Để chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng, cả nước đã và đang chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.
Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, thực hiện hiệu quả Tết trồng cây, kế hoạch trồng rừng, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân". Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chương trình trồng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Hàng triệu héc ta rừng, hàng trăm triệu cây xanh đã được trồng trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào việc giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Nhân Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Quý Mão 2023, tại Lễ phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ ở Khu Di tích K9 - Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội tổ chức, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, các cháu học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, người Việt Nam và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam hãy hăng hái tham gia trồng cây ngay từ những ngày đầu Xuân và cả năm; vì một Việt Nam xanh, an toàn, phát triển bền vững.
Theo Thủ tướng, việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho nước ta ở hiện tại và tương lai. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước chế biến và xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới, xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị đạt trên 10 tỷ USD/năm. Do đó, việc thực hiện Chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu từ năm 1992. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cam kết thực hiện lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Đây là hoạt động cấp quốc gia mở đầu cho lễ phát động đồng loạt Tết trồng cây trong cả nước nhằm triển khai thực hiện chương trình "Vì một Việt Nam xanh" trong năm 2023 với mục tiêu trồng mới 22,5 triệu cây xanh.
Tuyên Quang là tỉnh đi đầu cả nước về bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm 76% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chiếm 37,8%. Tỉnh thực hiện tốt quy hoạch phân 3 loại rừng; triển khai rất tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; trồng mới trên 11 nghìn ha hằng năm; hình thành vùng rừng nguyên liệu với gần 200 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%; duy trì hệ sinh thái đa dạng, bền vững, góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen và tạo nguồn sinh thủy; chủ động phòng, chống một cách hiệu quả lụt bão, hạn hán, sạt lở… cho vùng trung du Bắc Bộ.
Tại thôn Trường Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, trong Lễ phát động thi đua và Tết trồng cây năm 2023 do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão năm 2023 của tỉnh đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng nước Việt xanh tươi, phát triển bền vững.
Việc trồng cây xanh được triển khai thường xuyên, liên tục và rộng khắp, tạo thành phong trào ngày càng thực chất, hiệu quả trên nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, ban hành chỉ thị hoặc văn bản chỉ đạo tổ chức Tết trồng cây tại địa phương. Theo đó, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ phát động trồng cây vào dịp đầu Xuân; còn các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ phát động trồng cây vào dịp sinh nhật Bác Hồ (19/5), phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương.
Năm 2022, Hưng Yên trồng được gần 17.600 cây, tại 70 tuyến đường, đạt 160% kế hoạch. Các huyện, thị xã, thành phố đã trồng vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, điển hình là huyện Ân Thi trồng hơn 4.500 cây, thị xã Mỹ Hào trồng hơn 1.900 cây, huyện Phù Cừ trồng được gần 1.500 cây. Đến nay, cây xanh trồng năm 2022 cơ bản đều sinh trưởng và phát triển tốt, tạo cảnh quan, bóng mát, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.
Năm 2023, Hưng Yên có kế hoạch trồng 33.800 cây, tăng 192% so với năm 2022, trong đó tập trung trồng các loại cây chính, gồm ban Tây Bắc, bàng Đài Loan, kèn hồng, bằng lăng...
Tại xã Thạch Yên, huyện Cao Phong (Hòa Bình), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão năm 2023. Tỉnh thời gian tới tăng cường quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu năm 2023 toàn tỉnh hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng trên 5.500 ha rừng tập trung, hơn 900.000 cây phân tán các loại, phấn đấu đưa tỉnh Hòa Bình trở thành một trong các tỉnh điển hình về sản xuất nông, lâm kết hợp hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Việc phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" vào mỗi dịp Xuân sang trở thành truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đất Tổ, góp phần làm đẹp cảnh quan, môi trường, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội. Định hướng phát triển của tỉnh Phú Thọ trong những năm tới xác định phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội; hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Tỉnh Phú Thọ phấn đấu từ ngày 26/1-26/2, trồng mới 9.000 ha rừng tập trung, 2 triệu cây phân tán; chăm sóc trên 29 nghìn ha rừng trồng, bảo vệ trên 37 nghìn ha rừng…
(Nguồn: Ngày Nay)