Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp đổi mới, các cấp công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục (TTPBGD) pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ), qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng đội ngũ CNVCLĐ có kiến thức, kỹ năng và ý thức kỷ luật lao động cao.
Xác định công tác TTGD nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ là nội dung trọng tâm trong hoạt động, hằng năm, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo chương trình công tác, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đảm bảo phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở (CĐCS) và đối tượng đoàn viên, NLĐ.
Nội dung tuyên truyền không dàn trải mà tập trung phổ biến các quy định, văn bản pháp luật mới có liên quan trực tiếp đến tổ chức công đoàn, đoàn viên và NLĐ như: Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bình đẳng giới, Luật An ninh mạng; các văn bản pháp luật có liên quan đến quan hệ lao động; phòng, chống cháy nổ; an toàn giao thông; phòng, chống tham nhũng, lãng phí... LĐLĐ tỉnh thiết lập 3 kênh truyền thông của công đoàn gồm: trang website, Facebook Công đoàn Quảng Trị và các nhóm zalo công đoàn các cấp.
Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục “Lao động và Công đoàn” trên Báo Quảng Trị, Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn, Đài PTTH tỉnh; hằng năm có trên 300 tin, bài tuyên truyền về pháp luật, hỏi - đáp về chính sách pháp luật được đăng tải trên website Công đoàn Quảng Trị, trên zalo, facebook công đoàn.
Các cấp công đoàn đã chủ động đổi mới, linh hoạt triển khai các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, hấp dẫn như: tổ chức hội thi “Tuyên truyền pháp luật BHXH và công đoàn”, hội thi “Cán bộ CĐCS giỏi”, thi “Rung chuông vàng” thi “Tìm hiểu pháp luật”, tổ chức “Sinh hoạt ngày pháp luật”...
Qua các hội thi, cuộc thi nhằm tạo điều kiện để đoàn viên, CNVCLĐ nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao hiểu biết về pháp luật lao động. Nhiều đơn vị lựa chọn hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua xây dựng tủ sách pháp luật, góc bảo hộ lao động.
Hiện nay, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng được 9 tủ sách pháp luật, góc bảo hộ lao động ở doanh nghiệp có đông CNLĐ. Tủ sách pháp luật, góc bảo hộ lao động được bố trí ở những nơi thuận tiện như: nhà ăn, xưởng sản xuất tạo điều kiện để NLĐ dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin pháp luật.
Các CĐCS doanh nghiệp (PN) đã lồng ghép TTPBGD pháp luật thông qua đối thoại tại nơi làm việc, tư vấn pháp luật cho NLĐ, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); hằng năm có trên 81% DN tổ chức đối thoại với NLĐ, hơn 200 cuộc tư vấn trực tiếp về pháp luật lao động, công đoàn, BHXH, an toàn vệ sinh lao động; có 91% DN từ 10 lao động trở lên tổ chức ký kết TƯLĐTT. Việc đối thoại, tư vấn pháp luật, ký kết TƯLĐTT đã góp phần giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với NLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN.
Với sự nỗ lực cố gắng của các cấp công đoàn, cùng với việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đã góp phần nâng cao chất lượng công tác PBGD pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, CNVCLĐ.
Tuy nhiên, công tác TTPBGD pháp luật trong CNLĐ nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có trên 60.000 CNLĐ đang làm việc trong các loại hình DN, phần đông trong số đó là lao động phổ thông, trình độ, nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, CNLĐ ở các DN cường độ lao động cao, ít có thời gian, điều kiện để tham gia các hoạt động tập trung.
Mặc dù các cấp công đoàn đã vận dụng linh hoạt hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động TTPBGD pháp luật đảm bảo phù hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Song kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, vẫn còn nhiều CNLĐ chưa được TTPBGD pháp luật, nhất là CNLĐ ở các DN chưa có tổ chức công đoàn.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Hướng Hóa Trần Thị Thương chia sẻ: “Hướng Hóa là huyện miền núi, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, DN chủ yếu nhỏ lẻ nên việc tập hợp CNLĐ để tổ chức TTPBGD pháp luật gặp nhiều khó khăn. LĐLĐ huyện đã sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý, tranh thủ thời gian nghỉ giữa ca hoặc ngày Chủ nhật để tổ chức TTPBGD pháp luật cho NLĐ.
Bên cạnh việc lựa chọn thời gian hợp lý, việc chuẩn bị nội dung tuyên truyền cũng rất quan trọng, nội dung phải ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề người lao động cần và quan tâm, đặc biệt là phải giành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận, giải đáp những thắc mắc, tình huống thường gặp của CNLĐ, từ đó gây hứng thú, nâng cao hiệu quả cho buổi tuyên truyền”.
Đánh giá về công tác TTPBGD pháp luật, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Công tác TTPBGD pháp luật luôn được các cấp công đoàn quan tâm, từng bước đổi mới về nội dung và hình thức phù hợp với thực tiễn ở cơ sở và nhu cầu của đoàn viên, NLĐ. LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn giai đoạn 2023-2028”, chỉ tiêu đặt ra phấn đấu 90% đoàn viên, NLĐ được tiếp cận thông tin về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và công đoàn.
Thời gian tới, để công tác TTPBGD pháp luật tiếp tục phát huy hiệu quả, cần nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn các cấp về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác TTPBGD pháp luật cho đoàn viên, CNVCLĐ. Quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.
Tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong công tác TTPBGD pháp luật; chuyển mạnh từ hình thức tuyên truyền truyền thống sang hình thức tuyên truyền hiện đại dựa trên các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng di động...
Tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để chủ động chuyển tải thông tin, chính sách, pháp luật mới đến với đoàn viên, NLĐ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)