Xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường và đảm bảo QP-AN, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) trên địa bàn huyện Đakrông đã được lãnh đạo thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị từ cấp ủy đảng đến chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể.
Từ đó, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong quá trình kiểm tra, truy quét, trấn áp các đối tượng vi phạm, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng như phát triển rừng.
Huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị với diện tích đất có rừng là 80.280,23 ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh. Thế nên, công tác QLBV&PTR luôn là nhiệm vụ quan trọng được cấp ủy và chính quyền huyện Đakrông quan tâm chỉ đạo sâu sát. Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/ TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, căn cứ vào tình hình thực tế và tính cấp thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác QLBV&PTR trên địa bàn huyện, Huyện ủy Đakrông ban hành Chỉ thị số 08-CT/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng trong công tác QLBV&PTR trên địa bàn” (Chỉ thị số 08).
Ngay sau khi chỉ thị được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành triển khai học tập, quán triệt chỉ thị nghiêm túc, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhất là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác QLBV&PTR.
Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, địa phương cụ thể hóa chỉ thị bằng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm tình hình và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác QLBV&PTR gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển KTXH của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng công tác kiểm tra, giám sát. Hằng năm, thành lập hàng chục đoàn kiểm tra các đảng ủy xã, thị trấn đối với việc thực hiện Chỉ thị số 08.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác QLBV&PTR trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực. Chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả chính sách về công tác BVR. Công tác giao khoán BVR cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ được triển khai thực hiện tốt.
Có hơn 165.000 lượt ha rừng tự nhiên và rừng trồng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền hơn 47 tỉ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVR, tăng thu nhập cho các hộ gia đình; công tác phát triển rừng được chú trọng.
Giai đoạn 2018-2022, trung bình mỗi năm trồng mới hơn 1.000 ha, 30 vạn cây phân tán; tỉ lệ che phủ rừng tiếp tục tăng qua từng năm, từ 64,72% (năm 2018) đã tăng lên 65,29% (năm 2022); công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai thực hiện nghiêm túc; công tác phối hợp kiểm tra, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về rừng được chú trọng, các lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 437 vụ vi phạm hành chính; đã xử lý 409 vụ, tịch thu 799,421 m3 gỗ các loại quy tròn, 122,3 kg động vật rừng và sản phẩm động vật rừng; điều tra, khởi tố, xét xử 14 vụ án hình sự về hành vi “hủy hoại rừng”.
Các điểm nóng trước đây về xâm hại rừng như: A Bung, Húc Nghì, Tà Long, Hướng Hiệp, Đakrông ... đã được ngăn chặn. Hoạt động của các tổ bảo vệ rừng cấp xã, cộng đồng, nhóm hộ gia đình được giao rừng tự nhiên đã đi vào thực chất, từng bước cho thấy hiệu quả công tác BVR dựa vào Nhân dân. Số vụ vi phạm về lâm nghiệp giảm qua từng năm.
Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân cho biết: “Thời gian tới, Đakrông tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBV&PTR”. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp; chỉ đạo chủ rừng tăng cường công tác QLBVR, rà soát hiện trạng rừng được giao.
Tăng cường trách nhiệm của chủ rừng và đất rừng được giao, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân sống gần rừng, tạo điều kiện, khuyến khích Nhân dân phát triển kinh tế rừng. Xử lý nghiêm những trường hợp làm cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái phép, xâm lấn đất rừng trái pháp luật”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)