỹ năng chăm sóc sức khỏe giới tính; bộ câu hỏi - đáp về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, các văn bản liên quan cho nhóm nòng cốt. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ làm công tác dân tộc, văn hóa xã hội cấp huyện, xã; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại thôn, bản.
Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tư vấn về sinh sản, sức khoẻ giới tính cho các đối tượng thanh, thiếu niên người DTTS. Triển khai tại các xã về tổ chức hoạt động nhóm nòng cốt thực hiện giảm thiểu tảo hôn và HNCHT; mô hình “Quy ước thôn không có tảo hôn”...
Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Hướng Hóa Hồ Thị Tư cho biết: “Được sự quan tâm, phối hợp của Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị liên quan, những năm qua, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT vùng đồng bào DTTS bằng các hình thức như: tích hợp trong dạy học ở một số môn học, tọa đàm, giao lưu văn hóa, sân khấu hóa lồng ghép tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS thu hút học sinh, phụ huynh toàn trường tham gia.
Các hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh về thực trạng, tác hại của nạn tảo hôn và HNCHT, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học do tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động vùng đồng bào DTTS; tạo không khí thi đua sôi nổi, tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống, giúp học sinh xây dựng cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn”.
Qua một thời gian ngắn nỗ lực thực hiện, Tiểu dự án 2 bước đầu đạt được kết quả khích lệ. Cộng đồng các DTTS đã chuyển biến rõ rệt nhờ được nâng cao nhận thức về tác hại của tảo hôn và HNCHT cũng như có nhiều cách làm hay, hiệu quả trong vận động giúp đỡ nhau tại thôn, bản để đẩy lùi tình trạng tảo hôn và HNCHT.
Nhiều xã đã cơ bản không còn tình trạng tảo hôn và HNCHT; nhiều xã giảm mạnh số trường hợp tảo hôn trong những năm liên tiếp. 100% cán bộ làm công tác dân tộc, trên 80% cán bộ văn hoá - xã hội, đoàn thể cấp xã/thôn, bản được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng, vận động, tư vấn, truyền thông. Các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phòng, chống tảo hôn, HNCHT thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo thanh niên, vị thành niên, trẻ em gái, cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ...
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh cho biết: “Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Tiểu dự án 2 còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Để khắc phục và thực hiện tốt hơn, thời gian tới, các đơn vị, địa phương liên quan cần quan tâm nhân rộng các mô hình phòng, chống tảo hôn, HNCHT đến toàn vùng đồng bào DTTS. Tập trung vào nhiệm vụ theo dõi sát các diễn biến của trẻ vị thành niên trong học tập, sinh hoạt để vận động trực tiếp, kịp thời; chú trọng sử dụng phương pháp “dùng đối tượng vận động đối tượng” để đạt hiệu quả cao.
Quan tâm hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ vị thành niên. Hỗ trợ và phát triển mô hình kinh tế, sáng kiến thanh niên, thanh niên khởi nghiệp để hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên có những mô hình phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm tại địa phương. Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các em. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên là các em trẻ vị thành niên mạnh dạn và tự tin”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)