Hướng Hóa chủ động phòng, chống thiên tai

Lê An |

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, cùng với dự báo về tình hình thiên tai năm nay, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang tích cực chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Thị trấn Lao Bảo có địa bàn rộng, nhiều tuyến giao thông đi qua các điểm có địa hình phức tạp, thường xuyên bị ngập úng khi có mưa lũ xảy ra. Do vậy, hằng năm địa phương đều chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai nhằm không để xảy ra thiệt hại về người, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.

Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Lê Bá Hùng thông tin, hằng năm, trước mùa mưa bão, địa phương đều tiến hành rà soát kiểm tra tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn có nguy cơ không đảm bảo an toàn hoặc có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; các hồ đập chứa nước trên địa bàn, nhất là các hồ đập ở đầu nguồn để có kế hoạch chủ động phòng tránh, sơ tán dân khi có tình huống xấu xảy ra.

Lực lượng xung kích hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho người dân Hướng Hóa khi sắp có mưa bão xảy ra - Ảnh: L.A
Lực lượng xung kích hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho người dân Hướng Hóa khi sắp có mưa bão xảy ra - Ảnh: L.A

Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, đặc biệt là theo dõi mực nước của sông Sê Pôn, các khe suối lớn như suối A Chùm, suối Ka Tăng. Hướng dẫn người dân chặt cây, tỉa cành, chằng néo nhà cửa, gia cố chuồng trại, chuẩn bị lồng, bè, phao cứu sinh, dây buộc để tự ứng cứu và sơ tán tài sản, chuẩn bị chuồng trại dự phòng ở nơi cao ráo để sơ tán gia súc, gia cầm. Triển khai các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) theo phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng phương án phòng tránh, sơ tán cụ thể cho từng gia đình, từng cụm dân cư.

Huyện cũng chỉ đạo người dân nhanh chóng thu hoạch các loại cây lương thực, thực phẩm ở các vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập úng, những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra đóng gói các tài sản, sản phẩm thu hoạch, vật dụng cần di chuyển để sơ tán khi cần thiết; chủ động tích trữ lương thực, nước uống đủ dùng từ 5 - 7 ngày khi có mưa bão xảy ra.

Thông báo, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của thị trấn, hệ thống loa của các khóm, bản và trên các trang mạng xã hội; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng loa cầm tay để người dân nắm bắt tình hình, diễn biến của mưa bão để chủ động phòng ngừa. Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực chiến, trực cơ động từ thị trấn đến từng khóm, bản, nhất là vào thời gian cao điểm xảy ra lũ lụt nhằm kịp thời ứng phó để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.

“Nhờ chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của cả hệ thống chính trị từ thị trấn đến khóm, bản, các đơn vị, các lực lượng trên địa bàn, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên nên người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra”, ông Lê Bá Hùng cho biết thêm.

Là địa phương miền núi, có nhiều sông suối, ngầm tràn cộng với địa hình phức tạp nên huyện Hướng Hóa thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như mưa lũ, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất...

Do vậy, để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường trong mùa mưa bão, với phương châm “phòng là chính”, hằng năm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hướng Hóa đã chủ động rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện, vật tư, hàng hoá phục vụ công tác PCTT&TKCN đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục và phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai. Kiểm kê trang thiết bị PCTT&TKCN từ cấp huyện đến cơ sở. Thường xuyên kiểm tra hồ, đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, hệ thống điện, thông tin, các công trình đang thi công xây dựng. Chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác thường trực phòng tránh, đối phó với các tình huống trong mùa mưa lũ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, để bảo đảm an toàn cho người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện yêu cầu tất cả các đơn vị, địa phương cùng với các hộ gia đình, tổ chức chính trị xã hội... quán triệt và thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Về chỉ huy tại chỗ đã kiện toàn ban chỉ huy các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên theo từng vùng, địa bàn trọng điểm; tổ chức trực 24/24 giờ khi thiên tai xảy ra. Về lực lượng tại chỗ đã thành lập, kiện toàn các đội xung kích PCTT tại cơ sở với số lượng từ 40 - 50 người/xã do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt và phân vùng ứng cứu cụ thể.

Tiến hành kiểm kê phương tiện, trang thiết bị, vật tư từ cấp huyện đến cơ sở; xây dựng phương án huy động trong Nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức khi cần thiết và tập kết vật tư tại các điểm cố định để ứng cứu kịp thời; huy động lực lượng giúp Nhân dân và các cơ quan, đơn vị chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở; sửa chữa, tu bổ, dọn vệ sinh các địa điểm dự kiến sơ tán người dân.

Địa phương cũng chủ động dự trữ vật tư, nhiên liệu, hàng hóa, lương thực, thực phẩm để điều hòa, bình ổn giá cả thị trường, cung ứng, phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Đồng thời, yêu cầu các công ty thủy điện, điện gió trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp, thực hiện tốt phương án phòng, chống lụt bão và an toàn công trình; thông báo cho thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện về tình hình lũ về hồ, mức xả lũ tại thời điểm và dự báo khả năng mức xả lũ theo quy trình, quy chế phối hợp phòng, chống lụt bão đối với công trình và phòng, chống lũ vùng hạ du.

“Nhờ chủ động các phương án, đặc biệt là triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” nên những năm trở lại đây thiệt hại do thiên tai gây ra ở huyện Hướng Hóa qua từng năm đã giảm đi đáng kể”, ông Lê Quang Thuận khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đà Nẵng khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở sau trận mưa lũ lịch sử

Quốc Dũng |

Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng ước tính thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 5 gây ra đối với hệ thống hạ tầng giao thông do Sở quản lý là 190,5 tỷ đồng.

Miền Trung khắc phục thiệt hại sau mưa lũ

Thanh Mai |

Tại các tỉnh miền Trung, nước lũ bắt đầu rút, người dân và các lực lượng vũ trang khẩn trương dọn dẹp.

Thừa Thiên Huế: Khắc phục hậu quả sau mưa lũ

Bảo Phú |

Theo ghi nhận, sáng nay, 17/10 mực nước trên sông Hương và sông Bồ đã xuống dần, một số tuyến đường đã được lưu thông. Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ với tinh thần “nước rút đến đâu, khắc phục đến đó”. 

Hải Lăng: gần 2.000 ngôi nhà bị ngập do mưa lũ

Lê An |

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ chiều ngày 14/10 đã làm nhiều tuyến đường giao thôn và gần 2.000 ngôi nhà trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bị ngập sâu.