Ngày 27/9, tại Quảng Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Noru (bão số 4) về tình hình triển khai các giải pháp ứng phó với bão; đi kiểm tra thực tế tình hình phòng chống bão tại các địa phương của tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; các phó chủ tịch UBND tỉnh tham dự cuộc họp.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng chống bão Noru của các địa phương, đã triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, chuẩn bị chu đáo cả về lực lượng, cơ sở vật chất để ứng phó với cơn bão. Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão Noru đã hoạt động tích cực, bám sát kiểm tra tình hình tại các địa phương để có chỉ đạo sâu sát, kịp thời.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, dù chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng thiên tai vô cùng phức tạp, khó lường, bão Noru dự báo rất mạnh, do đó tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương thống nhất, tập trung cao độ, huy động tối đa mọi lực lượng tham gia ứng phó bão. “Phải quán triệt tinh thần khẩn trương, khẩn trương hơn nữa để chạy đua với bão, đặt tính mạng của người dân lên trên hết trong công tác ứng phó với bão Noru”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát lại một lần nữa toàn bộ các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, khu vực tàu thuyền neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy sản, đảm bảo không còn người dân ở vùng nguy hiểm trước khi bão vào.
Đặc biệt rà soát toàn bộ tàu thuyền đã neo đậu tránh trú bão, tuyệt đối không để ngư dân ở lại trên tàu thuyền. Lưu ý để người dân yên tâm đi sơ tán tránh trú bão thì chính quyền các địa phương phải cắt cử lực lượng bảo vệ tài sản, bảo vệ tàu thuyền cho người dân. Đối với các khu dân cư bị tốc mái, sập đổ do ảnh hưởng của bão, bên cạnh việc ứng cứu người thì phải có trách nhiệm quản lý tài sản cho người dân.
Phải xác định nhiệm vụ để cắt cử lực lượng bảo vệ các công trình trọng điểm, nhất là các công trình có ảnh hưởng đến đời sống người dân như bệnh viện, hệ thống điện, đường sá đi lại... Chú trọng việc trực ứng cứu bảo vệ đê điều, hồ đập, điều tiết khoa học mực nước các hồ đập.
Chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ người dân sơ tán tránh trú bão, các vùng bị chia cắt, các trường hợp khó khăn. Tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được thông tin về cơn bão cũng như các biện pháp chỉ đạo đảm bảo an toàn trong bão, quản lý chặt chẽ các nút giao thông. Các địa phương, đơn vị cần xác định trọng tâm, trọng điểm để phối hợp xử lý kịp thời các sự cố xảy ra. Ban chỉ đạo tiền phương bám sát tình hình để chỉ đạo các địa phương sâu sát.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương không chủ quan, lơ là với tình hình sau bão, không để xảy ra sự cố đáng tiếc như đuối nước, tai nạn hi hữu...
Báo cáo công tác phòng chống bão Noru trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng thông tin, tỉnh đã tổ chức các đoàn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão tại các địa phương, đặc biệt là các xã ven biển và miền núi nằm trong vùng xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng.
Báo cáo của các địa phương tại cuộc họp cho biết, đến 17 giờ ngày 27/9 đã sơ tán 81.152 hộ/253.032 người, đạt 71% kế hoạch. Ở tất cả các địa phương không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Đã tạm dừng khai thác các cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku từ 12 giờ ngày 27/9 đến 12 giờ ngày 28/9. Các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tổ chức lực lượng quản lý giao thông trên Quốc lộ 1 từ 18 giờ đến 21 giờ ngày 27/9. Sẵn sàng ứng trực 244.768 cán bộ, chiến sĩ, 2.921 phương tiện; tổ chức bắn pháo hiệu tại 33 điểm ven biển.
Với tinh thần chủ động ứng phó, đặt việc bảo vệ an toàn tính mạng của người dân và các lực lượng lên hàng đầu, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh đã được kêu gọi vào bờ tránh trú bão an toàn, ngoài ra có 40 chiếc tàu thuyền ngoại tỉnh với 322 thuyền viên vào neo đậu, tránh trú trên địa bàn tỉnh, được hỗ trợ bố trí chỗ ở và sinh hoạt đảm bảo.
Toàn tỉnh đã tổ chức di dời 4.124 hộ dân với 12.926 người đến các nhà kiên cố như trường học, trụ sở cơ quan, nhà cộng đồng... Đồng thời tổ chức di dân tại chỗ từ các nhà dân thiếu kiên cố, thấp trũng sang các nhà dân kiên cố, cao ráo. Các lực lượng sẵn sàng về người và phương tiện tham gia ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Quảng Trị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão Noru và hoàn lưu bão có thể gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do lốc xoáy gây ra ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh; tình hình tránh trú bão của tàu, thuyền tại Khu neo đậu tàu thuyền Nam Cửa Việt và điểm di dân, tránh trú bão ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)