Ngày 29/03/2024, tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam (VARS) và UBND huyện Tuyên Hóa phối hợp tổ chức Chương trình Tham quan mô hình rừng trồng và Tọa đàm “Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh.
Đây cũng là sự kiện khởi đầu cho các hoạt động của Chương trình “Góp một cây để có rừng” năm 2024 và hưởng ứng Ngày Quốc tế về Rừng.
Quảng Bình là điểm khởi đầu của Chương trình “Góp một cây để có rừng”. Từ khu rừng đầu tiên tại bản Kè (Tuyên Hóa, Quảng Bình), Chương trình đã mở rộng diện tích rừng trồng tới 21 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La.
Trong năm 2023, VARS tiếp tục trồng mới thêm 52,8 hecta rừng tại Quảng Bình và 150 hecta rừng tại Quảng Trị, nâng diện tích rừng của Quảng Bình lên 233,6 hecta và Quảng Trị lên 267,9 hecta. Đồng thời, công tác chăm sóc 308,39 hecta rừng trồng năm 2021 và 2022 cũng được liên tục duy trì và đạt kết quả nghiệm thu tốt.
Như vậy, tính đến tháng 3 năm 2024, VARS đã hoàn thành việc trồng rừng trên hơn
500 hecta, tương đương với hơn 650.000 cây giống bản địa như Lim, Dổi, Huỷnh, Vàng Tim, Re, Lát, Xoan. Thành quả đó có được nhờ sự ủng hộ của rất nhiều hàng nghìn cá nhân cùng các tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng gây quỹ.
TS. Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Mô hình trồng và phục hồi rừng của VARS được xây dựng dựa trên nền tảng vận dụng tri thức bản địa, đặt người dân ở vị trí trung tâm, đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, các đối tác chuyên môn - kỹ thuật và những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có quan tâm. Để có được một mô hình bền vững, hiệu quả và phù hợp với cộng đồng bản địa là thử thách lớn, tuy nhiên, chỉ khi thực sự đi vào triển khai và rút kinh nghiệm từ những thiếu sót, từ từ hoàn thiện, chúng ta mới có thể xây dựng một mô hình hiệu quả. Đó là điều VARS đang nỗ lực thực hiện.”
Trong năm thứ 4 của Chương trình “Góp một cây để có rừng”, VARS đặt mục tiêu mở rộng thêm 200 hecta diện tích rừng, tại Quảng Bình và Quảng Trị. Ngoài ra, Chương trình cũng hướng tới triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong việc chăm sóc, theo dõi và quản lý rừng, nhằm tối ưu hiệu quả, tối giản chi phí, tập trung nguồn lực cho hoạt động trồng rừng. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở hoạt động trồng rừng, VARS sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi thông điệp trồng và giữ rừng bền vững, nhằm kêu gọi sự chung tay từ cả cộng đồng.
Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) đăng ký hoạt động từ tháng 12/2020, theo hình thức doanh nghiệp xã hội, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa.
Chương trình “Góp một cây để có rừng” là sáng kiến của VARS với hai dự án chính Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn sông Gianh và sông Thạch Hãn. Mục tiêu chính của Chương trình là vận động cộng đồng đóng góp để trồng các loài cây bản địa, gìn giữ và khôi phục rừng tự nhiên với khoản đóng góp là 50.000 đồng/cây xanh (chi phí cây giống, phân bón, công trồng, chăm sóc và bảo vệ đến năm thứ 3). Ngoài việc trực tiếp trồng rừng, Chương trình còn hướng tới đánh thức ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng, vận động mọi người không chỉ đóng góp cho dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.
Bằng thông điệp gửi tới cộng đồng “Góp một cây để có rừng”, tính tới ngày 21/3/2023, VARS đã nhận được hơn 17 tỷ đồng từ 3538 lượt đóng góp, là sự ủng hộ của 21 tổ chức, doanh nghiệp đồng hành như Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay, T&A Ogilvy, MUJI,... cùng hàng nghìn cá nhân.