Hiểm họa từ loạt video độc hại dành cho trẻ em

Minh Đức |

Thời gian qua, có nhiều phản ánh từ người dân và phụ huynh trên địa bàn tỉnh về tình trạng con, em mình thường xuyên xem, chơi một số đồ chơi liên quan đến chuỗi video mang tên “Skibidi Toilet” trên Youtube. Mặc dù được gắn nhãn “Made for kids”- dành cho trẻ em, nhưng những video này chứa nội dung bạo lực, hình ảnh kinh dị và đã gây nhiều nguy hại đến tâm sinh lý, sức khỏe cũng như cuộc sống hằng ngày của các em.


Kiểm tra đồ dùng học tập và sách vở của con trước khi đến trường, anh N.Đ. ở Phường 1, TP. Đông Hà ngạc nhiên khi thấy một số mô hình, ảnh dán hình thù kỳ dị, đáng sợ mô tả một chiếc đầu người mọc ra từ bồn cầu ở trong cặp con. Khi được hỏi, cậu con trai 9 tuổi của anh trả lời đây là đồ chơi phỏng theo video Skibidi Toilet đang thịnh hành trên mạng.

Tìm hiểu kỹ hơn, anh Đ. được biết trước cổng trường nơi con học hiện bán rất nhiều đồ chơi liên quan đến Skibidi Toilet như: móc khóa hình quái vật đầu camera, mô hình lắp ghép, các loại đồ chơi nhựa mô tả vũ khí mà những nhân vật trong video sử dụng...

Nhiều đồ chơi mô phỏng từ nội dung của Skibidi Toilet bày bán tràn lan trước các cổng trường trên địa bàn tỉnh -Ảnh: M.Đ
Nhiều đồ chơi mô phỏng từ nội dung của Skibidi Toilet bày bán tràn lan trước các cổng trường trên địa bàn tỉnh -Ảnh: M.Đ

Điều đáng lo ngại mà anh Đ. chia sẻ là từ khoảng 1 tháng nay, con trai anh có nhiều biểu hiện lạ khi luôn nói rằng trong nhà vệ sinh có ma và nhất quyết không đi vệ sinh vào buổi tối. Ngoài ra, con anh còn hay ngủ mơ, la hét những từ vô nghĩa và thức dậy trong trạng thái mệt mỏi, uể oải.

Chung nỗi lo lắng và bức xúc với anh Đ., chị T.L. ở thị xã Quảng Trị kể: “Con trai tôi năm nay 7 tuổi, dạo gần đây, cứ rảnh là cháu đòi mở tivi xem Skibidi Toilet. Ban đầu, tôi cũng không để ý vì đã nói với con nếu đó là chương trình dành cho thiếu nhi thì mẹ đồng ý cho xem. Nhưng đến khi thấy con thường xuyên có những hành động lạ, nhảy theo nhân vật trong video và nói những cụm từ như “ma bồn cầu”, “quỷ đầu loa”; ngoài ra, cháu cũng thường yêu cầu mẹ không được tắt đèn khi đi ngủ vì sợ.

Trực tiếp xem, tôi mới tá hỏa vì trong các video gắn nhãn dành cho trẻ em Sikibidi Toilet con thường xem toàn những nội dung bạo lực, đẫm máu cùng âm thanh gào thét, hình ảnh rùng rợn, kỳ quái. Ngay sau đó, tôi báo cáo trên Youtube về kênh độc hại này, tạo thời gian biểu chi tiết, nghiêm khắc buộc con tuân thủ và thay thời gian xem tivi bằng cách chơi thể thao 30 phút mỗi ngày”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Skibidi Toilet là một loạt video ngắn xuất hiện trên Youtube trong nhiều tháng nay. Nội dung những video này xoay quanh cuộc chiến giữa Skibidi Toilet- nhân vật hình thù kỳ dị chỉ có đầu mọc ra từ bồn cầu và CameraHead - cũng mang hình hài quái dị. Mặc dù mỗi video rất ngắn nhưng âm thanh rất vui nhộn, hình ảnh hoạt hình bắt mắt đã thu hút sự chú ý của trẻ em và hàng chục triệu lượt xem.

Từ nội dung video này, nhiều thứ đồ chơi hình ảnh mô phỏng các nhân vật tương tự ra đời, được bày bán tràn lan ở các cửa hàng tạp hóa, nhiều nhất là trước cổng các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói là hầu như đa phần các em nhỏ đều thích thú, háo hức tìm mua những thứ đồ chơi độc hại ấy.

Về loạt video Skibidi Toilet, mặc dù thoạt nhìn có thể cho rằng đây là các video hoạt hình, nhưng hình ảnh và nội dung kinh dị trong phim đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sinh hoạt của trẻ, đặc biệt là các bé ở độ tuổi mầm non, tiểu học. Ngoài hai trường hợp kể trên, còn ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh hốt hoảng khi thấy con bắt chước những hành động của các quái vật, cư xử bạo lực với bạn bè, người thân.

Không chỉ Skibidi Toilet, hiện rất nhiều những nền tảng mạng xã hội, video, kênh Youtube đã thu hút lượt tương tác bằng cách gắn nhãn dành cho trẻ em nhưng thực chất lại chứa những nội dung nhảm nhí, vô bổ, độc hại, gây nguy hiểm tới sự phát triển tinh thần, tâm sinh lý của trẻ.

Mặt khác, trẻ em là đối tượng luôn tò mò, dễ dàng học theo những gì được thấy, thế nên những hình ảnh bạo lực, nguy hại dễ từ từ ăn sâu vào tiềm thức của trẻ. Nguy hại hơn nếu các em bắt chước những hành động gây tai nạn, thương tích như: đâm chém, nhảy lầu, đánh nhau trong nhà vệ sinh... lâu dần, những điều này sẽ là nhân tố cấu thành nhân cách, hành vi, tính cách của trẻ.

Trên thực tế, đã có những trường hợp trẻ học theo các kênh YouTube và làm những việc dại dột dẫn đến hậu quả thương tâm như trường hợp cháu bé ở TP. Hồ Chí Minh thiệt mạng khi bắt chước trò chơi treo cổ hồi cuối năm 2020. Vì vậy, để các con phát triển một cách toàn diện và không bị lệch lạc, gia đình cần cấp thiết quản lý, đồng hành với con trên không gian mạng, kiểm soát con trong việc giải trí bằng điện thoại, tivi.

Muốn làm được điều này, bản thân mỗi người lớn cần nghiêm khắc trở thành tấm gương, hạn chế sử dụng các nền tảng trên mạng để xem những video vô bổ; giảm thời gian cầm điện thoại giải trí và thay vào đó là trò chuyện, quan tâm đến tâm lý, đời sống tinh thần của con cái. Việc thường xuyên tương tác, nói chuyện với cha mẹ sẽ góp phần giúp trẻ nhận thức được thế nào là thế giới thực, thế giới ảo để có hành vi ứng xử phù hợp.

Cha mẹ nên đưa ra quy định về nội dung, thời gian được sử dụng internet, đồng thời khuyến khích các em tham gia những hoạt động thể thao để nâng cao thể chất lẫn trí tuệ. Nếu biết con đang xem hoặc tiếp xúc với những nội dung giải trí lệch lạc, nguy hại, phụ huynh cần có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ kịp thời cho trẻ trước những nguy cơ tiềm ẩn.

Đồng thời, phụ huynh nên dành thời gian tìm hiểu, cập nhật những xu hướng, cách quản lý nội dung trên các kênh internet con thường truy cập; từ đó hướng dẫn con chọn lọc các video thật sự có ích, phù hợp với trẻ. Khi nhìn thấy video có nguy cơ ảnh hưởng đến con, người lớn nên báo cáo video đó cho Youtube.

Ngoài ra, cần tạo sợi dây gắn kết giữa gia đình và nhà trường, kiểm soát việc cho con tiền chi tiêu; phối hợp với các thầy cô giáo trong quản lý con, em về việc cấm mang những đồ chơi nguy hiểm đến trường, lớp hoặc mua ở trước cổng trường.

Mạng xã hội, internet là một kho tàng những tri thức lành mạnh, nhưng cũng chứa muôn trùng cạm bẫy nguy hiểm, độc hại. Vì vậy, người lớn cần tỉnh táo hơn nữa, chủ động hơn nữa trong việc tạo dựng một “lá chắn” bảo vệ con em mình, tránh những trường hợp đã có hậu quả đáng tiếc xảy ra mới quan tâm, quản lý con, em thì đã quá muộn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Học sinh lăng mạ cô giáo: "Chúng ta đang bắt đầu thời kỳ sùng bái trẻ em, nếu không kịp điều chỉnh sẽ phải trả giá"

Hiểu Đan |

Thầy cô giáo và nhà trường đang ở vị trí rất thấp và dễ dàng bị tấn công, bị bắt phải trả giá nếu xảy ra vấn đề.

Dấu thời gian ở làng nghề làm đồ chơi Trung Thu truyền thống

PV |

Cho dù thời gian biến đổi, đồ chơi ngoại nhập đầy thị trường, những người thợ làng Ông Hảo (Hưng Yên) vẫn cần mẫn với nghề thủ công làm mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch... cho Tết Trung Thu.

Cháy cửa hàng đồ chơi ở Đông Hà

Vân Phong |

12 giờ trưa ngày 15/6, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đã cơ bản dập tắt được đám cháy ở một ngôi nhà tại số 3 đường Hùng Vương, TP. Đông Hà.

Đông Hà: Học sinh nghi bị ngộ độc do ngậm, thổi đồ chơi không rõ nguồn gốc

Vân Phong |

Tối 16/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị xác nhận, nguyên nhân dẫn đến 10 học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học và THCS Phường 3, TP. Đông Hà có biểu hiện bị ngộ độc có thể do ngậm, thổi đồ chơi không rõ nguồn gốc.