Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Điện là đầu tư phát triển điện cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo nhằm phục vụ phát triển KT-XH cũng như bảo đảm an sinh cho người dân. Đối với tỉnh Quảng Trị, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kết quả đạt được trong những năm qua cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành Điện.
Theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã đầu tư xây dựng công trình cấp điện cho 4.187 hộ dân ở 87 thôn/bản thuộc 36 xã tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông và Hướng Hóa.
Tính đến nay trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Trị, ngành Điện đã đầu tư xây dựng trên 393.465 km đường dây từ 22kV đến 35kV với gần 400 trạm biến áp đảm bảo cấp điện cho 99% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới. Đây là kết quả về sự nỗ lực của ngành Điện không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt cho người dân mà còn cung ứng nguồn điện có chất lượng để người dân sản xuất-kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.
Riêng đối với huyện miền núi Hướng Hóa hiện nay đơn vị Điện lực Khe Sanh đang quản lý vận hành 11,587 km đường dây 35kV; 381,593 km đường dây 22kV; 373,966 km đường dây hạ áp; 1 trạm cắt 35KV; 3 trạm cắt 22kV; 3 TBA 35/0.4kV tổng công suất 685kVA; 222 trạm biến áp 22(10)/0.4kV tổng công suất 37,96kVA; 67 trạm biến áp 22(10)/0.23kV tổng công suất 1,675kVA. Nhằm đảm bảo chất lượng điện năng và cung cấp điện an toàn, Điện lực Khe Sanh đưa vào cải tạo đường dây cấp điện ở các công trình sửa chữa lớn, bằng cách thay dây dẫn trần sang dây bọc cách điện (22kV) ở các khu vực đường dây đi qua các khu vực trồng cây công nghiệp, đồi cao, phương tiện đi lại khó khăn…
Công tác vận hành lưới điện thực hiện đúng theo kế hoạch cung cấp điện đã được phê duyệt; công tác quản lý kỹ thuật hệ thống điện được thường xuyên duy trì, các điểm mất an toàn trên lưới điện được xử lý kịp thời, triệt để. Công tác quản lý kỹ thuật, an toàn vệ sinh lao động luôn được chú trọng; các thiết bị an toàn được bảo quản, kiểm tra thí nghiệm định kỳ đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra áp giá điện, đảm bảo áp giá đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng điện.
Với đặc thù là địa bàn miền núi nên việc đầu tư hạ tầng lưới điện luôn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống đường dây tải điện phải vượt đồi núi, khe suối phức tạp gây tốn kém trong đầu tư nhưng ngược lại số lượng khách hàng sử dụng điện không nhiều nên sản lượng điện thương phẩm luôn đạt thấp.
Vậy nhưng để cấp điện ổn định, liên tục ngành Điện đã chủ động xây dựng chương trình nâng cao độ tin cậy cung cấp điện lưới và chú trọng thực hiện tốt công tác xử lý hành lang lưới điện.
Hoàn thiện bộ máy tổ chức và ứng dụng công nghệ vào công tác sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, chú trọng công tác nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện; tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện truy cập trực tuyến để biết sản lượng điện tiêu thụ, từ đó sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài ra, còn chú trọng xử lý, ngăn chặn các vụ vi phạm hành lang lưới điện, tiến hành duy tu bảo dưỡng và sửa chữa kịp thời các điểm mất an toàn trên lưới điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây ra, qua đó, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Đến thời điểm hiện nay, tất cả các thôn bản ở địa bàn miền núi tỉnh Quảng Trị đã có điện lưới quốc gia; chất lượng điện đáp ứng nhu cầu khách hàng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)