Môi trường là một trong những tiêu chí cần thiết và quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Chính vì vậy, trong xây dựng NTM, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã quan tâm thực hiện công tác vệ sinh môi trường (VSMT).
Đến nay, huyện Hải Lăng có 13/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Thực tế tại các xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn cho thấy, môi trường có sự chuyển biến tích cực, nhiều tuyến đường trở thành đường mẫu xanh - sạch - đẹp.
Theo kế hoạch của huyện Hải Lăng, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nên các địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao đã đưa ra các giải pháp giữ vững và nâng cao tiêu chí môi trường. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là trao quyền và trách nhiệm cho người dân.
Hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường (BVMT), huyện Hải Lăng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực thực hiện hiệu quả công tác BVMT và nâng cao chất lượng môi trường.
Từ đó, làm thay đổi nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân cùng tham gia BVMT bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Điển hình đó là sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở trong thực hiện công tác BVMT.
Các địa phương cũng quan tâm đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phát huy vai trò của người dân trong giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn. Đồng thời, vận động Nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh.
Huyện Hải Lăng cũng đã ban hành kế hoạch về việc phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2025. Tranh thủ nguồn vốn ngân sách cấp trên hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng NTM để đầu tư 3 dự án đạt chuẩn về xử lý rác thải.
Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo yêu cầu về BVMT. Chất thải rắn tại nguồn được Trung tâm Môi trường đô thị Hải Lăng thu gom hằng ngày, còn tại khu vực nông thôn theo hợp đồng dịch vụ của các xã. Hiện nay trên địa bàn huyện có bãi chôn lấp rác thải tại thị trấn Diên Sanh đang hoạt động với diện tích 6,36 ha, công suất 18-20 tấn chất thải rắn/ngày đêm. Tổng lượng chất thải rác phát sinh trên địa bàn huyện Hải Lăng ước tính khoảng 87,62 tấn/ngày.
Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội LHPN huyện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác theo các loại. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt 93,5%.
Đối với chỉ tiêu khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về BVMT, trong đó tỉ lệ đất trồng cây xanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tối thiểu là 10% diện tích toàn khu.
Các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động; được quy hoạch khu vực lưu trữ chất thải rắn sinh hoạt. Các đơn vị thu gom thực hiện thu gom, vận chuyển xử lý tại bãi xử lý rác thải tập trung của huyện. Các cơ sở tại cụm công nghiệp thực hiện ký hợp đồng với các đơn vị chức năng để vận chuyển xử lý rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại theo quy định Luật BVMT năm 2020.
Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch trồng cây, phát động Tết trồng cây; xây dựng và triển khai kế hoạch trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài trồng rừng tập trung, còn chú trọng trồng cây phân tán trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, công trình tín ngưỡng, các vùng có nguy cơ sạt lở. Tăng tỉ lệ che phủ rừng, góp phần BVMT sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu. Diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn toàn huyện đạt 2,5m2 /người.
Bí thư Huyện ủy Hải Lăng Nguyễn Khánh Vũ cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các xã tập trung xây dựng tuyến đường kiểu mẫu của xã, thôn theo kế hoạch, kết hợp thực hiện “Ngày nông thôn mới, chỉnh trang nông thôn” theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp nhằm tạo nét nổi bật của từng xã. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành đề án kiểm kê, kiểm soát, bảo vệ chất lượng nước; phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt trên địa bàn huyện.
Tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải rắn tại nguồn, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình một cách triệt để; tích cực tham gia các hoạt động BVMT tại nơi ở, làm việc, công cộng, triển khai thực hiện một số mô hình phân loại rác thải, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, sau đó nhân rộng ra toàn xã, toàn huyện”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)