Học sinh phải tiêm vaccine COVID-19 mới được đi học trực tiếp?

PV |

Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh, người giám hộ trẻ em nên đưa trẻ từ 5 tuổi trở lên đi tiêm chủng đầy đủ và kịp thời.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều tối 6/9, câu hỏi "có địa phương bắt buộc học sinh phải tiêm vaccine COVID-19 thì mới được đi học trực tiếp, vậy trong bối cảnh bình thường mới thì yêu cầu này có hợp lý? Nhiều trẻ không thể tiêm vaccine thì yêu cầu này có khiến các em thiệt thòi trong học tập?" đã được đặt ra.

Trả lời về vấn đề trên, Phó giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Chúng ta đều không mong muốn dịch bệnh bùng phát trở lại như năm 2021. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, các bậc phụ huynh, người giám hộ trẻ em nên đưa trẻ từ 5 tuổi trở lên đi tiêm chủng đầy đủ và kịp thời.”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo về việc tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 như công điện số 664/CĐ-TTg ngày 25/7/2022; Công điện số 755/CĐ-TTg ngày 25/8/2022 chỉ đạo đẩy mạnh và hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Kết luận phiên họp thứ 16 ngày 6/8/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Tiêm chủng vaccine phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân.

Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành tiêm vaccine phòng, chống dịch; lãnh đạo chính quyền các cấp phải có trách nhiệm triển khai tiêm chủng để đạt các mục tiêu đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng dẫn thông tin theo Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hiệp Quốc cho thấy tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ để chống lại COVID-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong, để các em sẵn sàng cho năm học mới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, các địa phương đang rất nỗ lực triển khai các biện pháp để tăng cường tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ; trong đó sự đồng thuận và ủng hộ của người dân là điều kiện tiên quyết để tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine, đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.

Tính đến hết ngày 5/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 257 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và là quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới (Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 trên tổng dân số đạt 56%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới).

Hiện tại, nhiều địa phương đã hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tiêm chủng và nỗ lực trong phòng chống dịch, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đất nước quay trở lại cuộc sống bình thường, khôi phục và phát triển kinh tế, trẻ em được đến trường học tập, vui chơi an toàn.

(Nguồn: Ngày Nay)

TAGS

Phụ huynh bị lập biên bản vì không cho con tiêm vaccine Covid-19

Thanh Mai |

 

“Việc lập biên bản cũng chỉ là một biện pháp nhằm nhắc nhở, vận động, tuyên truyền, chứ sẽ không phạt” – đại diện UBND phường Trần Phú chia sẻ.

Tiêm miễn phí vaccine phòng cúm, tiêu chảy, ung thư cổ tử cung

Thanh Mai |

Chính phủ đồng ý lộ trình tăng thêm bốn loại vaccine phòng rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa...

Biển thể phụ BA.5 có khả năng kháng vaccine ngừa COVID-19 gấp 4 lần

PV |

Hiện BA.5, biến thể phụ của Omicron, đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch COVID-19 trỗi dậy ở một số nước châu Âu.

Xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi

PV |

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 năm 2023 và tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.