Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Qua đó, vừa góp phần tăng sức hấp dẫn của chính sách, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, vừa góp phần bảo đảm an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.
Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo (99.000đ/người/ tháng), hỗ trợ 25% mức đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo (82.500đ/người/tháng), hỗ trợ 10% mức đóng đối với người tham gia thuộc đối tượng khác (33.000đ/ người/tháng).
Tuy nhiên, theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, từ ngày 1/1/2022, mức chuẩn nghèo đối với khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng, dẫn đến mức đóng tối thiểu hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 138.600 đồng/tháng lên 297.000 đồng/ tháng (đã trừ mức hỗ trợ của Nhà nước). Với mức hỗ trợ của Nhà nước như hiện nay chưa thật sự hấp dẫn và thu hút đông đảo người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Trước thực tế đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 86/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 quy định chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023- 2026 (Nghị quyết 86).
Theo đó, tỉnh đã dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ tăng thêm 20% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; hỗ trợ tăng thêm 15% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ tăng thêm 10% đối với người tham gia BHXH tự nguyện là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Việc hỗ trợ theo thời gian thực tế tham gia BHXH tự nguyện của từng đối tượng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2026.
Thực hiện Nghị quyết 86, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Năm 2023, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho 20.314 người tham gia BHXH tự nguyện, tương ứng với số tiền 6,3 tỉ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện 526 triệu đồng.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đào Công Tuấn chia sẻ: “Với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết 86 đã giúp tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện; tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo có điều kiện tham gia chính sách BHXH tự nguyện của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/ TW của BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH và Chương trình hành động số 138-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị đã đề ra”.
Thực tế hiện nay, việc điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2022 theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều đã ảnh hưởng đến người tham gia BHXH tự nguyện do điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập hạn chế, không ổn định nên không tiếp tục tham gia hoặc không tham gia mới.
Bên cạnh đó, số người tham gia BHYT thuộc đối tượng hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT ngày càng giảm, nguyên nhân do tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua từng năm.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐCP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, đối tượng người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, số người tham gia BHYT đối với nhóm đối tượng này trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế.
Nhằm tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao hằng năm về số người tham gia BHXH, BHTN và chỉ tiêu bao phủ BHYT trên địa bàn.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương củng cố hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; tăng cường công tác phối hợp và phát huy vai trò hoạt động của từng thành viên ban chỉ đạo, đảm bảo thường xuyên, hiệu quả trong việc chỉ đạo triển khai các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho BHXH tỉnh và các sở, ngành liên quan tham mưu đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào nghị quyết của cấp ủy các cấp và kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm của địa phương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, giải pháp, triển khai, đôn đốc thực hiện, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Về phía BHXH tỉnh, để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024, đơn vị xác định bám sát các kế hoạch, chỉ tiêu được giao, xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chú trọng triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người tham gia BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)