Ngày 17/6, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của các nhóm cộng đồng trong chăm sóc, phát triển trẻ thơ toàn diện và phòng chống bạo lực gia đình”. Gần 100 đại biểu là lãnh đạo Hội LHPN các xã thuộc huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh và Gio Linh; chủ “Địa chỉ tin cậy” các thôn; ban điều hành Plan các xã tham dự.
Hội thảo nhằm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024; chương trình hợp tác năm 2024 giữa Hội LHPN tỉnh và Tổ chức Plan về thực hiện Dự án “Làm cha mẹ có trách nhiệm giới trong chăm sóc phát triển trẻ thơ toàn diện tại tỉnh Quảng Trị”, nhằm phát huy vai trò của các nhóm cộng đồng, đặc biệt là “Nhóm cha mẹ có con dưới 10 tuổi”, “Địa chỉ tin cậy” tại thôn bản trong tuyên truyền vận động phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Báo cáo kết quả thực hiện mô hình “Nhóm cha mẹ có con dưới 10 tuổi” và “Địa chỉ tin cậy”, Hội LHPN tỉnh cho biết, đối với Dự án 8, để thực hiện nội dung 2: “Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN tỉnh lựa chọn mô hình can thiệp, hỗ trợ chủ đạo là “Địa chỉ tin cậy”.
Trong dự án “Làm cha mẹ có trách nhiệm giới trong chăm sóc phát triển trẻ thơ toàn diện” với mục tiêu trẻ em gái và trẻ em trai dưới 10 tuổi được hỗ trợ chăm sóc và các dịch vụ cần thiết để khỏe mạnh và phát triển tối đa tiềm năng của mình, Hội LHPN tỉnh chọn mô hình cốt lõi được đầu tư triển khai là “Nhóm cha mẹ có con dưới 10 tuổi”.
Với mô hình “Địa chỉ tin cậy”, đã lan tỏa, thực hiện truyền thông cho cộng đồng về các vấn đề về bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ tại chỗ kịp thời cho người bị bạo lực; kết nối, chuyển gửi tới các dịch vụ liên quan. Mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Với mô hình “Nhóm cha mẹ có con dưới 10 tuổi”, đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các địa bàn triển khai mô hình, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm đáng kể, sức khỏe trẻ em được cải thiện, vệ sinh tốt hơn, ít bệnh tật hơn.
Đặc biệt, trẻ em tự tin, mạnh dạn hơn, phát triển ngôn ngữ tốt, lễ phép, biết tìm đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của người lớn khi gặp nguy hiểm. Các bậc cha mẹ vùng cao đã biết quan tâm nhiều hơn đến con em như chế độ dinh dưỡng phù hợp, dành nhiều thời gian hơn để gần gũi, chăm sóc con...
Hội thảo được nghe 6 tham luận, gồm: tăng cường sự tham gia của nam giới trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ toàn diện; vai trò các sáng kiến tại cộng đồng trong việc thúc đẩy chăm sóc và phát triển trẻ em; giải pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy”; tình trạng bạo lực gia đình, thuận lợi, khó khăn trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại địa phương...
Tại hội thảo, Hội LHPN tỉnh định hướng về phát triển và lồng ghép các mô hình cộng đồng vào hoạt động của hội nhằm duy trì và phát triển bền vững các mô hình nói trên.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)